Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Độc đáo món bánh đúc ở làng Hiền Dũng
- 19-12-2023
- 763 lượt xem
Vùng đất đỏ bazan Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh không chỉ được biết đến là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đậm đà bản sắc văn hóa mà còn nổi tiếng với nét ẩm thực đa dạng, phong phú. Từ nhiều đời nay, người dân Vĩnh Hòa đã làm nên nhiều loại bánh thấm đượm hồn vị quê hương như bánh lọc, bánh thuẩn, bánh gai... Song có lẽ, món ăn để lại nhiều ấn tượng nhất chính là bánh đúc gạo ở làng Hiền Dũng.
Ở làng Hiền Dũng, hầu hết mọi phụ nữ đều biết cách làm và làm rất ngon món bánh đúc gạo, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là O Lê Thị Liên. Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm bánh đúc, hương vị và hình dáng bánh mà O Liên làm ra không thể hòa lẫn với bất kỳ ai, cuốn hút đến nỗi người dân trong làng đã ưu ái dành cho O “thương hiệu”riêng là “Bánh đúc O Liên”.
O Liên chia sẻ rằng: “Để có mẻ bánh đúc ngon, ăn dai, vị béo và cảm giác thanh mát thì công sức, tâm huyết bỏ ra không hề ít. Phải trải qua nhiều công đoạn và kỹ càng, tỉ mỉ ngay từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu nấu bánh”.
Nguyên liệu làm bánh đúc kể ra thì tưởng chừng như rất đơn giản gồm gạo tẻ, lạc, nấm mèo, ném lá, hạt tiêu, dầu ăn hoặc mỡ lợn, lá chuối xanh. Tuy nhiên, để lựa chọn được nguyên liệu ưng ý thì không hề dễ dàng. Bánh đúc thông thường được làm từ các loại gạo như Tám to, gạo 203, gạo DT-10 hay Khang dân, riêng O Liên lại chọn loại gạo Việt Nam 10 (VNR10), bởi loại gạo này không quá khô và có độ nở ở mức vừa phải nên khi làm bánh sẽ không bị xốp mà chắc, sệt. Đặc biệt, các nguyên liệu ném lá, lạc và hạt tiêu phải là những sản phẩm nông nghiệp được trồng tại địa phương. Với đặc tính đất đỏ bazan cùng khí hậu tự nhiên của xã Vĩnh Hòa, hạt lạc khi chế biến sẽ đậm vị béo bùi; tiêu thì cay nồng; ném là có màu xanh đậm và không hề có vị hăng, khi các nguyên liệu này hòa quyện vào nhau sẽ làm dậy lên mùi thơm nồng nàn.
Bước vào quy trình làm bánh cũng khá cầu kỳ, nhiều công đoạn. Gạo tẻ đem ngâm trong nước từ 5- 6 tiếng. Trong khoảng thời gian đó phải chú ý thay nước thường xuyên để gạo không bị chua. Khi thời gian ngâm đã đủ, thì tiến hành đãi sạch để ráo rồi đem xay thành bột nước. Bột xay xong không nấu ngay mà phải để cho bột nghỉ.
Công đoạn nấu và quấy bánh là công đoạn quan trọng nhất, quyết định độ ngon hay dở của bánh; đòi hỏi người làm phải thật khéo léo và tập trung. Nồi gang được tráng mỡ lợn hoặc dầu ăn trước rồi đổ bột vào, bắc lên bếp củi. Dùng đôi đủa cả quấy liên tục và đều tay để bột không bị vón, bị khê hay sát nồi. Bếp lửa nấu bánh đúc đảm bảo vừa phải, không quá to cũng không quá nhỏ thì bánh mới chín đều. Khi bánh gần chín tiếp tục cho hỗn hợp lạc rang dã nhỏ, ném lá, nấm mèo băm, hạt tiêu và gia vị vào đảo đều rồi nhấc khỏi bếp.
Điều làm nên sự khác biệt và độc đáo của món “Bánh đúc O Liên” nói riêng và bánh đúc ở làng Hiền Dũng nói chung là sau khi bánh đạt sẽ tiến hành gói bánh thành từng đòn, lóng chứ không trải ra mâm, mẹt hay dĩa rồi cắt thành từng miềng vừa ăn như thông thường. Lúc bánh vừa quấy xong còn nóng, sẽ chia ra từng phần với trọng lượng từ 800 gram đến 1 kg rồi nhào nặn nhiều vòng sau đó gói lại bằng lá chuối tươi như gói bánh Tét truyền thống hay gói chả giò.
O Liên giải thích: “Phải nhào nhanh tay khi còn nóng để bột quyện chặt vào nhau và lúc gói không để lại các nếp nhăn. Gói xong đem hấp cách thủy khoảng tầm 40 phút nữa là bánh đã hoàn thành”.
Bánh đúc nấu xong, phải để thật nguội, rồi cắt thành từng khuân; khi ăn có thể kết hợp với nhiều loại nước chấm như tương, mắm ruốc, thịt kho... nhưng chấm với nước mắm chanh tỏi ớt hòa cùng lạc rang dã nhuyễn là chuẩn hương vị nhất. O Liên còn bật bí rằng, loại bánh đúc này chỉ nên ăn trong ngày, không để qua đêm bởi trong bánh không hề có phụ gia hay chất bảo quản.
Bánh đúc là món ăn dân giã đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ. Tuy giản dị, đời thường nhưng mang trọn vẹn hương vị quê hương, hương vị gia đình. Hiện nay, ở xã Vĩnh Hòa món bánh đúc được xếp vào danh mục các món ăn đặc sản của địa phương, được chính quyền và người dân tích cực giới thiệu rộng rãi đến khắp nơi. Nếu ai có dịp về thăm quê hương đất đỏ Vĩnh Hòa, chắc chắn sẽ được mời thưởng thức món bánh đúc gói lá với một hương vị riêng, rất đặc biệt nếm thử một lần sẽ không thể nào quên.
Phương Nga
- Đất thép Vĩnh Linh hồi sinh (27/10/2023)
- Những chiến sĩ trên mặt trận nghệ thuật của Đặc khu Vĩnh Linh (19/10/2023)
- Vĩnh Linh vững vàng trên đường hội nhập và phát triển (24/08/2023)
- Hồ Xá vươn lên từ truyền thống anh hùng (01/08/2023)
- Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh - Điểm đến tri ân (26/07/2023)
- Đẹp ngỡ ngàng những “nhoi đất” vươn ra biển lớn (23/07/2023)
- CCB Bùi Xuân Khiêm với hành trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm truyền thống quê hương (21/07/2023)
- Độc đáo Lễ hội Cầu ngư Rằm tháng 5 âm lịch ở làng chài Vịnh Mốc (30/06/2023)
- Người đưa món quê “thịt bò làng Trạng” đi khắp nơi (15/05/2023)
- Thầy giáo 32 lần hiến máu tình nguyện (25/04/2023)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)