Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Những cô gái quả cảm bên dòng sông Bến Hải
- 20-05-2024
- 189 lượt xem
Những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, huyện Vĩnh Linh - mảnh đất nơi đầu cầu giới tuyến đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc với những câu chuyện nghe như là huyền thoại. Đó là sự nhớ thương đằng đẵng suốt 20 năm trời giữa bên nớ, bên ni trên dòng sông Bến Hải; là cuộc sống hồi sinh trong lòng địa đạo, bảo tồn hạt giống đỏ cho cách mạng và quê hương; là những câu chuyện quân dân Vĩnh Linh đánh giỏi thắng lớn… làm xúc động lòng người. Trong số đó, câu chuyện về 10 cô gái trẻ Tiểu đội dân quân thôn Nam Phú bất chấp nguy hiểm xông pha tải đạn, cứu thương; sát cánh cùng bộ đội, dân quân đánh trả máy bay địch được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người vào năm 1966 đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng chưa bao giờ cũ.
10 cô gái Nam Phú được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người năm 1966- Ảnh TL
Tiểu đội ngày ấy gồm các cô Trần Thị Xu, Nguyễn Thị Hiệt, Nguyễn Thị Vòng, Lê Thị Hớn, Nguyễn Thị Hòe, Nguyễn Thị Đinh, Nguyễn Thị Thỉ, Nguyễn Thị Lệnh, Lê Thị Thẻo, Đoàn Thị Đỉu. Trong số đó, có một người hi sinh trong chiến đấu, 3 người đã mất do tuổi cao sức yếu, hiện chỉ còn lại 6 bà. Những cô gái ngày ấy, giờ ở vào tuổi xưa nay hiếm, mái tóc đã ngả màu theo thời gian, nhưng khi có dịp họ vẫn tìm đến nhau, vừa vui mừng vừa xúc động ôn lại những kỷ niệm về một thời khói lửa, hát vang những ca khúc về Bác Hồ và quê hương Vĩnh Linh anh hùng của họ.
Chia sẻ với chúng tôi, Bà Đoàn Thị Đỉu xúc động nói, những năm được sát cánh cùng đồng đội chiến đấu, phục vụ chiến đấu, giành giữ từng tấc đất cho quê hương chính là quãng thời gian đẹp đẽ nhất trong tuổi thanh xuân của bà. Dù tuổi đã cao, nhưng khi nhắc đến ký ức về những năm tháng hào hùng đó, bà Đỉu vẫn nhớ rõ mồn một. Bà rành rọt kể : “Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày mồng 2 tháng 8 năm 1964, Đế quốc Mỹ tuyên chiến đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. 14 giờ 30 phút ngày mồng 8 tháng 2 năm 1965 với 82 lượt máy bay Mỹ chia thành 14 tốp gồm F4, AD6 trút bom ồ ạt xuống thị trấn Hồ Xá, mở đầu cuộc chiến tranh tàn sát khu vực Vĩnh Linh, leo thang phá hoại miền Bắc. Lực lượng Bộ đội, Công an, Dân quân du kích khu Vĩnh Linh lập nên nhiều điểm, trạm chiến đấu, đánh trả máy bay địch. Tiểu đội du kích Nam Phú của chúng tôi lúc đó đã bất chấp nguy hiểm xông pha tải đạn, cứu thương; sát cánh cùng bộ đội, dân quân đánh trả máy bay địch; vừa tăng gia sản xuất”.
Tiếp lời bà Đỉu, bà Nguyễn Thị Hiệt, nguyên là Tiểu đội phó lúc đó, chia sẻ: “Năm 1965, khi xảy ra chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chị em thôn Nam Phú đã phục vụ mọi nhiệm vụ công tác của dân quân, thanh niên và địa phương theo khẩu hiệu: “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền tuyến”, Tiểu đội nữ dân quân Nam Phú bám trụ địa bàn để chiến đấu và sản xuất. Bất kể ngày hay đêm, khi máy bay đến là chị em có mặt tại các trận địa để tiếp lương, tải đạn, chuyển thương, gánh nước uống phục vụ bộ đội hoặc làm mát cho pháo. Khi trận đánh kết thúc, chị em lại nhận quần áo, chăn, màn… của bộ đội về giặt rũ, khâu vá và bám đồng ruộng sản xuất”.
Câu chuyện dũng cảm của Tiểu đội được nêu trong bài báo “Mười cô gái Vĩnh Linh dũng cảm” đăng trên báo Nhân dân, ngày 29/5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh biết, khen ngợi và gửi tặng mỗi chiến sỹ trong Tiểu đội một chiếc Huy hiệu Bác Hồ. Đây thực sự là một vinh dự lớn lao không chỉ cho các bà mà cho cả cán bộ, Nhân dân Vĩnh Linh. Đến hôm nay nhắc lại chuyện này, các bà vẫn nguyên niềm xúc động bởi sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ dành cho tuyến lửa Vĩnh Linh, mặc dù Người bận trăm công nghìn việc. Phần thưởng cao quý của Bác đã tiếp thêm sức mạnh cho các bà vượt lên mọi khó khăn ác liệt của chiến tranh để hoàn thành nhiệm vụ.
Chiến tranh qua đi, các bà bắt tay xây dựng cuộc sống mới với nhiều công việc khác nhau như bộ đội, giáo viên, thủy lợi, thương nghiệp. Giờ đây, đến độ tuổi xưa nay hiếm, giữa những giây phút bình yên bên gia đình, các bà vẫn say sưa, tự hào kể về mình và đồng đội cho con cháu được nghe, được hiểu về một thời gian khó nhưng rất đỗi kiêu hùng của toàn dân tộc.
10 tấm Huy hiệu Bác Hồ tặng Tiểu đội nữ dân quân Nam Phú hiện chỉ có bà Nguyễn Thị Xu (mất năm 2017) gìn giữ được. Các bà khác do hoàn cảnh chiến tranh và gia đình, tuy đã để thất lạc phần thưởng quý báu này nhưng vẫn luôn nhớ mãi về tấm lòng của Bác dành cho mình trong những năm tháng gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. Đã tròn 70 năm ngày mà cán bộ và Nhân dân huyện Vĩnh Linh chọn làm ngày truyền thống của quê hương (25/8/1954 - 25/8/2024), câu chuyện về 10 cô gái quả cảm bên dòng sông Bến Hải được nhận Huy hiệu Bác Hồ lại một lần nữa được bước ra từ ký ức thật vẹn nguyên và đầy xúc động, nhắc nhở cho các thế hệ cháu con không ngừng cố gắng học tập, noi theo; nỗ lực làm những việc có ích nhất cho cộng đồng, xã hội, không phụ công ơn to lớn của ông cha mình đã hy sinh xương máu vì nền độc lập của dân tộc, tự do của Nhân dân.
Mỹ Hằng
- Bác Hồ với quê hương Vĩnh Linh anh hùng (10/05/2024)
- Bằng khen Bác Hồ tặng thiếu niên và nhi đồng thôn Duy Viên (06/05/2024)
- Tài liệu tuyên truyền 70 năm truyền thống Vĩnh Linh 25/8 (1954- 2024) (15/02/2024)
- 70 năm đất thép nở hoa (05/02/2024)
- Hiện thực hóa khát vọng huyện nông thôn mới (03/02/2024)
- Bảo tồn và phát huy giá trị của những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng (22/01/2024)
- Đẩy mạnh thu hút khách du lịch thông qua các hoạt động lễ hội (11/01/2024)
- Phát huy giá trị di tích lịch sử để phát triển du lịch (10/01/2024)
- “Bông Sen Hồng” năm ấy- nay không ngừng “tỏa hương” (04/01/2024)
- Vĩnh Linh đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa di tích lịch sử (03/01/2024)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)