Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Vĩnh Linh thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã

Huyện Vĩnh Linh hiện có 77 Hợp tác xã với 12.356 thành viên, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong thời qua, huyện Vĩnh Linh đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX, cũng như quan tâm thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước tạo điều kiện để kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn ngày càng phát triển.

Vĩnh Linh hỗ trợ Tổ hợp tác ở xã Vĩnh Hòa xây dựng mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp dưới dạng viên nén để làm phân bón.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, huyện đã hỗ trợ thành lập mới HTX Cây Tăm, xã Vĩnh Ô và HTX Hoàng Thiện, xã Vĩnh Giang; thực hiện chính sách đưa 1 cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn tại HTX với kinh phí hỗ trợ 58,5 triệu đồng; hỗ trợ 4 dự án cho 4 HTX đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm với tổng số vốn trên 2,4 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Linh khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ nhiều HTX tham gia phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Một số mô hình tiêu biểu, gồm mô hình liên kết sản xuất lúa giống giữa Trung tâm giống cây trồng vật nuôi Quảng Trị và các HTX với diện tích 15 ha, sản lượng 75 tấn lúa giống; mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ giữa Công ty Cổ phần Tổng Công ty Sông Gianh, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị và các HTX Thượng Hòa, Đức Xá, Đặng Xá, Tiên Mỹ có tổng diện tích 158 ha, sản lượng trên 10.200 tấn lúa tươi; mô hình liên kết sản xuất lúa giữa Công ty Cổ phần Tổng Công ty Sông Gianh và các HTX với tổng diện tích 100 ha, sản lượng 700 tấn lúa tươi.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, huyện Vĩnh Linh đã chọn HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021- 2025 theo Quyết định số 1970/QĐ-UBND ngày 30/7/2021.

Mô hình hoạt động được HTX Thủy Ba Tây lựa chọn hoàn thiện là đảm nhiệm dịch vụ đầu vào, sơ chế, chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản với 4 nội dung cần Nhà nước hỗ trợ để hoàn thiện. Trong năm 2024, HTX Thủy Ba Tây cũng đã được hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình đường giao thông nội đồng với nguồn vốn hỗ trợ 700 triệu đồng.

Qua đánh giá, doanh thu bình quân một HTX tại huyện Vĩnh Linh đạt trên 1,27 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân 206 triệu đồng/1 HTX. Tuy nhiên, hoạt động của một số HTX vẫn chưa thực sự đổi mới, gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện Luật HTX 2012. Một số HTX còn thiếu vốn, hạn chế trong việc cung cấp dịch vụ cho thành viên và hộ gia đình. Nhiều HTX có quy mô nhỏ, thiếu vốn, tài sản ít, khả năng cạnh tranh thấp, chậm đổi mới, năng lực nội tại yếu và đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế về trình độ, năng lực. Đa số HTX chưa mở rộng liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế, để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Để nâng cao vai trò, hiệu quả của kinh tế tập thể, HTX, huyện Vĩnh Linh sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung của Chương trình hành động Tỉnh ủy, Kế hoạch của Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Thực hiện các nội dung Nghị quyết số 68/2022/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 của HĐND tỉnh về quy định mức chi hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022- 2025 và mức vốn điều lệ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Quảng Trị.

Huyện chú trọng lồng ghép các nguồn vốn để đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của các HTX; thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Huyện cũng thường xuyên kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX có sản phẩm OCOP đã được chứng nhận, hỗ trợ tiêu chuẩn hóa sản phẩm cho các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2024-2025. Trong năm 2025, huyện dự kiến thành lập mới từ 2- 3 HTX.

BBT

Bài viết liên quan