Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

“Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”

Nhằm nâng cao vị thế của trẻ em gái, cách đây 11 năm, năm 2011, Liên Hợp Quốc chọn ngày 11/10 hàng năm làm ngày Quốc tế trẻ em gái. Mục đích của ngày này là tạo cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn.

Mỗi năm, Liên Hợp Quốc sẽ chọn một chủ đề riêng và năm 2022: “Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em gái. Đồng thời kêu gọi sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành toàn thể nhân loại trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, từ đó từng bước góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người, có cơ hội đóng góp cũng như thụ hưởng những thành quả phát triển của quốc gia trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình là vợ chồng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong các hoạt động của gia đình, có ý thức trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách công bằng như quyền quyết định số con, khoảng cách sinh, việc chăm sóc và nuôi dạy con cái… trên cơ sở chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, tạo tiền đề cho sự phát triển của gia đình được ổn định và bền vững.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, bất bình đẳng giới vẫn diễn ra, thể hiện qua việc phụ nữ vẫn phải làm những công việc nội trợ là chủ yếu, vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình, tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn còn tồn tại và xảy ra ở một số nơi… Trong đó, tư tưởng trọng nam, khinh nữ trong việc sinh con, nuôi con là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Nguyên nhân chính dẫn đến bất bình đẳng giới trong gia đình ở nước ta là do ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến gia trưởng cùng với sự thay đổi chậm chạp của ý thức xã hội và hầu như nam giới chưa thay đổi quan niệm trụ cột của mình với gia đình. Phụ nữ thì còn tự ti, luôn nghĩ mình là người hỗ trợ cho vai trò trụ cột của chồng.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực phát triển kinh tế và thực hiện mục tiêu tiến bộ xã hội, trong đó phải kể đến việc thực hiện bình đẳng giới nhằm giảm thiểu mất cân bằng giưới tính khi sinh và phát triển con người. Kết quả của những nỗ lực này được cộng đồng quốc tế nhìn nhận Việt Nam như một “điểm sáng” về việc thực hiện bình đẳng giới, nâng cao quyền con người, xóa đói, giảm nghèo. Đây là một thành tựu rất quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với vấn đề bình đẳng giới thông qua việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước cũng như việc tham gia, phê chuẩn các công ước quốc tế có liên quan, như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước về quyền trẻ em… Trên cơ sở Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Hiến pháp và pháp luật về bình đẳng giới, Chính phủ đã xây dựng một số mục tiêu cụ thể vì sự tiến bộ của phụ nữ, trẻ em gái trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Cùng với thành tựu lớn về phát triển kinh tế- xã hội thời kỳ đổi mới việc thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị trí của trẻ em gái, phụ nữ ở nước ta có nhiều tiến bộ quan trọng.

Chúng ta biết, những cô gái vị thành niên có quyền có một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong những năm tháng trưởng thành quan trọng, mà cả khi các em trở thành phụ nữ. Thực tế cho thấy nếu được bảo đảm các quyền này trong giai đoạn vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới khi trở thành những người lao động trong tương lai, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, người chủ gia đình, và các nhà lãnh đạo chính trị. Đầu tư cho việc hiện thực hóa tiềm năng của trẻ em gái vị thành niên sẽ cho phép bảo vệ quyền của các em hôm nay và bảo đảm một tương lai công bằng và thịnh vượng hơn. Một tương lai mà ở đó, các cô gái sẽ chia sẻ cùng một nửa nhân loại để giải quyết những cuộc khủng hoảng liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột chính trị, tăng trưởng kinh tế, phòng chống dịch bệnh và phát triển bền vững toàn cầu… Chỉ khi vai trò và vị thế của trẻ em gái được xã hội nhìn nhận đúng đắn thì mới có thể xóa bỏ được bất bình đẳng giới, xóa bỏ tư tưởng trọng nam hơn nữ, nguyên nhân sâu xa của việc mất cân bằng giới tính khi sinh.

Như vậy, việc thực hiện bình đẳng giới giữa nam và nữ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh đó là trách nhiệm của toàn xã hội. Nó là thước đo của tiến bộ xã hội, do đó công tác này phải được xã hội hóa cao. Cần phát huy cao độ tính tích cực của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị- xã hội, mỗi cá nhân trong xã hội đặc biệt là vai trò tự lập của chị em phụ nữ, sẽ góp phần sớm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.

Ngô Thị Tố Nga

Bài viết liên quan