Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Nông thôn mới trên miền “đất lửa” anh hùng

Từ năm 2011, huyện Vĩnh Linh bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Suốt 13 năm qua, bằng tinh thần “quyết liệt, sáng tạo, bài bản”, công cuộc xây dựng những “miền quê đáng sống” ở địa phương đã thu được những thành tựu quan trọng. Tháng 8/2024, cùng với sự kiện Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống (25/8/1954 - 25/8/2024), huyện Vĩnh Linh sẽ đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Vốn là huyện thuần nông, cách đây 13 năm, mặc dầu đã được cấp ủy, chính quyền hết sức quan tâm song nền kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn huyện Vĩnh Linh vẫn còn kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, chuyển giao khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế. Bên cạnh đó kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường chưa đồng bộ và nhiều bất cập. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 15,9%, chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị còn lớn.

Khi bắt tay vào xây dựng NTM, việc đầu tiên mà huyện Vĩnh Linh thực hiện chính là nhanh chóng thành lập bộ máy chỉ đạo, quản lý thực hiện chương trình ở các cấp. Với vai trò là hạt nhân lãnh đạo toàn diện, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch theo từng năm, từng giai đoạn; tiến hành đánh giá hiện trạng, nhu cầu đạt chuẩn NTM và đăng kí triển khai thực hiện, đảm bảo đúng lộ trình.

Năm 2012, xã Vĩnh Lâm là 1 trong 3 xã được tỉnh Quảng Trị chọn làm điểm để phát động phong trào xây dựng NTM. Trong 2 năm 2014, 2015, huyện Vĩnh Linh có 4 xã đầu tiên về đích NTM gồm: Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, Vĩnh Thạch và Vĩnh Lâm. Từ đây mở ra phong trào thi đua yêu nước sâu rộng “chung tay xây dựng NTM” đã được cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn là chủ thể trong cuộc vận động này hưởng ứng tích cực.

13 năm qua, huyện Vĩnh Linh đã huy động các nguồn lực được trên 2.110 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Từ nguồn vốn này, huyện đã đầu tư nhiều công trình hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

Đến đầu năm 2024, toàn có 562 tuyến đường liên xã, trục thôn và liên thôn với chiều dài gần 800km đã được nhựa hóa, nâng cấp, mở rộng; có trên 25,2km kênh mương thủy lợi liên xã được kiên cố hóa, đạt tỷ lệ trên 75%; 15/15 xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu nạn; hàng năm có trên 70% người dân ở vùng chịu ảnh hưởng thiên tai được thường xuyên phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai. Có 100% xã có hệ thống điện. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng điện thường xuyên và an toàn đạt trên 98%. 15/15 xã có 100% nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố, không còn nhà tạm bợ, dột nát.

Cơ sở thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng đồng bộ. 15/15 xã có trung tâm học tập cộng đồng, sân thể thao đạt chuẩn; 114/114 thôn có nhà văn hóa, khu thể thao thôn; 15/15 xã có sân bóng đá, bóng chuyền, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân địa phương.

Hệ thống vật chất trường lớp được xây dựng khang trang. 37/37 trường học thuộc 15 xã có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên; đặc biệt có 05 trường có cơ sở vật chất đạt mức độ 2. Chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn ngày càng tăng; giữ vững các phong trào và vị trí thi đua khen thưởng với nhiều chỉ tiêu giáo dục dẫn đầu tỉnh Quảng Trị.

Về y tế, toàn huyện có 18 trạm y tế, cơ sở vật chất được kiên cố hóa đạt chuẩn; trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chưa bệnh ban đầu cho Nhân dân. 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2030 theo Quyết định số 1300 ngày 09/3/2023 của Bộ Y tế. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 96%. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm. Có 100% thôn đạt chuẩn văn hóa; 96% gia đình đạt gia đình văn hóa.

Cùng với đó, huyện Vĩnh Linh luôn chú trọng tập trung phát triển sản xuất, ngành nghề truyền thống nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm trên 82,8%; thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 59 triệu đồng/người/năm. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện 15,91%, đến cuối năm 2023 giảm còn 1,91%; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,11%; tỷ lệ nghèo đa chiều còn 2,70%.

Hệ thống chính trị được củng cố; các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã chủ động thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội cấp xã được nâng lên, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố, tăng cường.

Bộ mặt từ nông thôn đến thành thị ở Vĩnh Linh đã có sự khởi sắc rõ rệt. Hồ Xá - thị trấn huyện lỵ đã mang dáng vóc của một đô thị văn minh, hiện đại; thị trấn Cửa Tùng là đô thị du lịch - dịch vụ kinh tế biển ở vùng Đông và thị trấn Bến Quan đang trở thành trung tâm kinh tế - xã hội miền Tây của huyện. 15/15 xã đã đạt chuẩn NTM. Bầu trời trên “Miền đất lửa” Vĩnh Linh năm nào, giờ đây dường như cao xanh hơn, trên khuôn mặt mỗi người dân đều ngập tràn niềm tin, rạng ngời niềm hạnh phúc. Vĩnh Linh đang từng ngày đổi mới, khoác lên mình những màu sắc tươi vui, những hương thơm ngọt ngào, căng tràn sức sống.

Những giá trị to lớn từ xây dựng NTM mang lại đã kết tinh thành quả ngọt đền đáp xứng đáng cho sự chung sức đồng lòng, tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân. Huyện NTM cũng chính là món quà vô cùng ý nghĩa đối với cán bộ và nhân dân Vĩnh Linh trước sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của quê nhà (25/8/1954 - 2024). Những nền tảng có được, sẽ là động lực để huyện Vĩnh Linh tiếp tục vươn lên, gặt hái thêm nhiều thành quả trên chặng đường xây dựng huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu những năm kế tiếp.

Mỹ Hằng

More