Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Xã Vĩnh Thái phát triển hiệu quả kinh tế biển và vùng cát
- 26-03-2023
- 1051 lượt xem
Về vùng biển bãi ngang xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) bây giờ sẽ được nghe câu chuyện “hái ra tiền” của nhiều người dân cần cù, sáng tạo đã biết tìm chọn hướng để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế có giá trị cao từ biển xanh, cát trắng bạc màu.
Mô hình nuôi cá lóc thương phẩm trong bể xi măng lót bạt đã khẳng định hiệu quả kinh tế ở thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: H.A
Tranh thủ vài ngày không thể ra khơi bởi biển động do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh đang quần thảo trên biển, ngư dân Nguyễn Hữu Đạt (39 tuổi) ở thôn Tân Mạch, xã Vĩnh Thái ngồi vá lại tấm lưới chuyên dùng cho việc đánh bắt cá chim. Ông Đạt cho biết, trước và sau tết Nguyên đán Quý Mão - 2023 đến nay, nhiều ngư dân xã Vĩnh Thái trúng những mẻ cá chim với thu nhập từ 20 - 40 triệu đồng/chuyến biển.
Nghề lưới cá chim được du nhập vào xã Vĩnh Thái cách đây vài năm. Đến thời điểm hiện tại có trên 35 thuyền của ngư dân các thôn Tân Hòa, Đông Luật, Tân Mạch, Thái Lai (xã Vĩnh Thái) làm nghề lưới cá chim. Cá chim ở vùng rạn biển có thể đánh bắt quanh năm, nhưng đánh bắt với sản lượng lớn tập trung vào khoảng tháng 11 (âm lịch) năm trước và kéo dài cho đến tháng 3 (âm lịch) năm sau.
Lưới đánh bắt cá chim dài khoảng 800 - 1.000 m; chiều rộng trên 10 m và mắt lưới rộng khoảng 10 - 15 cm. Lưới cá chim được gắn thiết bị định vị để khi thả xuống biển, ngư dân chỉ cần ngồi trên thuyền vẫn có thể theo dõi lưới di chuyển theo hướng chảy của dòng hải lưu. Bởi khi thả lưới cá chim, ngư dân thường thả lưới cao hơn rạn biển để lưới không bị vướng vào rạn biển và trôi theo dòng hải lưu.
“Còn nhớ, trước tết Nguyên đán Quý Mão vài ngày, tôi dong thuyền ra vùng rạn biển xã Vĩnh Thái (cách bờ khoảng 3 - 4 hải lý) thả lưới đánh bắt cá chim. Thả lưới từ 18 giờ cho đến 20 giờ thì tôi bắt đầu tìm vị trí vàng lưới trên máy định vị và tiến hành kéo lưới. Kéo được khoảng 4 - 5 m lưới đã thấy cá chim mắc đầy vàng lưới. Mẻ lưới ấy, thuyền của gia đình tôi đánh bắt được gần 50 kg cá chim. Thuyền vừa cập bến, thương lái thu mua tại thuyền với giá 800 nghìn đồng/kg. Vậy là thuyền của gia đình tôi có thu nhập gần 40 triệu đồng/chuyến biển chỉ với mẻ lưới.
Cũng trong đêm ấy, nhiều ngư dân ở xã Vĩnh Thái đánh bắt được từ 20 - 30 kg cá chim ở vùng rạn biển. Còn hiện tại, cứ bình quân mỗi chuyến biển, thuyền của gia đình tôi đánh bắt được khoảng 5 - 7 kg cá chim. Từ cuối năm 2022 đến nay, giá cá chim được thương lái thu mua từ 600 - 800 nghìn đồng/kg, có thời điểm cá chim có giá 1 - 1,5 triệu đồng/kg để xuất bán sang thị trường Trung Quốc.
Nhờ vậy, ngư dân làm nghề đánh bắt cá chim của các xã Vĩnh Thái, Kim Thạch, thị trấn Cửa Tùng có thu nhập cao để cải thiện đời sống gia đình. Nhiều ngư dân ở xã Vĩnh Thái hiện đang mua sắm lưới chuyên đánh bắt cá chim để hành nghề ở vùng rạn biển”, ông Đạt chia sẻ.
Đến thăm mô hình nuôi cá lóc thương phẩm ở thôn Đông Luật, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Tiều (47 tuổi) cho biết, nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Thái thời gian gần đây đã phát triển mô hình nuôi cá lóc thương phẩm trong bể xi măng lót bạt để tận dụng diện tích cát trắng bạc màu không canh tác được.
Khoảng năm 2018, một số hộ dân ở xã Vĩnh Thái đã đi tham quan tìm hiểu thực tế mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng lót bạt của người dân ở tỉnh Quảng Bình. Nhận thấy tiềm năng phát triển mô hình này ở địa phương, nhiều hộ dân đã tiến hành đầu tư xây dựng bể xi măng lót bạt để nuôi cá lóc thương phẩm trong đó có gia đình anh Tiều.
Để nuôi cá lóc thương phẩm, anh Tiều đã đầu tư 40 triệu đồng để xây dựng 2 bể xi măng rồi lót bạt với diện tích 200 m2 . Bể nuôi cá lóc có chiều cao khoảng 1,2 m; phần đáy bể có độ dốc để thuận lợi mỗi khi thay nước; nguồn nước ngọt trong bể được lấy từ hệ thống giếng khoan đảm bảo cho cá lóc sinh trưởng tốt…; xung quanh bể được che bằng lưới nhằm hạn chế ánh sáng trực tiếp cũng như nhiệt độ trong bể nuôi.
Với 2 bể xi măng lót bạt có diện tích 200 m2 mặt nước, mỗi vụ anh Tiều thả nuôi khoảng 30.000 cá giống. Sau 8 - 10 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 1 - 1,5 kg/con. Cá lóc nuôi trong bể xi măng lót bạt được thương lái từ tỉnh Quảng Bình vào thu mua với giá giao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg.
Anh Tiều phấn khởi nói: “Vụ cá lóc vừa rồi, tôi thu hoạch gần 10 tấn bán cho thương lái được khoảng 400 - 500 triệu đồng. Có thể nói, mô hình nuôi cá lóc thương phẩm trong bể xi măng lót bạt ở thôn Đông Luật đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, với lãi ròng khoảng 100 - 120 triệu đồng/vụ nuôi. Đây là nguồn thu nhập cao đối với người dân vùng biển bãi ngang như xã Vĩnh Thái.
Hiện tại, diện tích nuôi cá lóc thương phẩm trong bể xi măng lót bạt tại thôn Đông Luật là khoảng 1.500 m2 với sản lượng ước đạt 50 tấn/vụ/năm. Cá lóc là loại cá nước ngọt có thịt ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Khó khăn hiện nay của các hộ nuôi cá lóc thương phẩm là thị trường tiêu thụ còn thụ động, phụ thuộc vào việc thu mua của thương lái tỉnh Quảng Bình…”.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái Nguyễn Hữu Trường cho biết, cũng như các xã vùng biển bãi ngang, trước đây trong hình dung của nhiều người là những trảng cát trắng chang chang dưới ánh nắng bỏng rát, từng là nỗi ám ảnh của bao thế hệ người dân nơi đây. Bây giờ, cảnh hoang vắng, đìu hiu không một bóng cây của ngày xưa đã được thay thế bởi màu xanh của nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây ném, môn các loại, lạc, lúa trên cát trắng.
Đơn cử như mô hình trồng ném trên cát tập trung chủ yếu tại thôn Đông Luật, Thử Luật… với diện tích 60 ha, sản lượng ném năm 2022 ước đạt 300 tấn, mang lại nguồn thu gần 5 tỉ đồng (bình quân đạt 300 triệu đồng/ha/năm); mô hình trồng môn các loại như môn nịch, môn sáp… với diện tích 60 ha tập trung ở thôn Đông Luật, Thử Luật, Tân Mạch…, sản lượng năm 2022 đạt 600 tấn, mang lại nguồn thu 8,5 tỉ đồng (bình quân đạt 200 -300 triệu đồng/ ha/năm); mô hình trồng lạc trên cát với diện tích 50 ha, sản lượng năm 2022 đạt 100 tấn mang lại nguồn thu 5 tỉ đồng…
Còn trong đánh bắt thủy sản, không có tàu to, thuyền lớn để vươn khơi xa, ngư dân xã Vĩnh Thái trong những năm gần đây đã tìm cách biến những khó khăn, hạn chế của vùng biển bãi ngang thành lợi thế trong đánh bắt thủy, hải sản với việc du nhập nhiều loại hình ngành nghề đánh bắt thủy hải sản gần bờ mang lại sản lượng, hiệu quả kinh tế cao như lưới cá chim, lưới tôm, mức, dạ kéo ruốc, giã tôm, lừ mực lá, lặn bắt sò, vẹm, ốc biển ...Tùy theo từng mùa trong năm, ngư dân nơi đây lại chọn nghề phù hợp để đánh bắt thủy, hải sản đem lại thu nhập khá.
Hải An (Nguồn: https://baoquangtri.vn/kinh-te/xa-vinh-thai-phat-trien-hieu-qua-kinh-te-bien-va-vung-cat/175447.htm)
- Hồ Xá: Sinh hoạt chuyên đề giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên (27/03/2023)
- Hội Nông dân xã Vĩnh Thuỷ đại hội nhiệm kỳ 2023- 2028 (21/03/2023)
- Cô học trò nghèo, vượt khó học giỏi (21/03/2023)
- Vĩnh Thủy: Trình diễn mô hình phòng trừ bệnh phấn trắng hại cao su bằng thiết bị bay không người lái (20/03/2023)
- Tổ chức Chương trình “Đồng hành cùng ngư dân bám biển” tại thị trấn Cửa Tùng (20/03/2023)
- Nâng cao tỷ lệ hàng hóa lưu thông qua chợ (20/03/2023)
- Vĩnh Giang: Tổ chức sinh hoạt định kỳ Câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi dựa vào cộng đồng” (20/03/2023)
- Trao tặng bò giống sinh sản cho hội viên TNXP nghèo Vĩnh Ô (17/03/2023)
- Quan tâm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (17/03/2023)
- Triển khai mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp (16/03/2023)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)