Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Đưa Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống

Ngày 20/6/2013, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Tại huyện Vĩnh Linh, sau 10 năm thi hành luật, công tác hòa giải ở cơ sở có chuyển biến tích cực, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Ngay sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành luật được ban hành, UBND huyện Vĩnh Linh tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến kịp thời, sâu rộng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hòa giải. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền pháp luật về hòa giải đến các tầng lớp nhân dân thông qua hội nghị, các cuộc sinh hoạt, hội họp, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở.

Đối với Phòng Tư pháp huyện, 10 năm qua, đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Hòa giải cơ sở. Trong đó, tại cấp huyện có 150 cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện; cấp xã 1570 đối tượng là đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động cấp xã, tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở tham gia. Đồng thời, tổ chức 211 đợt tập huấn cho các đối tượng là Tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở; phát 2.670 tài liệu, tờ rơi pháp luật cho các Tổ hòa giải, hòa giải viên và các đối tượng liên quan nghiên cứu. Qua công tác bồi dưỡng, tập huấn đã trang bị kiến thức pháp luật và kỷ năng hòa giải cho đội ngủ hòa giải ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả hòa giải ở cơ sở.

Đến nay, toàn huyện có 149 tổ hòa giải với 1.077 hòa giải viên trong đó nam 777 người, nữ 300 người, có trình độ chuyên môn luật 23 người, chưa qua đào tạo chuyên môn luật 1.054 người. Các tổ chức hòa giải đã thực hiện nghiêm túc dân chủ ở cơ sở trong việc thực hiện hoạt động hòa giải. Khi có tranh chấp mẫu thuẫn xảy ra, các bên có quyền cầu được hòa giải, Tổ hòa giải cử hòa giải viên giúp đỡ, hướng dẫn và các bên giải quyết tranh chấp mẫu thuẫn trên cơ sở tự nguyện. Kết quả hòa giải đó được các bên công nhận sẽ lập thành biên bản.

Trong quá trình hòa giải các bên có thể có thể yêu cầu lựa chọn, đề xuất hòa giải viên, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải. Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải. Yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai. Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải... theo quy định tại Điều 17 của Luật Hòa giải ở cơ sở. Trong 10 năm qua có 1740/2149 vụ việc đã được hòa giải thành, đạt tỷ lệ trên 80%, chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, vệ sinh môi trường, sinh hoạt, lối sống…

Tổ hòa giải thôn Tân An, xã Vĩnh Giang có 5 thành viên là những người có uy tín trong cộng đồng. Trong đó tổ trưởng là khu phố trưởng và các thành viên là đại diện các tổ chức trong khối mặt trận gồm: phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh và người cao tuổi. Thời gian qua, mỗi khi trong thôn xảy ra trường hợp mâu thuẫn gây mất đoàn kết, các thành viên lại cùng nhau “đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người” để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải thích theo phương châm “đúng sai phân minh” - “lý tình trọn vẹn” nhằm thuyết phục cho hai bên đi đến thỏa thuận hài hòa, thống nhất vui vẻ và xóa tan tranh chấp. Vận động Nhân dân không gây mất đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong cuộc sống, chấp hành pháp luật, nội quy, quy định của địa phương.

Chị Trần Thị Nhung, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Tân An, thành viên tổ hòa giải thôn Tân An, xã Vĩnh Giang cho biết: “Người dân gặp bất cứ chuyện gì, từ mâu thuẫn vợ chồng, con cái đến tranh chấp đất đai, bất hòa với nhau, họ đều tìm đến nhờ cán bộ khóm phố tư vấn, giải quyết. Khi đó, chúng tôi phải nhanh chóng xác minh cụ thể từng sự việc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các bên, từ đó tìm ra nguyên nhân rồi phân tích thấu tình đạt lý cho cả hai bên hiểu. Từ đó góp phần  giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng. Thời gian qua, trên địa bàn thôn có 15 vụ việc được tổ hòa giải, hòa giải thành”.

Tuy vậy, việc thực hiện pháp luật dân chủ cơ sở trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Đội n hòa giải ở cơ sở chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi do đại hội nhiệm kỳ chi bộ ở cơ sở ở cấp thôn nên khi có mâu thuẫn, tranh chấp việc giải quyết chưa kịp thời. Nguồn ngân sách hỗ trợ cho động của các tổ hòa giải và hòa giải viên chưa có.

Trưởng phòng Tư pháp huyện Vĩnh Linh Nguyễn Đức Trí cho biết: Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện xây dựng, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, lựa chọn những người có uy tín và năng lực. Đồng thời, phối hợp các xã, thị trấn tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, phổ biến các văn bản luật mới ban hành, giúp đội ngũ hòa giải viên cập nhật thông tin, kiến thức pháp luật kịp thời, đầy đủ; chú trọng công tác khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân, tập thể điển hình, có cách làm hay, sáng tạo trong công tác hòa giải. Nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở, góp phần duy trì an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đồng thời, giúp giảm thiểu tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài và giữ gìn đoàn kết trong nội bộ Nhân dân".

Mỹ Hằng

More