Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Mục đích, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử của đất nước, chấm dứt khủng hoảng về đường lối cứu nước, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam - thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trước các nhiệm vụ lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời xác định đúng đắn, sáng tạo đường lối, chiến lược, sách lược đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 

Ngay từ khi ra đời và xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn giữ vững mục đích, lý tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc; vì chủ nghĩa xã hội; vì hạnh phúc của Nhân dân. 

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa công sản”.

Xuất phát từ nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên tại Hội nghị thành lập, Đảng đã xác định mục tiêu chiến lược: Làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập để đi tới xã hội cộng sản. Trong thời kỳ đầu mới ra đời Đảng xác định nhiệm vụ đấu tranh giành độc lập dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm trước hết, bởi nếu không giành được độc lập cho dân tộc thì không thể có cơ sở, tiền đề để xác lập được tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. 

Kiên định mục tiêu “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc Việt Nam tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, tiếp tục thực hiện con đường cách mạng đã lựa chọn, Đảng xác định đưa cả nước bước sang chặng đường mới - đó là “tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, để thực hiện tự do, hạnh phúc cho giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và tất cả các dân tộc đa số, thiểu số Việt Nam”.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, xuyên suốt qua các kỳ đại hội của Đảng đều thể hiện quyết tâm chiến lược là giữ vững nền độc lập cho dân tộc và phấn đấu để đất nước phát triển vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Cụ thể là, Đại hội VIII Đảng ta xác định: “Tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”. Đại hội IX xác định: “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đại hội X quyết tâm: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”. Đại hội XI: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Đại hội XII: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đại hội XIII định hướng: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Có thể thấy rằng, chủ đề các kỳ đại hội Đảng đều thể hiện rõ mục tiêu bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc và thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân.

Như vậy, độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội là mục tiêu đúng đắn, nhân văn và nhất quán của Đảng và Nhân dân ta, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối của Đảng, là quy luật của cách mạng Việt Nam.

Xác định động cơ vào Đảng đúng đắn

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Người muốn trở thành đảng viên của Đảng phải là những quần chúng tiên tiến, tích cực, trải qua quá trình học tập, rèn luyện, phấn đấu, hội đủ các điều kiện cần thiết để được xét kết nạp vào Đảng. Việc kết nạp đảng viên mới để bổ sung cho Đảng những người có phẩm chất tốt, năng lực giỏi để phục vụ cho Đảng, giúp Đảng ta lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới hiện nay. Chính vì vậy, trong quá trình phấn đấu để trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam thì mỗi quần chúng ưu tú, nhất là đoàn viên, thanh niên phải xác định được động cơ vào Đảng đúng đắn.

1. Ý nghĩa của xác định động cơ vào Đảng đúng đắn

Xây dựng động cơ vào Đảng đúng đắn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong điều kiện hòa bình, Đảng cầm quyền và cơ chế kinh tế thị trường. Trong giai đoạn hiện nay, mỗi người Việt Nam nói chung, người đảng viên nói riêng luôn phải đối mặt với những khó khăn, thử thách, cám dỗ của quyền lực, tiền tài…, nhất là các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá Đảng và Nhà nước ta trên nhiều mặt, trong đó đoàn viên, thanh niên là một trong những đối tượng mà các thế lực này hướng đến. Vì vậy, ngay từ đầu người vào Đảng phải xác định rõ động cơ vào Đảng một cách đúng đắn, trong sáng. Xuất phát từ động cơ trong sáng, người vào Đảng phải xác định vào Đảng để cống hiến, chứ không phải lợi dụng vào Đảng để làm “bình phong” làm “chỗ dựa” để tiến thân.

Vào Đảng là để thực hiện vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của một người đảng viên, để rèn luyện và trưởng thành, để được cống hiến, được đóng góp cho tập thể, cho Nhân dân và rộng hơn là cho quốc gia, dân tộc. Khi nhận thức đúng đắn sẽ có động cơ đúng, có sức mạnh bên trong là động lực hướng dẫn hành động, thôi thúc chúng ta sống, hoạt động với lý tưởng cao đẹp cho Ðảng và cho chính mình. Nếu người vào Đảng không có động cơ vào Đảng trong sáng sẽ không thể vượt qua được những thử thách, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” và những thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

2. Xác định mục đích của việc vào Đảng (vào Đảng để làm gì?)

Để có động cơ vào Đảng đúng đắn, mỗi quần chúng ưu tú cần xác định vào Đảng với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; không cam chịu yếu kém, đói nghèo, nỗ lực góp công sức với hoài bão xây dựng đất nước cường thịnh, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; thực hiện bằng được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Vì sao chúng ta vào Đảng? Phải chăng để thăng quan, phát tài? Không phải!... Chúng ta vào Đảng là để hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ Nhân dân, làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên”.

3. Những việc phải làm để xác định động cơ vào Đảng đúng đắn

Để xác định động cơ đúng đắn và xứng đáng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, không chỉ những quần chúng ưu tú đang phấn đấu vào Đảng mà tất cả cán bộ, đảng viên cần quán triệt và thực hiện tốt những nội dung sau:

Thứ nhất, phải hiểu được mục đích, lý tưởng của Đảng; phải xác định được vào Đảng là để được đứng trong một tổ chức của những người cùng chung chí hướng đấu tranh xây dựng một xã hội tốt đẹp, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Vào Đảng là dấn thân theo lý tưởng cách mạng, chấp nhận hy sinh, phấn đấu, quyết tâm đi theo con đường của Đảng, Bác Hồ và dân tộc ta đã lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

Cái được lớn nhất khi vào Đảng là được phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân, được Đảng và Nhân dân tin cậy, yêu mến.

Thứ hai, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao nhận thức về Đảng, kiên định lập trường và tư tưởng để luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức. Bản lĩnh chính trị được thể hiện ở tính kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng đã lựa chọn, trong bất kỳ tình huống khó khăn nào cũng không dao động, giảm sút niềm tin và ý chí chiến đấu, phải trung thành với lợi ích của Đảng, với lợi ích của Nhân dân lao động và của dân tộc, suốt đời tận tâm, tận lực phục vụ cho Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Phải kết hợp hài hòa giữa ba lợi ích: lợi ích xã hội, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân. Song phải biết đặt lợi ích của giai cấp, của dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân. Bản lĩnh chính trị được hình thành chủ yếu bằng sự nỗ lực của bản thân trong quá trình học tập, nắm vững nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ ba, phải nỗ lực phấn đấu trong lao động, học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Xây dựng động cơ đúng đắn phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể và thiết thực; việc xác định động cơ vào Đảng đúng đắn không chỉ biểu hiện về mặt tư tưởng, nhận thức mà hơn thế nữa phải được cụ thể hóa bằng hành động cụ thể như: luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, luôn có tinh thần và trách nhiệm với công việc, đồng thời làm việc với tinh thần chí công vô tư. Để làm được điều đó đòi hỏi mỗi quần chúng ưu tú và cán bộ, đảng viên không chỉ nâng cao về năng lực công tác mà còn phải không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao cả về trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn, không ngừng học hỏi trau dồi để đủ kiến thức đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, xứng đáng với vai trò tiên phong, gương mẫu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Thứ tư, phải gắn bó với tập thể, với Nhân dân, tích cực tham gia hoạt động đoàn thể cũng như các công tác xã hội. Điều đó được thể hiện ở ngay chính nơi ở, nơi làm việc cũng như các mối quan hệ với các quần chúng khác, biết lắng nghe, hiểu được tâm tư nguyện vọng của quần chúng, biết chăm lo đến lợi ích, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Gương mẫu chấp hành và vận động gia đình, nhân dân sống và làm việc theo đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, đây chính là cơ hội tốt giúp cho mỗi người tiến bộ, trưởng thành về chính trị, tạo dựng sự tín nhiệm của Nhân dân, sự tin tưởng của tổ chức.

Thứ năm, phải tích cực tham gia xây dựng Đảng ở cơ sở. Để được đứng trong hàng ngũ của Đảng người vào Đảng không những tự giác thừa nhận, tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng mà còn cần phải tích cực tham gia xây dựng Đảng bằng những việc cụ thể như: quan tâm đóng góp ý kiến xây dựng với chi bộ, đảng bộ trong lãnh đạo cơ quan, đơn vị; tích cực tham gia các phong trào, hoạt động triển khai thực hiện chủ trương, nhiệm vụ do chi bộ, đảng bộ đề ra...

Hãy luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, phấn đấu, rèn luyện, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ đang đảm nhiệm, là một công dân tốt, xung kích trong các hoạt động... mỗi quần chúng ưu tú sẽ trở thành một đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam có đủ phẩm chất và năng lực.

BBT

More