Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
“Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”
- 26-11-2024
- 90 lượt xem
Năm 2024, chủ đề được Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) lựa chọn cho Ngày Thế giới phòng, chống AIDS là: “Take the Rights Path”, có thể hiểu là: “Đảm bảo nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe”. Theo đó, UNAIDS nhấn mạnh: Lấy nhân quyền làm trung tâm, kết hợp với sự tham gia của cộng đồng, thế giới có thể chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.
Hưởng ứng chủ đề trên, Việt Nam chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 là: “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.
Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 được hiểu như thế nào?
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS. Theo đó, ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống dịch bệnh AIDS vào năm 20301. Đây là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phù hợp với tình hình mới. Ban Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 tập trung tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030.
“Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS” không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà có nghĩa là khi AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS là khi đạt được các tiêu chí sau:
- Số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm. (tương đương dưới 01 người nhiễm mới HIV/100.000 dân).
- Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS <1/100.000 dân.
- Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con <2%.
Những rào cản nào trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS?
Trong những năm qua, mặc dù Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp can thiệp giảm tác hại tuy nhiên dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng trong nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đây là những quần thể ẩn nên rất khó tiếp cận, khó triển khai các can thiệp cần thiết. Hơn nữa, hành vi nguy cơ của nhóm này rất phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex, quan hệ tình dục tập thể…
Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp, đã và đang là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của cả người nhiễm HIV và các nhóm đích nguy cơ cao.
Các rào cản về tài chính và địa lý cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ của những nhóm đích nguy cơ cao. Nhiều người trong các nhóm nguy cơ cao thường có thu nhập thấp và không có khả năng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, vấn đề giao thông và khoảng cách địa lý cũng là một trở ngại đối với những người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% vào các dự án quốc tế đặc biệt đối với các chương trình dự phòng mang tính then chốt (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP đang dựa hoàn toàn vào các dự án viện trợ). Hiện nay Quỹ Bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước đang chưa có căn cứ để chi trả cho dịch vụ can thiệp này. Thêm vào đó, quá trình chuyển giao tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS trước mắt cũng vẫn còn nhiều khó khăn đặc biệt trong bối cảnh lộ trình cắt giảm viện trợ nhanh và mạnh.
Tại sao chọn chủ đề: Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030?
Chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” mà Việt Nam lựa chọn trong năm 2024 có ý nghĩa quan trọng và được đưa ra dựa trên bối cảnh cụ thể. Trước hết, nó hưởng ứng chủ đề “Take the Rights Path” của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), nhằm nhấn mạnh vai trò của nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. UNAIDS cho rằng việc đặt nhân quyền làm trọng tâm và huy động sự tham gia của cộng đồng sẽ giúp thế giới đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.
Bên cạnh đó, đây còn là sự tiếp nối cam kết đã được thể hiện rõ tại Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS lần thứ 75 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2021. Tại hội nghị này, cộng đồng quốc tế, bao gồm Việt Nam, đã thông qua Tuyên bố Chính trị với mục tiêu: “Chấm dứt các bất bình đẳng và trở lại đúng hướng để kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Tuyên bố Chính trị nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm quyền con người trong tiếp cận dịch vụ y tế, không có sự phân biệt đối xử và đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho tất cả mọi người, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Tuyên bố cũng nhấn mạnh rằng việc tiếp cận các dịch vụ y tế phải đảm bảo tính sẵn có, khả năng tiếp cận, có thể chấp nhận được, có chi phí hợp lý, và đảm bảo chất lượng.
Trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện sự cam kết thông qua việc xây dựng và thực hiện các chính sách cụ thể nhằm đảm bảo mọi người dân, bao gồm cả các nhóm nguy cơ cao, đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng và bình đẳng. Chính phủ đã thông qua Chiến lược Quốc gia phòng, chống AIDS, ban hành Luật Phòng, chống HIV/AIDS (2006, sửa đổi năm 2020), và chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc các biện pháp can thiệp. Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW năm 2021 để tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, thể hiện sự quyết tâm cao độ trong việc thực hiện cam kết chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030.
Để giải quyết vấn đề khó khăn trong tiếp cận dịch vụ, Việt Nam đã triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ đa dạng và linh hoạt. Ngoài các cơ sở điều trị HIV/AIDS công lập và tư nhân, đã có các mô hình cung cấp dịch vụ lưu động và tiếp cận cộng đồng, giúp mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao. Việt Nam cũng đã tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trong làm việc với các nhóm nguy cơ cao.
Các khóa đào tạo chuyên sâu về HIV/AIDS và các kỹ năng tiếp cận, tư vấn cho các nhóm đặc thù này đã giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm thiểu kỳ thị từ phía nhân viên y tế. Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng người nhiễm HIV và các đối tác phát triển phối hợp chặt chẽ, tiếp tục nỗ lực giảm kỳ thị và phân biệt đối xử để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm nguy cơ cao tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng ngừa và điều trị HIV.
Tuy nhiên, một số rào cản vẫn đang tồn tại trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Nhóm thanh thiếu niên, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), và những người dễ bị tổn thương khác vẫn khó tiếp cận các dịch vụ do sự kỳ thị, phân biệt đối xử, và hạn chế về tài chính. Bên cạnh đó, phụ thuộc vào viện trợ quốc tế vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt trong các chương trình điều trị dự phòng. Các vấn đề này gây trở ngại cho mục tiêu giảm thiểu sự lây lan HIV và đảm bảo chăm sóc cho mọi người dân.
Chính vì vậy, việc Việt Nam chọn chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS" thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này không chỉ phù hợp với định hướng của UNAIDS mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chủ đề này cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.
BBT
- Triển khai Thông tư số 06/2024 Bộ KH&CN về xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (25/11/2024)
- Vĩnh Linh: Khó khăn trong phát triển đối tượng người lao động tham gia BHXH (17/12/2024)
- Thẩm tra mô hình thôn không có người sinh con thứ 3 trở lên tại huyện Vĩnh Linh (24/11/2024)
- Vĩnh Linh khen thưởng 44 hộ gia đình, cá nhân sớm bàn giao mặt bằng cao tốc Bắc- Nam (22/11/2024)
- Tập huấn nâng cao kỹ năng và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân các xã miền núi (22/11/2024)
- Tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 (21/11/2024)
- Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri xã Vĩnh Thái (19/11/2024)
- Vĩnh Linh triển khai thực hiện Đề án tổng kiểm kê tài sản công, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư (15/11/2024)
- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong tình hình mới (14/11/2024)
- Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 (13/11/2024)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)