Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc

Huyện Vĩnh Linh có 3 xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà với gần 3.600 người đồng bào dân tộc thiểu số tập trung sinh sống. Tại mỗi địa phương, đội ngũ người có uy tín đang ngày một khẳng định rõ vai trò quan trọng là “cầu nối” trong việc tuyên truyền những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân; động viên người đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa ở bản làng.

Vĩnh Linh khen thưởng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Vượt chặng đường hơn 40km, từ trung tâm thị trấn Hồ Xá, chúng tôi đến xã Vĩnh Ô, địa bàn miền núi xa nhất ở huyện Vĩnh Linh. Cách đây khoảng 15 năm, khi nhắc đến địa phương này, người ta nhớ đến ngay một khu vực biệt lập, muốn tới được trung tâm xã, phải mất rất nhiều thời gian vượt qua nhiều cung đường đèo dốc ghập ghềnh. Cuộc sống của người dân lúc bấy giờ vẫn còn vô vàn những khó khăn. Nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đồng hành hỗ trợ của chính quyền địa phương và đặc biệt là nội lực vươn lên của người dân, cuộc sống vật chất tinh thần của bà con đồng bào Vân Kiều nơi đây đã có nhiều thay đổi tích cực. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô, Trần Văn Tặng chia sẻ rằng: “Trong rất nhiều hoạt động liên quan đến kinh tế- xã hội ở địa phương, người có uy tín có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Xã Vĩnh Ô có 7 cá nhân là người có uy tín, họ đã luôn phát huy hết tinh thần trách nhiệm, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa bỏ những hủ tục, xây dựng đời sống mới”.

Chúng tôi tìm gặp chị Hồ Thị Hồng, sinh năm 1975, ở bản Xà Nin, người phụ nữ người dân tộc Vân Kiều đã tự tin thay đổi chính bản thân mình và truyền được cảm hứng làm thay đổi tư duy, nhận thức của đại đa số phụ nữ người đồng bào. Chị Hồng kể, năm 18 tuổi chị lập gia đình. Nhờ lấy được một người chồng hiểu biết nên cái khó bỏ qua một bên, gia đình chị tập trung làm nương rẫy, từ một gia đình nghèo khó tới một gia đình đủ ăn rồi thành gia đình khá giả trong đồng bào. Được sự tin tưởng của bà con, từ năm 2011- 2019, chị Hồng được bầu giữ chức vụ trưởng thôn. Đảm đương vai trò này, chị đã tích cực vận động bà con trong thôn tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, tuyên truyền làm cho chị em phụ nữ thay đổi tư duy, cách nhìn nhận về vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình, xã hội.

Chị Hồng bộc bạch: “Cuộc sống của bà con dân bản Vĩnh Ô hiện tại đã thay đổi rất nhiều nhưng khó khăn vẫn chồng chất khó khăn. Đời sống của đại bộ phận nữ giới cũng vì vậy mà còn vất vả; lớn lên thì lấy chồng, theo chồng, sinh con, làm rẫy. Chị em không có nhiều điều kiện để học tập, mở mang kiến thức nên trình độ học vấn còn thấp; chưa chủ động trong làm ăn kinh tế. Với mong muốn đời sống vật chất, tinh thần cho chị em được nâng cao, mình đã tích cực vận động chị em thường xuyên học hỏi, chủ động làm kinh tế; xóa đi tư tưởng trông chờ ỉ lại từ sự giúp đỡ từ bên ngoài hay dựa vào chồng, con. Đặc biệt tuyên truyền chị em thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình, sinh ít con để giảm áp lực trong nuôi dạy con cái... Thấy mình nói được, làm được nên có khó khăn gì ai cũng tìm đến hỏi để giúp đỡ và chỉ đường, dần dần như thế mình được bà con tin. Và đến năm 2021, thì được mọi người bầu chọn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”.

Về thôn Khe Cát, xã Vĩnh Khê nhắc đến người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của thôn, ai cũng biết đến ông Hồ Văn Làng (1949) bởi ông không chỉ là tấm gương sáng trong tham gia phát triển kinh tế gia đình, mà còn tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc trong thôn. Việc làm của ông tạo được những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống trong thôn, được cấp uỷ, chính quyền địa phương và cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao.

Ông Làng kể, trước đây ông từng là giáo viên, sau đó, chuyển công tác sang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khê. Khi về nghỉ hưu lại tham gia làm công tác trưởng thôn. Với vị trí đảm nhiệm, để làm gương cho bà con dân bản, ông luôn bảo ban, răn dạy con cháu trong gia đình chăm lo việc học hành; chủ động làm kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ấm no. Giờ đây, các con của ông đều đã trưởng thành, có việc làm ổn định. Trong đó có 3 người con công tác trong lực lượng vũ trang, 1 người giáo viên, 1 người công tác trong ngành điện lực. Bản thân ông Làng mặc dù tuổi đã cao nhưng rất chăm lo làm kinh tế. Hiện tại, ông đang canh tác 3 ha rừng tràm, 7 sào ruộng, 3 sào cây ăn quả và chăn nuôi trâu bò; nguồn thu nhập cũng đạt khoảng 70 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, ông tích cực vận động người dân tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi; giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp, văn hoá cổ truyền của dân tộc, thực hiện tốt hương ước, quy ước của thôn và được Nhân dân đồng tình ủng hộ, học hỏi, làm theo. Đến nay, thôn Khe Cát không có hộ nghèo; bà con dân bản ai cũng tin tưởng vào chủ trương của Đảng, Nhà nước và của chính quyền địa phương, đoàn kết chung sức xây dựng quê huưương, bản làng giàu đẹp. “Với trách nhiệm là NCUT, tôi nghĩ rằng muốn dân hiểu, dân tin thì bản thân phải làm gương trong các hoạt động, đi trước, làm trước, mọi người thấy được hiệu quả rồi thì sẽ học tập làm theo. Với bà con hàng xóm, mình cứ chân thành, cái gì biết thì tuyên truyền, chia sẻ, cái nào thấy chưa đúng thì bằng kinh nghiệm và hiểu biết của mình mà phân tích, góp ý cho mọi người hiểu, cùng nhau làm điều có ích, góp sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới”, ông Làng vui vẻ nói.

Huyện Vĩnh Linh có 3 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với gần 3600 người dân tộc thiểu số, đời sống của người dân còn gặp khá nhiều khó khăn. Huyện đã dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo dựng sinh kế cho vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn 3 xã miền núi có nhiều đổi thay, đời sống đồng bào Vân Kiều ngày càng cải thiện, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn, tình hình ANCT-TTATXH được giữ vững, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường. Kết quả này còn có sự đóng góp quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với người dân, là tấm gương sáng, đi đầu cùng với đồng bào Vân Kiều đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM. Đến nay, xã Vĩnh Hà đã về đích nông thôn mới vào năm 2021. Hiện huyện đang phấn đấu đưa xã Vĩnh Khê về đích NTM vào năm 2023, xã Vĩnh Ô về đích NTM vào năm 2024, góp phần xây dựng Vĩnh Linh trở thành huyện NTM trước năm 2025.

Để phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, thời gian qua, huyện Vĩnh Linh đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện có 78 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã được biểu dương khen thưởng. Những năm tiếp theo, huyện Vĩnh Linh thường xuyên rà soát, chăm lo, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, phương pháp vận động quần chúng, cung cấp thông tin cần thiết về tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước cho người có uy tín. Xây dựng cơ chế, chính sách để phát huy vai trò tích cực của người có uy tín, tránh tình trạng chỉ tranh thủ người có uy tín khi xảy ra vụ việc; quan tâm, nâng cao đời sống và phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tâm tư nguyện vọng chính đáng. Tạo mọi điều kiện để người có uy tín được nghiên cứu, nâng cao nhận thức và góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các đường lối chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng cuộc sống mới.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan