Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Tổng Bí thư, một danh xưng tài đức vẹn toàn
- 20-07-2024
- 585 lượt xem
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một danh xưng tài đức vẹn toàn, là bậc trí tuệ uyên bác và bản lĩnh; là mẫu mực về phẩm chất đạo đức; mọi hoạt động cách mạng đều vì nước, vì dân, không một chút riêng tư.
Tháng 6 năm 2024, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (Sự Thật) đã ấn hành tập sách quý giá với tựa đề, Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tập sách là một kho tư liệu lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Đây chỉ là một trong nhiều tác phẩm đã được xuất bản gần đây của tác giả với nhiều nội dung vô cùng lớn lao của thời đại mang tầm quốc gia và quốc tế: Thể chế chính trị; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; chủ nghĩa xã hội và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; kinh tế thị trường và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và phát huy sức mạnh của các lực lượng vũ trang nhân dân; sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV tháng 7/2021. (Ảnh: QH).
Tôi có suy nghĩ, qua những tập sách đó chúng ta hiểu biết thêm được nhiều vấn đề về tác giả. Tổng Bí thư là một nhân cách trí tuệ toàn tài với bộ óc lớn lao, đầy bản lĩnh, tư duy khoa học vượt lên những suy nghĩ thông thường; nói đi đôi với làm; lý luận uyên bác cộng với hoạt động thực tiễn phong phú, sống động... Với tầm tri thức đó nên tác giả mới luận giải rõ ràng, khúc chiết, mạch lạc được những vấn đề tầm cỡ chiến lược thời đại, không chỉ trong nước mà thế giới vốn xung đột về lý luận cũng phải thừa nhận những luận giải của Tổng Bí thư.
Tôi rất tâm đắc câu nói của ngài Cho chul hyeon, một học giả Hàn Quốc - tác giả cuốn sách Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, ngài nói: Từ nay chúng ta tìm hiểu lãnh tụ Việt Nam, không chỉ nghiên cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn phải nghiên cứu, tìm hiểu một vị lãnh đạo lỗi lạc - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng...Tôi thật sự vui mừng khi biết được những đánh giá xác đáng của Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu, “Anh Trọng là nhà lý luận sắc bén của Đảng ta. Anh là nhà cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa. Tính cách thì nhân hậu, nhưng quyết liệt, không khoan nhượng trong công cuộc chỉnh đốn Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch hơn, xứng đáng “là công bộc, là đầy tớ trung thành của Nhân dân” như Hồ Chủ tịch từng khẳng định”...
Trước khi nhận trọng trách Tổng Bí thư Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có hơn 5 năm làm Chủ tịch Quốc hội (tháng 6/2006 - tháng 7/2011). Thời gian không dài, nhưng đồng chí đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong các đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức nơi làm việc thời ấy.
Với tác phong làm việc khoa học nên bất kỳ một việc gì dù lớn hay nhỏ, Chủ tịch đều chỉ đạo chuẩn bị tỷ mỉ, chu đáo đến từng công đoạn, từng chi tiết cụ thể. Cuối nhiệm kỳ khóa XI, Ủy ban thường vụ Quốc hội có rất nhiều việc quan trọng: Chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ; chuẩn bị phương án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII; chuẩn bị bộ máy và nhân sự Quốc hội khóa mới... Xin được nói đôi nét về các công việc này:
1. Về việc tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, Chủ tịch đặc biệt lưu ý hai nội dung quan trọng là, tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bài học kinh nghiệm. Cho tới nay, ngẫm nghĩ lại kết quả hoạt động của mỗi khóa có thể có những điểm, những việc khác nhau, nhưng 7 bài học kinh nghiệm mà Chủ tịch đã rút ra của khóa XI vẫn đúng hoàn toàn cho tất cả các khóa Quốc hội tiếp theo, đó là:
1) Mọi hoạt động của Quốc hội phải bám sát đường lối đổi mới toàn diện của Đảng...
2) Có gần gũi, gắn bó với cử tri, với Nhân dân thì mới hiểu sâu sắc những mong muốn, những yêu cầu của người dân...
3) Các kỳ họp Quốc hội phải được tiến hành dân chủ, thẳng thắn với đầy đủ tính xây dựng...
4) Chất lượng và hiệu quả thực hiện các chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của Quốc hội phụ thuộc phần lớn vào hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu hoạt động chuyên trách...
5) Trong hoạt động lập pháp, việc ban hành được nhiều luật, pháp lệnh là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là luật, pháp lệnh phải bảo đảm chất lượng, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn...
6) Trong hoạt động giám sát, cơ sở pháp lý càng hoàn thiện thì hoạt động càng thuận lợi, có hiệu quả; cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và mục tiêu của hoạt động giám sát, nhất là đối với các chức danh bị giám sát...
7) Sự đồng thuận, thống nhất cao, cộng đồng trách nhiệm trong Quốc hội; sự phối hợp có hiệu quả trong cả hệ thống chính trị, sự đóng góp tích cực của cử tri, của nhân dân là sức mạnh tổng hợp góp phần vào thành công chung của Quốc hội...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ cử tri quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội tháng 7/2015.
(Ảnh: TTXVN).
2. Về bộ máy Quốc hội nhiệm kỳ mới: Như chúng ta đã biết, từ nhiệm kỳ khóa XI về trước, Quốc hội chỉ có 8 cơ quan chuyên môn nghiệp vụ; từ khóa XII đến nay, Quốc hội có 10 cơ quan. Đây là điểm đổi mới đầu tiên của Quốc hội khóa XII. Cũng cần phải nói thêm rằng, ở hệ thống tổ chức hành pháp hay tư pháp, nếu tổ chức thêm một cơ quan mới là lập tức tăng thêm nhiều biên chế, có khi đến hàng trăm người, còn ở Quốc hội dù có tăng thêm hai hay nhiều hơn nữa các cơ quan chuyên môn nghiệp vụ thì hầu như không tăng thêm một biên chế nào, vì thành viên của các Ủy ban phải là đại biểu Quốc hội, mà số đại biểu đã được ấn định từ đầu khóa (như mấy khóa nay là 500 đại biểu). Do đó, ở Quốc hội tăng thêm số cơ quan chuyên môn nghiệp vụ thì chỉ có nghĩa là phân công lao động thêm một bước chuyên sâu để tận dụng năng lực đại biểu và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội mà thôi.
Để có được sự đổi mới này thì từ cuối khóa XI, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đứng đầu là Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo sát sao việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Công việc này đã hoàn thành vào tháng 4/2007. Trước nhất là sửa đổi, bổ sung Điều 22 của Luật với quy định, Quốc hội thành lập Hội đồng Dân tộc và 9 Ủy ban. Nhờ sự đổi mới này mà hoạt động của Quốc hội chuyên sâu hơn, bao quát hơn, hiệu quả hơn, nhất là trong hoạt động giám sát. Cũng cần nói thêm rằng, hoạt động giám sát trước đây thường bị đánh giá là yếu kém so với chức năng lập pháp và chức năng quyết định, nhưng nay chức năng này lại đang được thực thi có hiệu lực, hiệu quả (nhất là hoạt động chất vấn, sau này có thêm hình thức giám sát lấy phiếu tín nhiệm). Giám sát tối cao của Quốc hội đã trở thành công cụ đắc lực của kiểm soát quyền lực trong bộ máy các cơ quan nhà nước. Đây là kết quả của những bước đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Trên cơ sở Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi, bổ sung năm 2007, bộ máy các cơ quan Quốc hội từ khóa XII đến nay được hoàn thiện, kiện toàn đầy đủ, hợp lý hơn: Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI chỉ có 13 thành viên, thì khóa XII là 18 thành viên. Tương tự như vậy, lãnh đạo Quốc hội khóa XI là 4, khóa XII là 5; lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khóa XI là 41, khóa XII là 51 người. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (cả ở Trung ương và địa phương) đầu nhiệm kỳ khóa XI là 108 đại biểu, đầu nhiệm kỳ khóa XII là 180 đại biểu... Việc kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường đại biểu hoạt động chuyên trách (nhất là ở các Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương) đã tạo điều kiện cho nhiều đại biểu có điều kiện nghiên cứu, chuẩn bị tài liệu...do đó đã làm cho không khí sinh hoạt của Quốc hội ngày càng sôi động hơn. Các đại biểu chuyển dần từ trạng thái trình bày tham luận sang khẩu khí tranh luận, cùng nhau tiếp cận đến chân lý. Đó cũng chính là chủ trương của lãnh đạo Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội, dân chủ hóa sinh hoạt Quốc hội và từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội.
3. Về bầu cử đại biểu dân cử năm 2011: Đây thực sự là một cuộc đổi mới mang tính nhà nước: Trên tổng thể công việc của quốc gia, trước đây trong một nhiệm kỳ 5 năm, thời gian làm công tác tổ chức, công tác nhân sự và công tác chuẩn bị... tiêu hao quá nhiều thời gian của nhiệm kỳ. Năm đầu là Đại hội Đảng, năm thứ hai bầu cử đại biểu Quốc hội, năm thứ tư bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, năm thứ năm lại chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ tới... Từ năm 2011 về cơ bản đã khắc phục được tình hình này. Người đứng đầu hệ thống chính trị đã chỉ đạo, nghiên cứu chuẩn bị một lần, bầu cử cả đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ba cấp; dịch chuyển thời điểm Đại hội Đảng và thời điểm bầu cử đại biểu dân cử lại gần nhau (như đã biết sau đó, Đại hội Đảng vào quý I, bầu cử đại biểu dân cử vào quý hai), và điều chỉnh thời gian nhiệm kỳ Quốc hội cũng là thời gian nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân (trước đây lệch nhau 2 năm).
Lần đầu tiên bầu cử đại biểu dân cử vào cùng một lần, khối lượng và độ phức tạp của công việc rất lớn, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, cụ thể của Hội đồng bầu cử Quốc gia mà Chủ tịch Hội đồng bầu cử là Chủ tịch Quốc hội cùng hoạt động có trách nhiệm cao của cả hệ thống tổ chức bầu cử trong cả nước nên cuộc bầu cử đã thành công rất tốt đẹp. Đặc biệt là tiết kiệm được thời gian, tiền của, công sức của cử tri và đặt được nền móng cho các cuộc bầu cử các nhiệm kỳ sau cho đến bây giờ...
Trong khuôn khổ một bài viết, khó có thể nói được nhiều về những gì Tổng Bí thư, Nguyên Chủ tịch nước, Nguyên Chủ tịch Quốc hội đã cống hiến cho đất nước. Nhưng đến lúc này, chúng ta hoàn toàn có thể nói được rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một danh xưng tài đức vẹn toàn, là bậc trí tuệ uyên bác và bản lĩnh; là mẫu mực về phẩm chất đạo đức; mọi hoạt động cách mạng đều vì nước, vì dân, không một chút riêng tư.
TS. Bùi Ngọc Thanh, Nguyên Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
- Họp Ban Chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh (19/07/2024)
- Biểu trưng kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh (17/07/2024)
- Rà soát công tác phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức Chương trình nghệ thuật chính luận “Vĩ tuyến 17- khát vọng hòa bình” (15/07/2024)
- Thông cáo báo chí: Chương trình “Vĩ tuyến 17- Khát vọng hòa bình” (10/07/2024)
- Quán triệt Quy định số 144 và Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị (09/07/2024)
- Lễ phát động Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu “Mảnh đất, con người và truyền thống Vĩnh Linh” (08/07/2024)
- Quán triệt và thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị "về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới" (05/07/2024)
- Đại hội Hội LHTN Việt Nam huyện Vĩnh Linh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024- 2029 (04/07/2024)
- Trực báo công tác tổ chức, dân vận, kiểm tra quý 2/2024 (04/07/2024)
- Triển khai Cuộc thi tìm hiểu trực tuyến “Mảnh đất, con người và truyền thống Vĩnh Linh” (03/07/2024)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)