Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh - Cổng thông tin

Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Vĩnh Linh đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vĩnh Linh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng đối với cây trồng, vật nuôi có lợi thế của huyện giai đoạn 2022-2025, trong năm 2024, huyện Vĩnh Linh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về trồng trọt, diện tích lúa trên địa bàn đạt 6.956 ha, xấp xỉ kế hoạch đề ra. Đặc biệt, diện tích lúa chất lượng cao tăng mạnh, đạt 6.160 ha, chiếm 88,5% tổng diện tích lúa và vượt kế hoạch đề ra. Các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tiếp tục được nhân rộng, với 316 ha đạt chứng nhận hữu cơ. Việc ứng dụng cơ giới hóa và áp dụng quy trình sản xuất an toàn giúp nâng cao năng suất, đạt mức 57,38 tạ/ha. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai chứng nhận VietGAP cho 5 ha lúa tại xã Vĩnh Lâm, đồng thời xây dựng nhãn hiệu Gạo Vĩnh Lâm, giúp nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm địa phương.

Cây hồ tiêu tiếp tục giữ vị thế quan trọng với diện tích 1.325 ha, trong đó diện tích đưa vào kinh doanh đạt 1.293 ha. Huyện đã có 65 ha hồ tiêu được chứng nhận hữu cơ, trong đó có 34 ha đạt chứng nhận quốc tế. Việc ứng dụng phương pháp canh tác bền vững giúp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm hồ tiêu Vĩnh Linh. Cây cao su có diện tích 6.383 ha, giảm nhẹ so với kế hoạch do một số diện tích già cỗi được thanh lý để chuyển sang trồng rừng kinh tế.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện Vĩnh Linh tiếp tục khuyến khích mô hình chăn nuôi tập trung, đảm bảo an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Đàn lợn tăng trưởng mạnh, đạt 82.170 con, vượt xa kế hoạch và tăng 20.890 con so với năm 2022. Đàn gia cầm cũng tăng lên 1,035 triệu con, cao hơn mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, đàn trâu bò có xu hướng giảm, chỉ đạt 13.410 con, thấp hơn mục tiêu đề ra do người dân chuyển dần sang chăn nuôi các giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn.

Lâm nghiệp tiếp tục được chú trọng với việc quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ tập trung tại các xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Sơn, Vĩnh Hà, Vĩnh Thủy. Huyện khuyến khích phát triển rừng trồng gỗ lớn gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đặc biệt tại các xã Vĩnh Hà, Vĩnh Sơn. Việc giao khoán rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã miền núi như Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà giúp tạo sinh kế và bảo vệ môi trường.

Trong lĩnh vực thủy sản, huyện đạt diện tích nuôi trồng 885,7 ha, sản lượng thủy hải sản khai thác đạt 6.006 tấn, vượt kế hoạch đề ra. Mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao được đẩy mạnh, với 24,9 ha ứng dụng công nghệ tiên tiến, trong đó có 15 mô hình nuôi tôm công nghệ cao và một mô hình nuôi ốc bươu đen ứng dụng hệ thống lọc tuần hoàn khép kín. Việc hỗ trợ mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã Vĩnh Sơn đã mang lại hiệu quả, với năng suất bình quân đạt 30-40 tấn/ha/vụ.

Huyện Vĩnh Linh cũng tập trung phát triển các vùng sản xuất tập trung, phù hợp với lợi thế từng địa bàn. Vùng gò đồi được quy hoạch trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi tại các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Bến Quan. Vùng đồng bằng tập trung sản xuất lúa hàng hóa, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy, Vĩnh Long. Vùng đất đỏ bazan chuyên canh cây công nghiệp, rau màu đặc sản tại Vĩnh Hòa, Vĩnh Giang, Trung Nam, Kim Thạch. Trong khi đó, vùng cát ven biển phát triển các ngành kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản, du lịch và dịch vụ tại Vĩnh Tú, Vĩnh Thái, Cửa Tùng.

Một số mô hình sản xuất đã mang lại kết quả tích cực như vùng hồ tiêu tại các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Giang, Kim Thạch; vùng cao su tại Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Bến Quan; vùng lúa hàng hóa tại Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy; vùng trồng cây ăn quả tại Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn, Bến Quan với các sản phẩm thế mạnh như thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, cam Vân Du. Chăn nuôi trang trại cũng phát triển mạnh, với 47 trang trại gia cầm, 110 trang trại lợn, trong đó có 15 trang trại lớn. Huyện đã quy hoạch các vùng nuôi tôm tập trung với diện tích trên 280 ha ven sông và gần 30 ha ven biển, thu hút đầu tư vào chế biến thủy sản.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đến năm 2024, huyện Vĩnh Linh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 15/15 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 5 xã đạt chuẩn nâng cao và 3 xã đạt chuẩn kiểu mẫu. Số thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt 72 thôn, chiếm 63,2% tổng số thôn trong huyện. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được đẩy mạnh, với 17 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao, trong đó có các sản phẩm nổi bật như tinh bột nghệ, bánh quy tinh bột ngô...

Bước sang năm 2025, huyện Vĩnh Linh đặt mục tiêu tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/HU, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Các giải pháp cụ thể bao gồm mở rộng mô hình sản xuất liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đẩy mạnh chế biến sâu trong nông nghiệp, phát triển các vùng chuyên canh và tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân. Với định hướng rõ ràng, huyện Vĩnh Linh kỳ vọng sẽ đạt được nhiều thành tựu quan trọng hơn nữa trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững.

BBT

Bài viết liên quan