Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Lực lượng vũ trang Vĩnh Linh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Vĩnh Linh là một bộ phận máu thịt của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Trị, được thành lập vào ngày 23/8/1945 trên mảnh đất gian lao nhưng vô cùng anh dũng. Ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền Vĩnh Linh, được Nhân dân đùm bọc, che chở, những người lính Cụ Hồ trên mảnh đất “Bình - Trị - Thiên khói lửa” đã vượt qua muôn vàn khó khăn, ác liệt, cùng đồng cam cộng khổ với nhân dân vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Những tên đất, tên làng như chiến khu Thuỷ Ba, làng chiến đấu Vĩnh Hoàng, Thuỷ Cần, Hạ Cờ, Lèo Heo… mãi mãi ghi dấu trong trang sử hào hùng của quê hương.

LLVT Vĩnh Linh bắn rơi máy bay Mỹ ở Vĩnh Sơn.

Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Linh phải chịu nỗi đau chia cắt. Với vai trò vừa là tiền đồn Miền Bắc XHCN, vừa là hậu phương lớn của chiến trường Miền Nam, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và những phẩm chất cao đẹp của LLVT Vĩnh Linh được vun đắp và phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, trực tiếp là Đảng uỷ Khu vực Vĩnh Linh, hơn 20 năm trụ vững nơi tuyến đầu Tổ quốc, mặt giáp mặt với quân thù, phải đương đầu với cuộc chiến tranh mang tính huỷ diệt chưa từng có trong lịch sử nhân loại, LLVT Vĩnh Linh đã chiến đấu anh dũng, chiến thắng vẻ vang, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước giao; viết tiếp những trang sử vẻ vang của quê hương, góp phần tô đắp truyền thống “Vĩnh Linh luỹ thép anh hùng”, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và Bác Hồ vĩ đại với từng giai đoạn, từng dấu mốc trưởng thành, lớn mạnh cùng chiến thắng của cả dân tộc.

Thường xuyên cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc nơi tuyến đầu miền Bắc XHCN (7/1954- 8/1964)

Giới tuyến quân sự tạm thời, Khu vực Vĩnh Linh ra đời: Ngày 21/7/1954, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. Sông Bến Hải nằm trên Vĩ tuyến 17 được chọn là giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc. 15 ngày sau khi ký Hiệp định Genève, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 quyết định thành lập Đại đội công an bảo vệ giới tuyến gồm 100 cán bộ, chiến sĩ từ các đại đội của bộ đội địa phương các huyện. Ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 551/TTg thành lập Đặc khu Vĩnh Linh. Trong đó nêu rõ: “Khu vực Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị từ đây được tổ chức thành một đơn vị hành chính riêng ngang với một tỉnh, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Trung ương”.

Củng cố, chuẩn bị lực lượng, đấu tranh đòi Mỹ - Diệm thi hành hiệp định Genève: Tháng 7/1956, Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm từ chối hiệp thương tổng tuyển cử, biến giới tuyến quân sự tạm thời thành ranh giới chia cắt đất nước. Để đối phó với âm mưu của Mỹ - Diệm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phát triển Lực lượng lực lượng bộ đội và Dân quân tự vệ (DQTV) ở Vĩnh Linh, bên cạnh lực lượng chủ lực là Lữ đoàn 270, DQTV được xây dựng cả về số lượng và chất lượng, tất cả các xã trong khu vực đều có lực lượng dân quân, du kích. Từ năm 1955 đến năm 1959, xây dựng được 50 đại đội, 171 trung đội và 46 tiểu đội ở miền núi, lực lượng dân quân so với dân số chiếm 14,6%. Thường vụ Khu uỷ Vĩnh Linh đã phối hợp để chỉ đạo triển khai lực lượng cho các vùng, cùng với toàn dân đòi Mỹ - Diệm thực hiện quy chế Khu Phi quân sự, quan hệ 2 miền và hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, mà nòng cốt, đi đầu trong phong trào là lực lượng vũ trang Khu vực Vĩnh Linh. Cùng với đó là nhiệm vụ phòng gian, chống gián điệp, bảo vệ khu vực giới tuyến; diệt biệt kích, thám báo của Mỹ-Diệm.

Lực lượng vũ trang trên mặt trận chống gián điệp, biệt kích: Từ tháng 7/1954 - 6/1962, Mỹ - Diệm đã vi phạm quy chế khu phi quân sự với 240 lần cho lực lượng vũ trang xâm nhập trái phép, 551 vụ nổ súng khiêu khích, 5976 lượt quân ngụy và 177 tên Mỹ vào khu phi quân sự, 89 lượt tàu thuyền xâm phạm hải phận, 39 lượt máy bay xâm phạm vùng trời Bắc giới tuyến. Từ năm 1961, càng thất bại ở Miền Nam thì chúng càng tăng cường phá hoại Miền Bắc nhằm thực hiện âm mưu tê liệt miền Bắc, thôn tính miền Nam. Từ ngày 22/6/1962, quán triệt Chỉ thị số 20CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, LLVT khu vực đã đi đầu trong phong trào chống gián điệp, biệt kích; nắm chắc và quản lý trên 2.000 đối tượng ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động, gián điệp cũ; vừa chống địch cưỡng ép di cư vào Nam, vừa đón tiếp trên 5.000 đồng bào, chiến sĩ Miền Nam tập kết ra Bắc, vừa đấu tranh ngăn chặn hoạt động gián điệp, biệt kích.

Tuy nhiệm vụ nặng nề nhưng LLVT Vĩnh Linh đã chấp hành tốt sự lãnh đạo của Đảng ủy Khu vực, Bộ Công an, Quân khu 4, biết dựa vào quần chúng nhân dân, phát huy hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ nên tình hình an ninh trật tự được giữ ổn định; ngăn chặn kịp thời các hoạt động gián điệp, biệt kích, người nhái, gián điệp con thoi của địch. Phong trào bảo mật, phòng gian trong các cơ quan xí nghiệp, phong trào bảo vệ trị an ngoài xã hội đã trở thành ý thức tự giác của mỗi người dân, tạo thành "thiên la địa võng" đối với kẻ thù. Quần chúng đã phát hiện và bắt hàng chục vụ gián điệp, biệt kích, người nhái xâm nhập ở Vĩnh Giang, Vịnh Mốc, Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn, Vĩnh Hà..., kịp thời phát hiện đánh bại các hoạt động do thám của tình báo, quân báo Mỹ - ngụy, giữ vững trật tự an ninh, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc.

Lực lượng vũ trang Vĩnh Linh trên mặt trận sản xuất, xây dựng quê hương 1954-1959: Ngay từ sau giải phóng, Vĩnh Linh dấy lên phong trào thi đua sản xuất, cải thiện đời sống. Song song với công cuộc cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu"Người cày có ruộng", từ năm 1955, nhân dân Vĩnh Linh bắt tay vào công cuộc khôi phục kinh tế. Hội nghị xây dựng kế hoạch vào tháng 02-1956 của Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh đã chỉ rō: "Nhiệm vụ của Vĩnh Linh là ra sức thi đua đẩy mạnh phục hồi kinh tế, nhằm làm cho kinh tế giàu mạnh,quân đội hùng mạnh, chính trị văn hóa mạnh, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân".

Vừa mới triển khai xuống địa bàn, cán bộ chiến sĩ các đồn Công an giới tuyến, bờ biển vừa xây dựng đồn, trạm, vừa vận động quần chúng, giúp đỡ nhân dân từ tổ chức lao động sản xuất, nâng cao đời sống đến việc giải quyết tệ nạn xã hội. Lực lượng vũ trang cùng với dân quân du kích đi đầu trong phong trào khai hoang phục hoá, rà phá bom mìn, tháo gỡ dây kẽm gai, làm thuỷ lợi, xây dựng cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện cho việc phát triển quan hệ Bắc - Nam, góp phần tích cực vào sự nghiệp thống nhất đất nước.

Trụ bám kiên cường, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ (2/1965-11/1968)

Chiến đấu, phục vụ chiến đấu; phục vụ tiền tuyến và sản xuất là hai nhiệm vụ chiến lược song song. Ở miền Nam, sau khi Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị thất bại, ngụy quyền Sài Gòn có nguy cơ sụp đổ. Đế quốc Mỹ hoảng hốt đưa quân trực tiếp vào miền Nam, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Vĩnh Linh là tiền tuyến của miền Bắc, hậu phương của miền Nam mà trước hết là 3 huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hoá. Đây cũng là nơi tập trung quân, kho tàng, đạn dược của chiến trường Bắc Quảng Trị, nơi dừng chân của các đơn vị chủ lực trước lúc vượt sông Bến Hải sang bờ Nam chiến đấu, rồi trở lại để củng cố, nghỉ ngơi, huấn luyện, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới. Do vậy, khi phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, Vĩnh Linh trở thành mục tiêu huỷ diệt của địch. Với tinh thần cảnh giác cao độ, sẵn sàng chiến đấu tốt, quân và dân Vĩnh Linh đã kịp thời giáng trả quân xâm lược những đòn trừng trị đích đáng.

Cũng trong thời gian này, địch tiến hành đánh chiếm, huỷ diệt đảo Cồn Cỏ, cắt đứt con đường tiếp tế biển từ Bắc vào Nam. Vĩnh Linh đã không ngừng chi viện sức người, sức của, tiếp tế lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược, thuốc men…cùng với các lực lượng phục vụ chiến đấu, chiến đấu bảo vệ vững chắc hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Cồn Cỏ: Với một quyết tâm sắt đá “Đất liền còn, Cồn Cỏ còn”, hàng ngàn tấn vũ khí kể cả pháo 85 ly, cao xạ 14,5ly, lương thực, thuốc men, vật dụng đã được những chiếc thuyền gỗ chạy buồm, chèo tay đơn sơ chở từ đất liền ra đảo, bảo đảm quân và dân chiến đấu liên tục trong 2 năm. Nhưng cái giá của mỗi viên đạn, mỗi bát gạo đều phải tính bằng máu. Hàng trăm gia đình ở các xã ven biển có người hy sinh hoặc bị địch bắt đưa đi mất tích. Có một số đội sản xuất gần như tất cả mọi người trong đội đầu quấn khăn tang.

Sự hy sinh đùm bọc của đất liền thực sự tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ chiến sĩ Cồn Cỏ thêm gan góc, kiên cường bám đảo đứng vững trong mưa bom bão đạn, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã bắn tan xác 48 máy bay, bắn chìm bắn cháy 17 tàu chiến của địch..., 2 lần được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 3 lần được Bác Hồ gửi thư khen và tặng 2 câu thơ:

“Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận

Đánh cho tan tác giặc Huê kỳ”.

Củng cố và phát triển lực lượng dân quân tự vệ: Với tinh thần “Động vi binh, tịnh vi dân, giặc đến chiến đấu, giặc đi sản xuất, sản xuất tốt để chiến đấu tốt”, Đảng ủy Khu vực đã có nhiều chủ trương, nghị quyết thiết thực nhằm không ngừng củng cố và phát triển lực lượng dân quân tự vệ. Cuối năm 1965, số lượng dân quân chiếm 11% dân số, tăng 1,08% so với năm 1964, trong đó du kích chiếm 50%, với hai lực lượng chính là bộ binh tác chiến tại chỗ và trực chiến phòng không. Từ năm 1967 ở các xã, thị trấn, nông trường còn thành lập thêm trung đội bộ binh cơ động và khẩu đội hỏa lực cối 82 ly, đại liên, 12,7 ly, ĐKZ.

Toàn Khu vực Vĩnh Linh tổ chức 02 đại đội chuyển vào chiến trường bắc Quảng Trị phục vụ chiến trường B-C và 02 tiểu đoàn chiến đấu sẵn sàng tăng cường cho chiến trường Lào. Đảng ủy Khu vực luôn không ngừng động viên cao độ tinh thần sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn của đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang suốt những năm chiến đấu ác liệt; thực hiện 3 dân chủ trong LLVT về chính trị, quân sự, kinh tế, là động lực tạo nên sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù.

Cuộc chiến đấu bảo vệ ngọn cờ Tổ quốc đầu cầu giới tuyến: Từ khi có giới tuyến quân sự tạm thời ở Bắc cầu Hiền Lương, ngày ngày, lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên bầu trời tự do, độc lập của phần đất cuối miền Bắc xã hội chủ nghĩa, với cột cờ cao 34m, lá cờ rộng 9,6m. Đây là chỗ dựa, là niềm tin, hi vọng cổ vũ đồng bào bờ Nam sống trong nanh vuốt quân thù, giữ vững niềm tin sắt son với cách mạng. Đế quốc Mỹ và tay sai biết rất rõ điều đó nên bước vào cuộc chiến tranh phá hoại, cột cờ Hiền Lương là một trong những trọng điểm đánh phá.

Để bảo vệ cầu và cột cờ, các chiến sĩ công an vũ trang đã đào 18km hào, xây 48 ụ súng phòng không. Bộ đội, công an, dân quân thôn Hiền Lương đã đánh 300 trận lớn nhỏ, 3 lần bắt biệt kích, thám báo vượt sông, định đặt mìn phá cột cờ của ta. Đến năm 1967, cầu sập, Khu ủy Vĩnh Linh quyết định: “Dù tình huống thế nào cũng không thể thiếu bóng Cờ đỏ sao vàng trên đầu cầu Bắc Hiền Lương”. Không có cột sắt thì thay bằng cột gỗ, 11 lần cột bị gãy, 11 lần được ta dựng lên. Cán bộ, chiến sĩ Đồn vũ trang Hiền Lương vẫn không tiếc máu xương quyết giương cao lá cờ Tổ quốc trên tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Năm 1965 - Đỉnh cao của nhiều thắng lợi: Từ chỗ đánh có trọng điểm, cuối tháng 12 năm 1965, quân địch đánh cả vào khu dân cư, trường học, hòng làm lung lay quyết tâm chiến đấu của Đảng bộ, quân và dân Vinh Linh. Tính đến ngày 27/12/1965, máy bay địch đã 1.080 lần đánh phá Vĩnh Linh. Có ngày chúng đánh một lúc nhiều điểm, có nơi chúng chà đi xát lại đến gần như tan nát như thị trấn Hồ Xá, xã Hướng Lập. Trên biển, tàu thủy xâm phạm 125 lần và pháo kích 36 lần vào đất liền. Với sự đánh phá ác liệt đó, địch đã gây nhiều thiệt hại cho ta. Lực lượng dân quân tự vệ đã tác chiến và đánh 247 trận phối hợp, hạ 5 máy bay địch. Súng trường, súng bộ binh hạ được máy bay phản lực Mỹ không còn là cá biệt. Cả thuyền nan của dân quân vùng biển cũng trực tiếp chiến đấu với tàu chiến địch, buộc địch phải tháo chạy. Tính đến ngày 27/12/1965 đã có 95 máy bay, 6 tàu chiến bị bắn cháy, bắn chìm trên bầu trời và mặt biển Vĩnh Linh.

Quân sự hoá toàn dân, công sự hoá toàn khu vực: Dưới tình hình chiến tranh phá hoại của Mỹ diễn ra ngày càng ác liệt, vấn đề phòng tránh mang tính quyết định để bảo toàn tính mạng, tài sản,… thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ Khu vực, quân và dân Vĩnh Linh tập trung xây dựng làng chiến đấu với 4 nội dung: Tổ chức Đảng mạnh, tổ chức lực lượng vũ trang mạnh, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội mạnh, tổ chức kinh tế tập thể mạnh được phát động trong toàn khu vực. Hệ thống hầm, hào giao thông, công sự chiến đấu, hội họp; hầm ẩn nấp, trú ẩn, sinh hoạt được xây dựng cho cả người và gia súc, gia cầm…, vừa xây dựng trong thôn, làng vừa xây dựng ngoài làng, địa đạo trong lòng đất. Tổng cộng Vĩnh Linh có 114 địa đạo với chiều dài 41.382m, được thực hiện bởi 7,5 triệu ngày công lao động bằng phương pháp thủ công, trong đó địa đạo Vịnh Mốc là địa đạo tiêu biểu, làm toát lên tinh thần quyết tâm trụ bám đánh địch, tính sáng tạo của quân và dân Vĩnh Linh.

Trong giai đoạn đầu, quân và dân Vĩnh Linh đã đề ra ba tuyến sơ tán: Khi tình hình chưa căng thẳng lắm thì tổ chức sơ tán ở tuyến 1 (vào làng); căng thẳng thêm thì sơ tán tuyến 2 (ngoài đồng); căng thẳng thêm nữa thì sơ tán tuyến 3 (tức các xã phía sau). Tuy nhiên, địch đánh bom ngày một dày đặc, Trung ương quyết định chỉ đạo Vĩnh Linh sơ tán người già, trẻ nhỏ sơ tán ra các tỉnh phía Bắc, người lớn là lực lượng trụ bám sản xuất và chiến đấu. Đó là chiến lược xây dựng và bảo vệ nguồn lực con người cho quê hương anh hùng, đây được ví là cuộc trường chinh màu đỏ, cuộc trường chinh đặc biệt trong lịch sử với hơn 30.000 trẻ em, người già, thầy cô giáo… vùng giới tuyến sơ tán theo chiến dịch K8, K10.

Ăn cơm Bắc đánh giặc Nam: Được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, Đảng bộ nhân dân và lực lượng vũ trang Vĩnh Linh đã chi viện cho tiền tuyến với tất cả khả năng của mình. Từ chủ trương một mặt đưa những cán bộ quân sự, có nhiều kinh nghiệm vào Nam, sát bờ sông Bến Hải cùng với cơ sở củng cố xây dựng phong trào, tổ chức đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, mặt khác, giúp tỉnh tổ chức đưa một số cán bộ chủ chốt ở Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong ra hậu cứ Vĩnh Linh để huấn luyện, học tập, bồi dưỡng thêm để sau này trở về làm nòng cốt trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Dân quân Vĩnh Linh bắn tỉa ở bờ Nam.

Cho nên khi Mỹ - ngụy gây ra tình hình căng thẳng thì ta đã có sẵn cơ sở và lực lượng tại chỗ để đối phó. Thời kỳ đầu đấu tranh chính trị, chống dồn dân lập ấp chiến lược, Vĩnh Linh đã tổ chức được những phân đội nhỏ sẵn sàng tham gia hoạt động vũ trang đánh phá cơ sở chính trị, kinh tế, diệt ác ôn, phá thế kìm kẹp của địch. Năm 1966, Đảng ủy Khu vực đã cử các trinh sát, công an vũ trang vào tận sào huyệt địch, diệt những tên ác ôn có nhiều nợ máu. Thời kỳ cao điểm, Vĩnh Linh đã đưa nhiều phân đội vũ trang bộ binh, cối 82, ĐKZ sang bờ Nam phối hợp với lực lượng tại chỗ, đánh chiếm các cứ điểm của địch, chiến đấu chống càn quét, bảo vệ vùng giải phóng; thực hiện chương châm: "Tiến về phía trước để củng cố và bảo vệ phía sau".

Xây dựng miền núi thành hậu cứ của cuộc chiến tranh: Vĩnh Linh lúc đó, có diện tích tự nhiên khoảng 820km2. Trong đó, miền núi chiếm gần 2/3 diện tích, nhưng dân số chỉ chiếm 10% khu vực, với 6 xã là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều là Vĩnh Hà, Vĩnh Trường, Vĩnh Thượng, Vĩnh Khê, Vĩnh Ô, Hướng Lập, ở đây còn còn có Nông trường quốc doanh mang tên Quyết Thắng. Khu vực miền núi không chỉ là nơi cất giấu kho tàng, lương thực, vũ khí, nơi các quân, binh chủng triển khai đội hình chiến đấu mà còn là nơi đặt trụ sở cơ quan mặt trận B5 (ở Cù Bạc); đồng thời, có nhiều trục đường chiến lược đi qua, như đường mòn Hồ Chí Minh, đường Khe Hó qua Hướng Hóa, Đường 9 và đến với nước bạn Lào. Do đó, vị trí miền Tây Vĩnh Linh vốn đã quan trọng lại càng quan trọng hơn, là địa bàn chiến lược của hậu phương chiến trường Trị Thiên. Vì vậy, ngay từ những năm hòa bình, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy quân sự Khu vực đã có Nghị quyết về xây dựng miền núi thành hậu cứ vững chắc của Vĩnh Linh.

Đã xây dựng một căn cứ ở Khe Xanh với một hệ thống hầm hào kiên cố. Có thời gian, Đảng ủy, Ủy ban hành chính khu vực đã lên tổ chức hội nghị và mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ dân quân ở đây. Tổ chức chính quyền và các đoàn thể phối hợp với Ban chỉ đạo miền núi Vĩnh Linh không ngừng được phát huy, từ việc đấu tranh chống phản động Lào giành đất, đến việc thường xuyên chống gián điệp, biệt kích, thám báo. Bà con dân tộc ngày càng xiết chặt đội ngũ, mưu trí, dũng cảm trong sản xuất, chiến đấu, phục vụ tiến tuyến.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, hầu hết các làng bản đều bị tàn phá. Nhưng Đảng bộ và nhân dân các xã miền núi mà tiêu biểu là xã Hướng Lập vẫn kiên trì chịu đựng mọi gian khổ hi sinh, không ngừng củng cố để giữ vững phong trào. Bộ đội, thanh niên xung phong từ miền xuôi lên dựa hẳn vào dân, sống chết với dân, với ban chỉ đạo để chiến đấu, vận chuyển hàng hoá, cáng thương, tải đạn phục vụ đắc lực cho chiến trường. Trong chiến dịch vận tải VT5: Để thực hiện chiến dịch vận tải vũ khí, trang bị, đạn dược, lương thực thực phẩm, thuốc men…cho chiến trường miền Nam một cách kịp thời, quân và dân Vĩnh Linh đã chịu bao hiểm nguy, gian khổ, vượt qua mưa bom, bão đạn tiếp tế cho tiền tuyến chiến trường miền Nam, góp phần tăng thêm sức mạnh cho bộ đội chủ lực, quân và dân miền Nam chiến đấu với kẻ thù.

Trong Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua của Vĩnh Linh, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị đã từng nhấn mạnh: “… Chiến công về mọi mặt của Vĩnh Linh là nguồn cổ vũ động viên rất lớn đối với đồng bào miền Nam, đặc biệt là đồng bào Trị Thiên, đối với cán bộ và chiến sĩ mặt trận Khe Sanh và Đường 9 anh hùng. Thắng lợi và thành tích rực rỡ của Vĩnh Linh trên 3 mặt, chiến đấu, sản xuất và tổ chức đời sống là tấm gương cho quân và dân Miền Bắc, động viên quân và dân Miền Nam ra sức thi đua chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH thắng lợi. Thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, tôi nhiệt liệt khen ngợi đồng bào, chiến sĩ, cán bộ, đảng viên khu vực Vĩnh Linh, sát cánh cùng đồng bào, chiến sĩ Quân khu 4 đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao phó…”.

Tham gia chiến dịch giải phóng Trị - Thiên, cùng với cả nước hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, thống nhất Tổ quốc (1972-1975)

Sau thất bại Đường 9 - Nam Lào, Mỹ - ngụy ra sức củng cố Vùng chiến thuật 1. Trong đó, Trị - Thiên là khu vực phòng thủ mạnh nhất, là “Con đê ngăn chặn rắn nhất của Việt Nam cộng hoà”. Chúng tiếp tục thực hiện những âm mưu và hành động nhằm chống lại nhân dân 3 nước Đông Dương, thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”.

Vào lúc 11 giờ ngày 30/3/1972, ta mở chiến dịch tiến công Quảng Trị. Trong những ngày đầu chiến dịch, quân và dân Vĩnh Linh tiến công tiêu diệt địch, giải phóng Gio Linh, để tránh gây thương vong cho bà con nhân dân ở vùng chiến sự khi mở chiến dịch, quân và dân Vĩnh Linh đã đưa 8 vạn người già, trẻ em và phụ nữ vượt sông Bến Hải ra Vĩnh Linh sơ tán. Tổ chức lực lượng cứu chữa, vận chuyển thương binh, tử sĩ.

Từ ngày 6/9 đến ngày 22/10/1972, địch mở chiến dịch phản công quy mô lớn trên chiến trường Quảng Trị, cố sức tìm kiếm một thắng lợi quân sự để mặc cả với ta trên bàn Hội nghị Paris. Chúng cho máy bay B52 đánh phá Miền Bắc trong đó có khu vực Quảng Bình - Vĩnh Linh. Song dù hy sinh, gian khổ, quân và dân khu vực vẫn vững vàng tự tin, phát huy truyền thống anh dũng, quyết hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó; cùng với cả nước đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của địch, đỉnh cao là thắng lợi Điện Biên Phủ trên không.

Trong 2 năm 1974-1975, để chuẩn bị cho cuộc tổng khời nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ trung ương đến địa phương, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, với nhiệm vụ mà Trung ương giao, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh đã làm tốt công tác tăng cường phòng thủ, sẵn sàng đánh trả mọi hành động phản công của địch, giữ ổn định khu vực. Mặt khác, xúc tiến chuẩn bị lực lượng, bảo đảm giao thông vận tải, hàng hoá, vũ khí, đạn dược,… để bổ sung quân cho các chiến trường.

Qua hơn 2 thập kỷ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kế thừa truyền thống hào hùng, LLVT cùng với Nhân dân huyện Vĩnh Linh đã viết tiếp những trang sử vô cùng vẻ vang. Với vai trò là địa bàn chiến lược, tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của miền Nam, dù phải chịu đựng gian khổ, mất mát, hi sinh, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, LLVT nói riêng, Nhân dân Vĩnh Linh đã làm nổi bật hình mẫu chiến tranh nhân dân, chiến tranh toàn dân, toàn diện với tinh thần: “Ngoan cường bám trụ, anh dũng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam và bảo vệ đảo Cồn Cỏ”. Với những chiến tích lẫy lừng khi đã bắn rơi 293 máy bay Mỹ trong đó có 7 chiếc B52, diệt và bắt sống nhiều giặc lái, bắn chìm, bắn cháy 69 tàu chiến, tàu biệt kích Mỹ, nguỵ, trong đó có tàu tuần dương hạm Niu Giơ Zi trọng tải 10.000 tấn. Được Bác Hồ tặng hai câu thơ:

“Đánh cho giặc Mỹ tan tành

Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng”.

Phát huy truyền thống vẻ vang, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể địa phương, lực lượng vũ trang Vĩnh Linh đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Công tác xây dựng lực lượng vũ trang thường xuyên được cấp uỷ, chính quyền chăm lo. Lực lượng thường trực, dự bị động viên, dân quân tự vệ có chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao. Hoạt động của LLVT phối hợp với các lực lượng góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự - an toàn xã hội; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng được củng cố và tăng cường, thế trận lòng dân ngày càng vững chắc.

Lực lượng vũ trang tham gia tích cực trong công tác phòng chống khắc phục hậu quả bão lụt, tìm kiếm cứu nạn được nhân dân tin cậy, yêu mến. Bên cạnh đó, LLVT huyện tham gia tích cực trong các hoạt động xã hội, như các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách, nhận đỡ đầu trẻ em khuyết tật; thực hiện tốt các cuộc vận động ngày vì người nghèo; tham gia giải quyết tốt chính sách tồn động sau chiến tranh như thực hiện các Quyết định 62, 49… của Thủ tướng Chính phủ.

Nhìn lại suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của mình, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Vĩnh Linh tự hào vì đã cống hiến xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, lực lượng vũ trang tỉnh nhà, cùng với cả nước trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó cũng chính là hành trang vô giá để cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Vĩnh Linh tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Trung tá Nguyễn Xuân Hoài- Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Vĩnh Linh

Bài viết liên quan