Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Hiệu quả từ việc thực hiện chính sách dân tộc

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự quyết liệt trong tổ chức thực hiện của chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở, việc triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới” (sau đây gọi tắt là Kết kuận số 65) trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã có chuyến biến tích cực.

Xã Vĩnh Ô đón nhận đạt chuẩn NTM.

Toàn huyện Vĩnh Linh có khoảng 2.900 người đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều, sinh sống ở vùng miền núi, tập trung nhiều nhất tại 11 bản thuộc 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà. Với điều kiện tự nhiên, xã hội không mấy thuận lợi, đời sống của bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Thực hiện Kết luận 65, trước hết Ban Thường vụ Huyện uỷ Vĩnh Linh đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai các nội dung về tận cơ sở, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung phù hợp với tình hình. Chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp theo chức năng, nhiệm vụ đã chú trọng triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ các chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Nhất là trong phát triển kinh tế, giảm nghèo; phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc; xây dựng hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số và công tác quản lý nhà nước về dân tộc.     

Theo đó, trong phát triển kinh tế, huyện Vĩnh Linh tập trung thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia như: chương trình 134, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững... gắn với các đề án, kế hoạch, kết luận về phát triển kinh tế xã hội được ban hành ở địa phương như: Kết luận số 933 của Huyện ủy Vĩnh Linh về phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới ở 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà; Quyết định 1753 của UBND huyện về việc cấp kinh phí thực hiện chính sác hỗ trợ đất đai và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số... Từ các chủ trương, chính sách này, người dân ở các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà đã được giao đất, hỗ trợ vay vốn, tập huấn nâng cao kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, hỗ trợ mô hình sinh kế...  

Nhờ vậy, bà con các xã vùng bản huyện Vĩnh Linh đã chủ động hơn trong phát triển kinh tế. Thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo có nhiều hộ gia đình trồng được 10 - 15 ha rừng tràm, hoặc đầu tư mua sắm máy móc, xe tải phục vụ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, với lợi thế về quỹ đất và điều kiện tự nhiên, hầu hết người dân 3 xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê và Vĩnh Ô đều phát triển chăn nuôi gia súc như trâu, bò, dê với quy mô lên đến vài chục con. Trâu bò được chăn nuôi và trao đổi dưới dạng hàng hóa nhiều hộ gia đình đã nâng mức sống, tiến tới thoát nghèo. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ở các xã này đã đạt 48,5 triệu đồng/người/năm.

Trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, tỷ lệ học sinh đến trường đạt ở các cấp đều đạt 100%. 3/3 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3, phổ cập xóa mù chữ mức độ 2, phổ cập trung học mức độ 2. 100% xã có trạm y tế xây dựng kiên cố. Tỷ lệ bác sĩ công tác tại trạm đạt chuẩn, đảm bảo cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Bên cạnh đó, các lễ hội văn hóa, tín ngưỡng dân gian tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số được chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị góp phần phát triển các hoạt động du lịch, dịch vụ như lễ hội cồng chiêng, biểu biễn trang phục dân tộc, ngày hội văn hóa dân tộc Vân Kiều...

Huyện cũng thực hiện tốt chủ trương xây dựng hệ thống chính trị, xây dưng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số và phát huy vai trò của người có uy tín. Từ năm 2003 đến nay, có 33 lượt cán bộ theo học đại học các ngành như Luật, Kinh tế; 24 lượt cán bộ, công chức hoàn thành các khóa trung cấp lý luận chính trị; 40 lượt cán bộ, công chức được đào tạo về quản lý nhà nước bậc chuyên viên. Mỗi năm, trung bình có 50 lượt cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng tham mưu, tập huấn chuyên môn do huyện và tỉnh tổ chức. Hiện tại, toàn huyện có 73 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS. Trong đó, UBND các xã có 32 cán bộ, công chức; khối trường học có 41 viên chức. Đáng chú ý, số lượng đảng viên là người DTTS đã lên đến 246 người. Có 12 người là người uy tín trong đồng bào dân tộc. Đây là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và đối ngoại Nhân dân, lực lượng vũ trang đã tổ chức các tổ, đội công tác tăng cường về cơ sở, bám sát địa bàn, gần gũi với Nhân dân; hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên thai, giúp dân phát triển kinh tế. Từ đó, nắm tình hình, vận động đấu tranh với các hoạt động chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước... Nhờ vậy, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ vững và ổn định; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chấp hành đúng quy định của pháp luật, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được tăng cường và lớn mạnh…

Với việc thực hiện các chủ trương, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có việc triển khai thực hiện Kết luận số 65 đã làm thay đổi toàn diện tình hình kinh tế - xã hội các xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà thuộc huyện Vĩnh Linh. Từ năm 2021 đến tháng 8/2024, các xã đã này lần lượt về đích nông thôn mới. Thời gian tới, huyện Vĩnh Linh sẽ khắc phục những mặt còn tồn tại, khó khăn trong triển khai thực hiện Kết luận số 65; đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, đề xuất giải pháp để thực hiện tốt công tác dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc tại địa bàn.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan