Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh
Vĩnh Linh, Cồn Cỏ trên báo Đảng
- 09-10-2024
- 108 lượt xem
Tôi nhớ mãi, trong chuyến công tác dài ngày của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương ở Quảng Trị, có buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về nhiều lĩnh vực. Hôm đó, anh Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cũng dành thời gian tham dự từ đầu. Cuối bài phát biểu thông báo tình hình mọi mặt của tỉnh nhà, anh dành ít phút nói về công tác hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Vĩnh Linh (25/8/1954- 25/8/2004) và giao cho Ban Tuyên giáo Vĩnh Linh là đơn vị chủ lực để tham mưu và tổ chức sự kiện này. Với tư cách là Trưởng đoàn công tác, tôi phát biểu mấy đề xuất:
1. Lễ kỷ niệm 50 năm của Vĩnh Linh là sự kiện có ý nghĩa chính trị - thời sự lớn, vì Vĩnh Linh có vai trò và vị trí đặc biệt trong công cuộc bảo vệ và phát triển tỉnh Quảng Trị, nhất là trong những năm chống Mỹ cứu nước, có sức lan tỏa ảnh hưởng ra thế giới, do vậy nên để Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh là người chủ trì, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là chủ công.
2. Vì lẽ đó, Tỉnh ủy cần có Tờ trình xin ý kiến Ban Bí thư, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương về các hoạt động kỷ niệm.
Đồng tình với đề xuất đó, một mặt Tỉnh ủy làm Tờ trình; mặt khác, khi về Hà Nội, tôi báo cáo kĩ sự kiện này với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm. Nghe xong, anh Điềm đồng tình với các đề xuất của Đoàn công tác. Sau khi nhận Tờ trình của Tỉnh ủy, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã phân công Trưởng Ban Nguyễn Khoa Điềm trực tiếp chỉ đạo, định hướng các hoạt động tuyên truyền; đồng thời là người vào tham dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Lễ kỷ niệm. Trong các hoạt động đó, anh Điềm phân công Phó Trưởng ban Thường trực là Nguyễn Hồng Vinh tổ chức cuộc họp báo và mời Bí thư Tỉnh ủy Vũ Trọng Kim tham dự để thông báo sự kiện kỷ niệm 50 năm cùng tình hình kinh tế - xã hội của Vĩnh Linh nói riêng và Quảng Trị nói chung để các nhà báo có tư liệu tuyên truyền trước, trong và sau Lễ kỷ niệm.
Nhiều người lúc ấy càng rõ thêm vai trò, vị trí của Đặc khu Vĩnh Linh sau ngày ký Hiệp định Giơnevơ tháng 7/1954 - đó là tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là nơi trực tiếp đấu tranh với địch để bảo vệ ở khu phi quân sự, bảo vệ pháp lý Hiệp định Giơnevơ; là bàn đạp phục vụ phong trào cách mạng miền Nam; là cửa khẩu quan hệ giữa hai miền Nam - Bắc. Do vậy, ngày 28/5/1955, Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 16 thành lập Đảng ủy khu vực; ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 551/TTg thành lập Đặc khu Vĩnh Linh, trong đó chỉ rõ, khu vực Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị này được tổ chức thành một đơn vị hành chính riêng, ngang với một tỉnh, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Trung ương. Thực tiễn sau đó đã chứng minh những quyết định nêu trên là sáng suốt, kịp thời nhằm đối phó với các ý đồ chiến lược của Mỹ - ngụy nhằm mưu toan đánh chiếm Vĩnh Linh, làm bàn đạp tiến công phá hoại công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, buộc chúng ta rơi vào thế bị động, bị tiêu hao lực lượng, ngăn chặn có hiệu quả sự chi viện của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
Nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí quan trọng của Đặc khu Vĩnh Linh, Ban Biên tập báo Nhân Dân, trước hết là Tổng biên tập Hoàng Tùng đã ký quyết định thành lập Nhóm phóng viên thường trú tại Vĩnh Linh, gồm các đồng chí Hữu Thọ, Hồng Khanh, Nguyễn Sinh, trong đó Nguyễn Sinh là người cắm chốt thường xuyên lâu nhất ở đây. Đi liền đó, là nhiều nhà báo lưu động cũng đã vào Vĩnh Linh viết tin, bài, mà điển hình là các anh Phan Quang, Phạm Thanh, Trần Minh Tân, Nguyên Thao... Với hệ thống phóng viên, thường trú cùng phóng viên lưu động hùng hậu như vậy, các phong trào thi đua chiến đấu và lao động sản xuất ở Vĩnh Linh thường xuyên được phản ánh trên báo Đảng. Đặc biệt, từ năm 1965, địch tập trung đánh phá có tính hủy diệt đảo Cồn Cỏ, nơi tập kết lương thực và vũ khí của ta cho chiến trường miền Nam, số bài, tin ảnh tổng thuật trên báo Nhân Dân càng tăng lên. Tấm gương chiến đấu kiên cường, thông minh, dũng cảm của chiến sĩ Thái Văn A qua báo Đảng biểu dương, đã trở thành phong trào “Noi gương Thái Văn A, tuổi trẻ thi đua cống hiến”. Sau này xuất hiện tấm gương người chiến sĩ cao xạ Nguyễn Viết Xuân ở đường 37 Quảng Bình với khẩu hiệu “Nhằm thẳng quân thù, bắn!”, thì Thái Văn A, cùng Nguyễn Viết Xuân đã là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, được tuổi trẻ, nhất là quân đội phát động học và làm theo.
Trong các bài, tin phản ánh khí thế chiến đấu và lao động của Vĩnh Linh, Cồn Cỏ, người đọc ở trong nước cũng như bè bạn thế giới chăm chú đọc và có lời bình luận ca ngợi sự vĩ đại của dân tộc Việt Nam thông qua bài viết tổng hợp mang tên “Địa đạo Vịnh Mốc và đảo hoa Cồn Cỏ” của nhà báo Phan Quang, mà tôi thấy cần trích dẫn những đoạn tiêu biểu sau đây:
“…Tôi muốn mở đầu bài viết về cuộc chiến đấu bền bỉ và đa dạng tại dải đất hai bên bờ sông Hiền Lương qua việc thuật lại một vài chiến công của đảo Cồn Cỏ và những chiến công vì Cồn Cỏ. Cũng như những đóng góp của Quảng Trị - Vĩnh Linh vào chiến trường cả nước, Cồn Cỏ chiến đấu nhằm bảo vệ miền Bắc, và ngược lại, máu và mồ hôi của người dân Vĩnh Linh và cả nước đổ ra để bảo vệ đảo Cồn Cỏ máu thịt của Tổ quốc ta - dù trước đó là một hòn đảo chưa có dân sinh sống và cũng chẳng mấy người nơi khác nghe tên.
Những cố gắng của đồng bào Vĩnh Linh nhằm góp phần tiếp tế lương thực, vũ khí và nhân lực cho Cồn Cỏ đều thầm lặng và anh hùng, phản ánh đúng bản chất con người miền Trung. Vì sự cần thiết bảo vệ cuộc sống của mình và hỗ trợ cuộc chiến tại đảo Cồn Cỏ, những người dân đánh cá nghèo ở mấy thôn ven biển Vĩnh Linh đã đào những địa đạo sâu mấy chục mét trong lòng đất làm nơi tránh bom đạn cho xóm làng, nơi nghỉ chân của bộ đội. Việc cất trữ lương thực, vũ khí tiếp tế cho hòn đảo nhỏ, và nhiều loại vũ khí từ địa đạo này còn để đưa vào tận những chiến trường xa, xa hơn nữa về phía Nam.
Một thời gian trước đó, tôi đã có dịp đôi lần về các xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Giang. Tôi từng nếm trải bầu không khí ngột ngạt dưới những nẻo đường hầm đào sâu trong lòng đất, không có nguồn ánh sáng nào khác ngoài ngọn đèn dầu tù mù lửa chỉ bằng hạt đỗ, không có đường thông gió nào ngoài những lỗ thông hơi khoét trong lòng đất rồi dùng những ống nứa thân to, tiếng quê tôi gọi là ống tre lồ ô, chọc thủng các màng mắt nứa bên trong thân cây, làm những đường ống thông hơi chĩa lên mặt đất, khuất giữa bụi bờ cây cỏ. Vậy mà đồng bào ta đã tổ chức dưới địa đạo ấy một cuộc sống gần như sinh hoạt thường ngày, có giếng nước ăn, có nơi họp đội sản xuất, đội du kích; cứ cách xa một khoảng dài chừng 4 mét lại có một ngách làm nơi sinh sống của một gia đình, thi thoảng lại có một ngách rộng hơn dành làm chỗ nghỉ ngơi cho thương binh, người ốm và phụ nữ đến kỳ trở dạ cho đứa con ruột thịt chào đời. Riêng một thôn Vịnh Mốc thuộc xã Vĩnh Thạch đã có mười bảy cháu bé lần lượt chào đời trong lòng đất này.
… Khoảng thời gian đầu, những người đưa hàng ra đảo được lựa chọn rất kỹ. Ai muốn ra đảo phải làm đơn xin xung phong tình nguyện. Thanh niên thường được hưởng “ưu tiên”, bởi các cán bộ, đảng viên phần nhiều lớn tuổi, con cái đông. Hai đảng viên đầu tiên của chi bộ thôn Vịnh Mốc được giao nhiệm vụ đưa hàng và vũ khí ra tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ là Trần Lệnh và Ngô Toàn. Gặp địch trên biển, Trần Lệnh chiến đấu và hy sinh; Ngô Toàn bị địch bắt giam mãi đến sau ngày đình chiến năm 1973 mới được trả về. Đồng chí Hồ Tỉ con trai cụ Mò lấy máu mình viết đơn trình Đảng ủy, xin được đi phục vụ đảo Cồn Cỏ. Làm đơn bằng máu bởi lúc này anh đã có ba con, một trai hai gái, nhưng không được tổ chức chấp thuận.
Chuyến đi ấy của Hồ Tỉ còn có người anh ruột là Hồ Triêm cũng là đảng viên, lúc đó anh làm Phó chủ nhiệm Hợp tác xã đánh cá Vịnh Mốc. Gặp tàu chiến địch, thuyền của Hồ Tỉ bị chúng bắn chìm, Hồ Tỉ hy sinh. Thuyền của người anh may mắn thoát ra ngoài vòng lửa, sau khi địch rút ra khơi, Hồ Triêm cho quay thuyền lại cứu sống hai người từ con thuyền bị đánh đắm.
Sau lần ấy, bản thân cụ Mò xin đi phục vụ chiến đấu để “trả thù cho con”, như lời cụ nói. Hồi đó cụ Mò tuổi đã ngoài sáu mươi lăm, nhưng giống như nhiều người dân vùng biển khác, cụ vẫn quắc thước, thân chắc nịch như pho tượng đồng đen, đủ sức chèo lái con thuyền suốt đêm không mỏi. Cụ Mò kể: “Đèn dù và pháo sáng chuyến tôi ra đảo ấy chúng nó thả thâu đêm, pháo sáng hơn ban ngày, một cái kim vá áo để trong thuyền cũng có thể nhìn thấy. Tàu chiến của chúng nó lui tới tuần tra trên biển suốt năm canh. Anh bộ đội hỏi cụ có làm thuyền trưởng được không, tôi đáp: “Được. Gặp địch các chú để con thuyền mặc tui, các chú cứ lo việc đánh”. - Cụ nhớ, chuyến đi ấy thuyền của cụ chở máy bộ đàm và nhiều súng ống đạn dược, súng có khẩu nòng to bằng cái chày giã gạo. -Khởi hành lúc hai giờ đêm, ra tới đảo Cỏ thì trời vừa sáng. Anh em bộ đội trên đảo ào xuống bốc vội hàng trước khi mặt trời mọc. Tôi tìm chỗ kín đáo giấu xong chiếc thuyền, anh thủ trưởng đơn vị thân xuống mời vào nhà dùng nước cùng với anh, tôi còn nhớ rõ anh ta tên Bút, người quê đâu trong Nam...”.
Ôi, Cồn Cỏ đảo nhỏ yêu mến ơi, có bao nhiêu người đã chiến đấu và hy sinh vì đảo? Có bao nhiêu người dân Vĩnh Linh, Quảng Trị đã chung tay góp sức cùng bộ đội bảo vệ vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc ta trên đảo? Riêng một thôn Vịnh Mốc, dân cư không lấy gì làm đông này, đã có cả chục người từng xung phong tình nguyện “chuyển hàng” ra đảo và không bao giờ trở lại đất liền. Nhờ vậy những chiến công của đảo Cồn Cỏ càng làm nức lòng người dân cả nước ta. Năm mươi máy bay Mỹ bị các lực lượng ta đóng trên đảo bắn rơi, nhiều tàu chiến địch bị ta bắn cháy hoặc chìm. Riêng trong năm 1968, sau Tết Mậu Thân, Hồ Chủ tịch hai lần gửi thư khen đơn vị:
Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận
Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ.
Có mấy ai đến Vĩnh Linh trong chiến tranh cũng như sau ngày hòa bình lập lại mà không có lời hỏi thăm Cồn Cỏ? Cồn Cỏ ở nơi xa kia, lọt giữa mênh mông sóng nước, nhỏ bé xa xôi, mà vô cùng thân thương, gần gũi. Nhưng đâu là vọng gác của anh hùng đảo trưởng Thái Văn A? Đâu là cái bến cụ Mò từng giấu chiếc thuyền “chở hàng” của cụ, làm sao có thể nhìn thấy từ máy bay!
Bộ đội, lương thực, vũ khí trước khi ra Cồn Cỏ thường được nghỉ ngơi, cất giữ dưới hầm sâu, trong địa đạo. Vì trách nhiệm bảo vệ quê hương, vì nghĩa vụ đối với miền Nam, người dân Vĩnh Linh bám đất giữ làng, từ những ngày đầu đã gánh chịu nhiều trận bom phá hủy tàn bạo nhất của Mỹ. Như trận đánh tháng 8 năm 1965, mấy chục chiếc máy bay Mỹ quần đảo suốt bốn tiếng đồng hồ liền, riêng trên cái thôn Vịnh Mốc nhỏ bé này. Hàng trăm nóc nhà dân cháy rụi cùng tất cả thuyền lưới, tài sản, ngư cụ dù đã được mang ra giấu ở ngoài nhà. Dân làng chài buộc phải rời bãi biển lên các đồi đất đỏ sống tạm một thời gian.
Những chiếc hầm chữ A vốn được coi là lợi hại vẫn không chịu nổi sức đánh phá hủy diệt của Mỹ tận dụng nền khoa học và công nghệ phát triển nhất. “Bom dù” Mỹ giết hại những người nấp trên mặt đất hoặc trong những căn hầm phía trên không có nắp che. “Bom phá” đào bới hất tung mọi nhà cửa tre pheo trên mặt đất. “Bom xuyên” xoáy sâu vào trong lòng đất, “bom khoan” phá nát các công sự ngầm. Và để giết người dân vào những lúc bất thần nhất, không cho ai kịp có một phút thời gian phòng thân, chúng dùng “máy bay tọa độ” mang bom đạn từ trên trời cao thả xuống, rồi “pháo tăng tầm” từ chiến hạm đỗ ngoài khơi phóng vào đất Vĩnh Linh. Mọi người đang sinh hoạt bình thường, chẳng ai nhìn thấy máy bay đâu, tàu biển đâu, tịnh không có ai nghe vẳng lại một tiếng động cơ nào, bỗng dưng cái chết từ trời, từ biển cùng ập xuống đầu!
Để đối phó với bấy nhiêu thủ đoạn và công nghệ giết người, để bám trụ mà chiến đấu cho tới cùng, người dân Vĩnh Linh không có cách nào khác là chui sâu vào lòng đất. Cái hầm địa đạo đầu tiên của thôn Vịnh Mốc dài 110 mét và ở tầm sâu 68 mét tính từ đỉnh đồi. Về sau được mở rộng dần - vẫn theo lời anh cán bộ xã kể -thôn có bốn đội sản xuất, đội nào cũng làm địa đạo riêng cho đội mình. Tất cả mọi công trình trong lòng đất đều làm bằng tay với cái cuốc, cái mai, cái rìu, chiếc sọt tre thô sơ chuyển đất, với quyết tâm và nghị lực phi thường. Cái địa đạo sâu nhất thôn này có cái thuận là cửa hầm mở thông về phía bờ biển. Mỗi phiến đá, mỗi nắm đất đỏ được đào, khoét từ lòng đất ra, bà con cẩn thận mang ra đổ xuống biển và mang đi theo cách sao không để rơi một nắm đất đỏ rồi sẽ lưu dấu vết khác lạ trên bãi cát trắng tinh, có như vậy vào ban ngày mới có thể tránh được những con mắt nghiêng ngó của địch từ những chiếc máy bay trinh sát vè vè suốt ngày trên trời, từ mờ sáng đến tối.
Khoảng đầu năm 1968, không quân Mỹ mở một đợt bắn phá ác liệt suốt bảy ngày ròng xuống Đặc khu Vĩnh Linh (...), thôn Vịnh Mốc không bị thiệt hại về người và của (...). Sau lần ấy, tôi có dịp đứng hồi lâu trong địa đạo Vịnh Mốc, qua ánh sáng chiếc đèn bão, ngắm nhìn những hàng cột gỗ chống hầm hun hút chạy dài như dẫn đến một nơi vô tận. Tám mươi hai gia đình trong thôn đã tự tay tháo dỡ nhà mình, lấy vật liệu đưa xuống hầm làm cột và xà ngang phòng chống đất sạt lở. Những chiếc cột nhà tổ tiên để lại bằng gỗ gõ (gụ), gỗ mít, gỗ xoan, những chiếc xà nhà còn nguyên nét chạm khắc đầu rồng, đầu lân cùng hoa lá..., những ngôi nhà từng là nơi sinh sống ấm êm, chứng kiến bao buồn vui của những đời người, nay cùng được quy về một mối dùng xây địa đạo vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
(…) Từ trong bóng tối địa đạo bước ra theo cửa chính thông ra bãi biển, mắt tôi đang bị chói lòa trước rực rỡ mênh mông của trời và biển Cửa Tùng, mãi mới để ý nhìn thấy một cháu bé chưa đầy năm tuổi đang ngủ ngon lành trong cái thúng nan vốn dùng đựng cá, một chiếc áo bộ đội cổ áo có gắn phù hiệu cấp bậc sĩ quan hẳn hoi đắp lên người cháu: bố cháu vừa mới được về phép thăm nhà đêm hôm qua. Tôi hỏi cháu tên chi? Mẹ cháu chưa kịp trả lời, anh bạn cùng đi đã đáp: “Tên hắn là thằng Đạo!”…
Tôi quay lại nhìn anh: Anh đùa hay nói thật?
- Sinh ra dưới địa đạo thì đặt tên là thằng Đạo chớ còn chi! Làng ni có tới cả một chục đứa cùng mang tên Đạo.
Thế đó, báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, đã và đang thường xuyên có những tin, bài sinh động về vùng đất Vĩnh Linh, Cồn Cỏ mang nhiều kỳ tích vĩ đại, là nhân chứng lịch sử, niềm tự hào to lớn của nhân dân Quảng Trị nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung!
Nhân đây, tôi cần kể thêm một câu chuyện cảm động khi tôi sang thăm và làm việc ở Cuba. Với tư cách là Tổng biên tập báo Nhân Dân, tôi đến thăm tờ báo kết nghĩa - báo Grama, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Cuba. Đồng chí Tổng biên tập giới thiệu tôi tập album quý của báo, có đăng trang trọng mấy tấm ảnh về chuyến thăm Quảng Trị của Chủ tịch Phiđen Caxtrô - vị lãnh tụ đầu tiên của thế giới đến thăm vùng đất giải phóng Quảng Trị vào đầu năm 1973. Đồng chí Tổng biên tập xúc động nói rằng, tôi đã đến Việt Nam, nhưng rất tiếc, do thời gian sít sao nên chưa được vào thăm đặc khu Vĩnh Linh - Quảng Trị. Nhưng qua khai thác tư liệu, báo Grama đã giới thiệu khá chi tiết về địa đạo Vịnh Mốc, gây sự cuốn hút và lòng cảm phục đối với đông đảo người đọc. Theo đó, tôi đọc bài thơ của Chế Lan Viên viết về Vĩnh Linh, đồng chí Tổng biên tập nghe xong tỏ sự xúc động và xin được giữ bài thơ ấy để dịch đăng trên báo Grama. Toàn văn bài “Hố bom Vĩnh Linh và viên sỏi Thụy Điển” như sau:
Đây hố bom Vĩnh Linh
Kìa cỏ non nước Mỹ
Đây hố bom Vĩnh linh
Kia hoa đào Bắc Kinh
Hố bom ở Vĩnh Linh
Và người này người nọ
Thế giới chia làm hai
Người quên và kẻ nhớ
Bán kính hố ba thước
Vết thương loang toàn cầu
Đau trong hố bom ấy
Khiến lòng nhân loại đau
Một người bạn Thụy Điển
Quyên máu và quyên tiền
Còn gửi thêm viên sỏi
Để lấp vào hố bom
Hố bom lấp lại rồi
Với tình thương nhân loại
Cây cối sẽ đâm chồi
Mùa xuân chim, bướm tới
Hố bom lấp lại rồi
Nhưng đừng quên em nhé!
Mặt đất dù hoa dẻ
Dưới đất máu còn tươi…
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh- Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân
- Con người và truyền thống văn hóa Vĩnh Linh với sự nghiệp phát triển của huyện nhà (24/09/2024)
- Từ Vịnh Mốc mở đường máu chi viện cho Cồn Cỏ (20/09/2024)
- Ba cha con cùng nhau ra khơi tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ (20/09/2024)
- Lúa hữu cơ Sepon và hành trình "kiến tạo" hạt cơm dinh dưỡng (20/09/2024)
- Câu chuyện bơi vượt biển tìm cha của con gái người gác hải đăng Cửa Tùng (20/09/2024)
- Chiến dịch sơ tán học sinh có một không hai trong lịch sử (20/09/2024)
- Độc đáo món gỏi tép Vĩnh Tú (20/09/2024)
- Vĩnh Linh- nơi hội tụ và lan tỏa khát vọng hòa bình độc lập thống nhất trên quê hương Quảng Trị anh hùng (09/09/2024)
- Xây dựng Vĩnh Linh ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc* (31/08/2024)
- Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Vĩnh Linh ngày càng văn minh, giàu đẹp (25/08/2024)
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN VĨNH LINH TỈNH QUẢNG TRỊ
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Chịu trách nhiệm chính: Hoàng Thị Phụng- Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Vĩnh Linh
Liên hệ: 0913.485.126 (Trưởng Ban) 0963.138.913 (Phó Ban trực)
Email: vinhlinh@quangtri.gov.vn Địa chỉ: 01/ Huyền Trân Công chúa, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị
Bản quyền thuộc Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh (Ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin từ website này)