Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Sản xuất hoa giấy nghệ thuật, mô hình tạo việc làm mới cho người khuyết tật

Từ giữa tháng 5/2023, Tổ chức CRS phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Linh triển khai mô hình làm hoa giấy nghệ thuật và một số sản phẩm thủ công bằng vải cho người khuyết tật. Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Huế cho biết, đây là mô hình thử nghiệm, bước đầu thấy tính khả thi, hiệu quả thiết thực khi tạo điều kiện giúp người khuyết tật tiếp cận nghề mới, làm ra sản phẩm được thị trường đón nhận.

Trong khuôn khổ mô hình, Tổ chức CRS đã mở khóa tập huấn, hướng dẫn kĩ năng nghề làm hoa giấy nghệ thuật và một số sản phẩm thủ công từ vải như: kẹp, dây buộc tóc, bông tai… cho 20 học viên là người khuyết tật trí tuệ, vận động, người khiếm thị và 5 cán bộ sẽ phụ trách truyền dạy lại tại các xã, thị trấn. Cùng với đó, học viên được chia sẻ thêm kinh nghiệm trong việc cập nhật những mẫu mã mới, tiêu thụ sản phẩm. Quá trình học tập, tuy gặp không ít khó khăn khi tiếp nhận kiến thức và thực hành, song với sự cố gắng, tập trung lắng nghe, theo dõi, hầu hết người khuyết tật đã tự mình làm ra nhiều sản phẩm mới.

Sau khi kết thúc khóa học, ngoài kinh phí hỗ trợ của Tổ chức CRS, UBND huyện Vĩnh Linh đối ứng thêm ngân sách gần 60 triệu đồng, kịp thời trang bị 6 máy gồm 3 máy cắt hình cánh hoa, 3 máy dập nút cùng đầy đủ dụng cụ, nguyên vật liệu ban đầu để bố trí, đưa vào sản xuất tập trung tại nhà xưởng của Hội Người mù huyện Vĩnh Linh đầu tháng 7/2023.

Chị Nguyễn Thị Thủy, xã Vĩnh Thủy, hội viên Hội Người mù huyện Vĩnh Linh chia sẻ: “Nhờ các tổ chức, địa phương giúp đỡ, chúng tôi đã học nghề và tập hợp lại sản xuất. Nghề làm hoa này cũng không đòi hỏi nhiều công sức, kĩ năng mà cần sự kiên trì, khéo léo nên phù hợp với người khuyết tật, mỗi người đảm nhận 1 công đoạn, càng làm chúng tôi càng thấy hứng thú. Những bước làm hoa giấy nghệ thuật khá đơn giản. Từ nguyên liệu giấy mỹ thuật, giấy bìa màu cho vào máy cắt được từng cánh hoa, lá; trang trí màu, chuốt độ cong rồi ghép cánh hoa lại thành bông hoa. Tiếp tục tạo cành bằng dây thép, dây nhựa màu có sẵn. Sau đó dùng súng bắn keo hoặc sáp cuộn đính hoa, lá cố định với cành. Hoàn thành cành hoa sẽ lựa chọn kết bó, cắm vào hộp, giỏ hoa chất liệu giấy, nhựa hay loại bình, lọ hoa gốm, chú ý phối hợp số lượng, màu sắc, kích cỡ hài hòa, hợp lý là có thành phẩm”.

Nhanh chóng làm quen, thành thạo nghề, người khuyết tật đã làm ra những sản phẩm chất lượng về cả mặt thẩm mỹ và ứng dụng, đa dạng chủng loại từ hoa hướng dương, cúc họa mi, hoa đồng tiền... Chủ tịch Hội Người mù huyện Vĩnh Linh Nguyễn Văn Khoa cho hay: “Tại đây, với 10 lao động trong 1 ngày có thể làm ra bình quân trên 50 sản phẩm đơn giản, nhỏ như bó hoa, giỏ hoa; riêng bình hoa, lẵng hoa cầu kỳ, kích cỡ trung bình, lớn thì cần thời gian dài hơn, khoảng 3 - 5 sản phẩm/ngày. Ngoài làm tại xưởng, các công đoạn không cần dùng máy, lao động nhận về nhà làm thêm lúc nhàn rỗi. Theo giá thành thị trường, mỗi bó, hộp, giỏ, bình hoa giấy nghệ thuật này dự kiến bán ra với mức giá thành 30.000 - 300.000 đồng/sản phẩm. Tín hiệu đáng mừng khi đã có không ít đơn vị, đoàn thể trên địa bàn huyện biết đến mô hình, trực tiếp lên nhà xưởng tham quan, yêu thích các sản phẩm, muốn ủng hộ, đặt hàng để trang trí tại phòng làm việc… Tạo ra thành phẩm và được đón nhận đối với người khuyết tật là sự động viên, khích lệ mọi người tiếp tục học hỏi, nâng cao tay nghề, làm nên những mặt hàng đẹp hơn. Đảm nhận vai trò tập hợp sản xuất, quản lý, Hội Người mù huyện Vĩnh Linh lên kế hoạch chủ động kết nối, tìm kiếm thị trường, giới thiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ thông qua sự hỗ trợ của các đoàn thể, trường học; trưng bày tại quầy hàng lưu niệm, điểm du lịch, hội chợ… Cùng với thành phẩm hoàn thiện, mô hình còn hướng đến cung cấp bán thành phẩm gồm cánh hoa, lá, cành tạo hình sẵn cùng nguyên vật liệu đi kèm phục vụ khách hàng yêu thích làm hoa nghệ thuật tự mình sáng tạo theo cách riêng”.

Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Huế cho biết thêm, Vĩnh Linh hiện có 2.871 người khuyết tật, trong đó dưới 16 tuổi 236 người; từ 16 - 60 tuổi 1.315 người; trên 60 tuổi 1.320 người. Đối tượng này thuộc nhóm yếu thế, họ ít có cơ hội tìm việc làm. Do đó, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, huyện Vĩnh Linh tích cực vận động nhiều tổ chức, dự án và nguồn lực xã hội, triển khai chương trình trợ giúp cải thiện đời sống, điều kiện sinh hoạt, đặc biệt dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Các mô hình nghề từ sản xuất tăm tre, hương thơm đến chổi đót, nấm… và cả hoa nghệ thuật, vật dụng thủ công từ vải, hiệu quả trước hết là người khuyết tật học được, làm được thành phẩm. Tuy nhiên quan trọng hơn nữa những sản phẩm đó có thể xuất bán ra thị trường, mang về thu nhập. Vì vậy, ngoài nỗ lực của bản thân người khuyết tật, rất cần sự đồng hành, quan tâm từ cộng đồng dành sự ưu tiên, ủng hộ đối với mặt hàng do người khuyết tật sản xuất. Qua đó sẽ có thêm ngày càng nhiều người khuyết tật được học, làm nghề phù hợp, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nguyễn Trang

Bài viết liên quan