Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Vĩnh Linh đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa di tích lịch sử
- 03-01-2024
- 221 lượt xem
Trong Đề án phát triển Thương mại- Dịch vụ huyện Vĩnh Linh giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030, xác định việc liên kết các địa điểm du lịch, di tích văn hóa lịch sử để xây dựng các sản phẩm tour du lịch địa phương sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu về văn hóa lịch sử cho du khách khi đến Vĩnh Linh. Trong đó, việc phát huy tiềm năng du lịch tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn đang là điểm nhấn được địa phương đẩy mạnh thực hiện.
Tọa lạc trên khu rừng trang nghiêm và kín lặng Lòi Xó Rọ của làng Sa Trung, xã Vĩnh Long, Miếu Bà Vương phi họ Lê (Miếu Bà chúa) là di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị, đã được xếp hạng theo Quyết định Số 652/QĐ-UBND ngày 16/4/2009 của UBND tỉnh. Đây là nơi thờ phụng Bà Vương phi họ Lê cùng 2 người anh em, đã có công phò vua giúp nước, chiêu dân lập ấp, khai phá vùng đất Minh Linh, mở rộng cương thổ Đại Việt dưới triều Lê Sơ.
Ông Lê Phước Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long cho biết: “UBND xã Vĩnh Long đã được UBND tỉnh, huyện ủy quyền về việc phân cấp quản lý khu di tích Miếu Bà Vương Phi họ Lê. Trên cơ sở đó, UBND xã đã thành lập Bản Quản lý riêng, các thành viên trong Ban thường xuyên túc trực, bảo vệ, dọn dẹp khu Miếu và phụ trách tiếp đón các đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu”.
Khu miếu rộng khoảng khoảng 0,1 ha, hướng mặt về Đông- Đông Nam. Bao quanh là cây cổ thụ, phía trước mặt có hồ nhỏ và ruộng lúa. Phần mộ to nhất được đắp bằng đất cuốn theo hình đài hoa sen trong khuôn viên là phần mộ của Bà Vương phi họ Lê. Bên phải là mộ và am thờ của ông Lê Quang Phú, cậu ruột của Bà Vương phi. Phía sau là các phần mộ của ông Đô đốc Lê Quý Công Lê Viết Đáo anh trai của bà và ông Kinh Lược Sứ em trai của Bà. Đối với người dân làng Sa Trung nói riêng và người dân Vĩnh Linh nói chung đây là nơi vô cùng linh thiêng và kính trọng.
Với truyền thống uống nước nhớ nguồn hằng năm cứ vào ngày 27/3 âm lịch người dân địa phương lại long trọng tổ chức lễ giỗ bà Vương Phi họ Lê với các nghi thức được tiến hành trang trọng. Sự kiện này đã trở thành nét văn hóa riêng đặc sắc riêng của địa phương. Trong những năm gần đây, miếu bà Vương Phi họ Lê là một trong những điểm dừng chân nổi bật trong tour du lịch đường sông, biển của huyện Vĩnh Linh, gồm thị trấn Hồ Xá- Vĩnh Long- Hiền Thành- Vĩnh Giang- Cửa Tùng- Kim Thạch- Trung Nam- Vĩnh Thái- Vĩnh Tú. Du khách đến đây không chỉ được tham quan, hòa mình vào không khí ấm cúng của Lễ giỗ mà còn được tìm hiểu về giai thoại của Bà Vương phi và lịch sử đất nước ta thời Lê sơ.
Ông Lê Phước Bài- Trưởng Ban Quản lý di tích Miếu bà Vương phi họ Lê cho biết: “Lễ giỗ bà Vương Phi họ Lê diễn ra trong 2 ngày 26-27/3 âm lịch. Trong ngày này, không chỉ người dân trên địa bàn huyện mà còn có cả người dân khu vực Gio Linh, Đông Hà, Huế, Quảng Bình và đông đảo du khách thập phương đến tham dự. Từ đây, những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Miếu bà Vương phi họ Lê được gìn giữ và lưu truyền”.
Phát triển tour du lịch mang đậm bản sắc địa phương đang là xu hướng du lịch chung của tỉnh.Trong đó, mỗi một địa phương đã, đang và sẽ phải xác định thế mạnh, những điểm đến mới, đặc sắc, riêng có trong các tour tuyến du lịch của mình để tạo sự ấn tượng, độc nhất thu hút du khách. Tại Vĩnh Linh, bên cạnh các điểm đến nổi tiếng như Địa đạo Vịnh Mốc- hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, Di tích lịch sử quốc gia Bến đò B… thì các điểm di tích ở các địa phương cũng đang nổi lên và được khai thác hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Kiệm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lâm cho biết: “Huyện Vĩnh Linh là vùng đất có bề dày truyền thống về cách mạng. Riêng tại Vĩnh Lâm có bia công tích, có tượng đài ghi dấu lại một thời chiến đấu oanh liệt, sự hi sinh của các anh hùng liệt sỹ để bảo vệ bình yên cho quê hương. Đây là những điểm di tích mang ý nghĩa lịch sử và chính trị sâu sắc, có tính giáo dục, thuyết phục cho thế hệ trẻ. Nên việc đưa các di tích vào các tour du lịch là rất cần thiết”.
Trung bình mỗi năm, huyện Vĩnh Linh thu hút khoảng 70.000 du khách, trong đó chủ yếu là khách trong tỉnh và khách nội địa. Tuy nhiên, dư địa, tiềm năng và lợi thế du lịch Vĩnh Linh còn rất lớn để có thể thu hút nhiều hơn lượng du khách đến với vùng đất này. Và không chỉ đơn thuần là du lịch, mà thông qua các địa điểm, các câu chuyện về lịch sử, về văn hóa, về con người Vĩnh Linh sẽ được lưu giữ, trao truyền, để hình ảnh Vĩnh Linh luôn ghi đậm dấu ấn trong lòng du khách gần xa.
Phương Nga
- Độc đáo món bánh đúc ở làng Hiền Dũng (19/12/2023)
- Đất thép Vĩnh Linh hồi sinh (27/10/2023)
- Những chiến sĩ trên mặt trận nghệ thuật của Đặc khu Vĩnh Linh (19/10/2023)
- Vĩnh Linh vững vàng trên đường hội nhập và phát triển (24/08/2023)
- Hồ Xá vươn lên từ truyền thống anh hùng (01/08/2023)
- Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh - Điểm đến tri ân (26/07/2023)
- Đẹp ngỡ ngàng những “nhoi đất” vươn ra biển lớn (23/07/2023)
- CCB Bùi Xuân Khiêm với hành trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm truyền thống quê hương (21/07/2023)
- Độc đáo Lễ hội Cầu ngư Rằm tháng 5 âm lịch ở làng chài Vịnh Mốc (30/06/2023)
- Người đưa món quê “thịt bò làng Trạng” đi khắp nơi (15/05/2023)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Địa chỉ: Thành Công, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh - Điện thoại: (0233).3820491; Fax: (0233).3820787
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ