Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ

Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Vĩnh Linh được thành lập theo Quyết định 561/QĐ-HĐQT ngày 10/5/2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH. 20 năm qua, với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, đơn vị đã thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, đồng hành giúp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững, góp phần đưa nền chính trị - kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Vĩnh Linh ngày càng phát triển.

Tìm hiểu thực tiễn, theo giới thiệu của ông Thiều Quang An, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Linh, tôi đến gia đình anh Nguyễn Khánh Tùng, ở thôn Huỳnh Công Đông, xã Trung Nam. Vừa rót nước mời khách, anh Tùng kể: “Gia đình anh là một trong những hộ đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn lâu năm ở địa phương; nhiều năm liền công việc chăn nuôi của gia đình anh khá thuận lợi. Tuy nhiên, khoảng cuối năm 2019 do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu phi, cũng là thời điểm dịch bệnh Covid- 19 xuất hiện đã có những tác động bất lợi về giá cả, đầu ra không ổn định, khiến cho việc chăn nuôi của anh gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2020 thông qua kênh Huyện Đoàn Vĩnh Linh, gia đình anh được vay 100 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Với nguồn vốn này anh đã mạnh dạn phát triển quy mô chăn nuôi, lấy ngắn nuôi dài, từng bước vượt qua khó khăn. Hiện nay, mô hình chăn nuôi của anh có 500 con gà/lứa; 80 con lợn/lứa. Mỗi năm, gia đình anh xuất 4 lứa lợn, 4 lứa gà, sau khi trừ chi phí có lãi ròng 200 triệu đồng”.

Không riêng gia đình anh Tùng, 20 năm qua, đã có hàng nghìn thanh niên trên địa bàn huyện Vĩnh Linh được vay vốn từ Ngân hàng Chính xã hội thông qua kênh tín chấp của cơ quan Huyện đoàn, giúp họ có điều kiện vươn lên, lập thân lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Linh, Võ Thị Thu cho biết: “Hiện nay, các cơ sở đoàn trên địa bàn đã tín chấp vay vốn 104 tỉ đồng từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện cho gần 1.700 hộ vay. Được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nhất là trong bối cảnh khó khăn đã giúp cho nhiều thanh niên có thêm điều kiện để mạnh dạn tìm hướng đi mới, từng bước vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất”.

Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Linh Thiều Quang An cho biết: “Phương thức cho vay chủ yếu tại Ngân hàng CSXH hiện nay là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội (Phụ nữ; Nông dân, Đoàn thanh niên và Cựu chiến binh). Đây là phương thức thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước đến hàng triệu người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội”.

Hiện nay, tất cả 4 đơn vị ủy thác đều có dư nợ ủy thác tại 18/18 đơn vị xã, thị trấn. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ ủy thác qua các Hội đoàn thể gần 530 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ tại đơn vị. Trong đó, Hội Nông dân quản lý 78 Tổ vay vốn tiết kiệm (TKVV) với 2.513 hộ vay, dư nợ 148 tỷ đồng; Hội LHPN quản lý 79 tổ TKVV với 2.698 hộ vay, dư nợ gần 158 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh quản lý 59 tổ TKVV với 1.999 hộ vay, dư nợ trên 120 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên quản lý 51 tổ TKVV với 1.696 hộ vay, dư nợ gần 104 tỷ đồng.

Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Linh đã tập trung huy động các nguồn lực tài chính. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn cho vay đạt gần 531 tỷ đồng, tăng so với khi mới đi vào hoạt động là 500 tỷ đồng. Trong đó, vốn cân đối từ trung ương đạt 388 tỷ đồng; Vốn huy động tổ chức, cá nhân gần 119 tỷ đồng, chiếm 22,4% tổng nguồn vốn; Vốn ủy thác ngân sách tỉnh gần 21 tỷ đồng và vốn ủy thác ngân sách huyện 3,3 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng nguồn vốn.

Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Linh Thiều Quang An cho biết thêm: “Ngoài nguồn vốn của Trung ương, thì nguồn vốn ngân sách địa phương có vai trò rất lớn trong việc cho vay các đối tượng thụ hưởng theo quy định của địa phương, đã tạo điều kiện để mở rộng cho vay đáp ứng nhu cầu của đối tượng, nhất là người lao động chưa có việc làm. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời”.

Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách 20 năm qua đã giúp cho 30.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Có 5.315 hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết cho 6.355 lao động có việc làm; hỗ trợ vốn vay cho 2.452 học sinh, sinh viên được tiếp bước đến trường; gần 13.525 công trình nước sạch và vệ sinh được xây mới, cải tạo; gần 392 căn nhà được cải tạo, xây mới, trong đó có 315 căn nhà cho hộ nghèo xóa nhà tạm và phòng tránh lụt bão và 77 căn nhà cho vay đối tượng nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo đã từng bước thay đổi nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001-2005 giảm từ 24,45% xuống 19,8%; Giai đoạn 2006-2010 giảm từ 25,6% xuống 10,8%; Giai đoạn 2011-2015 giảm từ 15,91% xuống 6,92%; Giai đoạn 2016-2020 giảm từ 10,07% xuống 2,18%; Đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều mới) 4,01. Đến nay, toàn huyện Vĩnh Linh đã có 13/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 86,7% số xã của huyện), có 4 bản đạt chuẩn nông thôn mới, 20 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đánh giá về những đóng góp của Ngân hàng CSXH huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thiên Tùng cho biết: “Những kết quả đã đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò tín dụng CSXH đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, là công cụ, giải pháp căn cơ lâu dài để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế. Thành tựu đã đạt được của tín dụng Ngân hàng CSXH là "điểm sáng" là những "trụ cột" trong hệ thống chính sách giảm nghèo tại địa phương”.

 

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan