Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Cách phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa

Thời gian qua, tại huyện Vĩnh Linh, bệnh đạo ôn đã gây hại trên diện tích 65 ha lúa Đông Xuân 2021- 2022, trong đó có 58 ha nhiễm nhẹ, 7 ha nhiễm nặng, tỷ lệ bệnh từ 5- 33%. Hiện tượng cháy cục bộ đã xảy ra trên các giống nhiễm như HC95, Bắc Thơm 7, Thiên Ưu 8, HT1, Dự Hương, VN 10… tại các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, Vĩnh Sơn...

Bệnh đạo ôn lúa do nấm Pyricularia oryza gây ra, bệnh gây hại trong suốt quá trình trưởng phát triển của cây lúa, nhưng thường biểu hiện rõ nét nhất là thời kỳ lúa con gái gây bệnh đạo ôn trên lá và thời kỳ lúa trổ gây bệnh đạo ôn cổ bông ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa.

 

Biểu hiện bệnh trên cổ bông: vết bệnh có thể xuất hiện ở trên thân, cổ bông cổ gié lúa; lúc đầu chỉ là một vết nhỏ màu xám sau chuyển thành màu nâu ăn lan quanh thân, cổ bông lúa làm tắt mạch dẫn, bông lúa bị khô không vào chắc được, gây lép lững. Bệnh nặng sẽ làm mất trắng năng suất nếu bà con nông dân không phát hiện sớm và phòng trị kịp thời. Bệnh đạo ôn cổ bông chỉ có biện pháp phòng bệnh mới mang lại hiệu quả cao.  

 

Với điều kiện thời tiết đêm và sáng sớm có sương mù, nhiệt độ thấp, ẩm độ không khí cao, mật độ cây lúa dày, bộ lá xanh tốt rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn tiếp tục phát triển, lây lan ra diện rộng, hại nặng và có thể gây cháy nhiều vùng nếu việc phòng trừ bệnh không kịp thời và triệt để.

 

Để quản lý tốt bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa, các địa phương trên địa bàn huyện Vĩnh Linh cần chú trọng các giải pháp như sau:

 

- Giai đoạn bón thúc đòng cần chú ý bón phân cân đối, tránh bón thừa đạm, tăng cường hàm lượng Kali để tăng sức đề kháng và nâng cao năng suất.

 

- Tăng cường kiểm tra bệnh đạo ôn trên tất cả các giống, kiểm tra kỹ trên các giống nhiễm như: HC95, Bắc thơm 7, VN10, VRN20, Thiên Ưu 8..., trên các chân ruộng gieo dày, bón thừa đạm... để chủ động phun thuốc kịp thời khi bệnh mới phát sinh (tỷ lệ bệnh khoảng 5%).

 

- Cây lúa đang bước vào thời kỳ đứng cái làm đòng, sinh trưởng phát triển tốt. Cần theo dõi tình hình sinh trưởng để trước trỗ và sau trỗ 7 ngày tiến hành phun phòng bằng các loại thuốc có hoạt chất Tricyclazole, Isoprothiolane, Fenoxanil + Isoprothiolane, Fenoxanil + Tricyclazole,... như: Beam, Ninja, Fillia, Map Famy,... theo liều lượng khuyến cáo, chú ý phải phun ướt đẫm lá, lượng nước thuốc đã pha ít nhất 20 lít/sào để phòng bệnh đạo ôn cổ bông hiệu quả.

 

Quản lý tốt bệnh đạo ôn cổ bông sẽ góp phần quan trọng bảo vệ năng suất lúa vụ Đông Xuân 2021-2022.

 

Lê Thị Hiền Lương

Bài viết liên quan