Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Vĩnh Linh chú trọng chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em

Tại huyện Vĩnh Linh, qua 10 năm tập trung triển khai Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, từ việc xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch đã tạo được những chuyển biến rõ nét, nâng cao trách nhiệm, nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Toàn huyện Vĩnh Linh có khoảng 25.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm trên 28% tổng dân số. Trong đó, gần 350 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trên 1.600 trẻ em nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Hương cho biết, sau khi có Chỉ thị số 20- CT/TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 69- CTHĐ/TU ngày 2/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Linh đã ban hành Chương trình hành động số 50- CTHĐ/HU ngày 7/11/2013 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”. Huyện ủy Vĩnh Linh chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể xây dựng kế hoạch, kịp thời cụ thể hóa chỉ thị. Các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức sâu sát theo từng nội dung chỉ thị, chương trình, kế hoạch… thường xuyên nắm bắt thông tin, báo cáo lên các cấp, ngành để có sự chỉ đạo, định hướng, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Toàn huyện đẩy mạnh nhiệm vụ tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 20 của Bộ Chính trị thông qua nhiều hình thức; vận động toàn xã hội cùng hướng đến mục tiêu chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; lan tỏa phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thúc đẩy sự thay đổi nhận thức của gia đình, nhà trường và xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Thường xuyên tuyên truyền về những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến Luật Trẻ em 2016 và Nghị định số 56/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều trong Luật Trẻ em; các chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; chương trình, mô hình can thiệp hỗ trợ trẻ em khuyết tật, bị tim bẩm sinh, vùng khó khăn… Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội, cơ quan thường trực Ban bảo vệ chăm sóc trẻ em phối hợp tổ chức trên 60 hoạt động tuyên truyền; 50 diễn đàn tại các đơn vị trường học về kỹ năng làm cha mẹ tốt với hơn 10 ngàn lượt người tham gia.

Các hội thi: Quyền, bổn phận của chúng em; Cha mẹ mẫu mực, con cái ngoan hiền; Rung chuông vàng; Búp măng xinh, nghi thức đội; Giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi; thi viết “Vượt lên số phận”, nét bút tri ân, thắp sáng ước mơ... được hưởng ứng sôi nổi. Từ đây khuyến khích trẻ em học tập, rèn luyện, phát huy năng khiếu, phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Bên cạnh đó, Vĩnh Linh chú trọng công tác quản lý nhà nước, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cộng tác viên ở địa bàn dân cư và trường học để làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi; phòng, chống bạo lực học đường, tai nạn thương tích, xâm hại, ngược đãi trẻ em... Trên địa bàn huyện hiện có 18 cán bộ chuyên trách cấp xã và 149 cộng tác viên trẻ em tại khu phố, thôn, bản. Các đơn vị, ban, ngành thuộc huyện phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức gần 20 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho khoảng 850 lượt cán bộ, đội ngũ cộng tác viên trẻ em ở cơ sở.

Tăng cường kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Mặt khác, quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền về công tác trẻ em, việc thực hiện những chế độ liên quan đến trẻ em từ giáo dục, y tế, văn hóa, gia đình... Phát hiện, xử lý kịp thời thông tin trẻ em gặp hoàn cảnh cần được giúp đỡ, can thiệp và ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em. Qua đó, những vụ việc vi phạm quyền trẻ em trên địa bàn huyện ít xảy ra, góp phần đảm bảo cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Vĩnh Linh còn làm tốt việc huy động, bố trí và sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em. Phó Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Huế thông tin, thời gian qua, từ ngân sách địa phương và xã hội hóa, huyện Vĩnh Linh đã huy động được nguồn kinh phí cho lĩnh vực trẻ em đạt hơn 1,3 tỉ đồng. Từ những nguồn này kịp thời hỗ trợ các đối tượng trẻ em thông qua nhiều hình thức, từ trợ giúp xã hội, y tế, đào tạo đến giáo dục nghề nghiệp, pháp lý…

Công trình phúc lợi, khu vui chơi, giải trí cho trẻ em, như nhà thi đấu, sân bóng mini, công viên… từng bước được đầu tư đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí. Ngoài ra, 100% xã, thị trấn có điểm vui chơi dành cho trẻ em. Riêng trong các tháng hành động vì trẻ em, gần 500 lượt trẻ em được tặng quà, cấp học bổng, phẫu thuật miễn, giảm phí; gần 450 triệu đồng xây dựng công trình dành cho trẻ em. Từ năm 2012 đến nay, huyện trao 21 bộ đồ chơi ngoài trời, trị giá gần 100 triệu đồng/bộ cho trường mầm non thuộc những địa bàn khó khăn như Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Thái và một số trường học phấn đấu đạt chuẩn quốc gia như Kim Thạch, Vĩnh Lâm.

Hiện tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi của huyện Vĩnh Linh giảm xuống dưới 6,58%; thể nhẹ cân còn gần 5,25%. Khoảng 98% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non. Tỉ lệ đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học đạt 100% và bậc THCS 95%. Tỉ lệ học sinh tiểu học được học cả ngày tăng từ 28,5% năm học 2016- 2017 tăng lên 71,5% vào năm học 2021- 2022...

Thời gian tới, huyện Vĩnh Linh tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ các kế hoạch, chương trình của trung ương và địa phương liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; huy động nguồn lực trong xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, đáp ứng công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong tình hình mới.

Nguyên Đồng

Bài viết liên quan