Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Quyết tâm làm giàu trên đồng đất quê hương

“Với mong muốn được làm giàu trên chính đồng đất quê hương, thời gian qua, nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh đã mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình kinh tế mới có hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 20 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; đây là tín hiệu vui, giúp ĐVTN thêm tự tin trong hành trình xây dựng cuộc sống mới ngay trên mảnh đất quê hương mình”, anh Trần Trọng Phước, Bí thư xã đoàn Trung Nam cho biết.

Mô hình trồng cây quả của chị Hoàng Phương Liên, thôn Thủy Trung, xã Trung Nam.

Theo lời giới thiệu của anh Phước, chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của chị Hoàng Phương Liên ở thôn Thủy Trung. Năm 2016, tận dụng lợi thế đất đai của gia đình, trên diện tích gần 1ha chị Liên đã đầu tư, xây dựng mô hình trồng cây ăn quả. Ban đầu khởi nghiệp khá vất vả, do không có kinh nghiệm chăm sóc nên cây phát triển chậm, thu nhập chẳng là bao. Không nản chí trước khó khăn, chị vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tham khảo học tập những mô hình đã thành công ở trong, ngoài địa phương về áp dụng vào sản xuất.

Tâm sự về những ngày đầu khởi nghiệp, chị Liên cho biết: “Thấy quỹ đất của gia đình rộng nhưng chưa được đầu tư hiệu quả, tôi luôn trăn trở với suy nghĩ phải làm sao để bản thân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Nếu không tận dụng, khai thác quỹ đất này, rồi lâu ngày cũng khô cằn, hoang hóa, tôi quyết tâm tìm ra cho mình một hướng đi, quyết cải tạo và quy hoạch lại quỹ đất để thực hiện khát vọng làm giàu”.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, chị trồng xen kẽ nhiều loại cây để có thêm thu nhập. Trong đó, có 50 gốc bưởi diễn, 60 gốc bưởi da xanh, 50 gốc quýt đường, 160 gốc ổi và 50 gốc na thái. Mô hình được chị áp dụng theo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, từ việc tưới bằng nguồn nước hợp vệ sinh đến cách làm cỏ, chăm bón đều không sử dụng hoá chất. Đất không phụ công người, sau một thời gian quyết tâm, cố gắng, đến nay mô hình đang phát triển ổn định, cho thu nhập mỗi năm khoảng 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, chị còn tìm hiểu thị trường và đứng ra làm nhà phân phối, cung cấp chổi Lười cho cho 3 tỉnh khu vực miền Trung: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Mỗi năm chị xuất bán khoảng 16.000 cây chổi, lợi nhuận thu được khoảng 150 triệu đồng.

Cũng như Liên, với sự năng động, sáng tạo, quyết tâm làm giàu ngay trên chính quê hương, chị Bùi Thị Loan ở thôn Huỳnh Công Đông, xã Trung Nam cũng đã mạnh dạn vay vốn, xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp và trồng cao su tiểu điền mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.

Theo lời chị Loan, trước đây gia đình chị là một trong những hộ đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn lâu năm ở địa phương; nhiều năm liền công việc chăn nuôi của gia đình khá thuận lợi. Tuy nhiên, khoảng cuối năm 2019 do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu phi, cũng là thời điểm dịch bệnh Covid- 19 xuất hiện đã có những tác động bất lợi về giá cả, đầu ra không ổn định, khiến cho việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2020 thông qua kênh tín chấp của Huyện Đoàn Vĩnh Linh, gia đình được vay 100 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện. Với nguồn vốn này chị đã mạnh dạn tái đàn, phát triển quy mô chăn nuôi lợn, lấy ngắn nuôi dài, từng bước vượt qua khó khăn. Hiện nay, mô hình chăn nuôi của chị có 500 con gà/lứa; 80 con lợn/lứa. Mỗi năm, gia đình chị xuất 3 lứa lợn, 4 lứa gà, sau khi trừ chi phí có lãi ròng 200 triệu đồng.

Chị Loan chia sẻ: Ban đầu khi mới đầu tư vào mô hình chăn nuôi tổng hợp, chị gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về kỹ thuật chăn nuôi; phương pháp phòng chống các loại dịch bệnh cho vật nuôi cũng như tìm nguồn ra cho sản phẩm. Cũng có lúc thua lỗ, cảm thấy nản chí nên đôi lần định bỏ dỡ. Tuy nhiên, được anh em, bạn bè giúp đỡ, động viên và đúc rút được nhiều kinh nghiệm, chị lại đứng lên và tiếp tục theo đuổi, thực hiện khát vọng làm giàu của mình”.

Bên cạnh chăn nuôi, hiện nay gia đình chị Loan đang duy trì diện tích gần 1ha cao su tiểu điền được trồng từ năm 2010. Với giá bán hiện nay khoảng 13 ngàn đồng/kg mủ đông, mỗi năm chị có thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng.

Để cổ vũ, động viên thanh niên phát triển kinh tế, những năm qua, xã đoàn Trung Nam đã tích cực đồng hành với thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp. Cùng với việc chủ động khảo sát, nắm bắt nguyện vọng về việc làm của thanh niên, để cùng nhau thảo luận, đưa ra những phương án hỗ trợ, xã đoàn đã tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; Đồng thời tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên mở rộng quy mô các mô hình kinh tế thanh niên làm chủ. Đặc biệt, đứng ra tín chấp với tổng nguồn vốn vay ủy thác gần 6,5 tỉ đồng cho gần 140 hộ ĐVTN vay vốn làm ăn kinh tế.

Anh Trần Trọng Phước, Bí thư xã đoàn Trung Nam cho biết: Từ sự  hành của các cấp bộ đoàn, nhiều thanh niên trên địa bàn xã chủ động nắm bắt cơ hội, định hướng cách làm hay, sáng tạo, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để vươn lên, đi đầu trong phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng trên chính đồng đất quê hương. Cho đến nay, trên địa bàn xã Trung Nam có khoảng 20 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Từ các mô hình này, chính đoàn viên, thanh niên làm chủ mô hình đã trực tiếp bắt tay chỉ việc cho người dân cùng làm, cùng áp dụng những phương pháp sản xuất mới, nâng cao năng suất góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, xã Đoàn Trung Nam sẽ tích cực tuyên truyền, vận động thanh niên tham gia phát triển kinh tế, đẩy mạnh tư vấn, định hướng nghề cho thanh niên, đồng thời nhân rộng các mô hình, tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi… tạo động lực để ĐVTN phấn đấu vươn lên, góp sức xây dựng quê hương”, Bí thư xã đoàn Trung Nam Trần Trọng Phước chia sẻ thêm.

Trên miền quê nông thôn mới Trung Nam, những tấm gương thanh niên tiêu biểu, làm kinh tế giỏi như chị Loan, chị Liên sẽ là nguồn cảm hứng cho nhều bạn trẻ không ngại khó, ngại khổ trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp; từ đó chung tay, góp sức làm khởi sắc diện mạo quê hương.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan