Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
7 tấm bia đặc biệt ở Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh
- 15-02-2023
- 4128 lượt xem
Tại Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh, nghĩa trang lớn thứ 3 ở tỉnh Quảng Trị hiện đang bảo vệ, trưng bày 7 tấm bia đá đặc biệt, ghi chiến công oanh liệt của 7 anh hùng, liệt sĩ chống Pháp tiêu biểu thuộc 6 tỉnh, thành phố đã hy sinh trên chiến trường miền Nam. Sau mỗi tấm bia chằng chịt dấu vết đạn bom ẩn chứa những câu chuyện hào hùng, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà ít ai biết được. Và đặc biệt hơn cả là sự ra đời của hệ thống bia có một không hai này được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng, đặt tại Khu vực Vĩnh Linh (nay là huyện Vĩnh Linh) vào năm 1958.
Học sinh trường Tiểu học Võ Thị Sáu tham quan, tìm hiểu về chiến công của 7 Anh hùng quân đội chống Pháp tại Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh.
Theo các tài liệu từ Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên - Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai (trong quá trình tìm hiểu về những anh hùng đã hy sinh ở chiến trường Gia Lai), năm 1958, nhằm xây dựng nên biểu tượng Nam - Bắc một nhà, động viên cả nước phát huy tinh thần quả cảm trong cuộc chiến chống thực dân Pháp để tiếp tục đánh thắng giặc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng “Đài ghi công liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, bia 7 anh hùng đã hy sinh trong kháng chiến, trên chiến trường miền Nam”.
Cụ thể gồm các anh hùng: Wừu, Ngô Mây, Trần Đức, Lê Công Khai, Nguyễn Đô Lương, Trương Văn Ly, Ngô Chí Quốc. Trong đó, 2 anh hùng quê ở tỉnh Thanh Hóa (Trần Đức, Lê Công Khai); các địa phương khác mỗi nơi có một người: Bình Định (Ngô Mây), Gia Lai (Wừu), Hà Tĩnh (Nguyễn Đô Lương), Quảng Bình (Trương Văn Ly), TP. Hồ Chí Minh (Ngô Chí Quốc). Ở danh sách nay, liệt sĩ Ngô Mây trở thành Anh hùng quân đội từ dịp Quốc khánh 2/9/1955. Các liệt sĩ còn lại được truy tặng danh hiệu Anh hùng quân đội vào đợt kỷ niệm “2 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1956”.
Công trình “Đài ghi công liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, bia 7 anh hùng đã hy sinh trong kháng chiến, trên chiến trường miền Nam” được chọn đặt ở một ngọn đồi bên bờ Bắc sông Bến Hải, cách cầu Hiền Lương khoảng 6 km, dọc theo quốc lộ 1A (khu vực nay là Nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Linh). Khởi công vào ngày 20/4/1958, sau 3 tháng công trình hoàn thành đúng vào ngày 27/7/1958, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng (tương đương Chủ tịch Quốc hội sau này) từ Hà Nội đã vào dự lễ khánh thành. 7 bia đá đều được tạc từ đá núi Nhồi (tỉnh Thanh Hóa); đồng nhất về kích thước, mỗi bia cao khoảng 1,5 m, rộng 1 m và dày 0,2 m. Từ khi Nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Linh xây dựng cho đến nay, các bia đá tiếp tục được bảo vệ, trưng bày trang trọng tại đây.
Mỗi tấm bia cơ bản chứa đựng đầy đủ thông tin về con người và chiến công anh dũng của mỗi anh hùng. Bia số 1 ghi công Liệt sĩ Trần Đức (SN 1917), ở tỉnh Thanh Hóa. Tiểu đội trưởng bắn trung liên rất giỏi, góp phần quyết định thắng lợi trong nhiều trận đánh. Tháng 11/1950, địch tấn công với lực lượng đông, đồng chí Đức bắn trung liên mở đường cho đơn vị, hết đạn, đồng chí giao súng cho đồng đội rồi cõng đại đội trưởng bị thương chạy. Địch xông đến, đồng chí kháng cự đến cùng và hy sinh anh dũng.
Bia số 2 ghi công Liệt sĩ Lê Công Khai (SN 1925) ở tỉnh Thanh Hóa. Xung phong vào đội quân Nam tiến, gần 9 năm đồng chí tham gia chiến đấu và chỉ huy chiến đấu 40 trận. Hè năm 1954, trận đánh Đắc Doa, 3 đêm liền, đồng chí kiên trì bò vào tận đồn địch, về lập kế hoạch tỉ mỉ. Khi trận đánh diễn ra, bị thương gãy cả 2 chân, đồng chí vẫn chỉ huy đơn vị tiêu diệt gọn 1 đại đội địch. Do vết thương quá nặng, đồng chí đã hy sinh, trước lúc tắt thở, vẫn lạc quan hát bài ca chiến đấu.
Bia số 3 ghi công Liệt sĩ Nguyễn Đô Lương (SN 1923) ở tỉnh Hà Tĩnh. Tham gia bộ đội 8 năm làm trinh sát. Tháng 5/1953 phụ trách điều tra Hòn Bàng (Quảng Nam), địch canh phòng cẩn mật song 3 lần đồng chí vẫn điều tra chính xác rồi rút an toàn. Lần cuối cùng đồng chí bị địch bắt nhưng đã kịp hô to để anh em chạy thoát. Địch tra tấn rất dã man, đồng chí không khuất phục. Bọn giặc đã giết đồng chí, cắm cọc, bêu đầu.
Bia số 4 ghi công Liệt sĩ Trương Văn Ly (SN 1924) ở tỉnh Quảng Bình. Đồng chí chiến đấu trên 100 trận ở chiến trường Cực Nam Trung Bộ. Trận Cầu Cháy (2/1952), nổ súng được 15 phút, tổ súng máy bị thương vong hết. Địch phản kích mạnh, đồng chí bình tĩnh dùng súng máy quét vào đội hình địch rồi lệnh đơn vị xung phong, đồng chí vượt lên đầu để chỉ huy, bị trúng đạn hy sinh. Toàn đơn vị xông lên đánh tan cuộc phản kích của đại đội địch.
Bia số 5 ghi công Liệt sĩ Ngô Mây (SN 1924) tỉnh Bình Định. Chiến sĩ trong trung đội quyết tử. Tháng 10/1947, đơn vị được lệnh lên đường và cần 1 chiến sĩ ôm bom diệt địch. Đồng chí viết thư bằng máu xin dành cho mình vinh dự đó. Giờ chiến đấu, đón đường xe cơ giới địch ở Pleiku xuống An Khê, thấy 4 xe vận tải và 1 đại đội địch tiến vào, đồng chí Ngô Mây mở chốt bom, hơn một trung đội địch bị tiêu diệt gọn và đồng chí dũng cảm hy sinh.
Bia số 6 ghi công Liệt sĩ Ngô Chí Quốc (SN 1929) ở tỉnh Gia Định (cũ). Đồng chí tham gia 100 trận trên chiến trường Nam Bộ. Trận cầu Đình (3/1954), địch bố trí 1 đại đội có công sự chiến đấu kiên cố. Đồng chí Ngô Chí Quốc chỉ huy tiểu đội bộc phá, đánh vào hàng rào thứ 3 thì bộc phá hết, vẫn còn vướng 2 khung hàng rào nữa, đồng chí trực tiếp xông lên kéo tung hàng rào cho bộ đội ta tiến vào. Đồng chí bị thương, nằm ngã xuống nhưng giao súng cho đồng đội rồi tiếp tục lăn chếch sang hướng khác xa đội hình đơn vị và hô lớn “xung phong”. Địch tưởng ta chuyển hướng nên tập trung hỏa lực về phía đó. Đồng chí quả cảm hy sinh song đơn vị đã tiến công tiêu diệt toàn bộ đồn địch.
Bia số 7 ghi công Liệt sĩ Wừu, cùng với Anh hùng Đinh Núp là 2 du kích người Bahnar nổi tiếng của tỉnh Gia Lai. Đồng chí Wừu từ năm 1950- 1952 là Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính xã Nam Đak Đoa kiêm Xã đội trưởng, 2 lần bị bắt, địch tra tấn dã man nhưng đồng chí không khai báo và tìm cách trốn thoát về tiếp tục hoạt động. Lần thứ 3, địch phục kích bắt được, tra tấn rất dã man, chặt tay, xẻo mũi…, chẳng những không bị khuất phục, đồng chí còn dùng kế lừa địch đến hầm chông làm chúng chết, bị thương hàng chục tên và đồng chí đã hy sinh ngoan cường.
Đài ghi công liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, bia 7 anh hùng đã hy sinh trong kháng chiến, trên chiến trường miền Nam” hiện đang được lưu giữ, bảo vệ tại Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh là công trình mang ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. Bà Trần Thị Nguyệt (nhân viên quản trang đầu tiên tại Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh, giai đoạn 1983 - 2010) chia sẻ, thời gian qua, nhiều đoàn công tác các tỉnh, thành phố là quê hương và nơi các liệt sĩ hy sinh đã trực tiếp đến Vĩnh Linh, liên hệ tìm hiểu thông tin, tài liệu, hiện vật phục vụ cho công tác vinh danh anh hùng ngay tại địa phương mình. Trong chuyến công tác đến Nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Linh vào tháng 10/2022, tận mắt chứng kiến 7 hiện vật có một không hai, Bí thư Huyện ủy Đak Đoa Nguyễn Hữu Thọ cho biết, việc phục dựng 1 bản sao tấm bia về Anh hùng Wừu như bản chính ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Linh sẽ được thực hiện, đặt tại Khu lưu niệm Anh hùng Wừu, di tích lịch sử cấp tỉnh Gia Lai.
Tuy nhiên, qua 65 năm được xây dựng, chịu tác động từ bom đạn chiến tranh và thời gian nên trong 7 tấm bia, trừ bia Anh hùng Ngô Mây còn nguyên vẹn nhất, hầu hết các tấm bia còn lại nhiều chỗ bị phá hủy, xuống cấp, rất khó đọc được hết nội dung khắc ở trên bia. Mặt khác, ngoài tập tài liệu đánh máy “Trích yếu tiểu sử và tóm tắt thành tích 7 anh hùng liệt sĩ chống Pháp tại khu tượng đài liệt sĩ huyện Vĩnh Linh”, đến nay tại Vĩnh Linh vẫn chưa có những tài liệu liên quan đến nguồn gốc, quá trình xây dựng 7 bia anh hùng trên.
Với tầm vóc, giá trị thiêng liêng, minh chứng cho tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa đến công tác lưu giữ, bảo vệ hệ thống bia anh hùng này. Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thiên Tùng cho biết, qua đánh giá hiện trạng công trình, đầu năm 2023, huyện đã kịp thời chỉ đạo triển khai kế hoạch tôn tạo, nâng cấp 7 bia anh hùng. Đồng thời sưu tầm, bổ sung thông tin, tư liệu, hiện vật, nhất là các chỉ thị, văn bản của Đảng và Nhà nước về chủ trương xây dựng 7 bia anh hùng. Từ đó tiếp tục lưu giữ, bảo tồn các giá trị lịch sử, tôn vinh những tấm gương đã chiến đấu ngoan cường và ngã xuống hiên ngang vì độc lập, tự do của Tổ quốc, góp phần giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguyễn Trang
- Phóng sự ảnh: Tiềm năng phát triển du lịch ở Kim Thạch (09/02/2023)
- Cô giáo trẻ nhiệt tình và tâm huyết với nghề (15/11/2022)
- Người thầy tâm huyết với ngôn ngữ Bru - Vân Kiều (25/10/2022)
- Gìn giữ văn hóa cồng chiêng nơi thượng nguồn Bến Hải (12/10/2022)
- Gỏi tép nhảy Bàu Trạng lọt top món ăn đặc sản nổi bật do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố (23/09/2022)
- Thầy giáo trẻ vững về chuyên môn, nhiệt huyết với công tác Đoàn (26/08/2022)
- Chiến sĩ trẻ tiêu biểu về học tập và làm theo lời Bác của lực lượng Công an (26/08/2022)
- Nam sinh trở thành thủ khoa sau một năm “trượt đại học” (13/09/2022)
- Gương sáng trong phong trào hiến máu nhân đạo (26/08/2022)
- Tấm gương nhà giáo yêu nghề, làm kinh tế giỏi (26/08/2022)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)