Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Vĩnh Linh tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
- 13-01-2025
- 19 lượt xem
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại. Những năm qua, công tác này luôn được huyện Vĩnh Linh quan tâm triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Theo đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT ngày càng đẩy mạnh. UBND huyện đã đưa định hướng đào tạo nghề cho LĐNT gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Với mục tiêu: đa dạng các loại hình dạy nghề và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế. Sau khi học nghề người LĐNT có thể tham gia làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề và đi lao động nước ngoài. Đây là yêu cầu xuất phát từ thực tế nhằm gắn kết NLĐ với giải quyết việc làm.
Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để tổ chức thực hiện công tác này. Chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội, tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho LĐNT; tư vấn học nghề, việc làm miễn phí và vận động các thành viên của mình tham gia học nghề.
Điều đáng ghi nhận, từ công tác tuyên truyền, người lao động đã có sự nhận thức sâu sắc hơn về nghề nghiệp. Từ chỗ học theo phong trào, học cho biết chuyển sang học nghề để mưu sinh phát triên kinh tế gia đình, phát triển sản xuất, học để nâng cao tri thức, học để có nghề nghiệp ổn định. Vì thế số người học nghề ngày càng tăng, chất lượng học viên cũng được nâng lên. Nếu như trước đây, người dân huyện Vĩnh Linh sống chủ yếu dựa vào nghề nông thì nay đã khác. Nhiều nghề mới đang được phổ biến, cho thu nhập tốt, giúp người nông dân vốn "một nắng hai sương" với đồng ruộng đang dần thay đổi nhận thức trong chọn nghề để làm ăn sinh sống.
Trên địa bàn huyện hiện cũng đã có rất nhiều mô hình kinh tế của bà con nông dân sau khi được đào tạo nghề và áp dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao. Đơn cử như mô hình chế biến tôm muối chua của chị Hồ Thị Hậu, thôn Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn. Đầu năm 2024, được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã chị Hậu đăng kí tham gia lớp học nghề chế biến món ăn. Sau thời gian 2 tháng học tập và được cấp chứng chỉ, chị áp dụng kiến thức vào thực tiễn, tự tạo nghề mới cho bản thân, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình và một số lao động nhàn rỗi ở địa phương. Chị Hồ Thị Hậu, cho biết: “Sau học nghề tôi đã áp dụng kiến thức được học để mở nghề mới cho gia đình. Với lợi thế có nguồn tôm sẵn có ở địa phương tôi đã thử nghiệm và chế biến thành công món tôm muối chua. Một món ăn dân dã, quen thuộc với nhiều người dân trong vùng. Từ mô hình này, trung bình mỗi tháng tôi có thêm nguồn thu khoảng 5-7 triệu đồng. Ngoài ra giúp một số chị em có thêm thu nhập khoảng 1-2 triệu đồng/tháng”.
Cùng với đó, còn có một số mô hình tiêu biểu khác như: mô hình chăn nuôi gà thả vườn của bà Lê Thị Phương Loan ở thôn Liêm Công Tây, xã Hiền Thành, trung bình khoảng 2-3 tháng cho xuất 1000 con gà, thu nhập bình quân là 6-7 triệu đồng/tháng; Mô hình của lớp nghề nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi gà của ông Hoàng Phương ở thôn Cỗ Mỹ, xã Vĩnh Giang; Mô hình sản xuất nước mắm của bà Nguyễn Thị Chiếm và bà Trần Thị Lý ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái, trung bình khoảng 1,5-2 tháng làm ra được 170-200 lít nước mắm, thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/tháng.
Đào tạo nghề cho LĐNT ở Vĩnh Linh có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể, sự gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp và thực hiện dạy nghề theo địa chỉ. Dạy nghề theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, “vừa học, vừa làm”, trang bị thêm cho người học kiến thức về kinh doanh, an toàn lao động cũng như kĩ năng thực hành, làm việc theo nhóm. Qua đó, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về tay nghề của thị trường lao động.
Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Linh, Hồ Kim Thoa cho biết thêm: “Đào tạo nghề cho LĐNT là nhiệm vụ chính của trung tâm. Hàng năm dựa trên nhu cầu khảo sát từ các xã, thị trấn và Sở Lao động thương binh - xã hội, Trung tâm mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của NLĐ. Sau đào tạo hầu hết lao động tìm được việc làm, hoặc tự tạo việc làm giúp phát triển kinh tế cho bản thân, cộng đồng”.
Công tác dạy nghề cho LĐNT đã mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng vê các nghề phi nông nghiệp và nghề nông nghiệp, như chăn nuôi, thý y, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật chăn nuồi gà thả vườn; kỹ thuật trông tiêu, kỹ thuật sữa chữa máy nông nghiệp nữ công gia chánh, kỹ thuật chế biến nước mắm ... Từ chỗ phải tìm kiếm các lớp học nghề thì đến nay người dân huyện Vĩnh Linh có thể dễ dàng tiếp cận với các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu. Bằng những kiến thức sau học nghề, họ có cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm cho bản thân. Hiện nay, có khoảng 80% LĐNT ở Vĩnh Linh đã được đào tạo nghề và sau học nghề hầu hết người lao động tìm được việc làm, có thu nhập ổn định. Kết quả này là cơ sở quan trọng để Vĩnh Linh tiếp tục làm tốt công tác đào tạo nghề cho LĐNT thời gian tới.
Theo đó địa phương sẽ tập trung đào tạo một số ngành nghề phi nông nghiệp mới phù hợp với điều kiện phát triển và để khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương. Đặc biệt, sẽ tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo cũng như cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; đồng thời đổi mới chương trình đào tạo và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người lao động sau học nghề.
Đào tạo nghề cho LĐNT là một việc làm cần thiết nhằm mang lại lợi ích kép. Không chỉ góp phần giải quyết căn bản bài toán yêu cầu về chất lượng nguồn lao động tại các cơ sở, doanh nghiệp, mà còn giúp người lao động ở vùng nông thôn tìm được việc làm phù hợp, tăng thu nhập, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Mỹ Hằng
- Tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội nhân dịp Tết Ất Tỵ 2025 (10/01/2025)
- Vĩnh Linh: Hội hoa xuân Ất Tỵ 2025 tổ chức tại 3 địa điểm (08/01/2025)
- Vĩnh Linh dẫn đầu Cuộc thi KHKT và ngày hội STEM tỉnh năm học 2024- 2025 khối Phòng GD&ĐT (07/01/2025)
- Vĩnh Linh: Trên 5660 người có công với cách mạng và thân nhân người có công nhận quà của Chủ tịch nước nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ (06/01/2025)
- Bàn giao KIOSK y tế thông minh cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Vĩnh Linh (31/12/2024)
- Văn hóa, thông tin cơ sở ở Vĩnh Linh tạo được dấu ấn sâu sắc (31/12/2024)
- Hội LHPN huyện Vĩnh Linh triển khai nhiệm vụ năm 2025 (27/12/2024)
- Hội nghị Chương trình du lịch về nguồn “Vĩnh Linh - Ký ức và Hiện tại” (26/12/2024)
- 2.100 nhà người có công, thân nhân liệt sỹ có nhu cầu hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo, sữa chữa (19/12/2024)
- Bế mạc Ngày hội STEM và Cuộc thi Khoa học- Kỹ thuật năm học 2024- 2025 (16/12/2024)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)