Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Xóa đói giảm nghèo các xã miền núi huyện Vĩnh Linh, nhìn từ một đề án. Bài 3: Những khó khăn đặt ra từ thực tiễn

Tuy tỉ lệ hộ nghèo ở các xã miền núi của huyện Vĩnh Linh hàng năm giảm, diện mạo nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc nhưng đây vẫn là “vùng trũng” của địa phương. Để hoàn thành thắng lợi những mục tiêu đặt ra trong đề án phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng NTM, có rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra. Đây là bài toán khó, đòi hỏi địa phương cần có những quyết sách đúng đắn và hành động quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.

Thôn Xóm Mới, xã Vĩnh Ô sạch đẹp, khang trang nhờ xây dựng nông thôn mới -Ảnh: L.T

Đạt, duy trì, nâng cao đều khó 

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Thái Văn Thành đánh giá, tổng số tiêu chí NTM của xã Vĩnh Hà được UBND huyện thẩm tra đạt 19/19 tiêu chí (tỉ lệ 100%). Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu, tiêu chí NTM của Vĩnh Hà chỉ ở mức tối thiểu, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của huyện. Với một địa phương có xuất phát điểm thấp, điều kiện địa hình khó khăn ảnh hưởng đến bố trí đất sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; phong tục tập quán lạc hậu; mặt bằng dân trí thấp, ý thức tự vươn lên của người dân chưa cao lại thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, vì thế việc duy trì, nâng cao tiêu chí xây dựng NTM ở địa phương này là bài toán khó. 

Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, các thiết chế văn hóa ở xã Vĩnh Hà được xây dựng tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất của xã là những tiêu chí “mềm” như thu nhập, tỉ lệ hộ nghèo, môi trường, an ninh trật tự... khó duy trì. “Những tiêu chí này mặc dù không phải đầu tư quá nhiều kinh phí nhưng để hoàn thành, duy trì, nâng cao đòi hỏi sự chung tay vào cuộc thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư, trong đó phụ thuộc phần nhiều vào ý thức của người dân nên ranh giới giữa đạt và chưa đạt rất mong manh. 

Đơn cử như tình trạng người dân vứt, xả rác bừa bãi ở những khu đất trống, ven đường, ven suối hay chăn nuôi chưa đảm bảo vệ sinh môi trường… khiến việc giữ vững tiêu chí này cũng không phải đơn giản. Hay như tỉ lệ hộ nghèo, người dân ở đây có thể trở lại hộ nghèo chỉ sau một trận lũ. Vì vậy, đạt chuẩn NTM rồi, địa phương cũng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để gìn giữ thành quả cũng như nâng cao chất lượng các tiêu chí để không bị tụt hậu và mất danh hiệu NTM”, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà Nguyễn Văn Thao chia sẻ. 

Lộ trình phấn đấu của xã Vĩnh Ô là về đích NTM vào năm 2024. Tuy nhiên, đến thời điểm này xã vẫn còn 9/19 tiêu chí chưa đạt chuẩn. Xã đặt mục tiêu xây dựng hoàn thành cuốn chiếu các tiêu chí, theo đó năm 2022 phấn đấu đạt 3 tiêu chí điện, trường học, tổ chức sản xuất; năm 2023 đạt tiêu chí thu nhập, môi trường; năm 2024 phấn đấu đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo, giao thông, nhà ở. Thời gian không còn nhiều, trong khi khối lượng các phần việc cần làm để hoàn thành các tiêu chí NTM còn quá lớn khiến cấp ủy, chính quyền địa phương rất lo lắng. 

Ông Hồ Văn Đàn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô phân tích, xác định giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng trong quá trình xây dựng NTM. Qua hơn 10 năm triển khai, địa phương đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước kết hợp với nguồn lực từ Nhân dân để sửa chữa, xây dựng các tuyến đường, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, đời sống của người dân khó khăn dẫn đến việc hoàn thành tiêu chí về giao thông tại các địa phương vẫn còn khá chậm. Hiện nay xã còn hơn 3 km đường liên thôn (những trục đường chính) vẫn còn đường đất, đi lại khó khăn, dễ bị chia cắt khi mùa mưa lũ. 

“Cũng vì giao thông khó khăn nên ảnh hưởng rất lớn đến các tiêu chí khác như mức thu nhập, hộ nghèo… do sản phẩm nông nghiệp người dân làm ra không có người thu mua. Ví dụ, sản lượng gỗ rừng trồng ở địa phương lớn nhưng giá bán thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường vì chi phí vận chuyển cao. Một héc ta tràm từ khi trồng đến khi khai thác phải mất 5 – 7 năm nhưng chỉ bán được 5 -7 triệu đồng, có nơi xa quá bán không được. Nếu giải quyết được vấn đề giao thông, không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế dựa vào trồng rừng nguyên liệu, mà còn có thể mở hướng phát triển được rừng gỗ lớn”, ông Đàn trăn trở. 

Đối với tiêu chí tổ chức sản xuất, những địa phương này đều đã thành lập các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nhưng trên thực tế các HTX này chỉ mang tính hình thức chứ chưa có hoạt động cụ thể. Năm 2020, HTX tổng hợp xã Vĩnh Ô được thành lập nhưng đến nay chưa hoạt động hiệu quả vì chưa có sản phẩm cụ thể. HTX thành lập để thu mua mây cho người dân, nhưng nguồn nguyên liệu này phụ thuộc vào tự nhiên nên bấp bênh, không bền vững. Hay ở xã Vĩnh Khê cũng chuẩn bị ra mắt HTX nông nghiệp quy mô toàn xã nhưng lãnh đạo địa phương đang đau đầu tìm sản phẩm cụ thể cho HTX. Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khê Dương Xuân Lập chia sẻ: Để tổ chức HTX, địa phương đang cân nhắc về sản phẩm mô hình cá leo và chăn nuôi dê nhốt nhưng những mô hình này đều mới hình thành, quy mô nhỏ lẻ nên chưa thể đánh giá tính khả thi, hiệu quả kinh tế làm cơ sở nhân rộng. Vì thế có thành lập HTX cũng rất khó để hoạt động hiệu quả. 

 Giảm nghèo bền vững…khó vững bền  

Thời điểm xã Vĩnh Hà được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2021, tỉ lệ hộ nghèo của địa phương là 4,9%. Tuy nhiên, sang năm 2022 thực hiện rà soát theo bộ tiêu chí mới, tỉ lệ hộ nghèo của địa phương là 12%. Xã đặt mục tiêu mỗi năm giảm từ 7% - 8%, tuy nhiên rất khó giảm nghèo bền vững vì người dân chưa chịu khó trong phát triển kinh tế, nhiều nơi còn duy trì tập quán sản xuất lạc hậu nên năng suất đạt được thấp, người dân vẫn còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. 

Chăn nuôi dê là mô hình kinh tế triển vọng ở vùng miền núi huyện Vĩnh Linh - Ảnh: L.T​

Việc tăng hộ nghèo của xã không chỉ do áp dụng đánh giá xếp loại theo tiêu chí mới với các chỉ tiêu cao hơn mà còn bởi việc tái nghèo ở Vĩnh Hà nói riêng, các xã vùng đặc biệt khó khăn ở miền Tây Vĩnh Linh nói chung rất phổ biến. Người dân vẫn chưa nỗ lực trong việc phát huy tiềm năng vốn có của địa phương mình. Đa số người dân tộc thiểu số (DTTS) chưa biết khai thác sản xuất đất vườn của gia đình trồng các loại cây màu, thực phẩm cung cấp cho nhu cầu sử dụng hằng ngày của gia đình cũng như tăng thu nhập mà thường để vườn tược hoang hóa, lãng phí. 

“Nghề thu hút lao động địa phương nhất hiện nay là đi làm thuê khai thác gỗ rừng trồng. Mỗi ngày công khoảng 200 - 250 nghìn đồng/người nhưng người dân rất thích vì được lấy “tiền tươi” để trang trải cuộc sống trong ngày. Người dân ở đây tính toán đơn giản là làm ngày nào, ăn ngày đó chứ không biết “tích cốc phòng cơ” nên không có tích lũy. Trời nắng, người khỏe thì đi làm có ăn; mưa gió, đau ốm thì đói. Vì thế, cuộc sống người dân quẩn quanh với đói nghèo”, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khê Dương Xuân Lập chia sẻ. 

Thực tế cho thấy mức thu nhập bình quân tính theo đầu người ở các xã miền núi của huyện Vĩnh Linh rất thấp, nhiều nơi cách chuẩn rất xa. Ở xã Vĩnh Ô, tiêu chí về thu nhập bình quân được xã đặt ra trong năm 2020 là 26 triệu đồng/người/năm nhưng quá trình thực hiện chỉ có 2 thôn đạt (nhưng thất thường), còn lại các thôn khác đều chỉ ở mức 20 triệu đồng/người/năm. 

Hay ở xã Vĩnh Khê, mục tiêu đặt ra là năm 2023 đạt chuẩn NTM nhưng đến nay mới đạt 12/19 tiêu chí, trong đó khó khăn nhất hiện nay là thu nhập tính theo đầu người với tiêu chí của NTM là 39 triệu đồng/người/năm trong khi hiện xã đạt 32 triệu đồng/người/năm. Thu nhập của người dân cũng sẽ kéo theo nhiều tiêu chí quan trọng khác. 

Xã Vĩnh Khê hiện có 54 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo trong đó có 8 hộ không có sức lao động do già yếu, đau ốm, còn lại đều là những hộ dân trong độ tuổi lao động, có sức khỏe nhưng nghèo do thiếu đất sản xuất, mới tách hộ làm nhà riêng còn tạm bợ, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất... Như trường hợp anh Hồ Văn Kỳ (sinh năm 1991) ở thôn Mới. Anh Kỳ lập gia đình năm 2018, đến năm 2021 anh được mẹ cho tách hộ ở riêng. Từ đó, anh trở thành hộ nghèo. 

Công việc chính của 2 vợ chồng anh Kỳ là khai thác rừng và bóc vỏ tràm với mức tiền công 200 nghìn đồng/người/ngày. Tuy nhiên, vì có 2 con nhỏ nên người vợ thường ở nhà, một mình anh làm thuê nuôi sống cả gia đình nên rất khó khăn do công việc này phụ thuộc vào chu kỳ khai thác của cây rừng cũng như thời tiết (mùa đông hầu như người dân ở đây không có việc làm) dẫn đến thu nhập bấp bênh. “Vì gia đình không có điều kiện kinh tế nên chỉ làm được căn nhà tạm được lợp và che chắn bằng những tấm lợp p rô xi măng. Đến mùa mưa bão là cả nhà phải di tản đi nơi khác để đảm bảo an toàn”, anh Kỳ cho hay. 

3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà còn gần 170 hộ gia đình đang ở nhà tạm. Các tiêu chí NTM đã đạt được mới ở mức tối thiểu, một số tiêu chí NTM chưa đạt được còn cách chuẩn khá xa. Nhà ở chưa đạt cũng là một trong những tiêu chí còn cách chuẩn NTM khá xa ở xã Vĩnh Ô. Toàn xã có trên 80 hộ nhà tạm bợ, chủ yếu ở thôn Mít và Xà Nin. Đây là những thôn xa nhất xã nên việc hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. “Ví dụ mức hỗ trợ cho một nhà là 70 triệu đồng nhưng số tiền đó mới chỉ đủ để trả chi phí vận chuyển do giao thông cách trở”, ông Đàn cho biết. 

Thiếu đất sản xuất 

Diện tích đất tự nhiên lớn, mật độ dân cư thưa thớt nhưng người dân lại thiếu đất, vấn đề tưởng chừng rất nghịch lý này lại là thực trạng chung của các xã miền núi huyện Vĩnh Linh. 

Xã Vĩnh Khê có 2.380 ha đất tự nhiên, tuy nhiên hầu hết đất đai ở Vĩnh Khê đều thuộc đất trồng rừng và cao su của 2 doanh nghiệp lớn là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải và Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị. Một phần diện tích khác lại thuộc chủ sở hữu của người dân ở những nơi khác (người dân ở địa phương khác mua đất ở Vĩnh Hà trồng rừng, trồng cao su từ nhiều năm trước). Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có hồ Bảo Đài, chiếm một phần diện tích đất đai. 

“Diện tích đất Vĩnh Khê rộng nhưng thực tế thì người dân lại không có đất để sản xuất mà chủ yếu đi làm thuê nên thu nhập bấp bênh”, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khê Dương Xuân Lập nói. 

Thực hiện Nghị quyết số 29/NQ- HĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh về việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, xã Vĩnh Khê được giao lại 20 ha từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải. Đến nay, địa phương mới nhận bàn giao được 10 ha nhưng vẫn chưa đủ thủ tục hồ sơ cần thiết để địa phương cấp đất liền cho người dân, tiến độ đến năm 2025, công ty mới bàn giao hết diện tích trên. Với một quỹ đất được bàn giao rất ít so với nhu cầu thực tế của người dân, xã Vĩnh Khê đang thực hiện các bước rà soát nhu cầu đất sản xuất của các hộ dân (theo hướng ưu tiên hộ nghèo, có sức lao động nhưng thiếu đất sản xuất) nhưng việc làm này cần chặt chẽ để đảm bảo đất được bố trí cho người có nhu cầu sản xuất thực sự, tránh tình trạng được cấp đất xong thì bán cho người khác. 

Với một xã miền núi có 100% cư dân là người DTTS như Vĩnh Ô, chỉ riêng câu chuyện sinh kế, giảm nghèo đã là bài toán khó của địa phương. Vấn đề lớn nhất hiện nay của bà con là tạo sinh kế ổn định cuộc sống. Mà muốn ổn định cuộc sống thì phải có đất canh tác, có rừng sản xuất. Nếu nhìn vào diện tích rừng được giao thì rất lớn nhưng diện tích để sản xuất chẳng có là bao vì đất đai canh tác của người dân ở 5/7 thôn nằm phía Nam xã thuộc quyền quản lý của huyện Gio Linh. Vì thế, người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất cũng như khi thực hiện các thủ tục hành chính. Còn phía Bắc xã Vĩnh Ô chủ yếu là diện tích rừng tự nhiên nên người dân không thể canh tác được. 

Bài 4: Nỗ lực về đích, hòa vào hành trình xây dựng huyện nông thôn mới 

Lâm Thanh - Phan Hoài Hương (Nguồn: http://baoquangtri.vn/Chinh-tri/modid/415/ItemID/171029/title/-Xoa-doi-giam-ngheo-cac-xa-mien-nui-huyen-Vinh-Linh-nhin-tu-mot-de-an--Bai-3-Nhung-kho-khan-dat-ra-tu-thuc-tien)

Bài viết liên quan