Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Con người và truyền thống văn hóa Vĩnh Linh với sự nghiệp phát triển của huyện nhà
- 24-09-2024
- 100 lượt xem
Tôi là người Vĩnh Linh. Tôi sinh ra, lớn lên, học tập, công tác và bây giờ về nghỉ hưu đều gắn bó với những biến cố lịch sử và sự đổi thay của mảnh đất này trong suốt gần 70 năm qua. Câu chuyện tôi kể xin bắt đầu từ năm 1954.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hiệp định Giơnevơ được ký kết, sông Bến Hải cầu Hiền Lương quê tôi trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt giữa hai miền Nam - Bắc. Mẹ tôi là cán bộ miền Nam tập kết ra Vĩnh Linh. Bố tôi từ mặt trận Điện Biên Phủ được phục viên trở về sau chín năm kháng chiến. Gia đình tôi lúc bấy giờ, bố người Bắc, mẹ người Nam, trực tiếp chứng kiến nỗi đau chia cắt, quê hương hai ngả, Tổ quốc hai miền ngay dưới một mái nhà.
Năm 1967, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên đất Vĩnh Linh trở nên vô cùng ác liệt. Tôi và đứa em trai được sơ tán ra hậu phương miền Bắc theo kế hoạch K8. Ngay sau đó, mẹ và hai đứa em nhỏ lại phải rời khỏi vùng bom đạn hủy diệt, sơ tán theo kế hoạch K10 ra Tân Kỳ - Nghệ An. Bố tôi ở lại Vĩnh Linh bám trụ, trực tiếp chiến đấu, sản xuất và phục vụ chiến đấu. Căn nhà được tháo xuống, nửa làm hầm, nửa làm lán trại cho bộ đội từ miền Bắc vào Nam chiến đấu và đồng bào K15 sơ tán từ các huyện phía Nam ra ở tạm. Gia đình tôi lúc bấy giờ là hình ảnh thu nhỏ của một Vĩnh Linh nơi đầu cầu giới tuyến: bị chia cắt đau thương, chiến tranh hủy diệt, người bám trụ, kẻ ly tán xa quê. Năm 1973, sau hiệp định Paris được ký kết, chúng tôi được trở về gặp nhau trên nền đất cũ nhà mình, đầy hố bom, mảnh pháo, trong niềm vui đoàn tụ trùng phùng.
Sau này, khi đã trở thành một cán bộ lãnh đạo của Vĩnh Linh, chỉ đạo và trực tiếp tham gia biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện nhà thời kỳ (1930-2020). Có điều kiện để sưu tầm, nghiên cứu và hệ thống lại những chặng đường phát triển của quê hương qua những chặng đường lịch sử, tôi càng thấm thía sâu sắc một điều rằng: chính lịch sử đã lựa chọn, trao gửi để làm nên một Vĩnh Linh anh hùng nơi tuyến đầu Tổ quốc. Vĩnh Linh đã nhận lãnh và góp phần bằng xương máu, công sức to lớn để xây nên một biểu tượng lũy thép anh hùng. Con người và những giá trị văn hóa của mảnh đất này được chưng cất, hun đúc qua nhiều thế hệ, là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu, góp phần làm nên thành tựu to lớn của quê hương trong những chặng đường đã qua.
Lễ giỗ Bà Vương phi họ Lê tại xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh.
Nghiên cứu, tìm hiểu Vĩnh Linh từ gốc độ văn hóa có thể thấy mảnh đất này có những “tài sản” đặc biệt, ít miền quê nào có được.
1. Vĩnh Linh không màu mỡ về đất đai, thuận lợi về khí hậu và điều kiện tự nhiên, nhưng lại là một vùng đất có những tài nguyên văn hóa đặc sắc, góp phần tạo nên cốt cách, tâm hồn, tình cảm, lối sống của con người nơi đây. Một bãi biển Cửa Tùng thơ mộng được mệnh danh là “nữ hoàng” của các bãi tắm. Một dòng sông Sa Lung huyền thoại gắn với truyền thuyết “Rồng Sa”. Một bàu Thủy Ứ là hồ nước trời sinh không bao giờ vơi cạn giữa vùng quê nắng lửa. Một dãy núi Linh Sơn còn gọi là núi Voi Phục (động Lòi Reng) như hình tượng chú voi nằm phủ phục đầu hướng về phía Bắc, thời vua Gia Long còn được gọi là núi “Bất Nghĩa Sơn”. Đặc biệt, sông Bến Hải, một con sông nhỏ hiền hòa, thơ mộng bỗng chốc trở thành một địa chỉ nổi tiếng toàn cầu từ sau năm 1954. Sông gắn liền với sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà suốt 20 năm đằng đẵng.
Vùng đất ấy, sông núi ấy đã góp phần xây nên những miền quê gắn với những giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có của những làng quê.
Đất và người hòa quyện vào nhau tạo ra những bản sắc như một chứng chỉ của riêng mình. Xứ Cửa Tùng có làng Tùng Luật từ bao đời nay nổi tiếng người đẹp, hát hay. Cô gái Phan Thị Vàng sinh ra từ miền quê ấy, là người đẹp nhất vùng, trở thành thứ phi ở triều đình Huế. Đặc biệt làng Tùng Luật được mệnh danh là “làng nghệ sĩ, thời nào cũng có nhiều tài danh nổi tiếng hát hay, được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Làng Thủy Ba dưới chân núi Linh Sơn lại nổi tiếng với “nghề” bắt cọp dữ, tiếng vang đến tận triều đình Huế, nhiều lần được triều đình ban chiếu chỉ sức dân làng vào tận miền Tây xứ Huế lùng bắt cọp dữ hoành hành nơi đây. Nhưng có lẽ đặc sắc hơn cả là khả năng ứng tác kể chuyện Trạng của người dân làng Vĩnh Hoàng, một vùng quê ở bàu Thủy Ứ, không biết từ bao giờ, người dân nơi đây từ già đến trẻ đều truyền nối nhau một năng khiếu kể chuyện bằng việc phóng đại những sự việc đời thường thành những câu chuyện với lối kể khôi hài, gây cười nổi tiếng khắp vùng, thành một hiện tượng văn hóa đặc sắc không thể pha trộn.
2. Vĩnh Linh là một vùng quê có truyền thống cách mạng hào hùng kiên cường bất khuất, xứng danh với danh hiệu cao quý “Lũy thép anh hùng”.
Thế kỷ 20 đã đi qua và để lại trên mảnh đất này những dấu ấn lịch sử đặc biệt không thể phai mờ. Từ ba chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên được thành lập trên đất Vĩnh Linh vào tháng 3/1931, mảnh đất và con người Vĩnh Linh được tiếp thêm ý chí, niềm tin, vượt lên mọi khó khăn gian khổ, hi sinh để làm đổi thay số phận của chính mình. Đất ấy, người ấy khi được Đảng lãnh đạo, dẫn lối, chỉ đường thì những phẩm chất tốt đẹp ngày càng được hun đúc, trau dồi, trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương. Kháng chiến chống Pháp, Vĩnh Linh nổi tiếng với phong trào “rào làng chiến đấu” của Vĩnh Hoàng bất khuất, của chiến khu Thủy Ba kiên cường, địa danh còn vang mãi trong bài hát “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.
Nhưng phải đến năm 1954, khi hiệp định Giơnevơ được ký kết, sông Bến Hải nằm trên vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc, thì mảnh đất và con người nơi đây mới thực sự tỏa sáng, vươn cao. Từ tên gọi của một đơn vị hành chính cấp huyện như bao địa phương khác, Vĩnh Linh trở thành một địa danh nổi tiếng, vang lên như một điệp khúc lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn cầu. Kể từ đây, Vĩnh Linh nhận lãnh trước lịch sử dân tộc một sứ mệnh đặc biệt: tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam, của Trị - Thiên ruột thịt. Con sông Bến Hải hiền hòa, xanh ngát 20 năm trời biến thành “sông máu”. Sự kiện ấy không chỉ đi vào lịch sử mà đã đi vào thơ ca, nhạc, họa và trở thành dấu mốc không thể phải mờ trong ký ức của loài người tiến bộ.
Quảng Trị một dải đất đẹp nằm ở trung độ của đất nước trở thành nơi đối đầu lịch sử quyết liệt giữa hai thế lực cách mạng và phản cách mạng. Vĩnh Linh ngày đêm đối mặt với giặc Mỹ hung tàn, với đạn bom sắt thép, với chết chóc đau thương.
Để trụ vững dưới làn mưa bom, bão đạn của quân thù, Vĩnh Linh thực hiện công sự hóa toàn bộ khu vực. Cuộc sống sinh hoạt được chuyển xuống lòng đất. Chiến hào, địa đạo được đào ở khắp nơi. Địa đạo, hầm hào không chỉ là nơi công sự chiến đấu, trú ẩn, mà còn dùng để sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, chiếu phim, hội họp, học tập. Ngày nay, với hệ thống 114 địa đạo đã được thống kê, làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc được công nhận là di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Còn đó những câu khẩu hiệu nổi tiếng được khắc sâu trên vách đất địa đạo “tồn tại hay không tồn tại”, “bình tĩnh lúc gian nguy, sáng suốt khi khẩn cấp” như một phương châm sống để đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh đứng vững, chiến đấu và chiến thắng. Vĩnh Linh có 180 di tích đã được xếp loại.
Ngoài ba di tích cấp Quốc gia Đặc biệt (địa đạo Vịnh Mốc, di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, di tích đường Trường Sơn huyền thoại), Vĩnh Linh còn có nhiều di tích lịch sử gắn liền với những sự kiện quan trọng và chiến công oanh liệt, đó là trận địa bắn rơi chiếc B52 đầu tiên trên chiến trường Việt Nam vào ngày 07/9/1967. Trận đánh mà Bác Hồ đã chỉ đạo nhằm rút kinh nghiệm để quân và dân ta làm nên chiến thắng oanh liệt trong 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội với chiến dịch Điện Biên Phủ trên không vang dội, buộc đế quốc Mỹ phải ký hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, rút quân về nước. Còn đó, di tích Khe Hó lịch sử - điểm xuất phát đầu tiên của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, mở đường Trường Sơn đi cứu nước. Ngày nay những di tích văn hóa lịch sử danh thắng trên đất Vĩnh Linh đang được bảo tồn, tôn tạo và phát huy trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, trở thành tài nguyên quý báu để thu hút khách du lịch gần xa, trở thành thế mạnh mũi nhọn để tạo sự tăng trưởng mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư.
Cùng với các di tích lịch sử, Vĩnh Linh còn có một kho tàng những giá trị văn hóa phi vật thể quý giá mà ít có một địa phương nào có được. Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng, hò Chèo Cạn Tùng Luật, hò Giã Gạo đang được bảo tồn và phát huy. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển đều khắp, duy trì thường xuyên: Các câu lạc bộ dân ca, kể chuyện Trạng, câu lạc bộ bài chòi được thành lập. Đặc biệt, lễ hội thống nhất non sông, lễ hội văn hóa Vĩnh Linh, lễ hội đua thuyền ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và huyện được tổ chức thường xuyên trên địa bàn huyện, có ý nghĩa nhiều mặt, làm cho những giá trị văn hóa lịch sử của quê hương ngày một lan tỏa, bay xa.
3. Vĩnh Linh là một vùng đất tụ nghĩa, sâu nặng ân tình.
Sau năm 1954, Vĩnh Linh cùng với các địa phương trên cả nước đón tiếp hàng vạn đồng bào chiến sĩ miền Nam tập kết ra học tập, công tác, sinh sống, chờ ngày đoàn tụ Bắc Nam. Vĩnh Linh đã đón nhận hơn 5000 đồng bào, cán bộ, học sinh miền Nam tập kết. Hầu như xã nào, làng nào cũng có, nhưng tập trung đông nhất là thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Long, Vĩnh Thủy. Thực hiện chủ trương của Đảng ủy khu vực, phong trào nhường nhà ở, nhường đất sản xuất, bố trí công ăn việc làm được Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Ngày nay vẫn còn đó những cái tên lưu giữ mãi tình nghĩa son sắt, thủy chung như: hợp tác xã Nam Thanh, Nam Hải; Nam Hồng; Thống Nhất; Minh Khai; Tiền Phong,… của bà con miền Nam.
Nhiều cán bộ cốt cán của khu vực và các cơ quan đơn vị là người miền Nam tập kết. Chính họ với ý chí và niềm tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, với tình nghĩa sắc son chờ ngày thống nhất đã ngày đêm bám trụ kiên cường, công tác, lao động sản xuất và chiến đấu góp phần không nhỏ xây dựng nên truyền thống Vĩnh Linh lũy thép anh hùng.
Từ năm 1967 đến năm 1972 , Vĩnh Linh còn giang tay đón nhận hàng vạn đồng bào ở Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng, Triệu Phong ra sơ tán sau trận càn, nhằm “bạch hóa khu phi quân sự” của Mỹ ngụy định ra khu vực giới tuyến năm 1967 và trong chiến dịch địch tái chiếm Quảng Trị năm 1972.
Nhưng đặc biệt nhất, không thể không kể đến là chiến dịch K8, K10 đưa gần 5 vạn học sinh, cụ già, bà mẹ nuôi con nhỏ của Vĩnh Linh ra sơ tán ở các tỉnh phía Bắc, để tránh sự hủy diệt của kẻ thù. Hơn một nửa dân số Vĩnh Linh sống trong lòng hậu phương miền Bắc, được nuôi dưỡng, học tập, sinh hoạt trong môi trường văn hóa lành mạnh, tiếp cận với phong tục tập quán, giọng nói, những giá trị văn hóa tốt đẹp của nhiều vùng miền, làm giàu thêm bản sắc văn hóa của quê hương. Chính vì vậy, ngoài những giá trị văn hóa cốt lõi, truyền thống của con người Vĩnh Linh như: yêu quê hương đất nước nồng nàn, một lòng sắt son tin tưởng tuyệt đối vào Đảng và Bác Hồ kính yêu, cần cù nhẫn nại, chịu đựng gian khổ hi sinh, đoàn kết gắn bó, kiên cường, dũng cảm, lạc quan, yêu đời, giàu lòng nhân ái, dễ hòa đồng, yêu ca hát, giàu tính sáng tạo,… Người Vĩnh Linh, nhất là thế hệ sinh ra và lớn lên sau năm 1954 trở đi, còn được tiếp thu thêm những giá trị văn hóa từ nhiều vùng quê khác. Không gian văn hóa Vĩnh Linh được mở rộng đến tận Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình Thái Bình, Nam Hà và nhiều miền quê khác mà thế hệ K8, K10 đã từng sinh sống, học tập.
Trong một gia đình của người dân Vĩnh Linh, người ta có thể được nghe giọng nói của cả ba miền. Cha mẹ nói giọng Quảng Trị, con cái đứa nói giọng Nghệ An, đứa nói giọng Thanh Hóa, Thái Bình. Có thể nghe câu hò giã gạo Quảng Trị bên cạnh câu ví dặm Nghệ Tĩnh và điệu chèo miền châu thổ Sông Hồng thiết tha, tình nghĩa. Thế hệ học sinh K8 với hơn ba vạn chàng trai, cô gái được học tập ở hậu phương, có trình độ văn hóa cao, đã trở thành nguồn nhân lực đông đảo, nồng cốt của Vĩnh Linh sau ngày thống nhất nước nhà. Họ mang về những tinh hoa văn hóa ở các vùng miền, để bổ sung làm phong phú thêm tâm hồn, tình cảm và những giá trị văn hóa của mảnh đất, con người quê hương. Điều đáng quý là sau 50 năm, tình cảm trân trọng biết ơn và mối liên hệ giữa Nhân dân Vĩnh Linh với các vùng quê sơ tán năm xưa vẫn bền chặt và mặn nồng, không hề phai nhạt.
Trong kho tàng văn hóa của Vĩnh Linh, không thể không nhắc đến những tác phẩm văn học, nghệ thuật nổi tiếng mà mảnh đất, con người nơi đây là đề tài và nguồn cảm hứng để các văn nghệ sĩ sáng tác, để lại cho đời những tác phẩm văn học nghệ thuật còn mãi với thời gian. Những ca khúc nổi tiếng như Câu hò bên bến Hiền Lương (nhạc Hoàng Hiệp, thơ Đăng Giao); Bài ca Vĩnh Linh của Hoàng Vân; Vĩnh Linh đất mẹ anh hùng của Đinh Thìn; Chiều Hiền Lương của An Thuyên, … Ơi cầu Hiền Lương của Lê Anh. Những bộ phim Chung một dòng sông; Vĩ tuyến 17 ngày và đêm; Trên vĩ tuyến 17; Bao giờ thuyền lại sang sông; vở kịch Tổ quốc của Đào Hồng Cẩm - Xuân Đức. Những tác phẩm thơ văn như Cửa Gió của Xuân Đức; Họ sống và chiến đấu của Nguyễn Khải; Ký sự miền đất lửa của Vũ Kỳ Lân - Nguyễn Sinh; Vĩnh Linh của Nguyễn Huy cùng với hàng ngàn bài ca dao, thơ ca đấu tranh thống nhất hai miền Nam Bắc còn in đậm, khắc sâu trong tâm khảm của nhiều thế hệ người dân Quảng Trị và cả nước còn nằm trang trọng trong các thư viện và lan tỏa trên các trang thông tin điện tử trong thời đại 4.0. Tất cả đã trở thành tài sản vô giá, niềm tự hào và nguồn động viên to lớn của hôm qua, hôm nay và cả mai sau.
4. Bước vào thời kỳ đổi mới, trong hành trang của mình, đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Linh vinh dự, tự hào mang theo những giá trị tinh thần vô cùng quý báu: 8 lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, Bác còn tặng hai câu thơ nổi tiếng; ba lần được tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, hàng chục tập thể và cá nhân được tặng danh hiệu anh hùng. Từng được cả nước và thế giới ngợi ca là “Vĩnh Linh lũy thép anh hùng”, “Viên kim cương đầu cầu giới tuyến”, … là nguồn sức mạnh tinh thần và nguồn động viên to lớn để Vĩnh Linh vững vàng trên con đường đi tới giàu mạnh, văn minh.
Lãnh đạo Vĩnh Linh qua các nhiệm kỳ đã biết coi trọng và khai thác có hiệu quả những thế mạnh của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa. Quan tâm chỉ đạo, triển khai các hoạt động văn hóa theo các nghị quyết và chủ trương của Đảng. Một thời gian dài phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã được quan tâm. Vĩnh Linh là địa phương đầu tiên của tỉnh khởi xướng xây dựng làng văn hóa và gia đình văn hóa, là huyện đầu tiên của tỉnh trở thành “huyện điển hình văn hóa”. Phong trào văn nghệ quần chúng, văn hóa thông tin đã kế thừa tốt truyền thống “tiếng hát át tiếng bom, tiếng loa hòa tiếng súng” thời đánh Mỹ.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong số hơn 180 di tích đã được xếp hạng, hiện có nhiều di tích đã thành phế tích, mất dần dấu vết do sự tàn phá của thiên nhiên và do không có kinh phí tôn tạo. Công tác quản lý văn hóa của các cấp chính quyền và việc tham mưu của cơ quan chuyên môn còn nhiều bất cập. Một số giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa chưa được đào tạo bài bản, còn thiếu và yếu ... Kinh phí bố trí cho lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa còn ít ỏi. Vì vậy, nhìn chung nhiều tiềm năng văn hóa của Vĩnh Linh chưa được khai thác và phát huy có hiệu quả.
Sức mạnh của văn hóa rất lớn. Bản sắc văn hóa của một vùng đất là vô cùng quý báu nhưng để nắm bắt, sử dụng và phát huy được cần phải có nhận thức sâu sắc và toàn diện. Hơn thế nữa, cần có sự nỗ lực bền bỉ, kiên trì trong chỉ đạo, đầu tư và cách làm đúng, hiệu quả thì văn hóa mới thực sự là nguồn lực nội sinh của sự phát triển.
Nếu cuộc sống được ví như một dòng sông cuồn cuộn chảy, thì phù sa bồi đắp đôi bờ chính là những trầm tích văn hóa được bồi lắng lại. Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh hiện đang thừa hưởng một kho tàng những giá trị văn hóa đồ sộ, phong phú, đa dạng, đặc sắc riêng có của mình. Bề dày lịch sử, những chiến công oanh liệt, sự tích oai hùng cùng với những giá trị văn hóa đặc sắc của Vĩnh Linh không phải địa phương nào cũng có được và đây chính là niềm tự hào, là thế mạnh của mảnh đất này. Để có được như ngày hôm nay, Vĩnh Linh đã trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là 70 năm qua. Với những thành quả đã có, những tiềm năng đang được đánh thức, Vĩnh Linh là một điểm đến đầy hấp dẫn của các nhà đầu tư, của khách du lịch trong và ngoài nước. Mảnh đất này đang chuyển mình và Vĩnh Linh đang ghi tiếp những trang sử mới vào bộ biên niên sử hào hùng của quê hương.
Nguyễn Hữu Thắng- Nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh; TUV, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Từ Vịnh Mốc mở đường máu chi viện cho Cồn Cỏ (20/09/2024)
- Ba cha con cùng nhau ra khơi tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ (20/09/2024)
- Lúa hữu cơ Sepon và hành trình "kiến tạo" hạt cơm dinh dưỡng (20/09/2024)
- Câu chuyện bơi vượt biển tìm cha của con gái người gác hải đăng Cửa Tùng (20/09/2024)
- Chiến dịch sơ tán học sinh có một không hai trong lịch sử (20/09/2024)
- Độc đáo món gỏi tép Vĩnh Tú (20/09/2024)
- Vĩnh Linh- nơi hội tụ và lan tỏa khát vọng hòa bình độc lập thống nhất trên quê hương Quảng Trị anh hùng (09/09/2024)
- Xây dựng Vĩnh Linh ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc* (31/08/2024)
- Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Vĩnh Linh ngày càng văn minh, giàu đẹp (25/08/2024)
- Vĩnh Linh trên đường phát triển (23/08/2024)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)