Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Vì thế hệ tương lai vùng khó

Năm học 2021- 2022 vừa hoàn thành, mùa hè đến là dịp thầy và trò tạm nghỉ sau thời gian dài tập trung dạy tốt- học tốt. Nhưng cũng như 6 mùa hè trước, thầy Nguyễn Văn Thông (sinh năm 1977), Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh vẫn đang miệt mài bám bản, bám trường, xây dựng kế hoạch cho năm học mới. Thầy tâm sự, 7 năm lên vùng miền núi đặc biệt khó khăn công tác, thầy mong muốn tiếp tục góp sức, sớm xây dựng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Ô đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2023 và thực hiện những dự định trong lộ trình đến năm 2030. Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ, đồng bào Bru Vân Kiều dành tình cảm đặc biệt cho thầy Hiệu trưởng người Kinh luôn hết lòng vì sự học của con em dân bản.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thông dìu dắt các em học sinh vượt suối để đến trường sau thiên tai.

Năm học 2015- 2016, thầy Nguyễn Văn Thông lúc này là giáo viên- Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Vĩnh Nam được điều động lên đảm nhận chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Ô. Sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới, từ những ngày đầu vượt quảng đường hơn 40 km đến với ngôi trường vùng cao, quá trình bám địa bàn, các điểm trường, thầy Thông thấu hiểu hơn ai hết nổi vất vả của cán bộ, giáo viên nơi đây. 2 năm sau, khi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, thầy Thông xác định công tác tại đơn vị vùng khó, bản thân càng phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Thầy cùng Ban Giám hiệu nhà trường sát sao nắm bắt tình hình, chủ động đổi mới phương pháp quản lý, đảm bảo bố trí đội ngũ đúng vị trí, năng lực, không ngừng thắt chặt, hình thành nên tập thể đoàn kết, sẵn lòng trợ giúp lẫn nhau trong công việc, sinh hoạt. Tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp mới vào giảng dạy. Với mục tiêu chung “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, những phong trào “Xây dựng trường học thân thiện- học sinh tích cực”; “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… nhờ đó được đẩy mạnh, tạo sức lan tỏa sâu rộng.

Thầy Nguyễn Văn Thông nhớ lại: “Thời điểm những năm 2015 trở về trước, khó khăn lớn nhất của trường đó là dù được sự quan tâm từ mọi phía song việc thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp về cơ sở vật chất vẫn tồn tại nhiều năm liền. Trường gồm 3 điểm trường cách nhau 12 km, phân bố tại 3 bản: Xóm Mới, Xà Lời và bản Mít. Trong đó, điểm trường bản Mít xa nhất, chưa có phòng học, phải sắp xếp ngăn đôi nhà công vụ và mượn 1 phòng học của trường mầm non để tổ chức dạy học. Riêng điểm trường trung tâm chấp nhận trong tình trạng “3 chung” chung học, chung ăn, chung ngủ do không có công trình nhà ăn tập thể; nhà vệ sinh cũng đã hư hỏng nặng… Với đặc thù trường miền núi, 100% gia đình học sinh người Vân Kiều, tỉ lệ hộ nghèo cao nên công tác huy động nguồn lực từ phụ huynh chỉ để cải tạo phần nhỏ hạ tầng thôi cũng rất khó”.

Trước thực tế này, thầy Thông đã lên kế hoạch chi tiết chỉnh trang, nâng cấp từng hạng mục điểm trường theo mỗi năm học; tăng cường tham mưu, đề xuất các cấp, ngành đầu tư vào những công trình cấp thiết. Năm 2017, điểm trường bản Mít được phân bổ 1,6 tỉ đồng xây dựng lớp học, song lại gặp vướng vì không còn quỹ đất. Lúc bấy giờ, chính thầy Thông ngày đêm chẳng ngại khó, trực tiếp vận động hộ ông Hồ Văn Trung ở bản Mít tự nguyện hiến gần 200 m2 đất giúp trường mở rộng khuôn viên, xây mới 4 phòng học kiên cố, đầy đủ trang thiết bị làm nơi học tập cho khối 1, 2, 3. Đến đầu năm 2021, Ngân hàng Công thương Việt Nam tài trợ kinh phí 2 tỉ đồng xây mới công trình nhà ăn tập thể cho điểm trường trung tâm. Quá trình giải phóng mặt bằng, cũng thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thông đứng ra thuyết phục bằng được hộ ông Hồ Văn Bình, bản Xóm Mới tặng thêm gần 150 m2 đất để có diện tích 400 m2 làm nhà ăn tập thể phục vụ 150 học sinh cùng toàn thể giáo viên, nhân viên nhà trường.

Trong năm học qua, thầy Thông còn kêu gọi khoan 1 giếng nước, lắp đặt hệ thống lọc nước tinh khiết; xây mới nhà vệ sinh tại trường trung tâm và điểm trường Mít với tổng kinh phí trên 320 triệu đồng… Kịp thời huy động, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn lực đầu tư và làm tốt công tác “dân vận”, 7 năm qua, những công trình dần được khởi công và hoàn thành từ tâm huyết, trách nhiệm của thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Thông. Từng bước xóa dần phòng học tạm, phòng học mượn, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Ô ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong tình hình mới. Bên cạnh đó, trên tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, thầy Nguyễn Văn Thông đã ra sức kết nối các mạnh thường quân, nhà hảo tâm, thường xuyên tổ chức chuỗi chương trình thiết thực, như: bảo trợ, trao học bổng, tặng xe đạp, sách giáo khoa, đồng phục cùng hàng ngàn suất quà trị giá hàng trăm triệu đồng cho các em học sinh.

Tích cực chăm lo về mọi mặt hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, nhờ vậy, đến nay 100% cán bộ, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Ô đạt trình độ chuẩn. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn có bước chuyển biến, năm sau cao hơn năm trước. Tuy là trường miền núi nhưng học sinh cả 3 điểm trường đều được sắp xếp ăn bán trú, học 2 buổi/ngày. Trong các đợt hội diễn, hội thi, các em đều đạt kết quả tốt, giải Nhất Giao lưu Tiếng Việt cấp huyện; giải ba, khuyến khích tại Giải thưởng Mĩ thuật thiếu nhi Việt Nam; tham dự đội tuyển bóng đá U11 Vĩnh Linh đạt Cúp vô địch Giải bóng đá U11- Cúp QRTV… Thầm lặng góp sức vì sự nghiệp trồng người, thầy Nguyễn Văn Thông được các cấp, ngành ghi nhận và biểu dương vì đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. “Phần thưởng đáng quý nhất cho nỗ lực gieo chữ ở vùng khó khăn nhất khu vực miền núi phía Tây huyện Vĩnh Linh là cổ vũ tinh thần, tạo động lực để cán bộ, giáo viên quyết tâm gắn bó lâu dài với trường, với lớp và quan trọng hơn hết đã tiếp sức đến trường cho con em miền núi trên hành trình tìm kiếm tri thức, vững bước hướng tới tương lai”, thầy giáo Nguyễn Văn Thông phấn khởi chia sẻ.

Nguyễn Trang

Bài viết liên quan