Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Những kết quả bước đầu trong phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao của hội viên nông dân Vĩnh Linh

Vĩnh Linh có diện tích đất tự nhiên gần 62.000 ha với cả 3 vùng sinh thái đồng bằng, vùng biển và miền núi, là điều kiện thuận lợi, tiềm năng phát triển đa dạng, phong phú các sản phẩm nông nghiệp. Là huyện thuần nông, Vĩnh Linh xác định nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao chính là chìa khóa để tạo bước đột phá cho lĩnh vực này. Đặc biệt, trong những năm gần đây nhiều chính sách trên lĩnh vực “tam nông” tiếp tục đi vào cuộc sống, tạo động lực cho sự phát triển. Toàn ngành cũng đã triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện.

Để tập trung phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, Vĩnh Linh đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm phát triển nền nông nghiệp theo hướng đa dạng, tính hiệu quả và bền vững cao; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư phát triển đa dạng các mô hình kinh tế mới… Nền nông nghiệp của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu đạt hiệu quả kinh tế cao; nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực được xây dựng thương hiệu; giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng lên…

Hội Nông dân huyện tổ chức quán triệt các văn bản của cấp trên đến các hội viên như: Quy định số 944-QĐ/HNDTW ngày 04/9/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam “về quy định về tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp”; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ “về phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2017 - 2022”; Đề án số 28-ĐA/HNDT, ngày 27/12/2017 của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị về “Nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân giai đoạn 2018 - 2023”; Kế hoạch số 15:KH/UBND ngày 26/5/2014 của UBND huyện Vĩnh Linh về thực hiện Quyết định số:673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020”. Nhờ đó, các hội viên nông dân nắm được các quan điểm, chủ trương để xây dựng các mô hình nông nghiệp.

Hằng năm Hội Nông dân huyện chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại nhằm liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu nền kinh tế thị trường như mô hình trang trại lợn thịt, lợn nái ở thị trấn Hồ Xá, xã Trung Nam, xã Vĩnh Chấp cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm; mô hình lúa - cá - lợn ở xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, Vĩnh Long cho thu nhập gần 200 triệu đồng/ha/năm. Mô hình nuôi tôm thẻ, tôm sú, nuôi cá lóc đồng ở các xã Vĩnh Sơn, Hiền Thành; mô hình trang trại gà đồi ở Vĩnh Chấp cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Hội Nông dân huyện đã chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ cho nông dân, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, tham gia hướng dẫn nông dân phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với thực tiễn tình hình sản xuất của địa phương như chăm sóc và khai thác mủ cao su vùng chuyên canh tại các xã phía Tây với diện tích trên 6.775 ha đem lại sản lượng 8.352 tấn; chăm sóc cây hồ tiêu với diện tích trên 1.300 ha tại các xã phía Đông, cho năng suất hằng năm đạt 1.439 tấn. Cùng nhiều mô hình thử nghiệm các loại cây trồng mới bước đầu đã cho thấy kết quả khả quan như mô hình đậu xanh; trồng chanh leo 8,25 ha ở các xã Vĩnh Thủy, Trung Nam, Vĩnh Hòa; mô hình trồng rau, củ, quả sạch theo phương pháp thủy canh và mô hình trồng rau, củ, quả sạch trong nhà màng và hệ thống tưới tự động với tổng diện tích gần 3ha tại xã Trung Nam và xã Vĩnh Tú.

Các hội viên nông dân mạnh dạn dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các mô hình lồng ghép vào sản xuất, hưởng ứng chương trình xây dựng cánh đồng có hiệu quả cao trên đơn vị diện tích. Nắm bắt xu hướng, nhu cầu của thị trường, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện đã chủ động đầu tư phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như mô hình cây cam ở thị trấn Bến Quan; mô hình trồng cây vải thiều, thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, sầu riêng ở xã Vĩnh Thuỷ bước đầu đã cho thu hoạch, đạt tiêu chuẩn Viet-GAP được khách hàng đánh giá cao và tiêu thụ nhanh.

Các mô hình đã phát huy hiệu quả tốt, giúp nông dân từng bước tiếp cận được với các kiến thức kỹ thuật công nghệ mới, thích ứng với nền kinh tế thị trường, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, phù hợp với điều kiện của địa phương như mô hình gạo lúa bát thương phẩm, diện tích 10ha ở xã Vĩnh Giang. Mô hình canh tác lúa hữu cơ có 08 hợp tác xã sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với 587 hộ nông dân tham gia sản xuất, tổng diện tích đạt 158 ha, cho năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha; cho thu nhập 49 triệu đồng/ha, bước đầu đã đem lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, tiêu thụ và môi trường. Đặc biệt Hội Nông dân xã Vĩnh Lâm đã thực hiện thành công, vừa qua đã giới thiệu sản phẩm gạo thân thiện với môi trường tại hội chợ Quốc tế về nông nghiệp ở Thủ đô Hà Nội được khách hàng trong và ngoài nước ngưỡng mộ, tìm hiểu và đặt hàng.

Phát huy lợi thế của địa phương, trong những năm qua Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh tập trung chỉ đạo xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, bước đầu có nhiều hợp tác xã đưa lại hiệu quả kinh tế cao như hợp tác xã nuôi gà, hợp tác xã cây ăn quả ở thị trấn Bến Quan. Mô hình trồng cây ăn quả hợp tác xã Tân Thủy, mô hình trồng cây dược liệu xã Vĩnh Thủy; hợp tác xã Tây Sơn ở xã Vĩnh Chấp; hợp tác xã trồng cây môn nịt kết hợp chăn nuôi hỗn hợp lợn và bò ở xã Vĩnh Thái; hợp tác xã “Nông sản xanh” ở xã Vĩnh Hòa đã cung cấp nhiều mặt hàng ra thị trường, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Từ kết quả bước đầu đạt được trong xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế, hội viên nông dân Vĩnh Linh ngày càng khẳng định vị thế và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển quê hương lũy thép - lũy hoa.

Với những kết quả đạt được, trong thời gian qua có 5. 532 hộ  nông dân được trao giấy chứng nhận sản xuất kinh doanh giỏi từ cấp cơ sở đến Trung ương và có 01 hộ tiêu biểu tham dự Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, tại Thủ đô Hà Nội.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao của các hội viên nông dân huyện Vĩnh Linh đã có sự tác động mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa lớn, người người, nhà nhà thi đua làm kinh tế góp phần xoá đói, giảm nghèo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao ở Vĩnh Linh có những hạn chế: các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao phát triển chưa đồng đều; Việc tuyên truyền, giáo dục cho hội viên, nông dân về xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao chưa tích cực; Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi điển hình tiên tiến đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa triển khai thực hiện còn chậm và chưa nhiều.

Trong thời gian tới Hội Nông dân huyện sẽ tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiểu quả cao làm thay đổi tư duy của người nông dân trong việc áp dụng khoa học công nghệ mới, đưa các giống cây, con mới vào sản xuất, chăn nuôi, có năng suất, chất lượng và hiệu quả, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.Xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, từ đó hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị; các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh thí điểm xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu, như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, áp dụng công nghệ cao.

Thứ hai, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi gắn với xây dựng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao. Trực tiếp hướng dẫn cho bà con nông dân, tiếp cận khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, chuyển đổi số trong sản xuất. Đưa ra thị trường sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng.

Thứ ba, tiếp tục vận động hội viên nông dân tập trung ruộng đất, đưa máy móc vào sản xuất trên quy mô lớn, hình thành cánh đồng mẫu và sản xuất các giống mới có năng suất và chất lượng cao. Tập trung đầu tư vốn, khoa học - kỹ thuật, thực hiện dự án có hiệu quả, nhân rộng trên địa bàn huyện để nông dân học tập. Phát huy tốt công tác phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân, nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác. Khuyến khích, vận động nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân đầu tư các mô hìnhsản xuất đưa lại thu nhập cao phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn kết cộng đồng nông dân, tích cực tham gia hướng dẫn, hỗ trợ hộ nông dân khác phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Thứ tư, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất, gắn sản xuất, chế biến với thị trường, lấy thị trường là tín hiệu đầu vào cho sản xuất. Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác để củng cố kinh tế hộ; tăng cường liên kết, lấy doanh nghiệp dẫn dắt hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, cũng như định hướng tiêu chuẩn sản xuất theo yêu cầu tiếp cận thị trường. Với mục tiêu giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến, góp phần tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, sản xuất theo yêu cầu thị trường và hướng đến chủ động tạo ra xu thế tiêu dùng. Xác định nông nghiệp phải vừa là đầu vào, cũng vừa là nơi tiêu thụ của chuỗi ngành hàng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đồng thời, tổ chức quy hoạch định hướng, khuyến khích sản xuất theo quy mô lớn, hạ giá thành, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ và bền vững, tạo lập vùng sản xuất tập trung, chuyên môn hoá, cơ giới hoá, tự động hoá. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển dự báo thị trường, chú trọng khảo sát nhu cầu tiêu dùng, nâng cao chất lượng trên các dòng sản phẩm hiện có, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp.

Với chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất quán với quan điểm xuyên suốt “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia. Nông thôn là địa bàn phát triển kinh tế quan trọng, là nền tảng văn hóa, xã hội. Nông dân là lực lượng lao động và nguồn tài nguyên con người quan trọng”, trong thời gian tới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn huyện được kỳ vọng sẽ có những bước đột phá mới góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Linh ngày càng giàu mạnh.

Nguyễn Văn Thi- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh

Bài viết liên quan