Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Anh Hồ Văn Thư xứng danh người mang họ Bác Hồ

Thẳm sâu trong mỗi suy nghĩ, hành động của mình, anh Hồ Văn Thư (sinh năm 1975), ở thôn Khe Hó Trù, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh luôn tự hào và tâm niệm phải xứng đáng là người Vân Kiều được mang họ Bác. Nhiều năm qua, anh đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế, làm giàu cho mình và giúp đỡ người dân địa phương thoát nghèo, tiến lên cuộc sống ấm no. Trong vai trò là trưởng ban công tác mặt trận thôn, là người có uy tín trong cộng đồng, anh Thư luôn năng nổ, tiên phong đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; huy động sức dân để xây dựng nông thôn mới; góp sức xây dựng quê hương ngày càng đẹp giàu.

Anh Hồ Văn Thư (bên trái) tích cực hỗ trợ người dân về kỹ thuật chăm sóc cây tràm - Ảnh: M.Đ

Kiên định mục tiêu giảm nghèo, vươn lên làm giàu

Chúng tôi đến xã Vĩnh Hà vào một ngày nắng nóng như đổ lửa, thế nhưng anh Hồ Văn Thư vẫn miệt mài chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho người dân thôn Khe Hó Trù. “Biết người dân cần nhờ đến mình thì tôi sẵn lòng hỗ trợ ngay dù là ngày hay đêm, lúc thời tiết thuận lợi hay khắc nghiệt. Từng là người nghèo khó, thế nên tôi luôn thấu hiểu người nghèo cần gì, muốn gì.

Để người dân nơi đây từng bước ổn định cuộc sống, tiến lên làm giàu, ngoài giúp đỡ còn phải liên tục động viên, khuyến khích họ kiên định mục tiêu phát triển các cây trồng chủ lực như cao su, trồng rừng cũng như phát triển đa cây, đa con. Muốn làm được điều đó, bản thân tôi xác định phải gương mẫu đi đầu thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế”, anh Thư cho hay.

Anh Thư sinh ra trong một gia đình nghèo. Khi ở độ tuổi lao động, nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về phát triển cây trồng chủ lực như cây cao su, cây lâm nghiệp..., anh Thư bàn bạc với gia đình tiến hành khai hoang những vùng đất trống để trồng cây kết hợp phát triển chăn nuôi. Được sự hỗ trợ về giống cây cao su, cây tràm, khoa học kỹ thuật và nguồn vốn vay qua nhiều kênh khác nhau, anh Thư đã trồng 2 ha cây cao su, 2 ha rừng tràm, đào ao nuôi cá cách nhà khoảng 3km; đồng thời tiến hành chăn nuôi bò, lợn, gà, trồng tiêu, cây ăn quả...

Thời gian đầu thực hiện ước mơ đổi thay cuộc sống, anh Thư gặp nhiều khó khăn. Anh kể, khoảng năm 2000, khi rừng cây cao su, cây tràm anh trồng phát triển được tầm khoảng 1m thì bị trâu bò thả rông phá hoại; nhiều đối tượng xấu đến bắt trộm cá trong ao của gia đình. Nhiều người trong thôn cũng bị kẻ xấu phá hoại đã có ý định không làm nữa.

Tuy nhiên, bình tĩnh trước thử thách, anh Thư khuyên mọi người phải đoàn kết lại để bàn bạc, tìm ra giải pháp sau đó tiến hành trồng lại các cây bị gãy để tiếp tục mục tiêu làm giàu. Nói là làm, anh Thư dựng ngay lán trại để có nơi tạm trú trông coi rừng cây, ao cá, triển khai trồng lại từng cây như nâng niu từng niềm hy vọng.

Anh Hồ Văn Thư nỗ lực phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương -Ảnh: M.Đ.

Sau bao ngày nỗ lực, anh cũng đã có niềm vui khi cây cao su cho những dòng mủ trắng đầu tiên, rừng tràm cho thu hoạch. Đến năm 2012, nhiều người dân địa phương cảm phục khi anh Thư xây dựng được ngôi nhà khang trang; mua sắm được 3 chiếc xe máy và nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình; chăm lo cho 2 con học hành đàng hoàng.

Lấy chính bản thân ra làm tấm gương sinh động, anh luôn hướng về người dân trong thôn, bản để chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật, đặc biệt là động viên họ luôn giữ vững niềm tin trong mọi việc.

Anh kể: “Có thời điểm, giá thu mua mủ cao su hạ xuống thấp kỷ lục ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập gia đình tôi và bà con. Dân bản nhiều người nản, không đi cạo mủ, người thì muốn chặt bỏ cao su trồng cây khác. Hiểu tâm lý của họ, tôi khuyên mọi người chớ nên từ bỏ thành quả bao năm mình vun đắp mà hãy vững tin, chờ ngày giá mủ cao su ổn định trở lại.”

Niềm tin ấy đã thành hiện thực khi đến nay, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Thư mang lại thu nhập bình quân hằng năm trên 160 triệu đồng với 2 ha cao su, 2 ha rừng tràm, chăn nuôi hơn 50 con gà, 30 con vịt và trồng thêm một số lượng lớn cây tiêu, cây ăn quả, trồng lúa nước...

Khơi dậy sức mạnh cộng đồng để xây dựng quê hương

Đi một vòng quanh thôn Khe Hó Trù, chúng tôi thấy những mái nhà kiên cố, khang trang; những con đường được trải bê tông bằng phẳng. Thành quả ấy mang đậm dấu ấn của anh Hồ Văn Thư trên cương vị trưởng ban công tác mặt trận thôn. Anh Thư chia sẻ: “Năm 2012, khi có một đường nông thôn cần mở rộng đi qua đất nhà tôi, tôi đã tự nguyện hiến 20m2 và cây cối trên đất.

Giờ đây, con đường đó giúp người dân đi lại thuận lợi, các em nhỏ đến trường được nhanh hơn. Dân bản nhận thấy việc đóng góp công sức, của cải vào các công trình chung sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho con em, cho gia đình họ và cho địa phương nên đều tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất để xây dựng các con đường bê tông khác”.

Anh Hồ Văn Thư (ngoài cùng, bên trái) luôn gần gũi, gắn bó với dân bản -Ảnh: M.Đ

Nhờ sự tận tâm, khéo léo của anh Thư, nhiều người Vân Kiều ở thôn Khe Hó Trù đã góp công sức, kinh phí để cùng chung tay biến những con đường đất lầy lội thành đường bê tông vừa thuận lợi cho người dân đi lại, vừa dễ dàng vận chuyển nông sản đi tiêu thụ. Đứng trên con đường bê tông mới hoàn thành, anh Thư phấn khởi nói rằng đây là công trình có sự đóng góp của 4 hộ gia đình trong thôn tự nguyện hiến trên 130 m2 đất.

Anh Hồ Văn Hải, người dân thôn Khe Hó Trù vui vẻ nói: “Trước đây, tôi và bà con đều đã nhìn thấy anh Thư làm gương hiến đất để xây đường phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế. Vì vậy khi anh đến nhà vận động với những lời lẽ thấu tình, đạt lý, tôi không so đo tính toán mà đã nhìn rõ được cái lợi lâu dài cho gia đình và bản làng khi hiến “tấc đất, tấc vàng”. Gia đình tôi đã góp sức hiến 45m2 đất vào năm 2021 để cùng với chính quyền địa phương, người dân xây dựng đường bê tông”. Trên địa bàn xã Vĩnh Hà, còn nhiều con đường khác được bà con hưởng nhiệt tình trong việc hiến đất, trong đó, người hiến ít thì 20m2 , người hiến nhiều thì trên 45m2 .

Anh Thư chính thức làm trưởng ban công tác mặt trận thôn Khe Trù từ năm 2008. Đến năm 2019, khi 2 thôn Khe Trù và thôn Khe Hó của xã Vĩnh Hà được sáp nhập thành thôn Khe Hó Trù, anh tiếp tục được bầu làm trưởng ban công tác mặt trận thôn Khe Hó Trù. Những ngày đầu thôn mới sáp nhập, vì địa bàn rộng, dân cư nhiều hơn và phát sinh nhiều vấn đề nên để hoàn thành tốt công việc, anh Thư đã chủ động học tập, tiếp cận với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các lĩnh vực liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, anh còn đi đầu trong việc thực hiện tốt công tác chăm lo cho hộ nghèo; quan tâm tổ chức sôi nổi các hoạt động văn nghệ, thể thao trong thôn. Đã 16 năm cống hiến trong nhiều mặt hoạt động, anh Hồ Văn Thư với sự tận tâm cùng uy tín của mình đã nhận được nhiều sự động viên, khen ngợi của dân bản và lãnh đạo địa phương. Thế nhưng, với anh, niềm hạnh phúc lớn nhất là được nhìn thấy bản làng ngày càng phát triển, người dân được sống trong no ấm, yên bình.

Minh Đức (Nguồn: https://baoquangtri.vn/anh-ho-van-thu-xung-danh-nguoi-mang-ho-bac-ho-188158.htm)

Bài viết liên quan