Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Đưa ngành nghề mới về phát triển hiệu quả ở vùng nông thôn

Mạnh dạn tìm hiểu, đầu tư đưa ngành nghề thủ công mỹ nghệ về phát triển tại địa phương, đến nay xưởng gia công đan lát mặt hàng nội thất xuất khẩu của hộ chị Nguyễn Thị Hằng, ở thôn Di Loan, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh đang hoạt động hiệu quả. Đồng thời góp phần tạo việc làm cho gần 100 lao động thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Chị Nguyễn Thị Hằng (áo xanh) kiểm tra thành phẩm của công nhân sau khi hoàn thiện.

Xưởng gia công sản phẩm đan lát thủ công mỹ nghệ được chị Nguyễn Thị Hằng thành lập vào tháng 11/2023. Trước đó chị Hằng đã học nghề tại tỉnh Bình Định và liên kết với Công ty TNHH Thương mại Hoàng Giang để được nhận hỗ trợ về: dạy nghề, cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. Theo đó, xưởng của chị Hằng chuyên gia công từ nguyên liệu nhựa tái chế thành những bộ phận phục vụ lắp ráp mặt hàng xuất khẩu gồm: bàn, ghế, giường... Khi nhận lao động vào làm việc, chị trực tiếp đào tạo lại nghề cho từng người.

Tuy đang từng bước ổn định sản xuất với quy mô nhà xưởng thử nghiệm ban đầu gần 100 m2. Nhưng 7 tháng nay, mô hình của chị Hằng đã đạt doanh thu từ 75 - 150 triệu đồng/tháng, tùy theo đơn hàng. Chị Nguyễn Thị Hằng cho biết: Bình quân mỗi tháng xưởng chúng tôi nhập 4 đợt nguyên liệu và sản xuất ra tổng cộng khoảng 3.000 sản phẩm. Toàn bộ sản phẩm sẽ được Công ty TNHH Thương mại Hoàng Giang vận chuyển vào công ty hoàn thiện công đoạn tiếp theo và trả mức gia công từ 25 - 50 ngàn đồng/sản phẩm theo kích cỡ nhỏ - lớn. Với doanh thu 75 - 150 triệu đồng/tháng, sau khi trừ lương thanh toán cho người lao động và các khoản chi phí liên quan, xưởng mang lại thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng”.

 

Đặc biệt mô hình của hộ chị Hằng tạo điều kiện giúp nhiều đối tượng lao động ở vùng nông thôn huyện Vĩnh Linh được tiếp cận nghề mới, có thêm việc làm ổn định. Hiện xưởng đang giải quyết việc làm cho 20 lao động tập trung và khoảng 80 lao động nhận nguyên liệu về gia công tại nhà. Phần lớn lao động qua quá trình học đã nâng cao tay nghề, làm ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của công ty tiêu thụ. Là lao động gắn bó với xưởng gia công đan lát từ những tháng đầu đến nay, chị Nguyễn Thị Huế, thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang chia sẻ: “Trước đây công việc chính của tôi chủ yếu đánh bắt thủy sản trên sông Bến Hải, việc này chỉ làm vào buổi tối nên ban ngày khá nhàn rỗi. Từ khi có xưởng đan lát của hộ chị Hằng mở ra, tôi đến đây học nghề, làm việc. Tôi thấy công việc này không đòi hỏi cao về kĩ thuật, sức khỏe, chỉ cần chú ý học và chăm chỉ thì sẽ làm tốt. Nên ở đây từ thanh niên, người cao tuổi, phụ nữ đều có thể đến học, được nhận làm. Riêng tôi hiện mỗi ngày có thể đan được trung bình 4 sản phẩm, cộng lại mỗi tháng như vậy tôi có thêm nguồn thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng”.

Với hiệu quả của xưởng gia công sản phẩm đan lát nội thất xuất khẩu, xã Vĩnh Giang đánh giá đây là mô hình triển vọng trong chuyển đổi kinh tế, góp phần đa dạng, thúc đẩy phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang Lê Vỹ cho biết thêm: “Hộ chị Nguyễn Thị Hằng đã đăng ký sản xuất, kinh doanh ngành nghề đan lát thủ công mỹ nghệ. Về phía chính quyền địa phương cũng tạo mọi điều kiện, hướng dẫn hộ kinh doanh đảm bảo tuân thủ theo quy định, nhất là về bảo vệ môi trường; phòng, chống cháy nổ; an toàn, vệ sinh lao động... Từ đó duy trì, phát triển mô hình theo hướng bền vững, vừa tăng thu nhập cho hộ sản xuất, kinh doanh, mặt khác tạo việc làm cho lao động trong xã cũng như một số đơn vị lân cận”. 

Hiện nay, chị Nguyễn Thị Hằng đang tiếp tục đầugần 100 triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất xưởng sản xuất theo hướng quy mô, đồng bộ hơn. Cùng với đó, tuyển thêm nhân công kết hợp đào tạo nghề đối với lao động mới. Mục tiêu khi mở rộng sản xuất, xưởng sẽ thu hút gần 300 lao động, số lượng hàng xuất ra đạt khoảng 10.000 sản phẩm/tháng.

Nguyễn Trang

Bài viết liên quan