Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Phát triển mô hình chăn nuôi gà gia công ở thị trấn Bến Quan

Nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động chăn nuôi và hạn chế rủi ro, những năm qua, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh đã chú trọng khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hình thức gia công thông qua các chuỗi liên kết với doanh nghiệp. Đây là hình thức chăn nuôi bền vững, hiệu quả và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Mô hình nuôi gà gia công của ông Nguyễn Xuân Hoài.

Đã nhiều năm gắn bó với nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Hoài, khóm 1, thị trấn Bến Quan nhận thấy việc chăn nuôi gia cầm theo hướng nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình luôn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, chi phí vật tư sản xuất và giá cả thị trường nên hiệu quả kinh tế không ổn định. Do đó, ông đã tìm kiếm một số doanh nghiệp để liên kết phát triển chăn nuôi gà quy mô lớn. Năm 2019, gia đình ông ký kết hợp tác với Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star để nuôi gia công gà thương phẩm. Đồng thời, trên diện tích 1ha đất đồi trồng cao su, ông đầu tư xây dựng chuồng trại, thả nuôi 40.000 con gà ri vàng. Nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và có kỹ thuật tốt, mỗi năm ông thu lãi trên 400 triệu đồng từ đàn gà.

Ông Nguyễn Xuân Hoài cho biết: “Sau khi cải tạo mặt bằng đất trong vườn cao su, ông đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống trang trại có hệ thống làm mát, sưởi ấm, máng ăn tự động, lọc nước sạch… để nuôi gà. Hệ thống chuồng trại đảm bảo, công ty cung cấp con giống, thức ăn, thuốc men và cử kỹ thuật hỗ trợ ông nuôi gà gia công. Đến khi xuất bán, công ty thu mua gà thịt theo giá niêm yết”.

Cũng theo ông Hoài, liên kết chăn nuôi gia cầm theo hình thức gia công được các doanh nghiệp quản lý chất lượng nguồn thức ăn, con giống, bảo đảm quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, nên hạn chế dịch bệnh, nhất là người chăn nuôi ít bị ảnh hưởng bởi thị trường tiêu thụ.

Còn ông Nguyễn Đăng Khoa, khóm 1, thị trấn Bến Quan cho biết, sau khi tìm hiểu các mô hình chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp, ông đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại quy mô, khép kín với hệ thống giàn mát, quạt thông gió để kiểm soát nhiệt độ trong chuồng, máng ăn uống tự động điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gà. Nhờ đầu tư bài bản về chuồng trại, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, đến nay, mô hình của gia đình ông Khoa thả nuôi 9.500 đến 10.000 con gà/lứa. Mỗi năm ông thả nuôi 3 lứa gà, thu nhập trên 350 triệu đồng/năm.

Thực tế cho thấy, chăn nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, kèm theo chi phí thức ăn, phí vận chuyển tăng cao, vì vậy chăn nuôi gia công là hướng đi được nhiều hộ dân, trang trại không chỉ nuôi gia cầm, mà còn chăn nuôi lợn lựa chọn trong những năm gần đây. Với hình thức chăn nuôi này, các doanh nghiệp sẽ đầu tư “trọn gói” từ con giống, thức ăn, kỹ thuật, người chăn nuôi chỉ cần bỏ công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại.

Ông Đỗ Xuân Đức, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bến Quan cho biết thêm: “Hiện trên địa bàn thị trấn Bến Quan có 6 trại nuôi gà gia công với số lượng khoảng 240 ngàn con. Khi thực hiện nuôi gia công cho doanh nghiệp, trung bình 1kg gà, người dân thu lợi nhuận 4 đến 5 nghìn đồng, tùy thuộc vào thỏa thuận giữa doanh nghiệp và hộ chăn nuôi. Theo đánh giá của người dân, so với chăn nuôi thông thường, chăn nuôi gia công có tính bền vững và an toàn hơn”.

Cũng theo ông Đỗ Xuân Đức, trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, chăn nuôi an toàn sinh học khép kín theo hình thức liên kết với doanh nghiệp là mô hình tối ưu cho người chăn nuôi khi vừa giải quyết được khâu vốn, kỹ thuật, lại vừa hạn chế được rủi ro dịch bệnh, rớt giá.

Mô hình liên kết này còn giúp người chăn nuôi tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, từ đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Bên cạnh đó, do phải đáp ứng những quy trình nghiêm ngặt của doanh nghiệp liên kết nên vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở địa phương cũng từng bước được giải quyết.

Từ những ưu điểm trên, thị trấn Bến Quan đang khuyến khích các hộ dân phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại liên kết với doanh nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trên địa bàn nhằm xây dựng những chuỗi liên kết bền vững trong chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan