Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Xây dựng nền nông nghiệp sạch, nông sản chất lượng cao ở Vĩnh Linh

Xây dựng nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững và đưa nông sản có chất lượng cao đến tay người tiêu dùng là vấn đề được huyện Vĩnh Linh quan tâm trong thời gian qua. Địa phương đang tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu và phương pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Mô hình trồng lạc theo hướng thông minh tại xã Vĩnh Chấp.

Với diện tích gần 4.000 ha đất sản xuất, xã Vĩnh Thủy là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Những năm gần đây, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, con nuôi mới có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất được xã hết sức quan tâm. Theo lời giới thiệu của Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy Lê Thị Minh, chúng tôi về Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ Thủy Ba Tây để tìm hiểu việc ứng dụng KHCN vào quy trình canh tác lúa của HTX. Tiếp chúng tôi, Giám đốc HTX Nguyễn Xuân Lâm cho biết: “HTX Thủy Ba Tây là đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Vĩnh Linh ứng dụng thiết bị bay để phun thuốc bảo vệ thực vật trên 100% diện tích lúa. Khi sử dụng thiết bị này, ngoài việc người phun không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật mà còn tiết kiệm công lao động rất lớn, đạt được sự đồng đều, đảm bảo về liều lượng so với phun bằng tay. Qua thực tế sản xuất, phun bằng thiết bị bay chi phí giảm đến 30%, hiệu quả bảo vệ cây trồng được nâng lên”.

Bà Lê Thị Minh cho biết thêm: “Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, xã Vĩnh Thủy đã quy hoạch, phân vùng sản xuất, các khu chăn nuôi tập trung; thực hiện xây dựng cánh đồng lớn; mở rộng quy mô các trang trại, gia trại đầu tư sản xuất theo hướng thâm canh, chuyên canh cao gắn với liên kết sản xuất. Hiện nay, ở địa phương nhiều mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGap đã được hình thành với diện tích hơn 106 ha, trong đó 62 ha đã cho thu hoạch như bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, ổi lê Đài Loan, chanh leo tím đã khẳng định thương hiệu và được thị trường ưa chuộng, doanh thu mỗi năm đạt trên 11 tỉ đồng”.

Đầu năm 2022, 20 hộ dân thuộc xã Vĩnh Chấp đã tham gia thử nghiệm sản xuất lạc theo hướng thông minh. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Chấp Lê Đức Quang Huy, trước đây toàn xã có gần 70 ha trồng lạc, nhưng sản xuất theo phương thức truyền thống nên hiệu quả không cao. Sau khi tìm hiểu cách trồng lạc bằng phủ bạt nilon từ các địa phương khác, Hội Nông dân xã đã đưa vào trồng thử nghiệm mô hình này trên diện tích 20 ha. Lợi thế của phương thức canh tác này đó là chỉ làm đất, bón phân một lần nên tiết kiệm về công sức và chi phí. Đặc biệt việc sử dụng màng nilon đục lỗ sẽ góp phần giữ được độ ẩm trong đất, giữ phân, hạn chế sự phát triển của cỏ dại, dịch bệnh, giúp cây lạc sinh trưởng tốt kể cả khi gặp điều kiện bất lợi. Sau 3 tháng triển khai, cây lạc sinh trưởng đồng đều, đạt chỉ tiêu về năng suất và chất lượng. Theo đánh giá, củ lạc chắc hơn, năng suất đạt 4 tạ lạc tươi/ha, cao hơn 30% so với trước đây.

Hiện nay ở hầu hết các địa phương huyện Vĩnh Linh, nền sản xuất tiếp tục được triển khai đồng bộ, chặt chẽ theo định hướng chuyển đổi mạnh mẽ diện tích sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả, các loại giống năng suất, chất lượng kém sang các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao hơn, tiêu thụ trên thị trường thuận lợi hơn. Đơn cử như ở xã Vĩnh Giang đã xây dựng nhiều nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đưa ra thị trường có giá trị kinh tế cao như đậu xanh tằm, gạo bát đỏ, các xã Trung Nam, Vĩnh Tú đưa vào sản xuất mô hình trồng dưa, rau củ quả sạch trong nhà màng với quy mô trên 5.500 m2 ; xã Kim Thạch hình thành vườn sản xuất tiêu sạch quy mô 1,5 ha; xã Hiền Thành với mô hình trồng chuối đỏ Dacca có diện tích 2.500 m2 , mô hình trồng sâm Bố Chính, trồng cây hương bài dưới tán cao su, trang trại Dfarm Quảng Trị chuyên sản xuất rau củ quả trong nhà kính tại thôn Động Sỏi, xã Kim Thạch…. Từ năm 2018 đến nay, huyện Vĩnh Linh đã triển khai xây dựng các vườn trồng chuyên canh tập trung cây bưởi da xanh với tổng diện tích 15 ha trên địa bàn các xã Vĩnh Thủy (5 ha), Vĩnh Sơn (5 ha), Trung Nam (5 ha) với tổng kinh phí đầu tư trên 1,3 tỉ đồng.

Từ việc nhân rộng các mô hình sản xuất công nghệ cao, các chủ thể ở huyện Vĩnh Linh tự tin hơn trong việc đưa sản phẩm đi quảng bá, giới thiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt tích cực tham gia vào chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP. Nhờ vậy, đến nay Vĩnh Linh có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 8 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Có 10 nhãn hiệu tập thể đã được công nhận: Ném Vĩnh Linh, đậu xanh Vĩnh Giang, tiêu Vĩnh Linh, dưa hấu Vĩnh Tú, lạc Vĩnh Linh, khoai môn Vĩnh Linh, tinh bột sắn dây Vĩnh Linh, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ Vĩnh Thủy, nước mắm Cửa Tùng. Xây dựng 2 nhãn hiệu thông thường là rau thủy canh công nghệ cao Anlame Food, gà đồi Quang Huy.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh Lê Thị Thúy Kiều cho biết: “Để tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới huyện Vĩnh Linh sẽ tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân các cơ chế chính sách của tỉnh, huyện để đầu tư phát triển sản xuất; chủ động chuyển đổi những diện tích cây trồng không hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế và khả năng tiêu thụ sản phẩm gắn với tiềm năng, thế mạnh của huyện; đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp gắn với chú trọng xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường nông nghiệp công nghệ cao nhằm phát huy thế mạnh của các sản phẩm địa phương”.

Phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã hình thành và phát triển khá mạnh trên địa bàn Vĩnh Linh. Qua các mô hình cho thấy bước đầu đã đạt được những thành công nhất định, là minh chứng cho khả năng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Với sự nỗ lực của chính quyền và nông dân, thời gian tới, sản xuất nông nghiệp hữu cơ chắc chắn sẽ trở thành thói quen và người dân Vĩnh Linh sẽ được sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch sản xuất ngay tại địa phương.

 

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan