Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Sức sống mới trên quê hương Vĩnh Linh

Cách đây 68 năm, vào ngày 25/8/1954, tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Vĩnh Linh. Từ đây, Vĩnh Linh trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Đây cũng là ngày mà huyện Vĩnh Linh chọn làm ngày truyền thống của quê hương.

Thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh.

Suốt hơn 6 thập kỷ qua, đặc biệt là sau 32 năm huyện Vĩnh Linh được lập lại (23/3/1990), địa phương này đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Với ý chí kiên trung và tinh thần đổi mới sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân trên vùng "đất thép” đã đoàn kết một lòng, cùng cả nước kháng chiến thành công, nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp. 

Sau chiến tranh, Vĩnh Linh tan hoang đổ nát. Bên cạnh đó thiên tai luôn gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế. Trong khi phải tập trung giải quyết những khó khăn nêu trên, Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh đã có chủ trương mang tính chiến lược, từ đó tạo điều kiện cho quá trình xây dựng và phát triển sau này. Đó là tập trung quy hoạch lại đồng ruộng, nông thôn, thị trấn. Những tháng năm gian khổ ấy, cả Vĩnh Linh chuyển mình trong sự thống nhất của ý chí và hành động. 

Qua các kỳ đại hội, Đảng bộ huyện Vĩnh Linh đã có nhiều nghị quyết chuyên đề mang tính đột phá phù hợp với tình hình thực tế từng thời kỳ. Đảng bộ huyện đổi mới tư duy, trăn trở tìm hướng đi mới, đề ra nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng lòng với Đảng, Nhân dân toàn huyện đã chủ động khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Bằng sự cần cù, sáng tạo, đổi mới tư duy, đến nay, Vĩnh Linh đã vươn lên mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực với những thành tựu rất đáng tự hào. 

Bộ mặt từ nông thôn đến thành thị ở Vĩnh Linh đã có sự khởi sắc rõ rệt. Hồ Xá - thị trấn huyện lỵ đã mang dáng vóc của một đô thị văn minh, hiện đại; thị trấn Cửa Tùng là đô thị du lịch - dịch vụ kinh tế biển ở vùng Đông và thị trấn Bến Quan đang trở thành trung tâm kinh tế - xã hội miền Tây của huyện. Vĩnh Linh còn có 13/15 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới và dự kiến đến năm 2025 Vĩnh Linh sẽ phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới. 

Trong phát triển kinh tế Vĩnh Linh đạt được bước phát triển nhanh, vững chắc, vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển năng động của tỉnh Quảng Trị. Từ các nghị quyết chuyên đề qua từng kỳ đại hội Đảng bộ huyện phù hợp với từng vùng, miền, địa phương đã làm cho cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỉ trọng các ngành nghề phi nông nghiệp. 

Đến nay, tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành nông- lâm- thủy sản đạt 5%, đây được xem là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh những năm qua ngành nông nghiệp phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường biển, thiên tai, dịch bệnh; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng với tốc độ 15-18%/năm; thương mại - dịch vụ và du lịch phát triển đa dạng, hàng hóa phong phú đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hoạt động du lịch có chuyển biến tiến bộ. Cơ sở hạ tầng không ngừng được đầu tư, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách. Những địa danh lịch sử như Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Cửa Tùng, Vịnh Mốc, Rú Lịnh đang được gắn kết thành tour du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách tham quan. 

Kinh tế nông nghiệp phát triển làm cho bộ mặt những miền quê khởi sắc, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 3%.

 Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, huyện đã chú trọng triển khai có hiệu quả các mục tiêu phát triển văn hóa - xã hội và đạt được những kết quả tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục triển khai mạnh trong toàn huyện. Công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, giá trị văn hóa vật chất, tinh thần được quan tâm, đặc biệt là đối với văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà. 

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm. Các hoạt động nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa đã trở thành nét đẹp truyền thống của người dân địa phương. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. 

Công tác xây dựng Đảng được tăng cường; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; công tác kiểm tra, giám sát, dân vận, nội chính, phòng, chống tham nhũng được chú trọng; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng hiệu quả; phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tiếp tục được đổi mới, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng không ngừng nâng cao. 

Có rất nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm quý giá rút ra từ thực tiễn xây dựng, trưởng thành nhưng điều mà huyện Vĩnh Linh coi là cốt lõi chính là truyền thống anh hùng, đoàn kết, sáng tạo, là tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm của cán bộ và Nhân dân quê hương “lũy thép”. Đây là nội lực giúp Vĩnh Linh vượt qua khó khăn, thử thách trong mỗi giai đoạn lịch sử để có được những thành tựu rất đáng tự hào. Kỷ niệm 68 năm ngày truyền thống huyện Vĩnh Linh và 32 năm ngày lập lại huyện là dịp để cán bộ và Nhân dân huyện Vĩnh Linh ôn lại chặng đường đã qua, lấy những thành tựu đạt được làm động lực để tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển. 

Mỹ Hằng

More