Chi tiết - Huyện Vĩnh Linh

Khơi sức trẻ, vượt khó làm giàu

Bằng tinh thần kiên định với con đường đã chọn, không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã tự tay gây dựng cho mình cơ nghiệp khiến nhiều người nể phục. Họ là những tấm gương sáng về phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương. Một trong số đó có anh Lê Vĩnh Long (sinh năm 1987), Phó Bí thư Chi đoàn thôn Hòa Bình, xã Hiền Thành.

Theo lời kể của anh Lê Văn Vĩnh, Bí thư Đoàn xã Hiền Thành, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của anh Lê Vĩnh Long. Với dáng vẻ chất phác, anh Long chia sẻ với chúng tôi về con đường khởi nghiệp đầy khó khăn của mình. Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, cuộc sống của gia đình khá vất vả. Tốt nghiệp THPT, do không có điều kiện tiếp tục theo đuổi con đường học vấn, anh rời quê hương, bươn chải khắp nơi tìm việc làm. Năm 2005, cùng với một số anh em khác, anh Long sang nước bạn Lào rồi Campuchia bắt tay với công việc làm thợ xây kiếm sống. Vất vả nơi đất khách, quê người gần 10 năm trời nhưng cũng chẳng thể có của ăn của để.

Anh Long bộc bạch: “Lang thang khắp xứ người rồi tôi cũng nhận ra quê hương mãi là chùm khế ngọt, dù khó khăn nơi đó vẫn luôn có gia đình, anh em, bè bạn. Chính vì vậy, năm 2015, tôi quyết định trở về quê tìm hướng làm ăn mới. Với số vốn ít ỏi chắt bóp được và kinh nghiệm sau bao năm làm xây dựng, tôi thành lập tổ đội nhận thầu xây dựng các công trình nhà ở của người dân. Làm nghề nào cũng không thể tránh khỏi những khó khăn, với một người là chủ thầu, tôi phải luôn học hỏi, tự cải thiện những kinh nghiệm tổ chức đội thợ, khả năng xoay vòng vốn, tính toán được khối lượng công việc, gầy dựng uy tín, tìm kiếm khách hàng cũng như đảm bảo công ăn việc làm cho đội thợ. Quả thật nếu lòng người quyết tâm thì trời không phụ, đến bây giờ công việc của tôi khá ổn định, công trình nhận được nhiều hơn, giúp tôi có thêm thu nhập và điều kiện chăm lo cho gia đình”.

“Bản thân tôi cũng xác định rằng mình gắn bó với quê hương là sẽ làm nông nghiệp, tuy nhiên làm như thế nào để có hiệu quả là điều mà tôi hết sức trăn trở. Sau nhiều suy nghĩ và nhận thấy tính khả thi từ các mô hình chăn nuôi ở địa phương, tôi quyết định “lấn sân” sang một mô hình mới nữa là chăn nuôi lợn”, anh Long chia sẻ thêm.

Cuối năm 2022, anh Long cùng liên kết cùng một người bạn đầu tư trên 250 triệu đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt với diện tích 170m2, quy mô nuôi 150 con/lứa. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi, nên đàn lợn ban đầu chậm lớn, có lúc bị dịch bệnh gây thiệt hại đến kinh tế. Ngay trong lứa nuôi đầu tiên, anh đã lỗ vốn lên đến 60 triệu đồng. Không chịu lùi bước trước khó khăn và với sự đồng hành, giúp đỡ của xã Đoàn, đầu năm 2023, anh được vay vốn 90 triệu đồng từ nguồn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, quyết tâm phát triển lại đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, thời gian rảnh rỗi anh đã tự đọc, nghiên cứu trên sách, báo về kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn lợn rồi đúc rút kinh nghiệm cho bản thân. Nhờ vậy, ở lứa nuôi sau, đàn lợn ít bị dịch bệnh, bán lại được giá. Mới đây, anh xuất bán lứa lợn đầu tiên trong năm khoảng 100 con có trọng lượng từ 70 - 80kg/con, với giá bán trung bình 55 ngàn đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí riêng bản thân anh cũng có nguồn thu 60 triệu đồng.

Cùng với chăn nuôi lợn, hiện anh Long còn nuôi ong Ruồi lấy mật. Anh Long chia sẻ: “Anh gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật cũng đã 10 năm nay. Ban đầu chỉ là một vài đàn nhỏ được bắt từ tự nhiên. Qua quá trình chăm sóc tốt, đàn ong phát triển nhanh, anh bắt đầu tách đàn. Đến nay, gia đình có 30 đàn ong. Mật ong có nguồn gốc tự nhiên nên giá trị dinh dưỡng cao, khách hàng rất ưa chuộng. Hiện nay, giá bán mật ong khoảng 600 ngàn đồng/lít. Mỗi năm với 3 đàn ong này cho khoảng 100 lít mật, gia đình cũng có nguồn thu 60 triệu đồng”.

Không chỉ mạnh dạn trong phát triển kinh tế, anh Long luôn năng động, đi đầu trong mọi hoạt động tại cơ sở. Trên cương vị là Phó Bí thư Chi đoàn thôn, anh chú trọng công tác thu hút, tập hợp, đoàn kết đoàn viên, thanh niên tham gia vào tổ chức đoàn, hội bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như ra quân vệ sinh môi trường, trồng hoa và cây trên các tuyến đường hoa thanh niên; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; tiên phong trong phong trào hiến máu tình nguyện; các hoạt động chăm sóc thiếu niên, nhi đồng tại địa phương.

Bí thư Đoàn xã Hiền Thành, Lê Văn Vĩnh cho biết: “Từ sự đồng hành của các cấp bộ đoàn và sự quyết tâm của chính mình, đoàn viên trẻ Lê Vĩnh Long đã chủ động nắm bắt cơ hội, định hướng cách làm hay, sáng tạo, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để vươn lên trong phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương. Với nguồn thu nhập trên 150 triệu đồng/năm, mô hình kinh tế không chỉ giúp anh Long có điều kiện chăm lo cho cuộc sống gia đình, mà đã trở thành động lực, truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ về ý tưởng lao động, không ngại khó, ngại khổ trên hành trình khởi nghiệp”.

Mỹ Hằng

Bài viết liên quan