Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Tăng cường quản lý công tác đảm bảo ATTP, ngăn ngừa và xử lý ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện

Ngày 29/5/2024, UBND huyện Vĩnh Linh có văn bản gửi các địa phương, đơn vị liên quan về tăng cường quản lý công tác đảm bảo ATTP, ngăn ngừa và xử lý ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm đã được các cơ quan, ban, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả tốt. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện chưa ghi nhận các trường hợp ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra trên địa bàn.

Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm rất cao. Hiện nay, bếp ăn tập thể; loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, nấu ăn lưu động phục vụ tiệc, hội họp, đám cưới, đám giỗ… phát triển mạnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là trong giai đoạn nắng nóng, thời điểm có các sự kiện lớn của huyện.

Để chủ động và tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây qua đường thực phẩm, UBND huyện Vĩnh Linh đề nghị Phòng Y tế chịu trách nhiệm đầu mối quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm kịp thời ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; tăng cường kiểm tra, hậu kiểm việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

Phòng Kinh tế & Hạ tầng và phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành NN&PTNT và Công thương quản lý theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh do ngành NN&PTNT và ngành Công thương quản lý theo phân công, phân cấp.

Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp có bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú thực hiện nghiêm túc các quy định đảm bảo ATTP, kiểm soát chặt chẽ các nguồn gốc nguyên liệu, quá trình chế biến tại các bếp ăn trường học; nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.

UBND các xã, thị trấn phối hợp với các phòng, ban, ngành, liên quan có biện pháp phù hợp để nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, dịch vụ nấu ăn lưu động, cơ sở bán rong trước các cổng trường học; an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý. Triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên địa bàn; nâng cao kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm góp phần phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

BBT

Bài viết liên quan