Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Gạo Bát đỏ Vĩnh Giang: Hành trình hồi sinh cánh đồng ngập mặn
- 27-01-2023
- 236 lượt xem
Vùng rào hói ven sông Bến Hải thuộc xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, sau nhiều năm bị bỏ hoang vì ruộng sâu, đất trũng, quanh năm nước nhiễm mặn, không một cây trồng gì sống nổi, nay bắt đầu được khai thác, trở thành nơi sản xuất giống lúa đỏ đặc sản. Hành trình hồi sinh cánh đồng ngập mặn là nỗ lực không mệt mỏi để biến bất lợi trở thành lợi thế của chính quyền, người dân xã Vĩnh Giang.
Khôi phục giống lúa hàng chục năm thất lạc
Mấy năm trở lại đây, cứ cận tết Nguyên đán là làng trên xóm dưới Vĩnh Giang rộn ràng hội thi cấy lúa chiêm. Chị em hội cấy tay nhanh thoăn thoắt hòa vào tiếng trống, làn điệu dân ca, hò chèo cạn và tiếng cổ vũ náo nhiệt của những người xung quanh. Không khí thi đua sôi nổi ấy là cách mà chính quyền “truyền lửa” cho người dân trở lại với nghề cấy lúa nước truyền thống để nâng tầm giá trị nông sản của địa phương.
Lúa Bát đỏ được doanh nghiệp thu mua, chế biến -Ảnh: L.T
Trăn trở trước một vùng đất quanh năm ngập mặn, rộng khoảng 25 ha bị bỏ hoang nhiều năm nay vì không một loại cây trồng gì có thể sống được trên vùng đất khắc nghiệt ấy, bà Phan Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang nhớ lại thuở nhỏ, khoảng những năm 80 của thế kỷ XX, bà và nhiều người dân trong xã từng ăn hạt gạo đỏ, vị đậm, dẻo bùi được một số gia đình trồng ở chân ruộng nhiễm mặn ấy. Từ đó, bà quyết định tìm hiểu về nguồn gốc giống lúa đỏ truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, hành trình tìm lại giống lúa ấy đầy gian nan vì hàng chục năm nay, người dân Vĩnh Giang không còn sản xuất.
Sau nhiều lần bàn bạc tìm phương án, lãnh đạo xã Vĩnh Giang kết nối được với Tiến sĩ Nguyễn Văn Đức - một người con của quê hương Vĩnh Giang đang công tác tại Trường Đại học Nông lâm Huế để đề xuất ý tưởng khôi phục giống lúa này. Qua nắm bắt thông tin và được sự hỗ trợ của Trường Đại học Nông lâm Huế, năm 2017 đoàn cán bộ xã Vĩnh Giang được Tiến sĩ Nguyễn Văn Đức trực tiếp dẫn về một xã vùng ngập mặn của tỉnh Thừa Thiên Huế để tìm gặp nông dân đang trồng giống lúa đỏ ở chân ruộng nước mặn, lợ nhằm tìm hiểu thực tế. Chuyến đi đó, ngoài học hỏi về kinh nghiệm sản xuất giống lúa ngập mặn, đoàn cán bộ xã Vĩnh Giang đã mua được khoảng 80 kg lúa đỏ về làm giống.
Sau khi có giống lúa, Hợp tác xã (HTX) Tân Mỹ bắt tay ngay vào làm thí điểm. Vụ đầu tiên, 5 thành viên hội đồng quản trị HTX là những người trực tiếp tham gia sản xuất với diện tích 1,2 mẫu. Đến khi thu hoạch cho thấy, giống lúa này đã thoái hóa, thời gian sinh trưởng chỉ còn 4,5 tháng (giống lúa đỏ của địa phương trước đây khoảng 5 - 6 tháng), năng suất thấp, hạt gạo khô, không có vị đậm như giống lúa đỏ của địa phương trước đây. Ông Ngô Văn Lương, Giám đốc HTX Tân Mỹ cho biết: “Không nản lòng, chúng tôi tiếp tục trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Đức nhờ tìm cách thuần hóa giống lúa này. Dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp Trường Đại học Nông lâm Huế, HTX tiếp tục duy trì cách làm truyền thống, không dùng phân hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật, việc trồng lúa cũng hoàn toàn thủ công từ khâu làm đất, ủ giống, bắc mạ, nhổ mạ, cấy lúa cho đến ngày thu hoạch cũng phải gặt tay… Qua những vụ cấy cày, vun xới, cây lúa đỏ đã thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương”.
Đông đảo người dân xã Vĩnh Giang tham gia hội thi cấy lúa -Ảnh: L.T
Mô hình về lúa đặc sản của địa phương dần hình thành thì HTX Tân Mỹ đứng trước thách thức không thể mở rộng quy mô diện tích vì không có nhân lực. “Phương thức trồng lúa thủ công truyền thống khiến chị em phụ nữ đều e ngại vì lâu nay đã quen với việc làm nông nghiệp có máy móc hỗ trợ. Khi HTX vận động thành lập nhóm sản xuất lúa đỏ, ban đầu có 10 người đăng ký nhưng sau 1 người xin rút, chỉ còn lại 9 người. Vì lý do này mà xã Vĩnh Giang đã mở hội thi cấy để cổ vũ, động viên người dân trở lại với nghề trồng lúa nước truyền thống”, ông Lương chia sẻ.
Đặc sản riêng có ở Vĩnh Giang
Đến nay, HTX Tân Mỹ có 21 thành viên tham gia sản xuất lúa Bát đỏ với diện tích 3 ha. Toàn bộ sản phẩm làm ra được Công ty Nông sản hữu cơ Quảng Trị thu mua với giá cao gấp 3 lần lúa thông thường.
Vụ đông xuân 2021- 2022, HTX thu hoạch trên 2 tấn lúa khô, được công ty thu mua với giá 20.000 đồng/kg. Bà Trần Thị Loan, Trưởng Phòng Sản xuất, Công ty Nông sản hữu cơ Quảng Trị cho hay, sản phẩm gạo Bát đỏ có hàm lượng các chất vi lượng và nhóm omega cao gấp hàng chục lần gạo thông thường. Đây là loại lương thực có thể phòng được nhiều bệnh, có lợi cho sức khỏe nên rất được thị trường ưa chuộng. Các sản phẩm chế biến từ gạo cũng phong phú, như: gạo cho người ăn kiêng, cốm gạo lức, trà gạo đỏ… hỗ trợ cho tiêu hóa, giàu vitamin, thích hợp để bồi bổ cho bệnh nhân, người cao tuổi, người ăn kiêng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh phía Nam.
So với các giống lúa thông thường, lúa Bát đỏ sinh trưởng tốt trên vùng đất và nước mặn lợ, khả năng kháng sâu bệnh gần như tuyệt đối, chống chịu thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, thời gian sinh trưởng đến khi thu hoạch của giống lúa này dài ngày hơn các giống lúa khác, từ 150 - 160 ngày; năng suất đạt thấp chỉ khoảng 1,7 - 2 tạ/sào. Nhưng bù lại, lúa sau khi thu hoạch có giá bán cao gấp 3 lần lúa thông thường. Vụ đông xuân 2021 - 2022, Công ty Nông sản hữu cơ Quảng Trị thu mua toàn bộ lúa khô cho người dân với mức giá 20.000 đồng/kg so với lúa thường chỉ khoảng từ 6.000 - 7.000 đồng/kg. Sản phẩm gạo Bát đỏ rất được thị trường ưa chuộng, hiện nay nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu. |
Lúa Bát đỏ sản xuất bao nhiêu đều được doanh nghiệp thu mua bấy nhiêu nhưng so với tâm huyết của chính quyền địa phương và công sức người dân bỏ ra vẫn chưa tương xứng. “Doanh nghiệp mua lúa khô của HTX về xay xát, chế biến thành phẩm đưa ra thị trường với thương hiệu, nhãn mác của doanh nghiệp chứ không ai biết đó là giống gạo đỏ được vun trồng bằng mồ hôi, công sức của nhiều người trên vùng đồng đất giáp cửa biển đầy khắc nghiệt ở Vĩnh Giang. Vì thế, chính quyền và người dân rất mong muốn xây dựng thương hiệu sản phẩm thành gạo đặc sản địa phương bởi không phải vùng đất nào cũng trồng được giống lúa này”, bà Liên chia sẻ.
Từ tâm nguyện đó, bà Liên cùng tập thể lãnh đạo xã Vĩnh Giang đã kết nối, tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ để xây dựng thương hiệu gạo Bát đỏ Vĩnh Giang. Hiện HTX Tân Mỹ đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký sở hữu nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm Gạo Bát đỏ Vĩnh Giang trình Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố. Đặc biệt, năm 2022, nhóm trồng lúa đỏ của HTX Tân Mỹ được UBND tỉnh phê duyệt cho thụ hưởng dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển” (FMCR) tỉnh Quảng Trị. Theo đó, nhóm sản xuất được cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa hữu cơ, hướng dẫn cách làm phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học để chăm sóc lúa, cải tạo ruộng; hỗ trợ kinh phí đầu tư máy xay xát, máy hút chân không, chuẩn bị cho việc chế biến, đóng gói sản phẩm; đồng thời thực hiện truy xuất nguồn gốc sản xuất, hoàn thiện bao bì, nhãn mác, thủ tục kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm… để đưa gạo đỏ trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.
Gạo Bát đỏ Vĩnh Giang trở thành đặc sản -Ảnh: L.T
Mục tiêu trước mắt của xã Vĩnh Giang là đưa vào trồng lúa Bát đỏ trên diện tích vùng quy hoạch 7 ha. Với sự hỗ trợ của Dự án FMCR, thời gian tới, người dân trồng giống lúa này còn được hỗ trợ kỹ năng tìm kiếm thị trường và xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản để tăng giá trị kinh tế, mang lại thu nhập, đảm bảo phát triển lâu dài phương thức canh tác lúa an toàn cho con người, môi trường. Giám đốc HTX Tân Mỹ Ngô Văn Lương phấn khởi nói: “Bên cạnh chuẩn bị tốt cho vụ sản xuất đông xuân 2022 - 2023, cùng một lúc, HTX thực hiện nhiều thủ tục liên quan để sau khi nhãn hiệu tập thể Gạo Bát đỏ Vĩnh Giang được cấp thẩm quyền phê duyệt thì chúng tôi sẽ có sản phẩm hoàn thiện đưa ra bán trên thị trường với tư cách là đặc sản riêng có của địa phương”.
Lâm Thanh (Nguồn: https://baoquangtri.vn/nong-lam-ngu/gao-bat-do-vinh-giang-hanh-trinh-hoi-sinh-canh-dong-ngap-man/174007.htm)
- Trao quà Tết cho 41 hội viên phụ nữ khó khăn (19/01/2023)
- Hội CTĐ huyện Vĩnh Linh trao 75 suất quà Tết tại xã Vĩnh Ô (18/01/2023)
- Bến Quan, Vĩnh Long: Gặp mặt, tặng quà cho sinh viên (18/01/2023)
- Góp sức bảo tồn những loại hình nghệ thuật truyền thống (17/01/2023)
- Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Vĩnh Khê tổ chức Hội chợ Quê “Xuân yêu thương” năm 2023 (13/01/2023)
- Trao 400 suất quà Tết cho người dân Vĩnh Ô, Vĩnh Khê (12/01/2023)
- Tiếp tục triển khai dự án khai thác khoáng sản tại thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái (11/01/2023)
- Hồ Xá: Trao 130 suất quà tết cho gia đình chính sách, hộ khó khăn (10/01/2023)
- Trao 68 suất quà tết cho đối tượng yếu thế ở Vĩnh Linh (10/01/2023)
- Trao 150 suất quà tết cho học sinh đồng bào dân tộc Vân Kiều (09/01/2023)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Địa chỉ: Thành Công, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh - Điện thoại: (0233).3820491; Fax: (0233).3820787
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ