Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Tổng Bí thư Lê Duẩn với quê hương Quảng Trị
- 05-07-2022
- 244 lượt xem
TBT Lê Duẩn thăm Đồn Công an vũ trang Hiền Lương năm 1972.
Đồng chí Lê Duẩn với quê hương Quảng Trị
Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị mãi mãi tự hào về đồng chí Lê Duẩn - người con ưu tú của quê hương mà tên tuổi và sự nghiệp gắn liền với một chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc, mãi sống với non sông đất nước; và chính đồng chí Lê Duẩn cũng rất tự hào về miền đất và con người Quảng Trị. Sinh thời, mặc dù gánh vác nhiệm vụ nặng nề của Đảng và nhân dân giao phó, đồng chí vẫn luôn nhớ về Quảng Trị, quê hương nghèo khó nhưng sâu nặng nghĩa tình, mảnh đất đã sản sinh, nuôi dưỡng và tiếp sức cho đồng chí trong những năm tháng sống, chiến đấu vô cùng gian lao vất vả. Bên nỗi lo chung cho non sông đất nước, đồng chí luôn dành tình cảm ưu ái cho quê hương, thường xuyên theo dõi sát sao phong trào cách mạng quê nhà.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù thời gian hoạt động của đồng chí Lê Duẩn ở Quảng Trị không dài nhưng vai trò của đồng chí đối với phong trào cách mạng ở Quảng Trị là hết sức quan trọng. Đặc biệt trong giai đoạn 1936-1939, những đóng góp của đồng chí trong chỉ đạo, khôi phục lại tổ chức Đảng và phát động cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ đã để lại dấu ấn rất sâu sắc.
Bước vào năm 1936, nhiều cán bộ, đảng viên Quảng Trị do bị giam cầm lâu ngày, mới ra khỏi nhà tù Đế quốc, chưa liên lạc được với cấp trên nên chưa nắm vững chủ trương, chính sách, phương thức hoạt động của Đảng trong tình hình mới. Một số vẫn giữ quan điểm hoạt động theo phương thức cũ, không theo đường lối công khai, hợp pháp; một số tuy nhạy bén với tình hình nhưng chưa tiếp thu được chủ trương mới nên lúng túng trong hoạt động. Trước tình hình đó, ngay sau khi thoát khỏi nhà tù Côn Đảo (10/1936), đồng chí Lê Duẩn đã về ngay Quảng Trị, chỉ đạo cán bộ, đảng viên nhanh chóng bắt liên lạc với các cơ sở cũ. Đồng chí đã đi khắp các địa bàn để nắm tình hình và tổ chức truyền đạt cho các Đảng viên cộng sản về tinh thần Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế cộng sản, Nghị quyết Đại hội Đảng cộng sản Đông Dương lần thứ nhất…. Đồng chí đã tập hợp lực lượng thanh niên ở các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Hải Lăng để tuyên truyền, giác ngộ, đưa họ vào tổ chức, tham gia hoạt động cách mạng.
Với sự năng động, nhiệt tình và tư duy lý luận sâu sắc, nhạy bén, đồng chí đã nhanh chóng tập hợp được những cán bộ cốt cán làm hạt nhân lãnh đạo phong trào, chắp nối được các cơ sở Đảng, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận dân chủ. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn các tổ chức cơ sở Đảng được khôi phục và đến cuối năm 1936, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Trị được thành lập gồm các đồng chí Lê Duẩn, Hồ Xuân Lưu, Nguyễn Hữu Khiếu, Trần Mạnh Quỳ.
Tiếp thu đường lối đấu tranh cách mạng mới do đồng chí Lê Duẩn truyền đạt, hưởng ứng phong trào Đông Dương đại hội. Đặc biệt, phong trào đón Gôđa ở Quảng Trị đã gây tiếng vang lớn, lan rộng trong toàn xứ Trung Kỳ. Sau cuộc biểu tình đón Gô đa, mặc dù Đế quốc Pháp và phong kiến Nam triều tìm cách hạn chế hoạt động của các “cựu chính trị phạm”, song dưới sự chỉ đạo sâu sát và khôn khéo của đồng chí Lê Duẩn, phong trào cách mạng ở Quảng Trị đã phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu, các tổ chức hợp pháp và nửa hợp pháp như hội hiếu, tổ đọc sách báo... có tác dụng lớn cho việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng.
Cũng trong giai đoạn này, đồng chí Lê Duẩn đã rất chú trọng nhiệm vụ củng cố, phát triển tổ chức Đảng. Trong quá trình lên Ba Lòng buôn bán để gây quỹ cho tổ chức cách mạng, đồng chí đã tìm cách xây dựng cơ sở Đảng; thông qua việc tổ chức cho quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng để xây dựng và củng cố tổ chức. Nhờ vậy, trong thời gian ngắn, Tỉnh uỷ lâm thời được sớm thành lập, các cơ sở phục hồi khắp nơi. Tháng 6/1937, đồng chí Lê Duẩn đã trực tiếp chỉ đạo Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh, chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm là củng cố, phát triển Đảng, tố chức Đảng theo lối bí mật; quyết định thành lập Huyện uỷ và xây dựng các chi bộ Đảng ở các làng, xã; đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các tổ chức quần chúng theo hình thức công khai hợp pháp và nửa hợp pháp; quyết định xuất bản báo Tranh đấu và bầu Ban chấp hành Đảng bộ do đồng chí Hoàng Hữu Chấp làm Bí thư.
Đến cuối năm 1937, huyện uỷ Triệu Phong, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Cam Lộ, Gio Linh đều được thành lập. Đến 1938, mặc dù bị địch khủng bố, đàn áp, phong trào đấu tranh vẫn được duy trì rộng khắp các địa bàn toàn tỉnh, số lượng đảng viên của Đảng bộ tăng lên, toàn tỉnh có 40 chi bộ với 200 đảng viên. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở Trung Kỳ thành lập được Đảng bộ chính thức.
Trước những chuyển biến hết sức phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, nhận thấy đấu tranh công khai, hợp pháp không còn phù hợp, đồng chí Lê Duẩn chỉ đạo Đảng bộ tỉnh chuyển hướng công tác, giữ gìn cơ sở, và chủ trương các cán bộ huyện, tỉnh phải sẵn sàng thoát ly, tạm ẩn náu trong lúc địch ráo riết khủng bố. Nhờ quán triệt tốt tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn, trong các đợt địch khủng bố, hầu hết các cán bộ tỉnh được bảo vệ, phong trào cách mạng Quảng Trị vẫn được duy trì và phát triển, liên tiếp giành được những chiến công to lớn, góp phần cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là một địa bàn chiến lược, nơi đụng đầu trực tiếp của hai chế độ. Quảng Trị đã luôn được Bác Hồ, đồng chí Lê Duẩn cùng Bộ Chính trị theo dõi, chỉ đạo, cổ vũ, động viên. Đó là động lực to lớn để Đảng bộ, quân, dân Quảng Trị nêu cao truyền thống anh hùng bất khuất, phát huy sức mạnh tổng hợp để chiến đấu và chiến thắng, lập nên nhiều chiến công vang dội làm nức lòng cả nước.
Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng phải trải qua nhiều thử thách, cam go. Sau các đợt “tố cộng, diệt cộng” khốc liệt của Mỹ-Diệm, ở Quảng Trị phong trào cách mạng đứng trước tình thế hết sức nghiêm trọng. Tháng 10/1957, Tỉnh ủy Quảng Trị mở hội nghị tại số nhà 55 - Hàng Chuối, Hà Nội. Đồng chí Lê Duẩn trực tiếp đến dự hội nghị và truyền đạt tinh thần Đề cương cách mạng miền Nam. Đồng chí phân tích cụ thể tình hình cách mạng, nhắc nhở, trước hết mỗi Tỉnh uỷ viên, Huyện uỷ viên phải đi về nơi mình am hiểu nhất để xây dựng cơ sở Đảng.
Từ phương hướng, chiến lược đấu tranh tài tình, sáng tạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp là đồng chí Lê Duẩn; Tỉnh ủy Quảng Trị thoát khỏi tình trạng bế tắc, lúng túng về đường lối, phương châm, phương pháp đấu tranh; bước đầu khắc phục tư tưởng dao động, hoài nghi trong cấp uỷ. Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị được tiếp thêm sức mạnh mới, vững vàng vượt qua thử thách, gian lao, phát huy cao độ truyền thống kiên cường, bất khuất, chủ động và sáng tạo lập nên nhiều chiến công vang dội. Từ phong trào đồng khởi miền núi năm 1960 đến phong trào đồng khởi nông thôn đồng bằng 1964, thực lực cách mạng của tỉnh đã lớn mạnh gấp nhiều lần. Căn cứ cách mạng nối liền với Vĩnh Linh-miền Bắc xã hội chủ nghĩa và Thừa Thiên, tạo thế liên hoàn chiến lược. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã góp sức xứng đáng vào thắng lợi giòn giã tại mặt trận Khe Sanh, thực hiện đúng sự chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn trong Thư gửi Trung ương cục và Quân uỷ Miền Nam ngày 18 tháng 01 năm 1968: “Giáng cho chúng những đòn tiến công sấm sét làm thay đổi cục diện chiến tranh, làm lung lay hơn nữa ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược, phải xuống thang chiến tranh”. Đó cũng là kết quả của quá trình vận động quần chúng, xây dựng cơ sở theo kinh nghiệm của đồng chí Lê Duẩn, Quảng Trị trở thành điểm sáng trong công tác phát động quần chúng, vinh dự báo cáo điển hình tại Hội nghị Khu uy Khu 5 năm 1964.
Cùng với Bác Hồ và Bộ Chính trị lãnh đạo cuộc chiến đấu của cả nước, trên cương vị là Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn dành nhiều thời gian nghiên cứu vị trí chiến lược của Trị - Thiên, theo dõi sát sao diễn biến ở chiến trường, để có những chỉ đạo cụ thể. Đồng chí chỉ rõ những khó khăn, thuận lợi cũng như những mặt còn yếu cần nhanh chóng khắc phục nhằm tạo chuyển biến lớn trên chiến trường Trị-Thiên. Được sự chỉ đạo đúng đắn của đồng chí Lê Duẩn, Quảng Trị ra sức xây dựng căn cứ địa vững mạnh, phát triển lực lượng, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực và nước bạn, giành thắng lợi to lớn trong chiến dịch đường 9-Nam Lào (1971) đẩy địch vào thế co cụm, hoang mang, dao động. Trên đà thắng lợi, Quảng Trị mở cuộc tiến công và nổi dậy chiến lược năm 1972, giải phóng một tỉnh đầu tiên của miền Nam.
Ngay sau khi quê hương được giải phóng, đồng chí Lê Duẩn đã chia sẻ niềm vui với Đảng bộ Quảng Trị: Chưa bao giờ cuộc kháng chiến của ta có được thế trận tốt và lực lượng hùng hậu như ngày nay. Đồng thời, đồng chí phân tích cặn kẽ tình hình mới và chỉ ra những nhiệm vụ cần thiết trước mắt của Quảng Trị: nắm chắc tình hình, kiên quyết tiến lên giành thắng lợi mới, đẩy mạnh phong trào cách mạng ở vùng địch kiểm soát, thực hiện chính sách hoà hợp dân tộc ở vùng mới giải phóng nhằm ổn định chính trị, tạo cơ sở từng bước ổn định đời sống, ổn định kinh tế.
Đất nước hoà bình, thống nhất, trong một lần về thăm quê (ngày 2/8/1978) bồi hồi xúc động khi thấy quê hương tiêu điều xơ xác do chiến tranh tàn phá, đồng chí nói: “Đối với tất cả chúng ta quê hương biết bao tình sâu nghĩa nặng, riêng tôi ngoài công việc chung của cả nước vẫn thường nghĩ đến tỉnh nhà và tự hỏi không biết đồng bào trong tỉnh từ ngày giải phóng đến nay như thế nào”. Về thăm quê hương, cùng với lãnh đạo tỉnh, đồng chí dành thời gian thăm những cơ sở đã từng chăm sóc, bảo vệ phong trào, bảo vệ Đảng những lúc khó khăn nhất để đáp lại nghĩa tình sâu nặng của đồng bào, đồng chí, thăm những gia đình liệt sĩ, thương binh, những người già cả, neo đơn. Trong những lần về thăm quê, đồng chí Lê Duẩn đã để lại cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà những tình cảm sâu nặng và nhiều kỷ niệm sâu sắc. Khi vào thăm Vĩnh Linh đồng chí căn dặn “...Bấy giờ tất cả đều làm chủ chế độ mới, xây dựng một nền kinh tế mới, phải đảm bảo đời sống mới của mọi người no đủ...”. “Nếu trong tỉnh này mà còn một gia đình nào đó con không có áo bận... thì tôi không chịu... và không cho phép làm chuyện đó”.
Mặc dù bộn bề công việc trong những lần về Quảng Trị, đồng chí đã đi thăm hầu hết các huyện, thị trong tỉnh như Hướng Hoá, Đông Hà, Vĩnh Linh, Triệu Hải (Hải Lăng, Triệu Phong). Đồng chí rất vui khi quê hương đổi mới “Tôi về đây thấy con sông Thạch Hãn có nước tôi mừng lắm - nghe ai cũng học cấp II, cấp III - Trước bảo Quảng Trị nghèo, bây giờ không nghèo nữa.....”.
Tình cảm của đồng chí Lê Duẩn đối với quê hương Quảng Trị thật sâu đậm, thật gần gũi. Sự quan tâm của đồng chí Lê Duẩn đối với Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị không chỉ là tình cảm, là trách nhiệm của lãnh đạo đối với nhân dân mà còn là những tình cảm chân thành của người cách mạng đối với đất mẹ, tình cảm của thế hệ người đi trước đối với lớp con cháu hôm nay. Hình ảnh của đồng chí Lê Duẩn, những buổi gặp gỡ, chuyện trò chứa chan tình cảm giữa đồng chí với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, những lời nói ấm áp, chân tình và những giọt nước mắt vui sướng của đồng chí, mãi mãi khắc sâu trong ký ức và tâm khảm của đồng bào, đồng chí quê hương.
Ngày 10/7/1986, đồng chí Lê Duẩn giã từ cõi đời ở tuổi 79 trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị ai cũng lặng người vì xúc động, đau đớn, tiếc thương. Trong lễ viếng, cùng với đoàn đại biểu Quảng Trị, bà con, cô bác, các cháu thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tập trung quanh ngôi nhà đồng chí; trước nén hương thơm và linh hồn của người con vĩ đại, ai cũng kính cẩn, nghiêng mình và thầm hứa với đồng chí phải quyết tâm làm nhiều, làm tốt hơn nữa để không phụ lòng mong ước của đồng chí.
Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị phát huy truyền thống anh hùng, quê hương Tổng Bí thư Lê Duẩn trong xây dựng, đổi mới và phát triển
50 năm sau ngày quê hương giải phóng, hơn 35 năm cùng cả nước trên con đường đổi mới, thực hiện những tâm huyết và hoài bão của đồng chí Lê Duẩn trong những lần về thăm quê, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Quảng Trị phát huy truyền thống yêu nước, cần cù trong lao động, đoàn kết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; tích cực đổi mới cả tư duy và hành động trên tất cả các lĩnh vực, đề ra nhiều chủ trương mang tính đột phá, mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển. Đặc biệt, từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, bằng sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của toàn Đảng bộ, tỉnh Quảng Trị nỗ lực vươn lên đạt được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực.
Nền kinh tế liên tục ổn định và phát triển, giai đoạn 2015-2020, GDP tăng bình quân 7,16%/năm. Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, nhưng Quảng Trị đã có 7/21 chỉ tiêu chủ yếu đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6,5% so với năm 2020 (xếp thứ 3 trong 14 tỉnh, thành Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung và thứ 18 trong cả nước). Thu ngân sách nhà nước trên 5.511 tỷ đồng, đạt 159,8 % dự toán địa phương và 192,6% dự toán Trung ương. Tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 70 dự án với tổng vốn đăng ký trên 72 nghìn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện được 28.676 tỷ đồng, vượt 29,7% kế hoạch. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thật sự góp phần thay đổi diện mạo vùng quê, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Toàn tỉnh có 63/101 (62,4%) xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt nhiều kết quả. Quảng Trị đang tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, tạo chuỗi liên kết để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước và vươn ra các thị trường nước ngoài. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả toàn diện và thiết thực. Sản lượng lương thực có hạt đạt 29,46 vạn tấn năm 2021, tăng 1,8% so với năm 2020. Các loại cây công nghiệp, đặc biệt là cao-su, hồ tiêu, cà-phê đã phát triển thành các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Từ “vành đai trắng” chằng chịt dấu vết bom cày đạn xới năm xưa, màu xanh của những tập đoàn cây công nghiệp và những cánh rừng non tươi đã vươn dài phủ kín đất trống, đồi núi trọc.
Công nghiệp từ chỗ là vùng trắng, đến nay đã có bước phát triển đột phá. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 ước tính tăng 9,68% so với năm 2020, trong năm đã có 17 dự án điện gió đưa vào vận hành thương mại, đưa tổng công suất nguồn điện trên địa bàn tỉnh đến nay đạt 965,6MW (trong đó điện gió 671 MW, điện mặt trời 127 MW, thủy điện 167,5 MW). Mục tiêu đến năm 2030 tổng công suất nguồn điện trên địa bàn tỉnh đạt trên 10.000 MW, Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung. Trên toàn tỉnh đã hình thành các khu công nghiệp quy mô khá lớn như Nam Ðông Hà, Quán Ngang, Tây Bắc Hồ Xá, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, các cụm công nghiệp - làng nghề của các huyện, thị đã và đang thu hút nhiều dự án đầu tư. Khu Kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị đã được thành lập với quy mô 23.762 ha, cùng với Khu Công nghiệp Quảng Trị (VSIP 8), Khu kinh tế Đông - Nam hứa hẹn sẽ tạo ra động lực phát triển kinh tế vùng, tạo sự liên kết hợp tác phát triển kinh tế với các nước trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC).
Thương mại - dịch vụ mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng vẫn có bước tăng trưởng khá. Năm 2021, ước tính chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3% so với năm 2020, chỉ số giá vàng tăng 17%, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 1,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 32.858,10 tỷ đồng, tuy chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn tăng 6% so với năm 2020; nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 2,93% so với năm 2020.
Hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 640,9 triệu USD năm 2021, tăng 246,4% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều cửa hàng, cửa hiệu văn minh, hiện đại ra đời đã làm thay đổi bộ mặt đô thị. Với lợi thế nổi trội là đầu cầu của Hành lang kinh tế Đông - Tây về phía Việt Nam, Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực góp phần biến hành lang giao thông thành hành lang kinh tế, hành lang công nghiệp và không xa là hành lang năng lượng. Du lịch phát triển ngày càng mạnh mẽ, đa dạng khai thác được nhiều lợi thế, tiềm năng của tỉnh; hạ tầng các khu, cụm, điểm du lịch được quan tâm đầu tư. Những địa danh lịch sử cách mạng cấp quốc gia như: Thành Cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải được trùng tu, tôn tạo, góp phần quan trọng giáo dục truyền thống và khai thác phục vụ du lịch. Quảng Trị cũng là nơi có nhiều lễ, hội truyền thống cách mạng như: Liên hoan tiếng hát Đường 9 xanh, Nhịp cầu xuyên Á, Thống nhất non sông, Huyền thoại Trường Sơn, Tri ân tháng 7... đã mở ra nhịp cầu giao lưu văn hóa, thu hút du lịch, đầu tư trên các lĩnh vực dịch vụ vận tải logicstic, bưu chính - viễn thông, bảo hiểm, tư vấn...
Trong những lần về thăm quê, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn căn dặn phải hết sức chăm lo đến đối tượng chính sách, người có công, quan tâm chăm sóc người già, hộ nghèo khó... vì những việc đó thể hiện đạo lý cao đẹp của dân tộc ta, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta “chứ không phải chỉ là những lời nói suông”. Thực hiện lời dạy của đồng chí Lê Duẩn, Quảng Trị đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, các chính sách cho 142.500 người có công cách mạng, trong đó có 22.055 liệt sỹ, 2.563 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thay mặt cả nước chăm sóc chu đáo gần 55.000 mộ liệt sỹ là con em của 52 tỉnh, thành trong cả nước. Hằng năm tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho công tác xóa đói, giảm nghèo, đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 5,33%, giảm bình quân 1,77%/năm. Tỉnh thực hiện tốt việc hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách, giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã đào tạo nghề cho 60.947 người; năm 2021, tạo việc làm mới cả năm cho 11.025 lao động, đạt 100,23% kế hoạch đề ra, trong đó riêng xuất khẩu lao động là 720 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo so với tổng số lao động ước đạt 68,5%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32%, đạt 100% kế hoạch đề ra.
Công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được triển khai tích cực, hiệu quả. Với mục tiêu “không để ai ở lại phía sau”, công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch. Đã có nhiều tập thể, cá nhân tham gia ủng hộ bằng vật chất và tinh thần kịp thời cho công tác phòng, chống dịch, nhất là các hoạt động hỗ trợ cho nhân dân các bộ tộc Lào có chung đường biên giới, hỗ trợ cho nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam..., thể hiện lòng yêu nước, tình đoàn kết, nghĩa đồng bào. Nhiều cán bộ y tế tỉnh nhà đã tình nguyện đi vào tâm dịch, sẵn sàng “chia lửa” với đồng nghiệp ở tỉnh Bình Dương.
Tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, sự nghiệp giáo dục, đào tạo của tỉnh đạt nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận, học sinh Quảng Trị tham gia và đạt nhiều giải cao trong các sân chơi trong nước và quốc tế. Tỉnh rất chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn ở các cấp học, ngành học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng giáo dục; năm 2021, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ước đạt 60% (đạt 100% kế hoạch). Kỳ thi THPT quốc gia năm 2021 trên địa bàn tỉnh diễn ra thành công, tốt đẹp, kết quả xét công nhận tốt nghiệp đạt 94,09%. Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên, đã có 100% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,5% (2021). Ngành y tế được đầu tư trang thiết bị kỷ thuật mới, hiện đại, thực hiện tốt vai trò nòng cốt, chủ động, tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Công tác phòng chống dịch Covid-19, với cách tiếp cận phù hợp, sát với tình hình, diễn biến của dịch bệnh trong từng giai đoạn, linh hoạt trong triển khai thực hiện, nhất là trong tình hình mới theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phát triển mạnh, đều khắp, thu hút sự đồng tình tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Đến năm 2021, toàn tỉnh có 92,1% gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 98,7% làng, bản, khu phố được công nhận văn hóa; 93,9% cơ quan, đơn vị được công nhận văn hóa. Quảng Trị đã khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa của quê hương, những phẩm chất, cốt cách tốt đẹp của người Quảng Trị“yêu lao động, giàu tình thương, trọng lẽ phải” mà Tổng Bí thư Lê Duẩn - người con ưu tú của quê hương từng chỉ dạy.
Là địa bàn trọng yếu về quốc phòng- an ninh, xác định quan điểm thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng- an ninh sẽ tạo môi trường và điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, những năm qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả việc phối hợp phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng- an ninh; thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, an ninh chính trị được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo.
Công tác xây dựng Đảng được triển khai đồng bộ với nhiều cách làm mới, sáng tạo. Sinh thời, đồng chí Lê Duẩn hết sức chăm lo công tác xây dựng Ðảng, trong mỗi lần về thăm quê, đồng chí Lê Duẩn luôn căn dặn lãnh đạo tỉnh “…làm việc gì cũng phải xác định là người đại diện cho Ðảng, Nhà nước và nhân dân”. Thực hiện lời dạy của đồng chí, Ðảng bộ Quảng Trị luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”, đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Ðảng trên cả bốn mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được đổi mới. Bộ máy chính quyền các cấp vận hành hiệu quả. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh được chú trọng. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh năm 2020 đạt 44,78 điểm, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành, tăng 28 bậc so với năm 2019. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2020 xếp thứ 39 với 83,64 điểm. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ngày càng chuyển biến tích cực theo hướng gần dân, sát dân. Dân chủ được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố, tăng cường. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
Bước tiếp trên chặng đường mới, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, Ðảng bộ và nhân dân Quảng Trị xác định mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; xây dựng chính quyền năng động, sáng tạo, hiệu quả và liêm chính, phục vụ Nhân dân. Phát huy ý chí, khát vọng vươn lên và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; năm 2030, Quảng Trị thuộc nhóm khá của cả nước.
Trên con đường đổi mới, Quảng Trị có nhiều thuận lợi và cơ hội lớn, nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị mãi mãi trân trọng giữ gìn và phát huy những di sản quý báu, nguyện ra sức học tập tấm gương của đồng chí Lê Duẩn luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, tiếp tục con đường mà Đảng, Bác Hồ và cả dân tộc ta đã chọn. Kỷ niệm 115 năm ngày sinh của đồng chí Lê Duẩn là dịp để toàn Đảng và toàn dân ta ôn lại và tôn vinh công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của đảng và nhân dân ta. Noi gương đồng chí, toàn đảng, toàn quân và toàn dân ta tăng cường đoàn kết, nhất trí, tranh thủ thời cơ, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thử thách, quyết tâm giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế, thực hiện có kết quả Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cùng với các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là quê hương của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn kính yêu.
BBT
- Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (05/07/2022)
- Chú trọng phát triển CĐCS khối doanh nghiệp ngoài nhà nước (05/07/2022)
- Chủ động ứng phó với mưa lớn diện rộng, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và gió mạnh trên biển (05/07/2022)
- Chủ động ứng phó với mưa lớn diện rộng, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và gió mạnh trên biển (03/04/2022)
- Quán triệt chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2022 (31/03/2022)
- Huyện ủy Vĩnh Linh: Trực báo nội chính Quý I/2022 (31/03/2022)
- Hướng dẫn mới nhất về tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi (31/03/2022)
- Trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho 2 đảng viên lão thành (31/03/2022)
- Tổ chức lễ truy điệu và an táng 16 hài cốt liệt sỹ (31/03/2022)
- Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (31/03/2022)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)