Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Ký ức về bến phà Hiệp Kiều
- 09-08-2024
- 80 lượt xem
Sông Sa Lung là 1 trong 2 chi lưu hợp thành sông Bến Hải. Con sông này mang âm hưởng huyền thoại, gắn liền với câu chuyện “rồng sa” được truyền tụng lâu đời trong dân gian. Nhưng ít ai biết, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, trên dòng Sa Lung, đoạn chảy qua thôn Quảng Xá (xã Vĩnh Long) và Linh Hải (xã Vĩnh Thủy) của huyện Vĩnh Linh có một bến phà mang tên Hiệp Kiều chuyên vận chuyển vũ khí, đạn dược vào chiến trường miền Nam và thương binh sang chữa trị ở bờ Bắc, tại một bệnh viện dã chiến trong khu vực.
Ông Võ Văn Viết (ở giữa) ôn lại ký ức về một thời lửa đạn trên quê hương Vĩnh Thủy anh hùng -Ảnh: H.N
Hình ảnh ông Lê Văn Tịnh (sinh năm 1943), hiện sống tại xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, vốn quen thuộc trong ký ức nhiều người dân các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy. Ông là người chèo đò cần mẫn ở bến Phúc Lâm, Châu Thị thuộc địa phận hai xã nói trên trong những năm sông Sa Lung chưa nối nhịp cầu. Nhưng trước đó, trong những năm chống Mỹ cứu nước, từ năm 1966 đến khi hòa bình lập lại, ông Tịnh đã gắn bó với con sông Sa Lung trong vai trò của Tổ trưởng Bến phà Hiệp Kiều.
Quê ông Tịnh ở vùng đất đỏ Vĩnh Thạch (nay là xã Hiền Thạch), huyện Vĩnh Linh. Mẹ mất sớm, gia cảnh khó khăn nên ông thoát ly gia đình sớm, trở thành công nhân giao thông lúc 15 tuổi. Duyên nợ với dòng sông Sa Lung đã đưa ông lên làm rể ở vùng đất Vĩnh Thủy và gắn bó cho đến bây giờ.
Theo lời kể của ông Tịnh, vào năm 1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta đang đi vào giai đoạn quyết liệt nhất, ông nhận nhiệm vụ của Ty Giao thông Vĩnh Linh lên bến phà Hiệp Kiều (xã Vĩnh Long) điều hành xe chở vũ khí và thương binh. Bến phà này có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam và thương binh từ Nam ra Bắc. Tổ công nhân ở bến phà có từ 6 -12 người, đều trực thuộc Ty Giao thông Vĩnh Linh.
Những người được lựa chọn làm việc ở bến phà phải đảm bảo sức khỏe tốt và có khả năng bơi lội giỏi vì việc điều khiển phà hoàn toàn bằng tay. Tổ công nhân bến phà nhận lệnh trực tiếp từ Khu đội Vĩnh Linh, điều khiển các chuyến phà vận chuyển vũ khí hạng nhẹ và thương binh qua sông Sa Lung. Vì là tuyến vận chuyển quan trọng nên bến phà bị bom đạn của Mỹ bắn phá liên tục, có ngày từ 4-5 đợt. Để đảm bảo bí mật, các chuyến phà đều hoạt động vào ban đêm, ban ngày phà được ngụy trang bằng lá rừng. Vậy nhưng nhiều lúc vẫn bị địch phát hiện, thả bom đúng khu vực cất giấu.
Năm 1967, máy bay B52 của Mỹ đánh phá bến phà rất ác liệt. Cả một vùng cây cối rậm rạp bị bom sát thương phát ngang, hố bom chằng chịt khu vực xung quanh bến phà. “Có lần, bom Mỹ đánh vào đúng vị trí cất giấu khiến phà trôi ra giữa sông. Bất chấp nguy hiểm, tôi cùng đồng nghiệp bơi ra để kéo phà vào địa điểm cất giấu an toàn. Mặc dù bị địch bắn phá ác liệt nhưng nhờ nắm bắt thông tin tốt nên tất cả các chuyến phà chở vũ khí và thương binh qua bến Hiệp Kiều đều đảm bảo an toàn tuyệt đối”, ông Tịnh chia sẻ.
Ông Lê Văn Tờn (bên trái) cho rằng địa điểm mình đang đứng chính là vị trí của bến phà Hiệp Kiều xưa -Ảnh: H.N
Hòa bình lập lại trên đất Vĩnh Linh cũng là lúc bến phà Hiệp Kiều không còn hoạt động. Ông Tịnh được điều về lái phà Phúc Lâm và Châu Thị, cũng trên dòng Sa Lung khi những cây cầu chưa nối hai bờ một nhịp. Hoạt động trong thời bình, các chuyến phà qua sông Sa Lung chủ yếu vận chuyển người và lương thực phục vụ người dân các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy. Sau này khi các bến phà không còn hoạt động, ông về chèo đò ở bến Phúc Lâm cho đến khi có cầu bắc qua sông.
Thời điểm năm 1966, ông Lê Hải Đăng (sinh năm 1945), hiện ở xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, là Trung đội phó Tiểu đoàn 47, Bộ Tư lệnh 270, Khu vực Vĩnh Linh. Nói về vị trí của bến phà Hiệp Kiều, ông Đăng cho biết, không chỉ vận chuyển vũ khí, thương binh mà bến phà Hiệp Kiều còn chở bộ đội hành quân vào chiến trường phía Nam mỗi khi nước sông Sa Lung dâng cao, chảy xiết. Vào tháng 3/1966, Khu vực Vĩnh Linh tăng cường quân cho chiến trường phía Nam, Tiểu đoàn 47 của ông được lệnh hành quân qua bến phà này.
“Bến phà Hiệp Kiều có những năm trước đó nhưng hoạt động mạnh nhất từ năm 1966. Đây là tuyến vận chuyển có vị trí chiến lược quan trọng vì vừa cơ động lực lượng, vừa đảm bảo bí mật”, ông Đăng chia sẻ.
Giải thích về vị trí bí mật của bến phà, ông Lê Đăng Kiểu (86 tuổi), nguyên là Trung đội trưởng Trung đội súng máy phòng không 12,7 mm của dân quân thôn Linh Hải cho biết: Hai bên sông Sa Lung đoạn chọn xây dựng bến phà là rừng tre rậm rạp, địa thế thuận lợi, đảm bảo bí mật cho việc vận chuyển thương binh, vũ khí.
Giữa năm 1966, không quân Mỹ tăng cường bắn phá ra miền Bắc nước ta. Xã Vĩnh Thủy là trọng điểm bắn phá ác liệt, nhất là vào tháng 11, khi vụ thu hoạch lúa của người dân đang diễn ra hối hả. Cứ vào buổi sáng hay thời điểm người dân đi gặt về là địch cho máy bay đánh phá nhằm uy hiếp tinh thần người dân và phá hoại mùa màng, ngăn cản sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Trước tình hình trên, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 218 được lệnh về địa phương để tập trung hỏa lực, phục kích tiêu diệt máy bay địch. Sau trận 11/11/1966 ở xã Vĩnh Thủy, Tiểu đoàn 6 sau khi bắn hạ 6 máy bay của Mỹ đã rút quân qua bến phà này.
Trong những năm bến phà Hiệp Kiều hoạt động, dân quân xã Vĩnh Thủy là lực lượng chính vận chuyển thương binh về bến phà để chuyển ra tuyến sau điều trị. Ông Võ Văn Viết (sinh năm 1935) ở thôn Đức Xá, là Đại đội phó dân quân, kiêm Trung đội trưởng dân quân trực chiến đơn vị Đông Hải, xã Vĩnh Thủy, cho biết: Từ tháng 8/1966, người dân Vĩnh Thủy được lệnh sơ tán ra Tân Kỳ theo kế hoạch K8, chỉ còn lực lượng phục vụ chiến đấu tại chỗ ở lại. Đơn vị chúng tôi vừa tham gia sản xuất, vừa trực chiến tại khu vực có bến phà Hiệp Kiều. Sau khi nắm tình hình thương binh được chuyển ra từ xóm Biền, thôn Thủy Ba Tây, đơn vị tôi báo cho lực lượng trực phà biết về số lượng và thời gian để lực lượng này bố trí phương tiện đón thương binh qua bờ Bắc sông Sa Lung.
“Hiệp Kiều là bến phà chiến lược, có vai trò rất quan trọng vào thời điểm ấy. Nhất là vào những năm từ 1966-1968, chiến tranh diễn ra rất ác liệt. Quân ta bị thương rất nhiều, cần được vận chuyển ra tuyến sau chữa trị. Để việc vận chuyển thương binh từ xóm Biền ra bến phà Hiệp Kiều được an toàn, chúng tôi có nhiệm vụ báo cáo vị trí hầm trú ẩn cho dân quân làm nhiệm vụ vận chuyển thương binh vì trên đường đi, địch bắn phá rất ác liệt”, ông Viết nhớ lại.
Với những người trước đây là dân quân xã Vĩnh Thủy tham gia vận chuyển thương binh, mỗi lần nhớ đến bến phà Hiệp Kiều là ký ức lại đưa họ trở về những ngày tháng quê hương vùi trong lửa đạn. Chiến trường diễn ra ác liệt nên số thương binh nhiều vô kể. Để vận chuyển thương binh từ xóm Biền của thôn Thủy Ba Tây về bến phà Hiệp Kiều của thôn Linh Hải không dễ, đòi hỏi dân quân phải thông thạo đường và có sức khỏe.
“Tâm lý của chúng tôi lúc đó là muốn di chuyển thật nhanh để thương binh có cơ hội chữa trị vết thương sớm nhất có thể. Tuy nhiên, đường đi hồi đó không hề dễ, lại phải đối mặt với pháo sáng, bom tọa độ, bom sát thương của Mỹ nên gặp không ít hiểm nguy. Vậy nhưng khó khăn, nguy hiểm đó không thấm vào đâu so với những người lính được chúng tôi vận chuyển đến trạm y tế. Họ là những người ngày “ăn cơm Bắc” (ở xóm Biền), tối “đánh giặc Nam” ở Cồn Tiên, Dốc Miếu rồi bị thương. Dọc đường đi, có người cắn răng chịu đựng, có người vật vã trong đau đớn khiến chúng tôi không cầm được lòng. Mỗi lần gánh thương binh về đến bến phà an toàn là chúng tôi thở phào nhẹ nhõm”, ông Lê Văn Tờn (sinh năm 1948), thôn Đức Xá nhớ lại.
Ngược dòng Sa Lung vào một ngày tháng 7 lịch sử, chúng tôi tìm lại dấu tích của một bến phà xưa. Sông Sa Lung yên bình trong nắng mai, tựa hồ chiến tranh chưa từng diễn ra ác liệt tại nơi này. Dấu tích của bến phà xưa cũng đã phai mờ theo thời gian.
Mặc dù quả quyết rằng vị trí nơi mình đang đứng chính là vị trí của bến phà Hiệp Kiều xưa nhưng ông Lê Văn Tờn vẫn không tránh khỏi ngậm ngùi: Giá như nơi đây còn lưu lại một tấm biển ghi tên bến phà cùng nhiệm vụ quan trọng của nó trong giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ để lớp cháu con được biết...
Phan Hoài Hương (Nguồn: https://baoquangtri.vn/ky-uc-ve-ben-pha-hiep-kieu-187328.htm)
- Ngôi trường Cấp 3 Vĩnh Linh: Ngôi trường Anh hùng trên quê hương lũy thép (08/08/2024)
- 70 năm lực lượng bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời 25/8 (1954- 2024) (06/08/2024)
- Thị trấn Bến Quan - 30 năm đổi mới và phát triển (29/07/2024)
- Vì sao là Vĩ tuyến 17 (19/07/2024)
- Di tích Hầm Khu ủy Vĩnh Linh: Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ (19/07/2024)
- Vĩnh Linh niềm tự hào 70 năm Lũy thép - Lũy hoa (18/07/2024)
- K8, K10: Kỳ tích lịch sử thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước (17/07/2024)
- Vĩnh Linh- đất và người (16/07/2024)
- Cuộc hội ngộ 40 năm và hành trình phía trước (11/07/2024)
- Tân Kỳ - Vĩnh Linh có một quê chung (09/07/2024)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)