Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

“Đầu tàu” xây dựng nên một HTX điển hình

Trong số gần 300 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp toàn tỉnh Quảng Trị, HTX Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh là HTX nông nghiệp duy nhất vừa được vinh dự xét tặng Cờ thi đua của Chính phủ và cũng thuộc 1 trong 5 HTX được tỉnh lựa chọn đủ điều kiện, năng lực tham gia Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021- 2025”. Quá trình xây dựng nên 1 HTX năng động, luôn giữ vị thế tốp đầu, cùng sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể, quan trọng có định hướng từ Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Thủy Ba Tây Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1961), người đứng đầu uy tín, quyết đoán, tư duy đổi mới, dồn tâm sức chèo lái HTX đứng vững và tạo đà phát triển đáp ứng xu thế, tình hình mới.

Trong số gần 300 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp toàn tỉnh Quảng Trị, HTX Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh là HTX nông nghiệp duy nhất vừa được vinh dự xét tặng Cờ thi đua của Chính phủ và cũng thuộc 1 trong 5 HTX được tỉnh lựa chọn đủ điều kiện, năng lực tham gia Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021- 2025”. Quá trình xây dựng nên 1 HTX năng động, luôn giữ vị thế tốp đầu, cùng sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể, quan trọng có định hướng từ Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Thủy Ba Tây Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1961), người đứng đầu uy tín, quyết đoán, tư duy đổi mới, dồn tâm sức chèo lái HTX đứng vững và tạo đà phát triển đáp ứng xu thế, tình hình mới.

 

 

 

Phục vụ trong quân đội, năm 1990 xuất ngũ trở về quê hương tập trung phát triển sản xuất, ông Nguyễn Văn Lâm trở thành gương làm kinh tế giỏi tại xã Vĩnh Thủy. Tháng 11/1997, ông Lâm tham gia vào Ban Quản trị, Phó Chủ nhiệm HTX Thủy Ba Tây. Sau đó hơn 10 năm đảm nhận Phó Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Thủy Ba Tây. Đến năm 2010, ông chính thức đảm trách vị trí Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Thủy Ba Tây. Ông Lâm chia sẻ, giữ vai trò lãnh đạo HTX thời điểm này đối với bản thân là một thử thách.

 

Những năm 2010, hầu hết các HTX, trong đó có Thủy Ba Tây hoạt động theo hướng an toàn, ngại đột phá, chủ yếu duy trì những dịch vụ sẵn có từ trước đó. Nhưng trong vòng xoáy của cơ chế thị trường, nhất là bước vào giai đoạn chuẩn bị thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX 2012, đòi hỏi mỗi HTX muốn đi lên bền vững phải tự mình đổi mới. Chịu trách nhiệm trước tập thể, đánh giá lại tình hình của HTX, ông Lâm nhận thấy đơn vị còn đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt nguồn vốn hoạt động hạn hẹp. Bắt tay xây dựng lộ trình, phương án sản xuất, kinh doanh, ông Lâm trăn trở làm thế nào để thu hút, đẩy mạnh dịch vụ tín dụng nội bộ tạo nguồn vốn đầu tư. Năm 2011, ông Lâm quyết định thế chấp toàn bộ tài sản gia đình mình, vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh La Ngà để tiên phong góp vốn vào HTX. Từ đó tạo thêm niềm tin, khuyến khích 300 thành viên yên tâm, tự nguyện góp vốn, tài sản cùng hợp sức phát triển kinh tế tập thể.

 

Mặt khác, ông Lâm nghiên cứu điều lệ, chính sách mới, tổ chức lại bộ máy quản lý; tăng chế độ trực, làm việc cả tuần chứ không áp dụng 3 ngày/ tuần như trước; phát động nhiều phong trào tạo khí thế thi đua sôi nổi giữa 5 đội sản xuất. Vừa từng bước thích ứng, nhanh chóng hoàn chỉnh mô hình kiểu mới; bổ sung cơ sở hạ tầng vừa linh hoạt quay vòng nguồn vốn, hướng về nguyện vọng thành viên để xây dựng kế hoạch sản xuất tăng lợi nhuận, dưới sự điều hành của ông Lâm cùng HĐQT, HTX Thủy Ba Tây ngày càng phát huy vai trò tập hợp, liên kết sản xuất với định hướng lâu dài.

 

Ngoài nâng cao chất lượng, cung ứng tốt 9 khâu dịch vụ chính của HTX, với vai trò, chức trách của mình, ông Lâm nhanh nhạy nắm bắt hướng đi mới, chủ động tạo điều kiện, vận động thành viên HTX mạnh dạn khai thác tiềm năng vùng bán sơn địa, thử nghiệm nhiều mô hình nâng cao giá trị, đa dạng hóa lĩnh vực sản xuất. HTX Thủy Ba Tây đi đầu hưởng ứng phong trào dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kĩ thuật, hình thành nhiều vùng canh tác tập trung chất lượng cao. Từ năm 2016, HTX tham gia Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa, hiệu quả gấp 2- 3 lần so với canh tác lúa truyền thống, hiện đã nhân rộng lên 100,2 hecta.

 

Hàng năm, HTX  hợp đồng với Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh sản xuất hơn 20 hecta lúa giống và 30 hecta lúa thương phẩm, tăng thu nhập thành viên hơn 1 tỷ đồng/ vụ. Và cũng đang phối hợp cùng Công ty Cổ phần Thương mại tỉnh Quảng Trị triển khai thử nghiệm mô hình gạo ST 24, ST 25- gạo ngon nhất thế giới. HTX hướng đến xây dựng lúa chất lượng cao thành sản phẩm OCOP. Đối với thế mạnh về trồng rừng, HTX Thủy Ba Tây tiên phong đầu tư phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn với 27 hecta rừng được cấp chứng chỉ FSC, lợi nhuận tăng gấp 20- 30% so với trồng rừng thông thường. Năm 2021 tiếp tục mở rộng thêm 27 hecta vùng ươm và theo lộ trình dự kiến đưa 155 hecta rừng vào sản xuất theo tiêu chuẩn FSC, phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế lẫn môi trường. Đến nay, đơn vị nâng tổng diện tích sản xuất lên trên 600 hecta gồm diện tích lúa 2 vụ 120 hecta; chuyên màu 30 hecta; nuôi trồng thủy sản 18 hecta; trồng rừng 155 hecta; 325 hecta cây cao su; 60 hecta cây công nghệp ngắn ngày.

 

Xác định vai trò của HTX làm cầu nối liên doanh, liên kết cung cấp dịch vụ và quan trọng hơn đảm bảo thị trường cho hàng hóa sản xuất ra, ông Lâm chú trọng tìm hiểu, tiếp cận các dự án, công ty, doanh nghiệp nhằm xây dựng quan hệ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị. Hiện HTX Thủy Ba Tây đang liên kết cùng 5 HTX thực hiện hợp đồng với nhà máy cung cấp phân bón và làm dịch vụ cho thành viên; liên doanh thu mua lúa hữu cơ, cung cấp cho Nhà máy chế biến gạo Long Khang, Thái Bình; sản xuất lúa giống cho Công ty Giống cây trồng Trung ương miền Trung và Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh; HTX hợp đồng bao tiêu gỗ FSC không chỉ trong HTX mà toàn huyện Vĩnh Linh…

 

Định hướng sát đúng theo từng giai đoạn của người đứng đầu HTX tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, HTX Thủy Ba Tây đã đạt những bước tiến vượt bậc, phát triển kinh tế tập thể bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng NTM của địa phương. Tổng nguồn vốn của HTX đạt 4,2 tỉ đồng. Doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước, khoảng 3,2 tỉ đồng/ năm. Thu nhập bình quân đầu người trong HTX đạt 52 triệu đồng/ năm. Thủy Ba Tây trở thành HTX điển hình tiên tiến; HTX kiểu mới tốp đầu của tỉnh; điển hình nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021- 2025. Riêng cá nhân ông Nguyễn Văn Lâm nhận nhiều hình thức khen thưởng từ huyện, tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam.

 

Nguyễn Trang

Bài viết liên quan