Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Nơi lưu giữ vốn quý dân ca

inh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó cùng những khúc hát dân ca “Tuổi ấu thơ Bác đã sống suốt chiều rộng câu dân ca” (Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác - An Thuyên). Và chính những khúc hát dân ca xứ sở giản dị mà ấm nồng, sâu nặng nghĩa tình non nước luôn theo chân Người trên hành trình tìm tự do cho nước Việt. Theo hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Bác, vào những giây phút cuối cuộc đời, Bác Hồ vẫn mong muốn mang trọn hình ảnh thân thương của quê hương, đất nước lắng đọng trong âm hưởng những khúc hát dân ca vào cõi vĩnh hằng. Câu chuyện cảm động này được nhạc sĩ Trần Hoàn truyền tải trọn vẹn trong tác phẩm Lời Bác dặn trước lúc đi xa với lời nhắn gửi của Bác đến các thế hệ sau: “Muốn yêu Tổ quốc mình, càng yêu thắm thiết những khúc hát dân ca”- mang ý nghĩa sâu sắc, hãy luôn trân trọng và giữ gìn tinh hoa, bản sắc văn hóa của dân tộc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó cùng những khúc hát dân ca “Tuổi ấu thơ Bác đã sống suốt chiều rộng câu dân ca” (Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác - An Thuyên). Và chính những khúc hát dân ca xứ sở giản dị mà ấm nồng, sâu nặng nghĩa tình non nước luôn theo chân Người trên hành trình tìm tự do cho nước Việt. Theo hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Bác, vào những giây phút cuối cuộc đời, Bác Hồ vẫn mong muốn mang trọn hình ảnh thân thương của quê hương, đất nước lắng đọng trong âm hưởng những khúc hát dân ca vào cõi vĩnh hằng. Câu chuyện cảm động này được nhạc sĩ Trần Hoàn truyền tải trọn vẹn trong tác phẩm Lời Bác dặn trước lúc đi xa với lời nhắn gửi của Bác đến các thế hệ sau: “Muốn yêu Tổ quốc mình, càng yêu thắm thiết những khúc hát dân ca”- mang ý nghĩa sâu sắc, hãy luôn trân trọng và giữ gìn tinh hoa, bản sắc văn hóa của dân tộc.

 

 

Ở huyện Vĩnh Linh, trong nỗ lực khôi phục, phát huy những vốn quý dân gian, loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của địa phương để “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo ý nguyện của Bác Hồ và tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng Khóa VIII, CLB Dân ca Sông Hiền là một điểm sáng góp phần tích cực duy trì, phát triển giá trị loại hình dân ca. Thành lập từ tháng 10/2017 và chính thức ra mắt vào tháng 5/2018, Sông Hiền là CLB dân ca cấp huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, tập hợp khoảng 40 thành viên.

 

Được trực tiếp gặp gỡ, tham dự buổi luyện tập cùng CLB Dân ca Sông Hiền mới cảm nhận rõ hơn tình yêu và lòng đam mê dân ca của các thành viên CLB. Đa dạng về độ tuổi, thành phần, từ hưu trí, giáo viên, chủ doanh nghiệp… song mọi người đều vượt qua những trở ngại về đặc thù công việc, cuộc sống, đoàn kết nỗ lực khắc phục khó khăn từ những ngày đầu khi chưa có nguồn lực đầu tư nhạc cụ, đạo cụ, trang phục để xây dựng nên một CLB vững mạnh, được nhiều huyện, thị học hỏi hướng đến nhân rộng.

 

Với Ban cố vấn đắc lực gồm những nghệ sĩ, nhà quản lý tên tuổi: Ông Nguyễn Hữu Thắng - Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị; Nhạc sĩ Ngô Thanh Liêm; Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Trọng, từ khi thành lập, CLB Dân ca Sông Hiền đã triển khai nhiều hoạt động nghệ thuật thiết thực thúc đẩy phong trào sưu tầm, sáng tác và hát dân ca ngày càng đi sâu vào đời sống văn hóa cộng đồng. CLB vừa sưu tầm lời cổ, vừa sáng tác lời mới, tập luyện chơi nhạc cụ, tổ chức biểu diễn kết hợp phổ biến, truyền dạy dân ca. Bên cạnh tổ chức sinh hoạt định kỳ, phát triển khả năng, sở trường của từng thành viên, Ban Chủ nhiệm CLB chú trọng đào tạo, hỗ trợ điều kiện để thành viên tham dự nhiều khóa tập huấn trau dồi kỹ năng.

 

Trong năm 2019, CLB đưa vào luyện tập thêm loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc bài chòi. Mặt khác, CLB Dân ca Sông Hiền chủ động phối hợp xây dựng nhiều chương trình biểu diễn dân ca quy mô, bài bản; hưởng ứng sôi nổi hội thi nghệ thuật quần chúng vào các dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm trọng thể của quê hương, đất nước, ngày hội văn hóa tại các địa phương, khu dân cư; gặp gỡ, giao lưu cùng các CLB, đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh như: Đồn Biên phòng Cửa Tùng, huyện đảo Cồn Cỏ, CLB Hò khoan Lệ Thủy - Quảng Bình; CLB Ca nhạc Hiền Lương tại thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó truyên truyền, quảng bá hiệu quả giá trị dân ca đến đông đảo công chúng. Đặc biệt, CLB kết hợp cùng các đơn vị trường học, Đoàn Thanh niên đưa dân ca phổ biến vào trường học thông qua biểu diễn vào các ngày hội văn hóa dân gian, chương trình ngoại khóa, tiến tới truyền thụ kiến thức về bộ môn dân ca vào các tiết học năng khiếu… giúp thế hệ trẻ sớm tiếp cận, yêu thích, hình thành ý thức giữ gìn thể loại dân ca cổ truyền dân tộc. 

 

Một trong những bậc thầy đặt viên gạch đầu tiên xây dựng CLB Dân ca Sông Hiền, người giữ lửa đầy tâm huyết phải kể đến nghệ nhân ưu tú Lê Văn Trọng. Sinh ra tại quê hương Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, cái nôi dân ca, nơi có làn điệu hò Chèo Cạn nổi tiếng, chất dân ca từ đó ngấm vào tâm hồn nghệ nhân Lê Văn Trọng. Trưởng thành dưới làn mưa bom bão đạn, hưởng ứng phong trào “tiếng hát át tiếng bom”, những năm tháng chiến tranh đầy ác liệt, ông nguyện đồng cam cộng khổ đem tiếng hát phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Suốt mấy chục năm qua, nghệ nhân Lê Văn Trọng và đồng nghiệp vẫn giữ vẹn nguyên niềm đam mê với dân ca, không ngừng trau dồi vốn cổ dân ca trong tâm niệm truyền dạy, lưu giữ cho đời sau nét đẹp văn hóa của quê hương.

 

Trong CLB Dân ca Sông Hiền, nghệ nhân Lê Văn Trọng vừa biên soạn các bài dân ca dựa theo làn điệu gốc, xây dựng chương trình biểu diễn vừa truyền thụ, bồi dưỡng các thành viên. Ngọn lửa tình yêu với dân ca từ những bậc nghệ sỹ gạo cội của CLB cứ thế lan tỏa, truyền cảm hứng giúp các thế hệ kế cận thêm hiểu và yêu hơn các làn điệu dân ca, nhất là khơi gợi niềm đam mê trong lớp trẻ, thu hút nhiều nhân tố triển vọng. Không ít những bạn trẻ từ sự quan tâm, tìm hiểu ban đầu đã tìm thấy nét hấp dẫn riêng ở loại hình nghệ thuật dân ca và trải qua quá trình tập luyện nghiêm túc nay hát hay, đàn giỏi.

 

Chị Phạm Thị Hồng Thắm (Giáo viên Trường Mầm non Vĩnh Giang), thành viên CLB Dân ca Sông Hiền chia sẻ: “Gắn bó với CLB hơn 1 năm qua mình được cùng các cô chú, anh chị phát triển năng khiếu ở dòng âm nhạc truyền thống. Hơn thế từ những hiểu biết, kỹ năng được học hỏi, những người trẻ như mình có thể chia sẻ cùng các em học sinh, gia đình và cộng đồng dân cư, phục vụ hiệu quả hoạt động văn hóa văn nghệ tại cơ sở, góp phần nối tiếp mạch nguồn, khẳng định sức sống trường tồn của những lời ru, điệu lý, câu hò xưa… trong chính cuộc sống hiện đại”.

 

Chủ nhiệm CLB Dân ca Sông Hiền Nguyễn Thanh Hồng cho biết: “Với sự đồng hành, tạo điều kiện của các cấp, các ngành địa phương, thời gian tới, CLB tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất; tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động nghệ thuật, thu hút thành viên, mở rộng quy mô CLB theo hướng trẻ hóa đội ngũ. Cùng với đó, tạo nhiều chương trình, sân chơi nghệ thuật bổ ích, kết nối, khơi nguồn cảm hứng, khích lệ những người yêu dân ca trong cũng như ngoài CLB không ngừng sáng tạo, nuôi dưỡng tình yêu dân ca để phong trào sưu tầm, sáng tác, biểu diễn dân ca ngày càng phát triển sâu rộng. Từ đó giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị dân ca cũng như các loại hình văn hóa truyền thống một cách bền vững, đúng như ước nguyện của Người”.

 

Nguyễn Trang