Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt

Ngày Thalassemia Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 8 tháng 5, là một cơ hội để giúp những người mắc bệnh này sống khỏe mạnh hơn, lâu hơn và hiệu quả hơn thông qua chia sẻ kiến thức, trao đổi thông tin, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức có mục tiêu và giáo dục chất lượng về bệnh thalassemia.

Chính vì thế mỗi năm có một chủ đề và năm 2024 “Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt nhằm mục tiêu kêu gọi hành động từ cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, các tổ chức, các nhà hoạch định chính sách cung cấp thông tin và vận động toàn thể người dân hãy quan tâm, cùng nhau tiếp cận các dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh để chung tay góp phần nâng cao chất lượng giống nòi, sự phồn vinh của xã hội.

Thalassemia (còn gọi là Bệnh tan máu bẩm sinh) được thế giới phát hiện và nghiên cứu từ năm 1925. Tại Việt Nam, bệnh được các nhà khoa học nghiên cứu vào năm 1960. Bệnh có tỉ lệ gặp phải cao trong các bệnh bẩm sinh, với những biểu hiện chính là thiếu máu và thừa sắt, bệnh nhân thalassemia cần phải được truyền máu và dùng thuốc thải sắt suốt đời. Người mắc bệnh tan máu bẩm sinh sẽ bị giảm khả năng lao động và sinh hoạt gây nên những gánh nặng cho gia đình và cộng đồng.

Các biểu hiệu thường gặp là người bệnh mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, da xanh, nhợt nhạt hơn bình thường, da và vùng võng mạc mắt vàng. Trẻ mắc bệnh có dấu hiệu chậm lớn, dậy thì muộn, khó thở khi gắng vận động mạnh, nhịp tim nhanh. Đối với thể nặng, bệnh có thể gây biến chứng gan lách to, chậm lớn, thậm chí chết sớm. Điều nhận thấy rõ nhất ở người bệnh thể nặng là biến dạng xương mặt như: Đầu to, gò má cao, trán dô, bướu đỉnh, mũi tẹt, loãng xương ở các xương dài khiến xương giòn, dễ gãy.

Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, có thể phòng bệnh hiệu quả tới 90-95% bằng các biện pháp như tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân, khám sàng lọc bệnh Thalassemia trước khi kết hôn để xác định xem cá nhân có mang gene bệnh hay không, từ đó giúp cho họ có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai và sinh đẻ nhằm sinh ra những đứa con không mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Chẩn đoán mang gen bệnh Thalassemia tốt nhất ở lứa tuổi tiền hôn nhân (từ 16 tuổi); trước khi có thai, có thai trong 3 tháng đầu thai kỳ; ngoài ra có thể chẩn đoán mang gen bệnh tại bất kỳ lứa tuổi nào.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc truyền thông, cung cấp thông tin về tình hình bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể, bệnh bẩm sinh, về nguyên nhân gây bệnh và các giải pháp chủ yếu trong điều trị và phòng, chống thông qua: các hoạt động cung cấp tài liệu, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; trên các kênh mạng xã hội Zalo, Facebook; phát tin bài trên hệ thống loa FM, trên Webise của huyện và hệ thống phát thanh xã, thôn; các trường từ trung học sơ sở đến trung học phổ thông; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh để hướng tới một tương lai hạn chế đến mức thấp nhất người khuyết tật do các bệnh bẩm sinh gây ra.

Chúng ta hãy tham gia nhiệt tình các hoạt động hưởng ứng Ngày Thalassemia Thế giới 8-5 và giúp thay đổi cuộc sống cho những người mắc bệnh Thalassemia.

Ngô Thị Tố Nga

Bài viết liên quan