Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Khi cán bộ về cơ sở. Bài 1: Bổ sung nhân lực cho vùng đặc biệt khó khăn
- 05-10-2022
- 346 lượt xem
Xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh là xã miền núi đặc biệt khó khăn, có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Tuy vùng dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được quan tâm về mọi mặt nhưng Vĩnh Ô vẫn chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Một trong những nguyên nhân then chốt là do công tác điều hành, vận hành của cấp ủy, chính quyền nơi đây chưa quyết liệt; bị động; thiếu đổi mới, sáng tạo. Tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Vĩnh Linh xác định cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, khắc phục trình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ ở xã Vĩnh Ô.
Ông Trần Văn Tặng (ngoài cùng bên phải) định hướng, khuyến khích dân bản phát triển sản xuất, khai thác thế mạnh vùng gò đồi - Ảnh: N.T
Chủ tịch người Kinh đầu tiên ở Vĩnh Ô
Vốn từ cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Linh, ông Trần Văn Tặng được tăng cường lên phụ trách công tác giảm nghèo ở xã Vĩnh Ô. Đến tháng 7/2018, ông Tặng đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch kiêm địa chính - xây dựng UBND xã Vĩnh Ô; đến tháng 9/2019, ông được tín nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô - chủ tịch xã người dân tộc Kinh đầu tiên tại địa phương có gần 98% đồng bào DTTS sinh sống.
Xác định để tạo nên những đổi thay ở địa phương đặc biệt khó khăn này cần cả quá trình bền bỉ, trên cương vị chủ tịch xã và với ý thức, trách nhiệm của một đảng viên gương mẫu, ông Tặng luôn nêu cao tinh thần tiên phong, không ngại gian khổ, dấn thân vào nhiều công việc ở cơ sở. Để thuận tiện điều hành công việc, ông Tặng đăng ký thường trú tại Bản 1 và ở lại ngay trụ sở UBND xã. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, tranh thủ cả ngày nghỉ, ngày lễ, ông thường trực “cắm bản”, “cùng ăn, cùng làm” với dân bản để tìm hiểu về khó khăn, thuận lợi; phong tục, đời sống, sản xuất của đồng bào.
Chính sự tận tâm đó đã xây dựng nên mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ người Kinh với cán bộ, đồng bào Vân Kiều Vĩnh Ô. Quan tâm hàng đầu công tác phát triển đảng viên người đồng bào DTTS, bởi đây là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong thực hiện, tuyên truyền thường xuyên, kịp thời, sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ông Tặng cùng BTV Đảng ủy xã chỉ đạo tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng, tại 7/7 bản đều có chi bộ hoạt động, chấm dứt tình trạng bản “trắng” đảng viên. Từ năm 2018 - 2021, Đảng ủy xã Vĩnh Ô đã kết nạp 20 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn đảng bộ lên 123 người.
Đối với tổ chức bộ máy và hoạt động của hệ thống chính trị, ông quan tâm đến cải cách hành chính, chỉnh đốn lề lối làm việc, tạo thuận lợi để 14 cán bộ, công chức theo học các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị. Hoạt động của các bộ phận thuộc UBND xã dần đi vào nền nếp, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ; năng lực lãnh, chỉ đạo của tổ chức đảng, quản lý, điều hành của chính quyền cũng từ đó được nâng lên rõ rệt, đề ra các chủ trương, giải pháp phát triển sát đúng với tình hình thực tiễn...
Thực hiện chương trình trọng tâm về phát triển kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới, từ kiến thức được đào tạo về chuyên ngành kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Trần Văn Tặng chú trọng công tác quy hoạch, huy động nguồn lực; đẩy nhanh giải phóng mặt bằng thi công các công trình trọng điểm Vĩnh Ô được hưởng lợi, chủ yếu về giao thông nông thôn. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội từ năm 2018 - 2021 ở Vĩnh Ô đạt khoảng 50 tỉ đồng.
Đặc biệt, sau công trình đường nhựa nối từ quốc lộ 1 đến Bản 2 hoàn thành năm 2010 và công trình cầu treo nối Bản 2 với Bản 3 hoàn thiện năm 2016, phải kể đến hệ thống 10 cây cầu với tổng vốn đầu tư 33,850 tỉ đồng từ chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng DTTS được đưa vào sử dụng năm 2019 đã nối liền mạch 7 bản của xã, chấm dứt tình trạng giao thông cách trở tồn tại từ bao đời. Bên cạnh đó, 85% các tuyến đường giao thông ở Vĩnh Ô đều được bê tông tạo điều kiện quan trọng để Vĩnh Ô phát triển.
Vì sự ổn định đời sống cho người dân
Quá trình công tác, một trăn trở lớn của Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng là không chỉ cải thiện đời sống đồng bào DTTS mà trong tổng số hơn 340 hộ dân toàn xã, có trên 100 hộ đang đối mặt với nguy cơ mất an toàn khi sống ven sông, suối. Trước biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, ông Tặng trực tiếp nghiên cứu, xây dựng Đề án tái định cư cho hộ dân sống ven sông, suối, lũ ống, lũ quét, thành lập thôn Cù Bạc và trình lên các cấp có thẩm quyền vào tháng 5/2019. Qua xem xét tính cấp thiết và khả thi, đề án đã được các cấp thông qua.
Thực hiện quyết định số 590/QĐTTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu vực đặc dụng giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030, UBND huyện Vĩnh Linh đã đề xuất Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị đưa vào kế hoạch thực hiện chương trình bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2025. Đến cuối tháng 8/2022, Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt và hướng dẫn địa phương thực hiện các bước tiếp theo sau khi kế hoạch được phê duyệt.
Theo đề xuất, 50 hộ gồm 157 nhân khẩu xã Vĩnh Ô sẽ được bố trí di dân đến thôn Cù Bạc. Cũng trong nỗ lực từng bước ổn định chỗ ở an toàn cho Nhân dân, năm 2021, ông Tặng đã chỉ đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam, Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã Vĩnh Ô tập trung công tác rà soát, phối hợp khi được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ xây dựng 46 nhà chống bão, lũ. Từ đó nâng tổng số hộ nghèo, gia đình chính sách người đồng bào Vân Kiều được hỗ trợ nhà ở kiên cố giai đoạn 2015 - 2021 lên 65 hộ.
|
Tích cực triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 28/12/2016 của HĐND huyện Vĩnh Linh (khóa V) về phát triển KT - XH, giảm nghèo bền vững cho 11 bản vùng miền núi có tỉ lệ hộ nghèo cao, bám sát thực tế địa phương, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng tham mưu các nhóm giải pháp mở hướng đào tạo nghề, đa dạng hóa ngành nghề, thúc đẩy chuyển đổi sinh kế; tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức, thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chủ động thay đổi phương thức canh tác lạc hậu, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật để tận dụng hiệu quả các chính sách, nguồn hỗ trợ. Với việc đẩy mạnh chủ trương giao đất, giao rừng, đến nay toàn xã đã giao khoán khoảng 610 ha đất rừng cho người dân, vận động 107 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng. Nhiều mô hình chăn nuôi phù hợp với Vĩnh Ô mang lại hiệu quả cao như: Nuôi dê núi, lợn bản, trâu, bò...
Đặc biệt, mô hình đầu tư thâm canh cây lúa nước cho năng suất cao hơn trước nhiều nên bước đầu đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ cho bà con. Để phát triển lúa nước bền vững, ông Trần Văn Tặng đã cùng lãnh đạo xã tìm các giải pháp, huy động kinh phí cải thiện điều kiện sản xuất, nâng cấp công trình thủy lợi phục vụ tưới trên 85% diện tích lúa nước. Đồng thời phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật cho đồng bào, đến vụ đông xuân 2021- 2022, phát triển được lúa chất lượng cao tại các bản, năng suất tăng gấp đôi các vụ trước, đạt 2,5 tạ/sào, bà con Vân Kiều rất phấn khởi.
Chị Hồ Thị Nhoa, Bản 5, xã Vĩnh Ô chia sẻ: “Từ khi cán bộ Tặng lên đây công tác, xã chúng tôi có thêm nhiều cái mới, từ đường, cầu, trạm y tế, chợ phiên, đến nhà ở, nước sạch, cây, con giống… Người dân cũng được tiếp cận nhiều nguồn vốn vay, học nghề mới nên giảm hẳn tình trạng du canh, du cư, đốt rừng làm rẫy mà dần tập trung làm ruộng lúa nước, chăn nuôi, trồng rừng, đi làm công nhân, buôn bán... Đời sống của người dân cải thiện nhiều lắm”.
Đổi thay Vĩnh Ô hôm nay
Với nhiều giải pháp năng động, thiết thực, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng đã cùng với Đảng bộ, chính quyền lãnh đạo, từng bước tạo nên những chuyển biến rõ nét về phát triển KT - XH, giữ vững QP - AN ở Vĩnh Ô. Trước đây, kinh tế chủ yếu làm nông thuần túy thì nay cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng khi nông nghiệp chiếm 75%; công nghiệp - thương mại - dịch vụ chiếm 25%.
Hạ tầng thiết yếu dần hoàn thiện, nông thôn mới xã Vĩnh Ô không ngừng khởi sắc có sự đóng góp không nhỏ của ông Trần Văn Tặng (người đi đầu) - Ảnh: N.Đ |
Quyết tâm vượt khó, nhất là từ năm 2018 - 2021, dù địa phương liên tục chịu ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh nhưng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của BTV Huyện ủy Vĩnh Linh, Đảng bộ xã Vĩnh Ô đã có những quyết sách mang tính đột phá, chiến lược, tranh thủ tối đa mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh nội lực, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc để đưa Vĩnh Ô phát triển về mọi mặt. Năm 2021, Đảng bộ xã Vĩnh Ô đạt trong sạch, vững mạnh.
Ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của một cán bộ tăng cường lên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, ông Trần Văn Tặng là 1 trong 3 cá nhân được huyện Vĩnh Linh khen thưởng vì có những đóng góp xuất sắc trong thực hiện đề án phát triển KT - XH, giảm nghèo bền vững cho các bản có tỉ lệ hộ nghèo cao ở 3 xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê giai đoạn 2016 - 2020. Ông Hồ Văn Thủy, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Ô chia sẻ: “5 năm trở lại đây, diện mạo nông thôn của xã Vĩnh Ô thay đổi nhiều hơn cả.
Điện, đường, trường, trạm đều được nâng cấp, đầu tư ngày thêm khang trang hơn. Nếp nghĩ của bà con cũng tiến bộ hơn, biết bảo ban nhau làm ăn, phấn đấu vươn lên. Có thể hiện nay chưa có nhiều hộ khá, giàu, nhưng nhiều hộ từ nghèo, đói lâu năm, nay không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà có thể lo cho con cháu học hành đến nơi, đến chốn; xây dựng nhà kiên cố, sắm được xe máy và các phương tiện nghe nhìn hiện đại. Hơn thế, còn tự nguyện hiến công, hiến đất cùng xã xây dựng trường học, đường giao thông, công trình phúc lợi...
Những chuyển biến tích cực ở nơi núi rừng này thể hiện rõ vai trò của cấp ủy, chính quyền, sự xốc vác, quyết đoán trong suy nghĩ và hành động của những cán bộ được tăng cường, luân chuyển, trong đó phải kể đến tâm sức của Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng. Tuy còn đó không ít khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, song với những kết quả đạt được, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên tâm huyết; các tiềm năng, lợi thế đang được nghiên cứu đưa vào khai thác… tất cả sẽ là nguồn động lực to lớn để hệ thống chính trị và Nhân dân Vĩnh Ô tiếp tục tin tưởng, kỳ vọng và phấn đấu trên hành trình xây dựng bản làng không ngừng khởi sắc, tạo dựng cuộc sống ngày càng no đủ, văn minh”.
Nguyễn Trang - Nguyên Đồng (Nguồn: http://baoquangtri.vn/Chinh-tri/modid/415/ItemID/170962/title/Khi-can-bo-ve-co-so-Bai-1-Bo-sung-nhan-luc-cho-vung-dac-biet-kho-khan)
- Kiểm tra thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại huyện Vĩnh Linh (04/10/2022)
- Tăng cường phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ (04/10/2022)
- Thông tin báo chí: Việt Nam chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ (04/10/2022)
- Thể lệ cuộc thi nhảy “Vũ điệu 2K+” trên nền tảng Tiktok do Bộ Y tế tổ chức (03/10/2022)
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2022 (03/10/2022)
- Hỗ trợ trên 250 triệu đồng cho người dân Vĩnh Ô sau cơn bão số 4 (03/10/2022)
- Thông điệp Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10 năm 2022: “Quan tâm chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi- Chủ động thích ứng với già hóa dân số” (30/09/2022)
- Cách xử lý nước cho sinh hoạt, nước nấu ăn, uống trong mùa bão lũ (29/09/2022)
- Phòng, chống bệnh trong mùa bão lụt và mưa lũ (29/09/2022)
- Tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đầu tiên tại Vĩnh Linh (26/09/2022)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Địa chỉ: Thành Công, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh - Điện thoại: (0233).3820491; Fax: (0233).3820787
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ