Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Phá thế độc canh trong phát triển kinh tế ở Vĩnh Ô

Nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm và không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nhiều năm qua, đồng bào Bru Vân Kiều ở xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh đã biết khai thác tiềm năng, biến khó khăn thành lợi thế, để triển khai nhiều mô hình kinh tế mới, hiệu quả. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây đã có chuyển biến tích cực. Nhiều hộ dân đã không chỉ thoát nghèo, mà đang từng ngày tích lũy, vươn lên làm giàu.

Trở lại Vĩnh Ô vào ngày cuối tháng 6/2023, anh Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình kinh tế điển hình trên địa bàn. Trong đó, có mô hình hình làm du lịch cộng đồng của anh Hồ Văn Thể (sinh năm 1989), ở thôn Thúc. Cách trung tâm xã Vĩnh Ô khoảng 1km, dọc theo trục đường bê tông phẳng lì, chúng tôi đến Suối Khe Thúc, nơi có dòng nước mát rượi, trong xanh chảy len lỏi qua những gốc cây, vách đá. Xuôi theo dòng chảy, suối Khe Thúc đưa nước về bản cho dân làng sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày và sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là địa điểm được anh Hồ Văn Thể lựa chọn để xây dựng điểm du lịch cộng đồng với 3 chòi nhỏ được dựng bằng tranh, tre, nứa, lá.

Anh Hồ Văn Thể cho hay: “Biết đến nhiều điểm du lịch cộng đồng do người đồng bào dân tộc đã làm trước đó như ở thác Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa; suối Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông, tôi thấy ở địa phương mình cũng có nhiều điều kiện, cảnh quan thiên nhiên sẵn có như ở các địa phương đó, và họ làm được, tôi nghĩ tôi cũng làm được. Với mong muốn quảng bá cảnh đẹp quê hương và văn hóa truyền thống đến với du khách gần xa, tôi đã vận động một số anh em trong thôn cùng tôi thực hiện ý tưởng của mình”.

Tại điểm du lịch cộng đồng này, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên và được thưởng thức dịch vụ ẩm thực bản địa với các món đặc sản như rau rừng, cá mát, gà nướng, hoa chuối luộc, xôi nếp, rượu cần. Mặc dù mới đi vào hoạt động từ cuối tháng 4/2023, nhưng điểm du lịch này đã thu hút khá đông lượt du khách đến khám phá. Theo chia sẻ của anh Hồ Văn Thể, trung bình mỗi tuần anh đón từ 4 - 6 đoàn khách, mỗi đoàn khoảng 7- 10 người. Hiện nay, trên địa bàn xã Vĩnh Ô có 3 điểm du lịch cộng đồng như thế này được xây dựng, mỗi điểm có 3 chòi đón khách, tập trung ở thôn Thúc và Bản 3.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng cho biết: “Tận dụng lợi thế về vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, riêng biệt trong văn hóa bản sắc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển du lịch cộng đồng được xem là một nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Dù mới hoạt động, mô hình du lịch cộng đồng tại Vĩnh Ô đã có dấu hiệu tích cực. Lượng khách đến tham quan ngày càng đông. Cách làm này cũng đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân địa phương, tạo cho người dân sự phấn khởi, giúp họ nỗ lực hơn nữa trong phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương”.

Nếu như trước đây, người đồng bào Vân kiều ở xã miền núi Vĩnh Ô, chỉ khai nương, làm rẫy và canh tác lúa, thì giờ đây, cùng với quá trình hội nhập, đặc biệt qua hơn một thập kỷ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, họ đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết học hỏi và khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế với nhiều mô hình tổng hợp, đa cây, đa con.

Đi thực tế tại mô hình kinh tế tổng hợp của ông Hồ Văn Mừng ở thôn Cây Tăm, chúng tôi được nghe ông Mừng kể, vào năm 2006, gia đình ông đã khai hoang 2ha đất đồi để trồng rừng tràm. Đến nay, gia đình ông phát triển diện tích rừng tràm lên 7ha và đã qua 4 chu kỳ khai thác. Bên cạnh đó, thả nuôi 18 bò nái sinh sản. Quá trình phát triển kinh tế, gia đình gặp không ít khó khăn nhưng mọi người trong gia đình ai cũng rất quyết tâm vượt khó để làm giàu. Hiện nay, mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.

Nhiều năm qua, tận dụng lợi thế về đất đai, người dân xã Vĩnh Ô, ưu tiên phát triển trồng rừng tràm và đẩy mạnh chăn nuôi. Hiện nay, diện tích rừng kinh tế toàn xã gần 1000ha. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, một số hộ mua sắm máy móc, xe tải phục vụ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và tiêu thụ sản phẩm. Mỗi năm, bà con thu hoạch hàng ngàn m3 gỗ, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất gỗ dăm trên địa bàn huyện. Với chăn nuôi, đối tượng chủ yếu là trâu, bò, lợn, gia cầm. Nhiều hộ gia đình chăn nuôi đàn trâu bò lên đến hàng chục con. Hiện nay, xã Vĩnh Ô có tổng đàn trâu bò lên đến 600 con, đàn dê 300 con, đàn lợn hơn 800 con. Nhờ đó, đời sống của người dân từng bước nâng lên.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô, Trần Văn Tặng thông tin thêm: “Thực hiện Đề án số 2050/ĐA-UBND ngày 12/11/2021 của UBND huyện về phát triển KT- XH, xây dựng nông thôn mới 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà giai đoạn 2021- 2025, với sự hỗ trợ của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, xã Vĩnh Ô đã tiến hành trồng thử nghiệm 2,8 ha chuối tại thôn Cây Tăm với tổng kinh phí gần 365 triệu đồng. Giống chuối được lựa chọn trồng thử nghiệm là chuối tây Thái Lan gồm chuối Thái, chuối sứ Thái. Dự kiến, sau khi xuống giống chỉ từ 10 - 12 tháng có thể cho thu hoạch và khai thác liên tục trong vòng 5 -7 năm mới phải trồng lại. Mỗi buồng chuối thường có 9- 10 nải, trọng lượng khoảng 40 kg, chất lượng đảm bảo nên rất được thị trường ưa chuộng. Đây cũng là một trong những mô hình mới hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương”.

Không còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài như những năm trước đây, bây giờ, nhờ sự tuyên truyền vận động của chính quyền địa phương, người dân trên địa bàn xã Vĩnh Ô đã nhận thức rõ ràng hơn về mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Họ đã biết phát huy tốt nguồn giống cây trồng vật nuôi được hỗ trợ; tận dụng tối đa diện tích đất để tập trung phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Mặc dù hiệu quả mang lại chưa cao so với vùng đồng bằng, nhưng những kết quả đạt được của xã Vĩnh Ô trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn là điều đáng phấn khởi. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở Vĩnh Ô đạt 28 triệu đồng. Hiện nay, Vĩnh Ô đã đạt 9/19 tiêu chí xây dựng NTM.

Về định hướng phát triển kinh tế trên địa bàn xã thời gian tới, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô, Trần Văn Tặng nhận định, dựa vào tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xã tiếp tục vận động bà con phát triển thêm diện tích rừng trồng, xây dựng các mô hình như chăn nuôi, trâu sinh sản, bò, dê, lợn bản. Xây dựng chuổi giá trị sản phẩm nông nghiệp bán tại chợ phiên và các chợ lân cận. Phấn đấu nâng mức thu nhập của bà con đến năm 2025 đạt 32 triệu đồng/người/năm.

Thêm một động lực mới trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế ở xã  Vĩnh Ô đó chính là chính quyền địa phương đã nỗ lực duy trì hoạt động hiệu quả của chợ phiên Vĩnh Ô được tổ chức vào ngày 19 hàng tháng trong năm. Cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp trong tỉnh, chợ phiên là nơi bày bán các sản phẩm nông sản đặc trưng, do chính người dân xã Vĩnh Ô làm ra. Đây thực sự là cơ hội để địa phương tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sản vật của địa phương, cũng như những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc. Qua đó, kích cầu phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Mỹ Hằng

More