Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Mở rộng liên kết hoạt động giáo dục ngoài nhà trường

Tuy đi vào hoạt động trong điều kiện còn hạn chế về cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực chủ yếu kiêm nhiệm, nhưng hệ thống Trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) và Trung tâm HTCĐ vệ tinh ở huyện Vĩnh Linh đã từng bước khắc phục khó khăn, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, chú trọng chất lượng theo hướng thiết thực nhằm triển khai nhiệm vụ liên kết hoạt động giáo dục ngoài nhà trường. Từ đó đáp ứng việc học của người dân ở mọi lứa tuổi, đặc biệt nhu cầu cần nghề gì học nghề đó, học để ứng dụng ngay của lao động vùng nông thôn.

Đọc và học tập từ sách trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân thôn Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang.

Thôn Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang có 174 hộ dân với 600 nhân khẩu. Trước năm 2015, hộ nghèo của thôn ở mức 16%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi được qua đào tạo nghề rất thấp. Cuối năm 2016, công trình nhà văn hóa xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng, trở thành điểm vệ tinh Trung tâm HTCĐ thôn Tân Mỹ. Có trụ sở, Trung tâm HTCĐ thôn Tân Mỹ tiếp tục huy động thêm nguồn lực đầu tư phương tiện nghe nhìn, mạng internet, tủ sách dùng chung... Đồng thời tăng cường hình thức khuyến khích, vận động người dân tích cực tham gia học tập, trang bị kiến thức, tay nghề tại trung tâm HTCĐ. Trung tâm kết hợp mở mỗi năm gần 5 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng, chủ yếu những ngành nghề mà lao động đang có nhu cầu học gồm: kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn, nuôi cá nước ngọt, nuôi giun quế; kỹ thuật xây dựng, điện dân dụng, chế biến món ăn…

Ông Phùng Thế Tuyền, Phó Giám đốc Trung tâm HTCĐ xã Vĩnh Giang, người quản lý điểm vệ tinh Trung tâm HTCĐ thôn Tân Mỹ cho biết: “Đến năm 2020, thôn Tân Mỹ đã cơ bản hoàn thành đào tạo nghề cho 100% lao động trong độ tuổi. Nhờ đó, người dân áp dụng kiến thức được học vào đầu tư sản xuất nông nghiệp đúng hướng, hoặc phục vụ tìm kiếm việc làm phù hợp vì đã được cấp chứng chỉ nghề, góp phần cải thiện kinh tế hộ gia đình, giảm số hộ nghèo trong thôn hiện chỉ còn 6/174 hộ. Ngoài hỗ trợ người dân bổ sung thêm kiến thức cần thiết trong lao động, sản xuất, trung tâm còn thành lập nhóm “Truyền thông tích cực vì cộng đồng”, thường xuyên phổ biến, cập nhật đến mọi người những nội dung, hiểu biết, thông tin mới gắn với đời sống hàng ngày, trên các lĩnh vực từ chính trị, pháp luật, văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe, dân số…”.

Tính riêng từ năm 2015 đến nay, Trung tâm HTCĐ xã Vĩnh Thái đã phối hợp tổ chức trên 50 lớp tập huấn nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật thu hút hơn 2.500 lượt người dân tham gia. Chị Nguyễn Thị Dịu, thôn Đông Luật chia sẻ: “Xã chúng tôi thuộc vùng bãi ngang nên hầu hết ngành nghề đều gắn với biển, tuy là những nghề truyền thống, tự học tự làm nhưng từ khi có trung tâm HTCĐ, bà con được tạo điều kiện học bài bản hơn, biết đến kiến thức mới nên ứng dụng vào làm việc đạt chất lượng hơn. Như nhiều hộ sau học nghề đã phát triển nghề đánh bắt thủy hải sản gắn với bảo vệ môi trường, nguồn lợi sinh thái biển; sản xuất nước mắm phơi công nghệ cao; trồng ném, trồng môn trên đất cát cho thu nhập gần 150 triệu đồng/ha. Chị em học kỹ thuật chế biến món ăn thì mở thêm quầy quán, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ẩm thực biển phục vụ khách du lịch”.

Đặc biệt không ít lao động trẻ ở Vĩnh Thái, từ kiến thức, công nghệ được tiếp thu mạnh dạn thử sức khởi nghiệp với một số nghề mới đem lại hiệu quả kinh tế, tiêu biểu có anh Nguyễn Văn Lưu, Nguyễn Quang Thủ (thôn Thái Lai) với nghề đóng thuyền composite; anh Nguyễn Quang Thanh (thôn Đông Luật), anh Nguyễn Quang Tuấn (thôn Thái Lai) sáng chế máy tời kéo thuyền lên bờ thay thế sức người; anh Hồ Văn Thuần (thôn Tân Hòa) mở xưởng mộc dân dụng… Trung tâm HTCĐ xã Vĩnh Thái cũng làm tốt công tác hỗ trợ học tập, giúp đỡ gần 100 con em đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài từ năm 2016 - 2022. Để ghi nhận, Trung tâm HTCĐ xã Vĩnh Thái được UBND huyện, Hội Khuyến học tỉnh, UBND tỉnh, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng nhiều giấy khen, bằng khen.

Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Linh Nguyễn Văn Hữu cho biết: “Toàn huyện Vĩnh Linh hiện có 18 Trung tâm HTCĐ xã, thị trấn và 193 Trung tâm HTCĐ vệ tinh tại các thôn, bản. Mạng lưới Trung tâm HTCĐ quan tâm củng cố, kiện toàn về tổ chức, tăng cường quản lý, chủ động trong việc liên kết mở lớp; đổi mới chương trình tập huấn, đào tạo sát với thực tế từng địa phương nên đã phát triển cả về đối tượng, số lượt người học. Kết quả phân loại năm 2020, có 15 Trung tâm HTCĐ xếp loại tốt, 3 trung tâm HTCĐ xếp loại khá; đến năm 2022, 100% trung tâm HTCĐ xếp loại tốt”.

Từ năm 2015 đến nay, tại huyện Vĩnh Linh, hệ thống Trung tâm HTCĐ cấp xã, thị trấn đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm GDNN- GDTX, Phòng LĐ-TB&XH huyện và các tổ chức, đoàn thể mở gần 390 lớp đào tạo, tập huấn, dạy nghề nghề ngắn hạn, chuyển giao công nghệ cho trên 11.500 lượt học viên là người lao động ở cộng đồng dân cư. Nội dung tập trung tuyên truyền về chuyển đổi số, tập huấn kiến thức sản xuất nông nghiệp gồm: kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy hải sản; chăm sóc cây hồ tiêu, cây cao su và các ngành nghề, lĩnh vực đang cần nguồn lao động như: may mặc, xây dựng, điện dân dụng, chế biến món ăn…

Hoạt động nền nếp, hiệu quả của mạng lưới trung tâm HTCĐ ở huyện Vĩnh Linh đã giúp người dân ở mọi lứa tuổi ý thức hơn về việc cần học tập thường xuyên, liên tục; tạo thuận lợi cho bộ phận lao động không có điều kiện đến trường học chính quy được học tập để phục vụ áp dụng vào quá trình phát triển kinh tế hộ hoặc tìm hướng chuyển đổi nghề nghiệp. Từ đây góp phần đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động vùng nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện Vĩnh Linh hiện đạt 66,05%, trong đó số người trong độ tuổi lao động có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 46,03%.

Nguyễn Trang

Bài viết liên quan