Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh - Cổng thông tin

Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Chuyên đề năm 2025 (Phần 2): Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách, dám đột phá sáng tạo

Cán bộ phải có gan dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo vì lợi ích chung

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo là phẩm chất cao quý của con người, biểu hiện ở việc tự mình đưa quan điểm chính kiến một cách đúng đắn, dám đấu tranh bảo vệ quan điểm của mình, không phụ thuộc vào bất kỳ ai, không ngại khó ngại khổ để thực hiện những ước mơ, dự định đặt ra. Xuất phát từ “ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nghị lực phi thường, sự kiên trì, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là quyết tâm làm việc không ngừng cho dân, cho nước.

Theo Người, muốn cán bộ công tác giỏi, muốn sự nghiệp đổi mới tiến lên, gặt hái được nhiều thành tựu năm sau to hơn năm trước thì nhất định phải dám nghĩ, dám làm, có gan phụ trách. Người từng căn dặn cán bộ phải: “dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”; “Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo, khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn”.

Người còn nhấn mạnh: “Tư tưởng bảo thủ là như sợi dây cột chân tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm. Trong việc này cũng như mọi việc khác, cán bộ, đảng viên và đoàn viên xung phong đi trước thì đồng bào sẽ tiến theo”. Để phát huy hiệu quả tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo thì người cán bộ, đảng viên trước tiên phải nắm chắc lý luận cách mạng, cụ thể là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Một khi nắm chắc lý luận cách mạng mới có thể dám nói, nói đúng, dám làm, làm đúng, làm hiệu quả, là cơ sở để tự tin, để quyết làm, để quyết hy sinh lợi ích cá nhân, hy sinh bản thân khi thực hiện công việc, đặc biệt đối với các công việc khó khăn, nguy hiểm “Đảng viên phải đứng vững trên lập trường vô sản, hăng hái gan góc tham gia sinh hoạt chính trị và đấu tranh chính trị, làm cho tư tưởng mình, do sự chuyển biến của tình hình chính trị, sự nảy nở các việc mới, mà tiến bộ không ngừng, luôn luôn phát triển. Khi tình thế đổi mới, ta đủ gan góc, đủ tinh thần phụ trách để quyết định phương hướng chính trị mới, thay đổi cách thức công tác và đấu tranh, dám bỏ những khẩu hiệu và những nghị quyết đã cũ, không hợp thời, đưa những nghị quyết và khẩu hiệu mới thay vào”.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà máy diêm Thống Nhất (1956).

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo phải vì Đảng, vì Tổ quốc, vì Nhân dân

Sinh thời Người đã khẳng định: “Suốt đời hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, nay dù phải từ biệt thế giới này tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” 28 . Khi viết về Tư cách và đạo đức cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị của nhân dân. Vì toàn dân được giải phóng, tức là Đảng được giải phóng”, chính vì vậy mà “Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm.

Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình) dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to” và Người yêu cầu “Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết”.

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo nhưng phải cầu thị, khiêm tốn, không ỷ có tài mà tự kiêu, hách dịch

Một trong những đức tính cần có ở người cán bộ cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở là: Không nên tự mãn, tự kiêu, tự ti; phải thường xuyên học hỏi, cầu tiến bộ “có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác. Biết được vài câu lý luận đã cho mình là giỏi, không xem ai ra gì, tưởng mình là hơn hết” 31; Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một người phải biết học nhiều người”, “chớ tự kiêu, tự đại. Tự kiêu, tự đại là khờ dại. Vì mình hay, còn nhiều người hay hơn mình. Mình giỏi, còn nhiều người giỏi hơn mình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn chứng cụ thể như: “Việc thế giới, việc xã hội, việc nước nhà to lớn vô cùng, nhiều vô cùng. Dù ai tài giỏi mấy, cũng không thể biết hết cả, làm hết cả. Xưa nay những bậc tài giỏi như cụ Khổng Tử, cụ Lênin cũng không biết hết mọi việc, làm được mọi việc. Cụ Khổng không biết nấu cơm, cụ Lê không biết may áo. Vì vậy, cần nấu cơm thì cụ Khổng phải học hỏi người làm bếp. Cần may áo thì cụ Lê phải học hỏi người thợ may. Cụ Khổng và cụ Lê hơn mọi người, không phải vì hai cụ biết hết mọi việc, làm được mọi việc. Mà vì hai cụ không tự kiêu, tự ái, luôn học hỏi”.

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo phải biết giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp cùng vươn lên hoàn thành việc chung

Trong quan niệm của mình, Hồ Chí Minh coi tất cả mọi người dù đương trên cương vị và mặt trận nào cũng đều là đồng chí, đồng nghiệp của nhau. Đã là đồng chí, đồng nghiệp của nhau phải san sẻ khó khăn, cùng giúp nhau tiến bộ, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung…Đó chính là tư tưởng, đạo đức thiết yếu của một người cách mệnh được Hồ Chí Minh nói tới trong tác phẩm “Đường cách mệnh”. Người còn nhắc nhở một cách cụ thể: “Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo”.

Tại cuộc gặp mặt với cán bộ, đảng viên lâu năm Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Các đồng chí già rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ” 37; bởi vì “năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có”; những góp ý phải thuyết phục, phải của người đã kinh qua công tác, hiểu rõ vấn đề “cán bộ cũ phải hoan nghênh, dạy bảo, dìu dắt, yêu mến cán bộ mới.

Có nhiều cán bộ mới, vì công tác chưa lâu, kinh nghiệm còn ít, có nhiều khuyết điểm. Nhưng họ có những ưu điểm hơn cán bộ cũ: họ nhanh nhẹn hơn, thường giàu sáng kiến hơn. Vì vậy, hai bên phải tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, học lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ với nhau”; “Đối với đồng chí mình phải thế nào? Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay, sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình”.

Như vậy, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ có thể được hiểu: (1) Dám nghĩ, là luôn trăn trở, tích cực tư duy, suy nghĩ về những ý tưởng, giải pháp, sáng kiến để giải quyết những vấn đề đặt ra từ nhu cầu khách quan, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, đặc biệt là những “điểm nghẽn” trong cơ chế, chính sách, những vấn đề mới, chưa có tiền lệ; đồng thời dám thẳng thắn, tự tin bày tỏ, trình bày về những ý tưởng, sáng kiến, đề xuất, cũng như thể hiện quan điểm, lập trường của mình một cách cụ thể, khoa học mà không sợ bị chỉ trích hay trù dập; (2) Dám làm, là mạnh dạn, chủ động đảm nhận và thực thi nhiệm vụ được giao; quyết tâm trong triển khai thực hiện những ý tưởng, giải pháp, sáng kiến nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh từ nhu cầu khách quan, tạo chuyển biến tích cực trong thực tiễn lãnh đạo, quản lý; (3) Dám chịu trách nhiệm, là luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao và luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, không đùn đẩy, né tránh. Đồng thời, dám chịu trách nhiệm còn được hiểu là việc cán bộ dám chấp nhận và sẵn sàng gánh chịu những hậu quả xảy ra từ những rủi ro, thất bại trong quá trình thi hành nhiệm vụ được giao, thực hiện những sáng kiến của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động cho tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo vì lợi ích của dân tộc

Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chứng kiến sự thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam, Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thấy con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc. Để tránh lặp lại thất bại của những người đi trước, Người quyết không theo con đường cứu nước của các bậc tiền bối cách mạng trước và đương thời mà phải tự mình tìm ra một con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử trong khi chưa biết con đường ấy như thế nào, đó là một điều khó khăn, gian khổ.

Nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, lúc ấy mới 21 tuổi đã rời bến cảng Nhà Rồng, trên con tàu “Đô đốc Latouche Tréville”, với khát vọng cháy bỏng, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Trước khi đi tìm đường cứu nước, Người tâm sự với một người bạn thân: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, Tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng đi một mình, thật ra cũng có nhiều mạo hiểm, ví như đau ốm… Anh muốn đi với tôi không ?”. Khi người bạn hỏi lấy đâu ra tiền mà đi, Người vừa nói vừa giơ hai bàn tay: “ Đây, tiền đây …chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì mà sống và để đi. Thế thì cùng đi với tôi chứ?”. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ về cuộc phiêu lưu, người bạn không có đủ can đảm để giữ lời hứa đi cùng”. Còn Người với suy nghĩ táo bạo, hướng về các nước ở phương Tây - nơi khởi nguồn của tư tưởng “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” để tìm hiểu, nghiên cứu rồi trở về giúp đồng bào.

Không tiền, không bạn bè người thân, hành trang theo Người lên tàu ra nước ngoài chỉ có tấm lòng yêu nước, thương dân tha thiết cùng ý chí và nghị lực mạnh mẽ, người thanh niên ấy đã dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân vào hành trình thực hiện khát vọng, quyết tâm giải phóng cho dân tộc. Qua nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm ra con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam - con đường cách mạng vô sản. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” 42; với cách suy nghĩ, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của mình, Hồ Chí Minh sẵn sàng từ bỏ những gì lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp như hệ tư tưởng phong kiến hay hệ tư tưởng tư sản.

Người khẳng định, chấp nhận cái mới, phù hợp với quy luật khách quan, với sự tiến triển của xã hội và thuận với lòng dân. Người vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam, trong đó điển hình nhất là việc vận dụng sáng tạo các yếu tố tạo thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng Cộng sản ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân. Trong điều kiện Việt Nam và các nước thuộc địa, Hồ Chí Minh cho rằng, tính chất Đảng Cộng sản không chỉ ở thành phần xuất thân từ công nhân hết thảy, mà là ý thức tư tưởng chính trị và theo đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Trong hoàn cảnh một nước thuộc địa lạc hậu như Việt Nam với lực lượng công nhân nhỏ bé, Hồ Chí Minh đã sáng tạo trong việc kết hợp nhân tố dân tộc và nhân tố giai cấp để thành lập Đảng Cộng sản. Nhân tố dân tộc là chủ nghĩa yêu nước, nhân tố giai cấp là chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, sau khi phát xít Ý, Đức bị đánh bại ở châu Âu, ngày 09/8/1945, Hồng quân Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Ngày 14/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh không điều kiện. Quân đội Nhật đang đóng ở Việt Nam hoang mang, rệu rã; chính phủ thân Nhật bị lung lay cực điểm.

Trước tình hình này, Hồ Chí Minh nhận rõ thời cơ tổng khởi nghĩa đã chính thức xuất hiện, Người khẩn trương chỉ đạo Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng, Hội nghị khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”, cách mạng Việt Nam lúc này đang trong “tình thế vô cùng khẩn cấp”. Đại hội quốc dân (ngày 16 và 17/8) tại Tân Trào đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam. Ngày 17/8/1945, trước đình Tân Trào, thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước”.

Ngày 18/8/1945, Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Hỡi đồng bào yêu quí! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến! Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang đua nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dười lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên”. Đáp lời kêu gọi của Người và Trung ương Đảng, chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 đến ngày 28/8), toàn thể Nhân dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng, hải đảo… đều nhất tề đứng lên tổ chức khởi nghĩa, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám “long trời, lở đất”, lập ra chính quyền nhân dân khắp nơi.

Ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn đã khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống lại ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc ấy phải được độc lập!”. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là hội tụ của ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; là thắng lợi vĩ đại của Chủ nghĩa Mác - Lênin, được Hồ Chí Minh vận dụng một cách sáng tạo để “lựa tình thế, chọn thời cơ”, đưa ra những quyết sách đúng đắn, sáng tạo ở tầm chiến lược.

Thắng lợi đó cũng chứng minh rằng, một dân tộc dù nhỏ bé nhưng nếu có truyền thống nồng nàn yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính chắc chắn làm nên những sự kiện vĩ đại có tầm vóc đi vào lịch sử của dân tộc và thế giới. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta đã trở thành một nước độc lập nhưng đang trong tình cảnh “thù trong, giặc ngoài”; nạn đói hoành hành, ngân khố cạn kiệt; nạn mù chữ trầm trọng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất sáu vấn đề cấp bách nhất mà Chính phủ cần giải quyết ngay. Trong đó để giải quyết nạn đói, Người đề xuất phát động chiến dịch gia tăng sản xuất, mở một cuộc lạc quyên “Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”.

Để giải quyết nạn dốt, Người chủ trương phát động phong trào “bình dân học vụ” để xóa “giặc dốt” và phát động “Tuần lễ VÀNG” để động viên toàn dân xây dựng nền tài chính Quốc gia. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, lời hịch của ông cha ta tự ngàn xưa vang vọng trong lời hiệu triệu Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu 14 nước”, là tiếp tục thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, tư duy sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, với quyết tâm sắt đá “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Sau chín năm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn, thân chôn làm giá súng”, chúng ta đã viết nên thiên sử vàng Điện Biên Phủ năm 1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên phân tích ý nghĩa quốc tế của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ, tạo thành mặt trận rộng lớn đoàn kết với Nhân dân ta chống đế quốc Mỹ.

Người thường xuyên chứng minh tính chất chính nghĩa của ta, tính chất phi nghĩa của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh. Năm 1963, tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Nhân dịp này, tôi thách Tổng thống Kennơđi trả lời mấy câu hỏi sau đây: Việt Nam xa cách Hoa Kỳ hàng vạn dặm. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Hoa Kỳ không thù oán gì nhau. Ông có lý do gì mà gây nên cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, hoang phí hàng tỉ đôla của nhân dân Hoa Kỳ để ủng hộ một chính quyền thối nát độc tài, đã bị nhân dân miền Nam Việt Nam phỉ nhổ? Ông có quyền gì mà bắt buộc hàng vạn thanh niên con em người Hoa Kỳ sang giết hại người miền Nam Việt Nam vô tội, rồi họ cũng bị chết trong cuộc chiến tranh phi nghĩa, bẩn thỉu ấy?”; “Tổng thống Kennơđi phải hiểu lịch sử.

Lịch sử đã chứng tỏ rằng: Khi một dân tộc đã đoàn kết nhất trí, đấu tranh giành độc lập, tự do (như tổ tiên Tổng thống ngày trước và nhân dân miền Nam Việt Nam hiện nay), thì nhất định họ sẽ thắng lợi. Cho nên chắc chắn rằng: Đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng. Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Tổ quốc yêu dấu của chúng ta nhất định sẽ hòa bình thống nhất”. Quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong bối cảnh đất nước gặp vô vàn khó khăn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, dám nghĩ, dám làm, không lùi bước trước khó khăn, trở ngại, biết đánh và biết thắng.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm”46; chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Tại Hội nghị lần thứ 10 (mở rộng) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II) bàn về cải cách ruộng đất và chấn chỉnh tổ chức; sau những sai lầm về cải cách ruộng đất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Chính phủ thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội. Trước quốc dân đồng bào, Người đã không ngần ngại công khai khuyết điểm của Đảng, của người lãnh đạo cao nhất là chính Người…

Nước mắt Người đã rơi trước những khuyết điểm do chủ quan, thiếu lắng nghe Nhân dân, thiếu sâu sát thực tiễn cơ sở. Chủ tịch Hồ Chí Minh tự phê bình một cách nghiêm túc: “Vì ta thiếu dân chủ nên nghe ít, thấy ít, nên bây giờ ta phải dân chủ. Tôi nhận trách nhiệm trong lúc sóng gió này. Tất cả Trung ương phải nghe, thấy, nghĩ, làm như thế. Bài học đau xót này sẽ thúc đẩy chúng ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng phải thường xuyên nhìn thẳng vào sự thật “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó”.

Quan điểm của Người là cần công khai khuyết điểm, công khai để nhận lỗi, thêm quyết tâm sửa lỗi. Người từng chỉ rõ: “Cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm không công khai, chẳng khác nào có bệnh mà giấu bệnh”. Người tin rằng “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết nhất trí, thì dù sai lầm khuyết điểm nhiều mấy, chắc chắn cũng sửa chữa được. Những khó khăn phức tạp hiện nay cũng là một cuộc thử thách lớn. Vượt qua cơn sóng gió này, kinh nghiệm ta sẽ nhiều thêm, lực lượng ta sẽ mạnh thêm, thành tích ta sẽ mở rộng thêm và Đảng ta nhất định sẽ củng cố thêm và phát triển”. (Còn tiếp)

Nguồn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị

More