Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Những chiến sĩ trên mặt trận nghệ thuật của Đặc khu Vĩnh Linh

Cách đây hơn nửa thế kỷ, vào tháng 2/1972, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ CHQS Đặc khu Vĩnh Linh quyết định thành lập Đội Tuyên truyền văn hoá, sau này gọi là Đoàn Nghệ thuật Bộ CHQS Đặc khu Vĩnh Linh. Với nhiệm vụ xây dựng chương trình và tổ chức biểu diễn nghệ thuật, giai đoạn 1972- 1976, Đoàn Nghệ thuật Bộ CHQS Đặc khu Vĩnh Linh đã có những đóng góp tích cực trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật, góp phần cổ vũ tinh thần cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tham gia công cuộc kháng chiến, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Tốp nữ Đoàn Nghệ thuật Bộ CHQS Đặc khu Vĩnh Linh thời chống Mỹ.

Hàng trăm đêm diễn phục vụ bộ đội và đồng bào

Theo tài liệu của ông Trần Biên, Đoàn Nghệ thuật Bộ CHQS Đặc khu Vĩnh Linh quân số ban đầu 29 đồng chí, sau này thời điểm cao nhất 36 người chia thành 3 tiểu đội, gồm những diễn viên, nhạc công tuyển chọn từ chiến sĩ thuộc biên chế của Bộ CHQS Đặc khu Vĩnh Linh và dân quân, thanh niên các xã có năng khiếu nghệ thuật, hạt nhân văn nghệ. Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Trọng làm đoàn trưởng; đạo diễn là Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ái Chủng; Thiếu uý Nguyễn Văn Dũng làm Chính trị viên.

Lúc đầu chưa có doanh trại, Ban Chỉ huy và 3 tiểu đội được chia ra ở 3 ngôi nhà đất, lợp tranh nằm ngay giữa vườn trồng tiêu của bà con thôn Nam Hùng, xã Vĩnh Nam (nay là xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh). Thời chiến, mỗi người mang một câu chuyện, nỗi đau trước những mất mát, nên xác định trách nhiệm của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, văn nghệ, dù trong điều kiện sinh hoạt, tập luyện gian khổ nhưng đoàn luôn dồn lực với cường độ cao, vừa sáng tác, dàn dựng, vừa tự thiết kế, chế tạo đạo cụ.

Với tinh thần không ngại hiểm nguy, anh chị em sẵn sàng lên đường đi bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào để đến với chiến sĩ, đồng bào. Nhờ sự đoàn kết, kỷ luật cao, đoàn vượt qua những năm tháng khó khăn, đồng lòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ đó kịp thời xây dựng nên hàng trăm đêm biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, hấp dẫn, đa dạng thể loại ca nhạc, kịch, hoạt cảnh được bộ đội ở các chốt, trận địa pháo, đơn vị bộ binh và Nhân dân hết mực yêu mến, mong đợi.

Ngoài ra đoàn còn tham gia một số chương trình lớn tại Đại hội Công - Nông - Binh Đặc khu Vĩnh Linh lần thứ nhất; đón chào Tổng Bí thư Georges Marchais cùng Đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản Pháp đến thăm Vĩnh Linh... Đoàn 2 lần tham dự hội thi, hội diễn văn nghệ lực lượng vũ trang, được Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tặng 2 bằng khen và nhiều huy chương vàng. Sau ngày giải phóng miền Nam, Đoàn Nghệ thuật Bộ CHQS Đặc khu Vĩnh Linh tiếp tục biểu diễn tại đảo Cồn Cỏ, vùng giải phóng Quảng Trị, các đơn vị bộ đội, khu vực biên giới, hải đảo trong và ngoài tỉnh.

Cổ vũ tinh thần cách mạng

Đặc khu Vĩnh Linh là nơi Đoàn Nghệ thuật Bộ CHQS thành lập, phát triển. Cũng từ đây, nhiều tên tuổi đã trưởng thành, như: nhạc sĩ, giảng viên thanh nhạc, NSƯT Minh Lạc; nhạc sĩ Minh Thuyết; nhà viết kịch, nhà thơ Cao Hồng Lĩnh; NSƯT Bích Tuyển; nhạc công Ngọc Tỵ, Đinh Nho Hòa, Văn Đản, Minh Thắng, Ngọc Trọng; nghệ sĩ thổi sáo Hoài Phương; ca sĩ Minh Kết, Hồng Toan, Anh Đào, Thanh Bình, Văn Hai, Mỹ Tình, Hương Thủy, Thùy Loan, Trọng Quýnh, Lệ Hằng và các diễn viên kịch Văn Qúy, Hiền Lương, Lê Dưỡng, Thanh Minh, Minh Lập…

Vượt qua nhiều khó khăn, Đoàn Nghệ thuật Bộ CHQS Đặc khu Vĩnh Linh luôn lạc quan, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Biết bao sáng tác mang hơi thở chiến trường và nhịp sống kháng chiến được thể hiện bằng nhiệt huyết của các nghệ sĩ, diễn viên đã trở thành tác phẩm, tiết mục đi cùng năm tháng giai đoạn đó. Có thể kể đến như: bài hát “O dân quân và anh lính pháo” của cố nhạc sĩ Ánh Dương, “Nữ du kích Trị Thiên đánh xe tăng” của cố nhạc sĩ Thái Quý; đồng ca “Ánh đèn trong đêm”, “Cây lúa Vĩnh Linh” của nhạc sĩ Năng An… Tất cả phản ánh chân thực ý chí, khí thế thi đua chiến đấu, sản xuất sôi nổi ở mọi miền quê, tuyên truyền truyền thống anh hùng cách mạng, công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước.

Trưởng Ban liên lạc Đoàn Nghệ thuật Bộ CHQS Đặc khu Vĩnh Linh Lê Thị Mỹ Tình kể lại: “Trong suốt 4 năm phục vụ ở khắp chiến trường, cơ sở, đi tới đâu đoàn cũng được bộ đội và Nhân dân hết lòng quý mến. Tôi còn nhớ lần đoàn theo lệnh biểu diễn ở đảo Cồn Cỏ. Sau bốn giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, ngay khi tàu cập bến đã thấy cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị đón tiếp rất chu đáo. Vào chương trình, bộ đội ngồi xem mà tư thế vẫn ôm súng sẵn sàng như ở trận địa! Tiết mục ngâm thơ “Đón Bác vào thăm quê cháu” của cố nhà thơ Hải Hiền và đơn nữ cùng tốp nam phụ họa bài hát “O dân quân và anh lính pháo” của cố nhạc sĩ Ánh Dương được các chiến sĩ yêu cầu biểu diễn lại nhiều lần. Đến vở kịch thơ “Đường biển” của nhà biên kịch Dũng Hùng và cố nhà văn Xuân Đức, nói về hành trình bà con các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, Vĩnh Quang, Vĩnh Giang vượt biển, tiếp tế lương thực, vũ khí, nước ngọt ra đảo trong những năm “mưa bom bão đạn”. Toàn sân khấu lặng đi như đang kính cẩn nghiêng mình mặc niệm những du kích, ngư dân không ngần ngại xả thân mình đem lại sự sống còn cho đảo, mãi không bao giờ trở lại đất liền… Kết thúc chương trình, cán bộ, chiến sĩ chia sẻ, những món quà từ lời ca, vở diễn đoàn mang đến đảo đã tiếp thêm động lực để giữa muôn trùng sóng gió anh em càng nỗ lực, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ vững chắc vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc.

Hay mùa thu năm 1975, đơn vị nhận lệnh điều động lên vùng miền núi phía Tây Vĩnh Linh với bà con đồng bào Vân Kiều. Vượt qua bao cung đường đồi núi dựng đứng đoàn mới đến nơi, tập kết tại một thung lũng nằm giữa bản. Chiều nhá nhem tối mới dựng xong sân khấu. Đêm diễn đầu tiên, bà con đến rất đông, nhưng sát giờ diễn trời bỗng đổ mưa rất lớn, đành phải hoãn. Đêm thứ 2, cũng vừa mở màn vài phút thì trời bắt đầu mưa nặng hạt. Song bà con vẫn nán lại chờ ở dưới sân khấu, chẳng ai ra về. Ban Chỉ huy quyết định đoàn diễn theo đúng kịch bản.

Dù hết sức cẩn thận song mưa lớn nên chỉ một vài động tác chạy nhảy, không ít diễn viên vẫn bị trơn trượt ngã nhoài ngay giữa sân khấu, mọi người nén đau, bình tĩnh dìu nhau tiếp tục thể hiện đúng nội dung tác phẩm. Bà con ngồi dưới không mũ nón, áo mưa, vừa vuốt nước trên mặt vừa xem, vỗ tay động viên. Cứ thế trong màn mưa, người diễn hết lòng diễn, người xem say sưa theo dõi, chương trình thành công ngoài mong đợi, xúc động lắm! Hôm sau đến lúc chia tay, các bọ, các mạ bắt tay từng người trong đoàn và dặn “lần sau lại lên nữa các con nghe, đồng bào nhớ bộ đội nhiều lắm”. Với chúng tôi đó mãi là những tình cảm không bao giờ quên!”.

Cuộc gặp mặt sau hơn nửa thế kỷ…

Nước nhà thống nhất, năm 1976, 4 đơn vị hành chính Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Đặc khu Vĩnh Linh chính thức sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên. Hoàn thành sứ mệnh của mình, Đoàn Nghệ thuật Bộ CHQS Đặc khu Vĩnh Linh giải thể. Thời điểm đó, một số đồng chí chuyển ngành, theo học các trường trung cấp, cao đẳng rồi xuất ngũ về địa phương. Số khác chuyển vào Bộ CHQS Bình Trị Thiên, hoạt động thuộc Đoàn Nghệ thuật Bộ CHQS Bình Trị Thiên, phục vụ nhiệm vụ chính trị lực lượng vũ trang đến khi chia tách tỉnh.

Những năm tháng “tiếng hát át tiếng bom” vẫn vẹn nguyên trong ký ức của các thành viên Đoàn Nghệ thuật Bộ CHQS Đặc khu Vĩnh Linh năm ấy.

Và sau ngần ấy thời gian, tháng 7/2023, tại Ban CHQS huyện Vĩnh Linh, Đoàn Nghệ thuật Bộ CHQS Đặc khu Vĩnh Linh đã tổ chức gặp mặt kỷ niệm 51 năm ngày thành lập (1972- 2023). Gần 40 diễn viên, nhạc công khắp các tỉnh, thành phố: Sài Gòn, Bình Dương, Đà Nẵng, Vinh, Hà Nội… và từ nước Pháp tìm về. Họ cùng nhau ôn lại ký ức những năm tháng thanh xuân tươi đẹp, gắn bó với đất thép Vĩnh Linh anh hùng, mang lời ca, vở diễn làm vũ khí, đồng lòng, đồng sức cùng bộ đội, Nhân dân chống giặc Mỹ xâm lược. Đặc biệt, một chương trình nghệ thuật được tập luyện, công diễn. Nhiều tiết mục từ chiến hào, ụ súng một thời lại vang lên. Những cô gái, chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi hơn 50 năm trước, nay đã ngoài 70, 80, song vẫn biểu diễn bằng vẹn nguyên cảm xúc năm nào, khiến cả người diễn lẫn người xem đều vô cùng xúc động.  

Xin được trích dẫn đoạn thơ trong bài thơ một khách mời gửi tặng Đoàn Nghệ thuật Bộ CHQS Đặc khu Vĩnh Linh nhân ngày gặp mặt kỷ niệm 51 năm thành lập, như lời tri ân những cống hiến của các chiến sĩ trên mặt trận nghệ thuật của Đặc khu Vĩnh Linh ngày ấy!

Có một thời như thế đã đi qua

Nửa thế kỷ hẹn nhau về gặp mặt

Kỷ niệm những ngày bão đạn, mưa bom

Tiếng hát vút cao nơi chiến hào, trận địa

Trận tuyến là đây, nào các anh, các chị

Đất lửa quê mình đánh Mỹ đã từng quen

“Tôi là dân quân đất tuyến Vĩnh Linh...”.

Giọng ngâm thơ giục bàn chân chiến sĩ

Cồn Cỏ anh hùng vùi chôn quân cướp Mỹ

Tiếng hát ngân dài vượt sóng đến đảo xa    

Những tháng, những năm sống giữa ân tình

Ngày trở về buồn vui nhòa khóe mắt

Có một tượng đài chưa kịp dựng lên

Chất liệu là cây đàn, khúc hát

Xin đừng lãng quên một thời đánh giặc

Một thời hào hùng, “tiếng hát át tiếng bom”.

Nguyễn Trang

Bài viết liên quan