Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh - Cổng thông tin

Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Giảm nghèo bền vững: Tập trung nguồn lực, về đích đúng hạn

Để hoàn thành mục tiêu kết thúc giai đoạn 2021- 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn dưới 2%, nhất là duy trì yếu tố bền vững trong công tác giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Vĩnh Linh đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung nguồn lực ưu tiên hỗ trợ sản xuất trên cơ sở đổi mới cơ chế, trợ giúp có điều kiện, tạo sinh kế ổn định để người nghèo vươn lên.

Bản làng đổi mới ở xã Vĩnh Ô.

Rà soát thực trạng, đặt mục tiêu cụ thể

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, năm 2021, Vĩnh Linh tiến hành tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo. Kết quả toàn huyện có 1.001 hộ nghèo, chiếm 3,69%; 1.118 hộ cận nghèo, chiếm 4,12%. Trong đó, có 407 hộ nghèo không có khả năng lao động với 617 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 40,66% so với tổng số hộ nghèo. Có 272 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 1.084 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 27,17% tổng số hộ nghèo toàn huyện và 32,89% so với tổng số hộ đồng bào DTTS.

Để đạt mục tiêu giảm nghèo bao trùm, bền vững, huyện đã ban hành kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều giải pháp, đặt mục tiêu sử dụng hiệu quả các nguồn lực giảm nghèo ở giai đoạn mới. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,5- 1%/năm, đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn ở dưới mức 2%. Bên cạnh đó nâng cao mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ tìm việc làm; 100% người dân được hỗ trợ tham gia BHYT; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ có nhu cầu được tiếp cận sử dụng dịch vụ Internet…

Trao quyền chủ động cho người nghèo

Theo, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thiên Tùng: “Trong công tác giảm nghèo hiện nay đã và đang diễn ra một thực trạng là tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận hộ nghèo. Đây là bài toán đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương cần có giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế để phá vỡ “sức ì” này. Giải pháp ưu tiên hàng đầu của huyện đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người nghèo về công tác giảm nghèo. Cùng với đó thực hiện phương châm “vừa trao cần câu vừa chỉ cách bắt cá” để các đối tượng yếu thế đứng vững trên đôi chân của mình”.

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Vĩnh Linh được phân bổ gần 40 tỷ đồng. Để thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, một trong những giải pháp trọng tâm được huyện Vĩnh Linh tập trung triển khai, đó là đưa nguồn vốn giảm nghèo đến với người dân để đầu tư sản xuất, tạo sinh kế bền vững để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2021 - 2024, Vĩnh Linh đã triển khai thực hiện 23 Dự án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc lĩnh vực nông nghiệp với 268 mô hình chăn nuôi, trồng trọt; đồng thời tiến hành mở các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho người dân. Có vốn, cây, con giống, lại được trang bị thêm kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, đa phần hộ nghèo đều có động lực phấn đấu, chủ động vươn lên giảm nghèo bền vững.

Là xã miền núi ở Vĩnh Linh, năm 2021, qua rà soát, Vĩnh Ô tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 50,6%, cao nhất huyện. Sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu để đạt các chỉ tiêu xã về đích nông thôn mới, đến cuối năm 2024 tỷ lệ nghèo đa chiều toàn xã còn 6,01%. Đặc biệt trong đó có nhiều hộ gia đình tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Tháng 6 năm 2024 xã Vĩnh Ô về đích nông thôn mới.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng cho biết: “Nếu hộ nghèo không tự ý thức vươn lên thì không ai có thể làm thay được. Do đó, phát huy kết quả đạt được của giai đoạn trước, bên cạnh lồng ghép các nguồn lực, Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã ưu tiên kinh phí hỗ trợ người nghèo phát triển mô hình sản xuất phù hợp. Đến nay, nhiều mô hình phát huy hiệu quả, mang lại nguồn thu đáng kể, giúp người dân thoát nghèo như: trồng rừng, chăn nuôi gia súc số lượng lớn”.

Ngoài các dự án hỗ trợ sinh kế, trong Chương trình MTQG về giảm nghèo, huyện Vĩnh Linh còn thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ bảo hiểm y tế... Những chính sách này đã góp phần đáng kể vào nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống cho hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Hoàn thành chỉ tiêu, hạn chế tái nghèo

Đến cuối năm 2024, qua rà soát, toàn huyện còn 417 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 1,57%; hộ cận nghèo còn 531 hộ chiếm tỷ lệ 2%. Như vậy đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện Vĩnh Linh, việc xác định chiều thiếu hụt - nguyên nhân dẫn tới cái nghèo của hộ dân là giải pháp quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hằng năm. Bởi từ đó sẽ nắm bắt được nhu cầu để có giải pháp, phương thức trợ giúp phù hợp, trao cơ hội cho người nghèo vươn lên. Bước sang giai đoạn 2026 - 2030, huyện Vĩnh Linh đề xuất kinh phí trên 56,3 tỷ đồng để thực hiện các dự án giảm nghèo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thiên Tùng thông tin thêm: “Huyện Vĩnh Linh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, xóa bỏ hoàn toàn tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo. Phân bổ hợp lý các nguồn lực đầu tư hợp lý, trên cơ sở ưu tiên thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; kiểm tra, giám sát, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án. Huy động, lồng ghép các nguồn lực nhằm hỗ trợ hộ nghèo sản xuất; tăng cường xã hội hóa, trợ giúp người nghèo tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững và đa chiều, hạn chế tái nghèo”.

                                                                      Mỹ Hằng

More