Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Thu hút đầu tư ở huyện Vĩnh Linh- tiềm năng, cơ hội và những vấn đề đặt ra trong tình hình mới

Trong suốt 70 năm phấn đấu xây dựng và phát triển, Vĩnh Linh không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, từng bước thay đổi mạnh mẽ diện mạo nông thôn mới, đô thị văn minh, đời sống vật chất cũng như tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại dịch vụ. Trong lộ trình phát triển đi lên của huyện, công tác thu hút đầu tư là một trong những điểm sáng nổi bật, với nhiều kết quả quan trọng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, đánh dấu sự khởi sắc trong công tác thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, theo đó đã có 11 dự án được cấp mới với tổng mức đầu tư là 1.845,8 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 34,52% tổng vốn đầu tư cam kết của các dự án được cấp chủ trương đầu tư từ đầu năm 2023 đến nay của tỉnh); góp phần nâng tổng số dự án từ trước đến nay trên toàn huyện lên 83 dự án với tổng mức đầu tư gần 5.805,27 tỷ đồng (không kể các dự án đã chấm dứt hoạt động).

Khởi công Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi KIDOS tại Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá- Ảnh BBT

Trong đó có 43 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư 844,5 tỷ đồng, 40 dự án đang triển khai với tổng mức đầu tư 4.960,77 tỷ đồng. Một số dự án đầu tư nổi bật như: Dự án Nuôi cá hồi vân (Rainbow Trout) công nghệ RAS; Dự án nuôi tôm công nghệ cao RAS của Công ty Cổ phần Camimex; Dự án Khu dân cư Tây Nam Quốc lộ 1 (giai đoạn 2), thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị; Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi KIDOS; Dự án dệt may Scavi; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá; Khu đô thị sinh thái biển AE resort - Cửa Tùng, Quảng Trị, Trang trại chăn nuôi công nghệ cao Vĩnh Tú,…

Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy Vĩnh Linh đang dần được đánh thức và trở mình mạnh mẽ để mở ra cơ hội thu hút đầu tư các dự án lớn, động lực, có sức lan tỏa và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và cũng là thành quả nổi bật của quá trình phấn đấu, nỗ lực khơi thông nội lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh, khắc phục khó khăn để thu hút đầu tư của huyện Vĩnh Linh trong suốt thời gian qua.

Huyện Vĩnh Linh là địa phương có vị trí địa lý chiến lược, là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Quảng Trị tiếp giáp với tỉnh Quảng Bình; là điểm mở cửa ra biển Đông với đường bờ biển dài gần 30 km, là địa bàn quan trọng của tam giác du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ; phía Tây giáp huyện Hướng Hoá, phía Nam giáp huyện Gio Linh. Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đến 2030, tầm nhìn đến 2050, trên địa bàn huyện có nhiều tuyến giao thông chiến lược đi qua như: Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam, cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh, Đường ven biển, Đường kết nối Vĩnh Thái -  thị trấn Bến Quan - xã Hướng Việt và nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch khác…

Huyện có quỹ đất rộng lớn với diện tích gần 62.000ha, nhiều khu vực có tiềm năng chuyển mục đích sử dụng đất để khai thác với giá trị cao hơn. Địa hình nghiêng dần từ Tây sang Đông phân hoá thành các tiểu vùng sinh thái khác nhau, hệ thống sông hồ cơ bản đáp ứng nhu cầu nguồn nước, là điều kiện thuận lợi để Vĩnh Linh có thể đa dạng hóa các loại cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển toàn diện các ngành kinh tế. Thảm thực vật trên địa bàn huyện có diện tích 33.603 ha, tập trung ở vùng Tây Vĩnh Linh và dải ven biển, chiếm khoảng 54% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, cung cấp tiềm năng lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp chế biến, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm và chế biến gỗ; Về thủy sản, trữ lượng khai thác ven bờ khoảng 2.500-3.000tấn/năm, ngư trường xa ở phía đông đảo Cồn Cỏ có tiềm năng khai thác 60.000-80.000 tấn/năm, dải ven biển có tiềm năng thu hút đầu tư các dự án lớn về nuôi thủy sản công nghệ cao.

Khoáng sản trên địa bàn khá phong phú, tuy không có trữ lượng lớn nhưng cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu về VLXD của địa phương. Đồng thời, Vĩnh Linh còn là vùng đất có truyền thống cách mạng với nhiều di tích văn hóa lịch sử, các điểm danh lam thắng cảnh, các bãi tắm biển thơ mộng, tạo lợi thế cho huyện trong phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, hoài niệm chiến trường xưa. Ngoài ra, lực lượng lao động trẻ, giàu nhiệt huyết cống hiến, cần cù chịu khó cũng là tiềm năng quan trọng để thu hút đầu tư. Những yếu tố này không chỉ cung cấp cơ hội để Vĩnh Linh trở thành trung tâm động lực, kết nối vùng miền mà còn mở ra tiềm năng thu hút đầu tư nhiều dự án quan trọng, có tính đột phá, thúc đẩy địa phương phát triển.

Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác thu hút đầu tư tại Vĩnh Linh vẫn còn những hạn chế nhất định. Kinh tế của huyện chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đánh bắt hải sản và một số ngành công nghiệp còn nhỏ lẻ. Chất lượng, hiệu quả của các dự án đầu tư còn chưa cao. Hầu hết các dự án có vốn đầu tư thấp, quy mô còn nhỏ, thiếu những dự án mang tính động lực, chưa có các dự án chế biến sâu, công nghệ hiện đại. Công tác thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đã cấp phép tuy đạt được những kết quả khả quan nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Số lượng dự án đã cấp phép, đi vào sản xuất, kinh doanh còn ít, tiến độ triển khai còn chậm, năng lực một số nhà đầu tư còn hạn chế. Đến nay, huyện vẫn chưa thu hút được dự án trọng điểm nhằm tạo động lực thúc đẩy và dẫn dắt kinh tế - xã hội huyện phát triển bứt phá.

Vậy, đâu là những khó khăn, thách thức đang cản trở huyện trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các dự án đầu tư trọng điểm? Trước hết là, mặc dù huyện có nhiều lợi thế nhưng đa số vẫn đang ở dạng tiềm năng nên chưa tạo được sức hấp dẫn vượt trội đối với nhà đầu tư; Các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm chủ yếu đang triển khai hoặc mới được quy hoạch; một số khu vực chưa có mạng lưới giao thông kết nối; Toàn huyện hiện chỉ có 1 cụm công nghiệp có quy mô nhỏ được thành lập và đã tổ chức thu hút đầu tư, 1 khu công nghiệp được thành lập và đang trong quá trình đầu tư hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải, rác thải chưa được đầu tư, hoặc chưa đầu tư đồng bộ; Hạ tầng đô thị - nông thôn, hạ tầng thương mại - dịch vụ - du lịch còn nhiều bất cập.

Vĩnh Linh cũng đối mặt với vấn đề thiếu nguồn lao động có trình độ và kỹ năng, tay nghề cao, gây khó khăn cho việc phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ có hàm lượng tri thức cao; Vị trí của huyện xa các trung tâm đô thị và công nghiệp - dịch vụ lớn, cũng làm sức ảnh hưởng lan tỏa của các vùng, trung tâm phát triển kinh tế lớn của đất nước tác động đến huyện chậm hơn. Bên cạnh đó, với vị trí ven biển và địa hình đồi núi, nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, Vĩnh Linh thường đứng trước nguy cơ bị bão, lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, cát bay, sạt lở đất... Ngoài ra, những khó khăn trong tiếp cận đất đai, các thủ tục có liên quan sau cấp phép đầu tư như thủ tục về môi trường, GPMB, đất đai, cấp phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đấu nối giao thông…cần nhiều thời gian để thực hiện đã gây ảnh hưởng nhất định đến quyết tâm của các nhà đầu tư.

Để giải quyết hiệu quả những thách thức, tận dụng tối đa mọi tiềm năng và cơ hội, đưa huyện nhà trở thành điểm đến lý tưởng thu hút đầu tư, phát triển bền vững, chúng tôi xin đề xuất một số nhóm giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tập trung rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch cấp huyện như: Quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, các quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch các khu chức năng ngoài đô thị nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh cho từng giai đoạn, các quy hoạch phát triển của địa phương và tiềm năng, thế mạnh riêng có, huyện xây dựng danh mục các dự án theo ngành, lĩnh vực sẽ ưu tiên  thu  hút như: du lịch biển; du lịch văn hóa- lịch sử; du lịch sinh thái; công nghiệp chế biến chế nông thủy sản, chế biến gỗ, silicat;... để đề xuất chiến lược thu hút đầu tư. Cùng với đó, cần rà soát hoàn thiện các chương trình, kế hoạch, chính sách phát triển của các ngành, lĩnh vực để hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư.

Thứ hai, tập trung huy động các nguồn lực để triển khai các dự án kết cấu hạ tầng thiết yếu, có sức lan tỏa lớn, đặc biệt là đầu tư vào cải thiện và mở rộng mạng lưới giao thông, nhất là đường bộ và đường biển, giúp kết nối Vĩnh Linh với các khu vực lân cận và các cảng biển lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và di chuyển của người lao động; đầu tư mạng lưới truyền tải điện, hạ tầng đô thị, thương mại - dịch vụ - du lịch, hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông, hạ tầng nông nghiệp và PTNT, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu...

Tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA và đầu tư công để hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Đẩy mạnh các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhằm phát huy vai trò “vốn mồi” của đầu tư công để dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng có ý nghĩa động lực như: Cao tốc Bắc- Nam, Đường ven biển, xây dựng CSHT các khu, cụm công nghiệp…Góp phần từng bước kiến tạo nền tảng cơ bản, sẵn sàng các điều kiện cần thiết, nhất là về hạ tầng, đất đai cho công tác thu hút đầu tư, kịp thời đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

Thứ ba, đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Duy trì thường xuyên, đổi mới và đa dạng hóa các hình thức đối thoại, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp; tập trung giải phóng mặt bằng đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch, đúng tiến độ cho các nhà đầu tư, công tác GPMB cần đi trước một bước để tạo lập quỹ đất sạch gắn với thu hút các dự án đầu tư trọng điểm, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển của huyện; quan tâm hỗ trợ tìm kiếm thị trường, giải quyết đầu ra cho các sản phẩm, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao tính công khai, minh bạch, giảm thời gian giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp. Quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với hoàn thiện hạ tầng nền tảng Chính quyền điện tử, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thường xuyên rà soát và bỏ những quy định không cần thiết, không còn phù hợp là rào cản gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng về thời gian, chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp.

Thứ tư, tăng cường quảng bá và tiếp thị hình ảnh, tiềm năng, sản phẩm của huyện đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua các chương trình tiếp thị, sự kiện; học hỏi, vận dụng những hình thức quảng bá hình ảnh mới trên nền tảng công nghệ số như Facebook, Youtube, Tiktok, Live stream…; tích cực, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế với các đối tác quốc tế thông qua các hiệp định thương mại và các chương trình hỗ trợ phát triển. Xây dựng hệ thống dữ liệu về doanh nghiệp và đầu tư, tích hợp, cập nhật đầy đủ, kịp thời các quy hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, các quy trình giải quyết thủ tục hành chính... để cung cấp rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian giải quyết thủ tục, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhằm từng bước tạo ra một môi trường đầu tư ổn định và minh bạch.

Duy trì thường xuyên việc đồng hành, đối thoại cùng doanh nghiệp; quan tâm hỗ trợ tìm kiếm thị trường, giải quyết đầu ra cho các sản phẩm, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh. Tăng cường triển khai các dịch vụ công trực tuyến, số hóa các quy trình, thủ tục của các cơ quan hành chính. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Duy trì đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh của doanh nghiệp.

Thứ năm, triển khai thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng trang bị kiến thức theo tiêu chuẩn, tích cực đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của địa phương. Công tác đào tạo nghề cần bám sát nhu cầu thị trường, nhu cầu của các nhà đầu tư lớn, tập trung đào tạo trình độ, kỹ năng của người lao động để có thể nhanh chóng cải thiện được trình độ của người lao động. Đào tạo, bồi dưỡng phát triển kỹ năng lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp. Tích cực, thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng mở các lớp đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng nghề nghiệp cho người lao động… Qua đó, nâng cao năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng. Đồng thời, thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm khơi dậy động lực, khát vọng phát triển, cống hiến của người con quê hương Vĩnh Linh, từ đó, tạo sự thống nhất về ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Với Chủ đề năm 2024: “Phát huy truyền thống - Đẩy mạnh thi đua - Tăng tốc bứt phá”, với sự nhạy bén trong nắm bắt cơ hội và đặc biệt là sự chủ động vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị trên quan điểm luôn đồng hành, phục vụ nhà đầu tư và doanh nghiệp, coi thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của huyện, của tỉnh, với các giải pháp động bộ, hiệu quả nhằm kiến tạo môi trường đầu tư tin cậy, hấp dẫn, tin chắc huyện Vĩnh Linh sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu về thu hút đầu tư, mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ huyện đã đặt ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII.

Trương Chí Trung- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị

Bài viết liên quan