Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Đẩy mạnh giảm nghèo về thông tin, ghi nhận ở Vĩnh Linh

Thời gian qua, giảm nghèo về thông tin, truyền thông là giải pháp đang được huyện Vĩnh Linh tích cực thực hiện. Đây được xem như là “chìa khóa” giúp người dân tiếp cận, nắm bắt thông tin, kiến thức hữu ích, cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Với lợi thế tiện ích, phủ sóng rộng, thời gian qua, hệ thống đài tuyền thanh cơ sở ở huyện Vĩnh Linh đã phát huy tốt vai trò trong việc truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo. Thông qua các chương trình được tiếp sóng thì người dân, mà đặc biệt những đối tượng là hộ nghèo đã được nghe và nắm bắt được nhiều nội dung hữu ích liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình như: các chương trình cho vay ưu đãi; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Bên cạnh đó việc thường xuyên được nghe tuyên truyền về những gương người tốt, làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo đã không chỉ cho họ kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn mà còn trở thành động lực để họ mạnh dạn, chủ động trong làm ăn kinh tế, từng bước thoát nghèo, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.

Nhiều người dân ở huyện Vĩnh Linh nắm bắt KH-KT, kinh nghiệm làm ăn, phát triển sản xuất thông qua hệ thống thông tin đại chúng.

Gia đình chị Lê Thị Huyền, khóm 2, thị trấn Bến Quan trước đây là một trong như đối tượng thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Những năm đầu khi mới lập gia đình, cuộc sống gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, không có thu nhập ổn định. Để trang trải cho cuộc sống gia đình, chị Huyền đã phải bươn chải, làm rất nhiều nghề. Nhận thấy, muốn làm được kinh tế, trước hết phải thay đổi tư duy, nên chị luôn tích cực tìm tòi, học hỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia các lớp tập huấn, học hỏi từ người đi trước để phát triển sản xuất nông nghiệp. Với sự trợ giúp về nguồn vốn vay ưu đãi qua kênh của Hội LHPN thị trấn Bến Quan trên 100 triệu đồng và những kinh nghiệm tích lũy được, năm 2018, chị Huyền quy hoạch vùng đất đồi của gia đình để trồng gần 350 gốc cây giống cam vân du và chăn nuôi thêm bò, lợn, cá. Nhờ vậy, kinh tế gia đình dần đi lên. Chị Huyền thoát khỏi hộ nghèo vào năm 2020.

Để góp phần thay đổi về nhận thức của người nghèo về vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc xóa nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương ở huyện Vĩnh Linh tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông về giảm nghèo tùy theo chức năng, nhiệm vụ. Đơn cử như Hội LHPN huyện đã thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại chính sách giảm nghèo giữa lãnh đạo Hội với hội viên, đặc biệt là đối với hội viên các xã miền núi. Tại những buổi đối thoại này, ngoài việc phát hành tài liệu về công tác giảm nghèo, tờ rơi tuyên truyền chính sách, hướng dẫn quy trình rà soát thống kê hộ nghèo hàng năm cho cán bộ và người dân, các cấp hội còn lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng của hội viên mình để có phương án hỗ trợ thích hợp.

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Linh Trương Thị Lệ Chi cho biết: “Cái thiếu và cái yếu của đa phần hội viên phụ nữ chính là kinh nghiệm sản xuất. Khắc phục được bất cập này thì công tác xóa đói, giảm nghèo nâng cao năng lực của người phụ nữ mới thực sự hiệu quả. Chính vì vậy, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cơ sở hội cần tăng cường công tác tuyên truyền, làm thay đổi nếp nghĩ, hành vi của hội viên. Phương thức tuyên truyền chủ yếu là thông qua các buổi hội họp; thậm chí đến tận gia đình hội viên tư vấn. Hoặc qua các nhóm Zalo của chị em phụ nữ, Hội thường xuyên chia sẻ các link về kỹ thuật chăn nuôi, khởi nghiệp, làm giàu cũng như các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước hỗ trợ phụ nữ để mọi người cùng tham khảo, học hỏi”.

Đặc biệt việc củng cố, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin truyền thông cơ sở luôn được huyện Vĩnh Linh quan tâm. Riêng trong năm 2023, Phòng Văn hóa- Thông tin huyện đã chủ trì, tổ chức nhiều chuyên đề tập huấn về an toàn thông tin mạng, bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, vận hành đài truyền thanh thông minh, kỹ năng viết tin bài trên trang thông tin điện tử của các xã, thị trấn… cho giúp đội ngũ này; giúp họ có thêm kinh nghiệm và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truyền tải các chủ trương, chính sách về công tác giảm nghèo đến với người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Linh Trần Bá Dũng cho biết: “Căn cứ Thông tư số 06 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch số 160 của UBND tỉnh về thực hiện dự án truyền thông giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hiện nay phòng đã và đang triển khai 3 nội dung chính: tăng cường thông tin thiết yếu cho xã hội; nâng cao năng lực, hiệu quả của hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở, đảm bảo 100% xã thị trấn trên địa bàn có đài truyền thanh phát huy hiệu quả trong công tác thông tin cơ sở; nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin cơ sở. Chính vì vậy các thông tin thông tin thiết yếu cho người dân, nhất là người dân ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện thường xuyên, kịp thời. Nhiều người dân nhờ thông tin từ đài truyền thanh biết đến các mô hình sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế. Từ đó họ học hỏi, tìm tòi và vươn lên thoát nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững”.

Qua rà soát sơ bộ, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Vĩnh Linh còn 1,99%; giảm 0,9% so với năm 2022. Kết quả này chính là sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ cac giải pháp về giảm nghèo. Trong đó có thể khẳng định giải pháp giảm nghèo về thông tin truyền thông đã mang lại hiệu quả tích cực. Từ đây hộ nghèo và cận nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, thông tin, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan