Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tại tỉnh Quảng Trị
- 02-03-2023
- 3301 lượt xem
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là công cụ, thước đo quan trọng để đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường đầu tư, đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố. PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần: gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động và tính thiết chế pháp lý. Hàng năm, chỉ số này được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố dựa trên kết quả khảo sát các doanh nghiệp.
Công nhân làm việc tại Nhà máy may mặc miền Trung- Khu CN Tây Bắc Hồ Xá.
Theo kết quả do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố vào ngày 29/4/2022 thì chỉ số PCI của tỉnh Quảng Trị xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm trung bình của cả nước. Với vị trí xếp hạng như vậy, mục tiêu đưa ra trong Nghị quyết 01-NQ/TU Ban Thường vụ tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016- 2020 là đưa chỉ số PCI của tỉnh Quảng Trị xếp vào nhóm 20 tỉnh đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã không đạt được.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chỉ số PCI thấp như sự quyết tâm của một số cán bộ, công chức trong việc cải cách thủ tục hành chính có mặt còn hạn chế; trong việc đối thoại, tháo gỡ khó khăn với người dân và doanh nghiệp có thời điểm chưa kịp thời; gặp nhiều khó khăn trong việc minh bạch, công khai đầu tư công, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như thủ tục đăng ký đầu tư, thu hồi đất, giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Một số cơ quan, đơn vị cũng chưa thực sự quan tâm trong việc theo dõi, đánh giá, nâng cao các chỉ số thành phần, xác định nguyên nhân và mạnh dạn đề xuất giải pháp cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Để cải thiện chỉ số PCI nhằm thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo bứt phá để về điểm số và thứ hạng PCI và giữ vững thứ hạng trong những năm tới, cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xử lý nhũng nhiều, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước; đảm bảo sự nhất quán trong thực hiện chủ trương, chính sách từ tỉnh đến địa phương; phát huy tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh về các chỉ số thành phần chưa đạt mục tiêu thuộc trách nhiệm cơ quan, đơn vị mình quản lý. Đồng thời, người đứng đầu phải tiên phong, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tạo ra môi trường kinh doanh năng động, có cơ chế trong thu hút đầu tư.
Thứ hai, cần sớm thành lập Ban chỉ đạo PCI tỉnh gồm lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành và người đứng đầu các địa phương. Ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong ban gắn với trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành tại địa phương, đơn vị.
Thứ ba, hằng năm, sau khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố kết quả về chỉ số PCI, UBND tỉnh nên có văn bản công bố kết quả xếp loại của tỉnh mình gửi về các sở, ban, ngành, các địa phương; phổ biến rộng rãi trong các cơ quan, đơn vị về vị trí xếp hạng của tỉnh, chỉ số nào tăng, chỉ số nào giảm, chỉ ra nguyên nhân vì sao tăng, giảm để có giải pháp khắc phục.
Thứ tư, các Sở, ban, ngành trong tỉnh, UBND các địa phương phối hợp chặt chẽ để rà soát, nắm bắt cụ thể tình hình thực hiện dự án của các doanh nghiệp; giải quyết dứt điểm các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; tham mưu các giải pháp và triển khai có hiệu quả các chính sách của tỉnh đảm bảo bám sát nhu cầu và phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp; từ đó, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ và hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng đi vào thực chất. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, bám sát mục tiêu từng chỉ tiêu của 10 chỉ số thành phần PCI để chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp; phân công rõ trách nhiệm của người đứng đầu và giữa các đơn vị trực thuộc để có cơ sở kiểm tra, đôn đốc thực hiện.
Thứ năm, lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc tham vấn, đối thoại với doanh nghiệp, từ đó có biện pháp can thiệp bằng cách đưa ra các giải pháp cho từng trường hợp cụ thể.
Thứ sáu, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; kiểm tra việc thực hiện các quy định của nhà nước, tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thật sự trong sạch, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ bảy, đổi mới tuyên truyền, giới thiệu đến người dân, doanh nghiệp về phương thức đăng ký thành lập doanh nghiệp bằng nhiều hình thức. Tiếp tục công khai đầy đủ, kịp thời thủ tục đăng ký doanh nghiệp trên Website của sở và các hình thức khác theo quy định. Duy trì tốt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục đăng ký thành lập, thay đổi doanh nghiệp hiện có.
Với quyết tâm đưa Quảng Trị phát triển đi lên, việc đẩy mạnh các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là điều cần thiết để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn hiên nay. Với nỗ lực và các giải pháp mà tỉnh đã và đang thực hiện, hi vọng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu là đến năm 2025 chỉ số PCI của tỉnh Quảng Trị nằm trong nhóm 20 tỉnh đứng đầu cả nước đã được đưa ra trong Nghị quyết 01-NQ/TU Ban Thường vụ tỉnh ủy năm 2021 về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, sớm đưa Quảng Trị vững bước đi lên.
ThS. Nguyễn Thị Chính- Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị Lê Duẩn
- Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (02/03/2023)
- Kế hoạch hành động Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh huyện Vĩnh Linh năm 2023 (27/02/2023)
- Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Linh đến năm 2040, định hướng đến năm 2050 (27/02/2023)
- Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của huyện Vĩnh Linh (05/07/2022)
- Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu nghĩ dưỡng EDEN CHARM tại xã Vĩnh Thái (05/07/2022)
- Kết quả khảo sát bước đầu về mở rộng địa giới hành chính thị trấn Bến Quan (21/03/2022)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)