Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Chuyên đề năm 2023 (P2): Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới
- 20-02-2023
- 18360 lượt xem
Trong cách nhìn bao quát của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, Người đặc biệt coi trọng việc xây dựng những con người Việt Nam có văn hóa, nền văn hóa của mỗi dân tộc đó xây dựng nên. Vì vậy không thể tách rời việc xây dựng nền văn hóa với việc hình thành những con người mang bản chất, đặc tính của nền văn hóa ấy.
Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, tối 31/5/1969, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng thiếu nhi Thủ đô xem biểu diễn văn nghệ chào mừng Bác (Ảnh TTXVN).
Quan niệm về con người
Theo quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người là một chỉnh thể thống nhất về trí lực, tâm lực, thể lực, vừa tồn tại tư cách cá nhân, vừa là thành viên của gia đình và của cộng đồng, có cuộc sống tập thể và cuộc sống cá nhân hài hòa, phong phú. Trong mỗi con người đều có tính tốt và tính xấu. Người giải thích: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người”. Con người có tính chất xã hội, là con người xã hội, thành viên của một cộng đồng xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho ta hiểu biết về yếu tố sinh vật của con người. Theo Người, “dân dĩ thực vi tiên”; “dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Vì vậy, mọi đường lối, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ phải thực hiện ngay làm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, có học hành. Đem lại lợi ích cho con người chính là tạo ra động lực vô cùng lớn lao cho sự nghiệp chung, vì nếu như những nhu cầu, lợi ích của mỗi cá nhân không được quan tâm thỏa đáng thì tính tích cực của họ sẽ không thể phát huy được. Trong khi phê phán một cách nghiêm khắc chủ nghĩa cá nhân, Người viết: “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình”.
Xây dựng con người mới - vấn đề có ý nghĩa chiến lược
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người là vốn quý nhất, động lực, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, từ khi ra đi tìm đường cứu nước đến lời Di chúc cuối cùng, lúc là thầy giáo, khi là nhà báo, nhà vǎn, là Chủ tịch nước... Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi các vấn đề của con người, các công việc của con người, sự nghiệp trồng người là mục tiêu, là mối quan tâm thường trực, là trách nhiệm vẻ vang của mình. Trong hàng ngàn bài viết và lời nói của mình, từ lá thư đầu tiên gửi cụ Phan Chu Trinh nǎm 1913, đến lời Di chúc cuối cùng, vấn đề tha thiết nhất và thống thiết nhất ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là các vấn đề của con người. Mong muốn cháy bỏng trong suốt cuộc đời hoạt động của Người là làm sao Nhân dân ta, những người cùng khổ, trẻ em, thanh niên, phụ nữ, người già cả đều vui vẻ khoẻ mạnh, ai cũng có cơm ăn, có áo mặc, được học hành, và sống trong hòa bình, tình hữu nghị, sự yêu thương, niềm hạnh phúc và đều được phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
Với triết lý nhân văn hành động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề... là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người phải yêu nước thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức, “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa”- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.668.
Trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: Đầu tiên là vấn đề con người. Rõ ràng, đối tượng trung tâm trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới là xây dựng con người mới. Con người mới ở đây là mỗi một con người Việt Nam, là con người trong gia đình, trong xã hội, là người công dân của nước nhà, người đảng viên, người cán bộ của Đảng và Nhà nước, nói rộng ra là con người trên cả hành tinh của chúng ta. Cho nên, chiến lược con người là chiến lược số một.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi các vấn đề về con người, về giải phóng con người và về sự nghiệp trồng người là mục tiêu, là trách nhiệm vẻ vang, cao cả nhất trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Vì vậy, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, Người yêu cầu phải tích cực, chủ động xây dựng con người mới phát triển toàn diện. “Muốn có chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải xây dựng những con người xã hội chủ nghĩa”- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.68. Người coi việc xây dựng con người xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài, gian khổ, đầy chông gai nhưng cũng hết sức vẻ vang và tự hào. Người nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”- 17 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.528. Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn trăn trở với chiến lược trồng người: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải mọi con người đều trở thành động lực mà phải là những con người được giác ngộ và tổ chức. Họ phải có trí tuệ và bản lĩnh, văn hóa, đạo đức, được nuôi dưỡng trên nền tảng truyền thống lịch sử và văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam.
Tiêu chuẩn con người mới
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người ta mới sinh ra đều tốt cả, nhưng về sau do ảnh hưởng của bố mẹ, bạn bè, xã hội mà dần dần mỗi người một khác. Đồng thời, ngay trong “mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng”- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.672; mỗi xã hội đều có thước đo cái thiện, cái ác của nó. Vì lẽ đó, khi kiến tạo một xã hội mới, trước hết phải tích cực, chủ động xây dựng những con người, những nhân cách cho xã hội đó. Vì vậy: “Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi... Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản bội lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời”- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.672.
Con người xã hội chủ nghĩa vừa là sản phẩm sinh thành của quá trình phát triển xã hội mới, vừa là kết quả của hoạt động tích cực, chủ động của hàng triệu người trong xã hội. Con người xã hội chủ nghĩa là những con người có các phẩm chất rất mới mà xã hội cũ không có. Đó là những con người được hình thành không chỉ gắn với tiến trình cách mạng của Nhân dân ta, mà nó còn phải đại diện cho các giá trị đạo đức mới, lý tưởng xã hội mới. Đó là những con người kiên quyết chống áp bức và bóc lột; coi lao động là nguồn sống, là trách nhiệm, là vinh dự, là nguồn tạo ra hạnh phúc. Đó là những con người yêu nước sâu sắc kết hợp với yêu đồng loại, yêu những người lao động và nghèo khổ trên thế giới.
Con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng, trước hết, là con người có lý tưởng sống cao đẹp, sống vì mọi người và có tinh thần đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng con người và xã hội loài người, đó là con người “hồng thắm”; thứ hai, là con người có đạo đức trung thực, thẳng thắn, liêm khiết, khiêm tốn, dũng cảm, đó là con người “có đức”. Để những con người “hồng thắm” và “có đức” này mang lại lợi ích cho mình và cho xã hội thì cần phải có sự hiểu biết, năng lực chuyên môn và thể hiện ở hành động, hiệu quả trong lao động cần cù sáng tạo, đó là con người “chuyên sâu” và “có tài”. Theo Người, “hồng thắm” và “chuyên sâu”, “có đức” và “có tài” phải được kết hợp chặt chẽ với nhau, quan hệ mật thiết với nhau. Người chỉ rõ: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nhà nước. Có đức không có tài, không giúp ích gì được ai”.
Như vậy, giữa “đức” với “tài”, “hồng” với “chuyên” trong tư tưởng Hồ Chí Minh phải gắn bó, kết hợp chặt chẽ nhau, bổ trợ nhau, hòa quyện với nhau, là cơ sở, điều kiện, tiền đề của nhau, thúc đẩy lẫn nhau, làm nên sự hoàn thiện trong nhân cách con người. Những con người hồng thắm, chuyên sâu, có đức, có tài, đó là những con người biết kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Những con người như vậy không phải tự nhiên có, mà là sản phẩm của một quá trình giáo dục, đào tạo và rèn luyện lâu dài, công phu.
Nội dung xây dựng con người toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên”. Đó là những con người có mục đích và lối sống cao đẹp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, những con người của chủ nghĩa xã hội, có tư tưởng, tác phong và đạo đức xã hội chủ nghĩa và năng lực làm chủ. Xây dựng con người toàn diện bao gồm:
- Có ý thức làm chủ, tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa và tư tưởng “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.
- Cần kiệm xây dựng đất nước, hăng hái bảo vệ Tổ quốc.
- Có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quốc tế trong sáng.
- Có phương pháp làm việc khoa học, phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương.
Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; bồi dưỡng về năng lực trí tuệ, trình độ lý luận chính trị, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, sức khỏe.
Xây dựng con người phải bằng những phương pháp khoa học, cách mạng. Mỗi người tự rèn luyện, tu dưỡng ý thức, kết hợp chặt chẽ với xây dựng cơ chế, tính khoa học của bộ máy và tạo dựng nền dân chủ. Việc nêu gương, nhất là người đứng đầu, có ý nghĩa rất quan trọng. Hồ Chí Minh thường nói đến “tu thân, chính tâm” thì mới có thể “trị quốc, bình thiên hạ” (làm những việc có lợi cho nước, cho dân). Văn hóa phương Đông cho thấy “một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Hồ Chí Minh thường nhắc lại những điều ấy trong khi bàn biện pháp xây dựng con người. Người nói rằng “lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau” là rất cần thiết và bổ ích. Biện pháp giáo dục có một vai trò quan trọng. Hồ Chí Minh nhắc nhở “hiền, dữ phải đâu là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Theo Người, học sinh như tờ giấy trắng, vẽ xanh thì xanh, vẽ đỏ thì đỏ.
Chú trọng vai trò của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng. Thông qua các phong trào cách mạng như “Thi đua yêu nước”, “Người tốt việc tốt”. Đặc biệt phải dựa vào quần chúng theo quan điểm “dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5,tr.338.
Nhân cách văn hóa của người cán bộ, đảng viên
Xây dựng con người mới trước hết cần tạo cho họ một nền tảng văn hóa mới vững chắc, nhất là đối với người cán bộ, đảng viên. Tháng 7/1956, phát biểu tại lớp giáo viên và Hội nghị sư phạm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Dân tộc ta, nước ta đang khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa mà “muốn khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa thì cần cán bộ rất nhiều... Vậy ta phải đào tạo cán bộ, cán bộ phải có văn hóa làm gốc”- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.388.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân cách văn hóa của người cán bộ, đảng viên và những người lãnh đạo cách mạng phải gắn bó với Nhân dân, vừa phải làm gương mẫu cho Nhân dân noi theo. Điều cốt lõi của nhân cách văn hóa của người cách mạng là “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.603. Người yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên và các nhà lãnh đạo cách mạng của Đảng phải “ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính trị của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lao động lên trên lên trước lợi ích của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.603.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng như là phẩm chất cốt lõi của nhân cách văn hóa ở cán bộ, đảng viên và các nhà lãnh đạo cách mạng. Theo người, đạo đức cách mạng có thể tóm tắt là: “Nhận rõ phải, trái, giữ vững lập trường. Tận trung với nước, tận hiếu với dân”- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.354.
Như vậy, nhân cách văn hóa của người cán bộ, đảng viên và cán bộ lãnh đạo cách mạng của Đảng phải được nuôi dưỡng trong nguồn sữa của Nhân dân và phải tỏa sáng trong Nhân dân. Nếu tách rời mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo với Nhân dân thì không thể xây dựng được nhân cách văn hóa của họ.
Để giúp cán bộ, đảng viên và cán bộ lãnh đạo hoàn thiện được nhân cách văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh đến công tác chỉnh đốn Đảng. Tổ chức Đảng có vai trò đặc biệt trong việc rèn luyện, giáo dục, xây dựng nhân cách văn hóa cho từng cán bộ, đảng viên. Người yêu cầu:
“- Chỉnh Đảng phải làm từng bước, phải có trọng tâm.
- Chỉnh huấn cán bộ trước rồi mới chỉnh đốn chi bộ.
- Chỉnh huấn tư tưởng trước rồi mới chỉnh đốn tổ chức. Chỉnh huấn cán bộ cao cấp phải do Trung ương trực tiếp lãnh đạo vì đó là mấu chốt của việc chỉnh đốn toàn Đảng”- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.398.
Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng Đảng: “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu”- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.415. Vì vậy, sự gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên là điều kiện hàng đầu để tạo nên sự gương mẫu của toàn Đảng.
Nhân cách văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên và đội ngũ cán bộ lãnh đạo cách mạng của Đảng không chỉ được thể hiện ở sự phấn đấu tận tâm, tận lực của họ vì lợi ích của Nhân dân, ở tinh thần gương mẫu đi đầu của họ mà còn thể hiện ở thái độ và hành động của họ trong việc đấu tranh chống các căn bệnh nảy sinh làm tổn hại đến lợi ích của Đảng, của Nhân dân. Đặc biệt là các bệnh tham ô, lãng phí và quan liêu. Theo Người: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân”- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.357. Người chỉ rõ: “Kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.357.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng xây dựng tiêu chuẩn nhân cách văn hóa của người cán bộ, đảng viên và người lãnh đạo cách mạng. Người thường xuyên giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên thực hiện các tiêu chuẩn sau:
1. Suốt đời kiên quyết phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.
2. Rèn luyện tư tưởng vô sản, sửa chữa tư tưởng sai lầm. Kiên quyết đứng trên lập trường của giai cấp công nhân, không đứng chân trong chân ngoài.
3. Đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết. Biết đem lợi ích riêng của cá nhân phục tùng lợi ích chung của cách mạng.
4. Tuyệt đối chấp hành nghị quyết và kỷ luật của Đảng.
5. Liên hệ chặt chẽ với quần chúng.
6. Luôn luôn cố gắng học tập, thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình đồng chí mình. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người cán bộ, đảng viên có nhân cách văn hóa là người phải luôn luôn phấn đấu để hoàn thiện không ngừng. Người chỉ rõ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.672.
Xây dựng con người là cả “công trình” khoa học
Thực tiễn chứng minh, văn hóa, chính trị, cách mạng, đạo đức... thống nhất, hòa quyện với nhau từ chính mục đích sống và lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người tâm niệm: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.627. Đó là lý tưởng chính trị, tư tưởng đạo đức và lý tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, đây cũng là cách nhìn có văn hóa của Người đối với con người. Nói cách khác, văn hóa Hồ Chí Minh chính là văn hóa gắn liền với con người, gắn liền với sự phát triển xã hội nhằm giải phóng con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng các thuật ngữ người cách mạng, người chiến sĩ, con người mới, con người xã hội chủ nghĩa trong các giai đoạn lịch sử cụ thể và cũng đã nêu ra những tiêu chuẩn cho từng cộng đồng người khác nhau với những yêu cầu về đức, trí, thể, mỹ nhất định. Song bao trùm và chính xác vẫn là con người cách mạng. Bởi phạm trù cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh rất xúc tích, hàm chứa tính lý luận cao. “Cách mạng là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Người cách mạng cũng bao hàm ý nghĩa đó. Người cách mạng luôn biết làm cho mình mới hơn, tốt hơn chứ không phải là chủ thể hành động phá cái xấu, cái cũ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người đều có phần thiện, phần ác, có mặt mới, mặt cũ. Vấn đề ở chỗ mặt nào nhiều hơn và mỗi người phải phấn đấu sao cho những cái mới ngày càng nhiều, những cái cũ ngày càng ít. Quá trình hình thành con người mới là quá trình đấu tranh để xóa bỏ cái cũ, xây dựng cái mới từ thấp đến cao, từ chỗ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Đó cũng là cả quá trình nâng cao không ngừng và không có giới hạn cuối cùng cho sự vươn lên của mỗi người.
Xây dựng con người mới là công việc không đơn giản, nhiều khó khăn hơn bất kỳ công việc nào, không thể một sớm một chiều mà thành công được. Xây dựng con người là cả một “công trình” khoa học. Trước hết, đây là quá trình con người tự xây dựng mình là chính, không chỉ về mặt thể lực mà cả đời sống vật chất và tinh thần trong sự phong phú đa dạng của nó. Mặt khác, trong quá trình xây dựng con người mới thì bản thân con người vẫn phải tiến hành mọi hoạt động của mình, vẫn phải đi qua mọi thời kỳ sống của cuộc sống con người và đứng trước những đòi hỏi, yêu cầu luôn đổi mới của xã hội. Hơn nữa, để xây dựng được con người mới không phải chỉ giải quyết những vấn đề trực tiếp của con người mà còn phải giải quyết hàng loạt vấn đề của đất nước, của xã hội thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
* Chuyên đề năm 2023 (P1): Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về văn hóa
Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị
- Chuyên đề năm 2023 (P1): Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về văn hóa (19/02/2023)
- Đẩy mạnh tuyên truyền và học tập, quán triệt Chuyên đề Hồ Chí Minh năm 2023 (19/02/2023)
- Hội nghị học tập Chuyên đề Hồ Chí Minh năm 2023 (17/02/2023)
- Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Linh (16/02/2023)
- Hội nghị báo cáo viên Huyện ủy lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020- 2025 (16/02/2023)
- Chỉ đạo triển khai thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở năm 2023 (15/02/2023)
- Vĩnh Linh phát động ra quân thực hiện Năm An toàn giao thông 2023 (14/02/2023)
- Năm An toàn giao thông 2023 có chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn” (13/02/2023)
- Vĩnh Linh: Gặp mặt Hội đồng hương và tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh (12/02/2023)
- Chương trình chuyển đổi số năm 2023 trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (10/02/2023)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)